Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, November 3, 2017

LA THỤY: TÁC PHẨM TÁC GIẢ - M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện thực hiện.


Bút hiệu :  LA THUỴ            
Tên thật :   Đoàn Minh Phú
Nghề nghiệp: Dạy học (vừa nghỉ hưu)
Hội viên Hội VHNT Bình Thuận.
Tác phẩm đã in Thơ Đời Ngân Vọng – NXB Văn Học 2014
Những tác phẩm đã in chung:
Tác Giả Thơ Việt Nam Đương Đại – NXB Thanh niên 2009 – Hoàng Hương Trang chủ biên
Những Bài Thơ Hay Và Lạ Xưa Và Nay (tập II) –NXB Văn Nghệ 2009 –Long Nguyên Trương Quang Nguyên chủ biên
Những Bài Thơ Hay Và Lạ Xưa Và Nay (tập III) –NXB Văn Nghệ 2010 –Long Nguyên Trương Quang Nguyên chủ biên
Thơ Hay Ba Miền – NXB Văn Học 2008 do BBT Thơ Hay Ba Miền chủ biên
In chung trong nhiều tuyển tập thơ khác

LA THỤY: TÁC PHẨM TÁC GIẢ
      M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện thực hiện.

Nói tới Quảng Trị là nói tới cái sự Kim Kiếm Điêu Linh vô cùng vĩ đại và gian khổ, sau cái Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 thì bà con ngoài Miềng ai còn sống sót thì lặng lẽ ra đi, kẻ tạm cư ở Sơn Chà "bãi biển Mỹ Khê trong Đà Nẵng" kế đến năm 1973 thì theo đoàn khai hoang lập ấp ở Hàm Tân Bình Tuy [ Phan Thiết Bình Thuận bây giờ ], người thì đi lên Di Linh Lâm Đồng Bảo Lộc, kẻ thì đi thẳng tới Phước Hải, Phước Tuy Bà Rịa , rồi Biên Hòa Đồng Nai, sau 1975  thì đi lên cả Buôn Mê Thuột, Gia Lai, Kon Tum, người thì đi Kinh Tế Mới Cà Tum, Đồng Ban, tỉnh Tây Ninh, y chang thơ của nhà thơ Vĩ Đại Hạc Thành Hoa :

          Năm ngón chân phía trước
          không ngón nào phía sau ?
          sao có người xuôi ngược
          suốt một đời lao đao ?

Ở chốn quê hương mới Lagi Hàm Tân này, có hai người là đồng môn đồng khoai (cùng trường), "đồng hương đồng khói (cùng làng) với người viết bài này là Trần Minh Tạc cùng lớp, năm đệ ngũ niên khóa 1956-1957 tốt nghiệp ngành Sư Phạm Giáo Hòn, còn nhà thơ La Thụy thì sau 1975 tốt nghiệp thành Giáo Viên, bây giờ sống gọi là Thầy Giáo, mơi mốt thác thành Ma Giáo... Phan Thiết "Bình Thuận" tên cũ của đế quốc Champa là Panduranga thành lũy cuối cùng của dân tộc Chăm, nơi mà quy tụ tất cả các thân vương quý tộc của 4 dòng họ vua Ung Ma Trà Chế để chơi ván bài chót với người bạn kết nghĩa láng giềng là Đại Việt, ôi Lịch Sử cũng chả nên phê phán mà làm cái gì ?  Cũng chỉ bắt chước nhà Nho Ngô Thời Nhiệm than lên rằng thì là :
"gặp thời thế, thế thời, phải thế ? "
Và thơ của nhà thơ Đương Đại La Thụy viết cái gì ?

            Lâng lâng tình đang lên khơi
            Hồ xừ xang lòng chơi vơi canh dài
                                             (Hồ Cầm)

            Chồn chân dừng bước bên cầu
            lặng nhìn nước chảy nuối màu tóc xưa
            cánh buồm lộng gió ước mơ
            băng qua sông biển cập bờ nơi nao?
                                    (Tự cảm cuối năm)

            Nghiêng chiều rót mãi thơ buồn rụng
            dốc nắng lắng hoài mộng đẹp qua
            chếnh choáng mạch sầu càng ứ đọng
            hoàng hôn bảng lảng chạnh lòng ta.
                                            (Chạnh lòng)

Nói theo nhà văn Duyên Anh, nhà văn thuộc vào loại "Tiền Đương Đại" thì những câu thơ của nhà thơ La Thụy được liệt vào loại Thơ Tuyệt Cú Mèo, câu thơ nào cũng hay câu thơ nào cũng tuyệt, chữ cũng mới mẻ và tài tình, trau chuốt nữa. Ngoài Miềng tức Châu Ô cận lục (Phủ Hải Lăng), Doanh Quảng Trị là một trong Ngũ Quảng thời vua Gia Long, bây giờ là Quảng Trị, văn tài võ tướng cũng khá nhiều, anh hùng hào kiệt cũng lắm lắm, người viết chỉ biết chút đỉnh về bộ môn Văn Chương Nghệ Thuật, những bộ môn khác không dám lạm bàn tới, thời tiền chiến thì có Nhà Thơ Nhà Giáo Phan Văn Dật người Đạo Đầu, nơi đây còn có Nhạc Sĩ Nguyễn Hữu Ba, hai danh tài của  Quảng Trị, sau năm 1954 thì có nhà thơ Vân Sơn Phan Mỹ Trúc gọi thi sĩ Phan văn Dật là chú, và nhà thơ Phan Phụng Thạch gọi thi sĩ Phan văn Dật là bác, đến gần năm 1960 thì có các anh như Tuệ Chương Hoàng Long Hải, anh Lê Đình Cương chú (tức nhà thơ Linh Diệu), anh Lê Đình Học cháu tức nhà biên khảo Khúc A Đình, rồi Thạch Nhân Trần Đình Bé, Vàng Hà Nội Đặng Sĩ Tịnh, Triều Sao Dại Nguyễn Hoàng Đoan cũng đã trở thành những nhà thơ Tiền Đương Đại (có nghĩa là đã về bên kia thế giới mà sáng tác thơ văn) còn người viết bài Tác Phẩm Tác Giả này và nhà thơ Lừng danh số một Sương Biên Thuỳ [Tức Lê Mai Lĩnh Lê Văn Chính] cũng đang trên con đường "đang sống chuyển qua từ trần" chưa biết ra đi ngày nào ? Hiện đang ngồi trên Niết Ghế, mơi mốt thác rồi thì leo lên Niết Bàn "tức bàn thờ mà ngồi".

            vọng âm tiếng khóc sơ khai
            mênh mang tro bụi cõi người hoá thân
                                                      (Thụy du)
            xa xăm nhòa ánh trăng rằm
            niềm đau đan phủ bụi lầm xác thân
                                  (Rong ruổi trời say)

Kẻ viết là người cùng lớp với Phan Phụng Thạch, Đoàn Minh, người trước là thầy của La Thụy, người sau là chú ruột của nhà thơ La Thụy (tức Đoàn Minh Phú). Năm nay kẻ viết bài này cũng đã 76 tuổi rồi ? Chắc nay mai cũng phiêu diêu miền cực lạc, về làm thơ Xướng họa với Thạch Nhân, Phan Phụng Thạch, Đặng Sĩ Tịnh, xin có lời ngợi ca La Thụy "hậu sinh khả úy " gắng lên các bạn, vừa làm thơ vừa ngâm thơ, sao mà người ngoài xứ Miềng nhiều tài đến như thế ? 
 Bài viết mang tính cách cục bộ kỷ niệm giữa cá nhân với nhau, không có tính cách khách quan văn học văn hiếc gì cả ? Mọi sự khen chê hoàn toàn do cảm tính địa phương chủ quan.

                               M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện


SAU ĐÂY LÀ PHẦN TRÍCH DẪN THƠ LA THỤY:

HỒ CẦM
Vang đêm thanh hồ cầm ngân
Trăng ngà giăng tơ cung trầm buông lơi
Lâng lâng tình đang lên khơi
Hồ, xừ, xang… lòng chơi vơi canh dài.
Mơ hồ hồn xưa liêu trai
Mồ thu hoang vu chừ ai u hoài
Vương mang chi, đàn ngân dài
Lưu dư hương… ồ trang đài về đâu!
Tương tư sao, đàn dâng sầu
Say men nồng hay say màu thời gian
Vời chân mây, nhòa non ngàn
Bâng khuâng heo may, mơ màng hơi thu.
Ai phiêu diêu trong sương mù
Người muôn năm… từ thâm u quay về.
Trần gian kia còn si mê?
Hồ cầm cao cung, thương hề niềm xưa
Rơi rưng rưng từng âm thừa
Sao trời lung linh đường tơ chìm dần.
  
THÙY HIÊN

Chiều tàn sương lung linh
Vườn hồng mơ chim xanh
Thùy Hiên, em trong vườn
Bừng lòng bao là thương.

Môi hồng gieo buồn vương
Mơ hồ chờ anh hôn
Lâng lâng và chơi vơi
Yêu em không còn lời.

Hồn chiều in lên mi
Thuyền tình xuôi mây đi
Ồ nàng hay sao trời
Thiên hà hay trùng khơi?

Hồn anh dâng bâng khuâng
Đàn lòng sao ngân vang
Cung trầm rung miên man
Lời trên môi thì thầm.

Lời chiều muôn năm xưa
Òa tràn trăm sông thơ
Mênh mang tà huy bay
Thùy Hiên vàng trăng gầy.

NGÀY CÁ THÁNG TƯ

Anh rất yêu em
Mong rằng biển cứ xanh
Và CÁ mãi cứ tươi
Trong tháng TƯ ngày MỒNG MỘT
Để chúng ta được nói dối ngọt ngào.

Không ai phải hờn ghen giận dỗi
Dù là chồng em hay vợ anh – cũng thế
Dù thật sự
Có những phút ngoại vợ ngoại chồng
Mà hình như ai cũng có
Ngay nhà thơ Thuận Hữu
Chắc cũng đắn đo
Khi viết ra điều đó!

Anh lại nói to cùng hoàng hôn
Anh yêu em hơn nữa kia nhé!
Dù gió có chuyển lời tình tự
Hay mây mang lời giận dỗi
Dù mưa nắng thất thường
Như tính tình em
Yêu giận ghen hờn
Đổi thay từng buổi.

Anh xót lòng vì hôm nay
"Em buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận
Sao chẳng là nước biển"*
Như thơ Nguyên Sa anh thuộc.

May rằng CÁ không ươn
Vì ngày MỒNG MỘT tháng TƯ
Không đòi lỗi chuộc
Khi mọi người đua nhau nói dối.
*Thơ Nguyên Sa

TỰ CẢM CUỐI NĂM

 Dặm trường rong ruổi ngựa phi           
Thời gian vút cánh xuân thì hụt hao
Chồn chân dừng bước bên cầu
 Lặng nhìn nước chảy nuối màu tóc xưa
 Cánh buồm lộng gió ước mơ
 Băng qua sông biển cập bờ nơi nao ?
 Vọng âm sóng vỗ dạt dào
 Bên chiều đông tận nắng đào dần phai
 Hoa tóc sương muối đang cài
 Tàn niên tự cảm thoảng bay tiếng lòng 

THỤY DU

Ta,
Gã mù huơ gậy đồi hoang
Sờ soạng từng dấu chân.
Soãi bước
Thụy du nhẹ nâng gót
Giữa thẳm đen chừng đang lóe chớp
Cánh chim hồn chấp chới
Tiềm thức mịt mù sóng bủa
Vọng về trong hư ảo
Rờn rợn tiếng hú hoang sơ
Khắc khoải uất u của vượn người xưa cũ.

Hồn thiêng sơn dã gọi bình nguyên
Vạn năm thẳm đọng triền miên mộng dài
Vọng âm tiếng khóc sơ khai
Mênh mang tro bụi cõi người hóa thân.
Hồng hoang - Đương đại
Vượn với Người
Hồn liệng chung chiêng.

RONG RUỔI TRỜI SAY

Sầu dâng phủ giấc muộn phiền
Hồn hoang nghẽn lối tìm quên trăng vàng
Sáng ra mình mãi lang thang
U uất mấy nhịp cơ hàn ai hay.
Chừ đây tay vẫn trắng tay
Phú sao tưởng mộng ăn mày vu vơ
Ngửa tay nếm chút dại khờ
Dìu nhau bạn hữu vài giờ lất lây.
Thanh bần hằn vết chua cay 
Ô hay trôi mất chân mây mộng đời
Mạch sầu hiu hắt làn môi
Đẫm thơm men rượu, dệt lời thơ bay.
Thả hồn rong ruổi trời say
Nghênh ngang gõ nhịp hao gầy tháng năm
Xa xăm nhòa ánh trăng rằm
Niềm đau đan phủ bụi lầm xác thân. 
Chừ cho trái đất xoay vần
Trong ta tuôn chảy vô ngần bơ vơ.
                                     1988
(Cùng Hoàng Hữu Bản nối vần trong cơn say)

TRANH TỐ NỮ

Người đứng đó vai gầy tóc liễu rủ
Môi bồng bềnh chao cánh võng nghiêng lơi
Mắt thẳm đọng sóng hồ thu nhẹ vỗ
Chớm u hoài mộng tỏa vút ngàn khơi.

Thân đọng gió lung linh ngàn phấn bướm
Dưới sương mờ diễm ảo nét mi lay
Xiêm áo mỏng ủ men tình thắm đượm
Tiếng hồ cầm huyền hoặc dáng liêu trai.

Ta níu mộng để lòng hoài phơi mở
Thoáng ơ thờ, tình vẫn mãi đong đưa
Trăng xế bóng, thời gian đành hẹn lỡ
Cung tơ trầm đồng vọng nuối âm thừa.

CUỐI NĂM ÂM LỊCH
(Cảm đề thơ Đá Ngây Ngô)

Xuân về lâng lâng nào nhờ gió chở
Đáy cốc vênh hay rượu ngấm ngã nghiêng
Thèm trái cấm lòng vướng bận nghiệp duyên
Loan phụng múa tình ai đang khép mở.

Mắt xanh trắng tri âm còn níu mộng
Bến xuân ơi lưu luyến cõi trời xưa
Sương khói phủ bâng khuâng xuân không mùa
Thầm nguyện ước cho nguồn yêu mở rộng.

Ngọn nến ấy lung linh trời ảo diệu
Hương xưa nào thoang thoảng ủ tình mơ
Để ngây ngất tình tràn thơm men rượu
Hào sảng cười đồng vọng đá ngây ngô.
                  
 CHẠNH LÒNG

Hoàng hôn bảng lảng chạnh lòng ta
Chung rượu đầy vơi đượm bóng tà
Tráng khí ngày nao dường úa lạnh
Hùng tâm thuở ấy chợt trôi xa.
Nghiêng chiều rót mãi: thơ buồn rụng
Dốc nắng hứng hoài: mộng đẹp qua
Chếnh choáng mạch sầu càng ứ đọng
Hoàng hôn bảng lảng chạnh lòng ta.

                                     LA THỤY

No comments: