Người ta nói Bùi Giáng là nhà thơ điên, tôi không biết ông
có điên hay không, hay tại vì ông quá trổi hơn đời nên đời nói ông điên. Mỗi khi đọc thơ Bùi Giáng tôi lại nhớ đến
những bài thơ ngắn của một nhà thơ hiện nay, mà tôi chỉ biết qua thơ và qua vài
lần điện thoại: Nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa.
Với tôi, Lê thiên Minh Khoa là nhà thơ lạ đời. Khoa lạ đời ở
chổ có mái tóc bồng bềnh trên khuôn mặt toàn xương mà nhìn vào thấy ngay mình
rất dễ làm thân, lại có giọng nói ngập ngừng… mà nghe thấy hay như những bài
thơ.
Những cảm nghĩ của tôi về Khoa có lẽ chủ quan nhiều vì do
tôi yêu thơ Khoa cũng như một thời tôi yêu thơ điên Bùi Giáng. Lê Thiên Minh
Khoa có nhiều bài thơ hay, có bài đã được đưa vào làm giảng văn trong nhà trường,
nhưng những cái đó thì cũng như những nhà thơ thành danh khác. Cái lạ đời khác
của Lê Thiên Minh Khoa đối với tôi là những bài thơ ngắn. Những bài thơ ngắn
của Khoa không rắc rối ngữ từ như thơ Bùi Giáng, không “tối nghĩa” như thơ Bùi
Giáng, nó như vọt miệng nói ra mà sao đọc rồi cứ nghe nhưng nhức trong người
như có một vết thương chẳng chịu lành, cứ nghe khang khác trong lòng giống như
có điều chi mắc mứu mà không thể nào giải được.
Để khóc cho người
bạn cũ đã qua đời, Lê Thiên Minh Khoa viết như sau:
Ba mươi năm trở lại
Bạn cũ mất lâu rồi
Hạt muối từng cắn đôi
Hạt đường chia không được!...
(
Thăm bạn cũ)
Đọc bài thơ nầy tôi nhớ đến ông bà tôi, cha mẹ tôi và tất cả
những người già thân yêu của tôi đã từng nói câu nầy (Hạt muối cắn đôi) trên
cửa miệng. Từ đó, một cách mơ hồ tôi liên tưởng đến quê tôi với làng với thôn
với rơm với rạ, với những cánh đồng bát ngát lúa xanh... Lê Thiên Minh Khoa đã
dùng lại lời nói chơn chất mộc mạc của biết bao thế hệ người già để đưa vào thơ
mình, trở thành những câu thơ đầy ẩn dụ, đọng lại nỗi cay đắng, phi lý, dang
dở, thương tâm lay động đến chiều sâu tâm thức của con người. Ai không tin tôi,
xin hãy đọc lại bài thơ nhiều lần sẽ thấy lòng mình rưng rưng là có thật.
Rồi để nói về việc
làm thơ, Lê Thiên Minh Khoa không dùng đến con tằm nhả tơ mà dùng đến con lắc
đong đưa dao động:
Nỗi
trăn trở
niềm si mê
treo vào câu chữ
Như
dao động con lắc
cứ
đong đưa
rồi
dừng lại
thành thơ
( Dao động thơ)
Sự trăn trở khi sáng
tác của nhà thơ giống như con lắc, khi
con lắc dừng lại thì thơ xuất hiện. Con tằm nhả tơ xong con tằm chết, con lắc
dừng lại cũng là con lắc chết, thi sĩ trăn trở, si mê, treo vào câu chữ để
thành thơ thì chắc chắn không khác chi con tằm, không khác chi con lắc kia. Con
lắc chết là không còn dao động, thi nhân chết là cảm hứng không còn . Minh Khoa
cho thơ thành hình khi con lắc đứng yên. Như thế thơ là sự vắt kiệt những dao
động tâm hồn, là khi biên độ của suy tư bằng không để cho câu chữ thoát xác
thành ra tác phẩm với đời. Như thế khi thơ hình thành thì sinh lực triệt tiêu,
sự chết đến khi tâm hồn cật lực suy tư. Minh Khoa không cho thơ thăng hoa trong
vinh quang mà đặt thơ vào quá trình sáng tác vừa trăn trở vừa dằn vặt, vừa quanh
quẩn miệt mài và buồn vô hạn khi con lắc ngưng đong đưa. Như thế, Minh Khoa lột
tả hết nội tâm của người làm thơ, của phút giây im lặng khi con lắc dừng đong
đưa chết cho thơ sinh nở, và nhà thơ như người mẹ vừa lâm bồn xong đã bán con
mình vào đời cho mưa gió phũ phàng.
Và để tả Tháp Chàm, Minh Khoa đã viết:
Chuyện cũ rì rầm đất
Chiều
xưa mây nổi trôi
Tháp Chàm nghiêng nắng đỏ
Nhói
lặng một góc trời
(Tháp Chàm)
Toàn bộ phong cảnh ở
đây đều trầm mặt. Bà Huyện thanh Quan viết về hoàng thành hoang phế như sau:
Dấu
xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền
cũ lâu đài bóng tịch dương
( Thăng Long
thành hoài cổ)
Cảnh của bà Huyện thanh Quan cũng buồn nhưng màu sắc đẹp nên
thơ. Cảnh Tháp Chàm của Minh Khoa cũ kỷ đến rợn người. “Chuyện cũ rì rầm trong
đất” như tiếng của ma, “ Chiều xưa mây nổi trôi” như tấm lụa của người thiên
cổ, “ Tháp Chàm nghiêng nắng đỏ” như con mắt khóc nhớ thương, và “ Nhói lặng
một góc trời” mơ hồ như lịch sử xa xăm. Ôi! Đọc bài thơ như đi trong vùng đầy
âm khí, tuy thế không mấy ai không thích ngắm và nghe âm cảnh, âm vọng kia để
trầm tư hoài cổ. Chỉ bốn câu thơ ngắn gọn, nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa không nói
đến “tháng ngày mòn mong đợi”, không nói đến “ tượng Chàm lở lói rỉ rên than”
mà vẫn nghe thấy tiếng lòng ma Hời trong di tích cổ xưa.
Và Lê Thiên Minh Khoa cũng có lúc lên cơn vì
tình, không như Bùi Giáng nhưng cũng có thể gọi là điên, cái điên của những kẻ
lạ đời:
Từ trong góc núi lên cơn
Về góc phố hỏi em còn đó chăng
Ngó lên ngó xuống ngó quanh
Uống ly đen nóng lại băng về rừng.
Hôm sau thèm được lên cơn
Về góc phố hỏi còn không cô nàng …
(Lên Cơn)
Lên cơn là triệu chứng của sự co giật. Minh Khoa không lên
cơn ở cơ thể nhưng lên cơn ở tâm hồn.
Anh biết phương thức làm hạ không cho co giật. Đó là về góc phố thăm em. Cái lạ
của bài thơ là chỉ nơi nàng ở đã chửa được bệnh lên cơn của chàng. Câu thơ “Ngó
lên ngó xuống ngó quanh” chứng tỏ là không có nàng ở đó nên đành phải uống một
ly đen nóng lại băng về rừng. Thế mà hôm sau lại thèm lên cơn nữa. Bài thơ
không cần giải thích thì ai cũng biết đây là anh chàng yêu dại yêu khờ, yêu như
ma đuổi. Phải hiểu rằng tác giả đã biết không có nàng ở đó nhưng cơn động kinh
thôi thúc phải đi. Còn nếu đến đó rồi mới biết vắng nàng thì bài thơ thường
tình và sự lên cơn cũng bình thường như bao người yêu khác. Nhà thơ lặp đi lặp
lại các chữ “em còn đó chăng”, “ còn không có nàng” thể hiện về sự ảo tưởng
nàng vẫn chưa đi, nàng còn quanh quất đâu đây nơi góc phố. Câu thơ “Hôm sau lại
thèm được lên cơn” thể hiện bệnh đã thành mãn tính đến cử lại lên. Đọc bài thơ
ta thấy hiện lên một anh chàng cuồng si chạy đi rồi chạy về giữa rừng và phố,
giữa phố và rừng, theo đuổi một tình yêu không tưởng, nhưng trong đó cũng hiện
nguyên hình chính ta, có điều cường độ yêu trong ta chỉ bằng góc nhỏ của Minh
Khoa . Đọc bài thơ ta thấy chất nghệ sĩ khùng khùng thật đáng yêu, và trong ta
biết bao xao xuyến trong lòng khi liên
tưởng cuốn phim quay cảnh đi, về của anh người rừng làm thi sĩ đang yêu.
Thơ ngắn Lê Thiên
Minh Khoa còn nhiều, nếu tôi viết hết thì sẽ rất dài trang giấy. Hy vọng giới
thiệu một vài bài thơ ngắn của Khoa để mở cửa cho ai đó đi vào vườn thơ, ngắm
hoa đơn sơ mà hương thơm` đậm đà thi vị và lạ lẫm biết bao .
Châu
Thạch
Mời xem thêm:
Chùm thơ ngắn Lê Thiên Minh Khoa
TRĂNG, EM VÀ TÔI…
1.
Còn lại cùng tôi đêm đêm
Là trăng xa xôi, thinh lặng
Kề bên
2.
Và em
Kề bên, thinh lặng
Xa xăm...
ĐÊM VÀ GIÓ
1.
Đêm đen như hòn than
Lòng đêm âm ỉ cháy
Là tôi
2.
Chỉ chút gió hé môi
Cũng bừng lên ngọn lửa
Là Em.
NỬA ĐỜI
Nửa đời
mình gặp được nhau
Nửa đời
má nhợt
tóc nhầu
môi phai
Nửa đời
nắng xế
mưa mai
Nửa đời còn lại
cho ai.
Nửa đời…
TỰ HỌA (IV)
sáng mai thấy ta vẫn còn
buồn năm phút tại Diêm Vương nuốt lời
ta không là kẻ chán đời
là ta chán ngán làm người
như ta.
ĐI – VỀ
Tặng Mặc Phương Tử
Người đi am bặt kệ kinh
Nhãn lồng chín rụng lặng thinh hương chờ
Người về bồ tát làm thơ
Khói tòa sen nhập nhòa bờ sắc – không
CHO CÔ GÁI BỤI ĐỜI Ở CÔNG VIÊN CHỢ ĐÀ LẠT
Bỏ nhà lăn lóc công viên
Nát nhàu thân xác giữa triền miên mưa
Trong em còn nét ngọc xưa
Trong tôi còn chút thẫn thờ
mà đau!…
VỀ HUẾ
Sáng nắng thiêu núi Ngự
Chiều mưa tràn sông Hương
Tối trăng lên Vĩ Dạ
Khuya tìm em mù sương
GẶP HAI LOÀI HOA Ở ĐÀ
LẠT
Tím bìm bìm hoang dại
Lặng lẽ chốn phồn hoa
Tím ti-gôn quý phái
Lạc bên suối hoang sơ...
CÒN LẠI…
Tặng
Nguyễn Trọng Tạo
Rồi Tiên cũng bỏ Ta bà
Phòng văn còn một Ta và Ma thôi
Đầu hè một Quỷ lơi bơi
Phật vỗ vai Chúa trốn đời chơi hoang
CHẲNG LẼ…
Em lỡ gọi chanh đường
Nên anh uống cà phê đen mà không hút thuốc
Và, không lẽ tình yêu chúng mình như hai ly nước?...
DẤU LẶNG
Lén nhặt hòn đá Núi Dinh
Mai về quà em để nhớ
Hiếm hoạ núi đồi xuống phố
Dấu lặng chút tình cho nhau ...
Núi Dinh Bà Rịa,
viết khi đợi nhà thơ Vũ Xuân Hương ký hoạ
VÀ ANH…
Và anh rượu uống bây giờ
là trăm năm rớt bên bờ tử
sinh
Và anh rượu uống một mình
là anh uống với bóng hình em thôi
Và anh chén rượu mồ côi
là tôi cộng lại với tôi hai người
Và anh chén rượu em mời
là em cộng với tôi rồi bằng không
Và anh ngó em tắm rằm
xiêm y rớt xuống, bóng trăng say mèm
BÃI CÁT PHƯỚC SA (*)
Trắng xoá cát trước mắt
Chi lạ lòng xót xa
Cỏ mộ sao lướt thướt
Chim rặc rặc(**) tìm chi ?
(*) một làng ở Đông Gio Linh , Quảng Trị .
(**) tiếng địa phương: một loại chim sẻ .
No comments:
Post a Comment