Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, June 14, 2013

Châu Thạch - Đọc “CỌNG RƠM VÀNG”, thơ Võ Văn Hoa



CỌNG RƠM VÀNG

Anh về thăm nhà
Quê mình đang vào mùa lúa chín
Thơm cọng rơm vàng !

Anh qua xóm Làng
Đất ngấu bùn cuống rạ
Gánh thóc về muôn ngã
Em nói gì em ơi !


Anh đến Hộ Phiên, Ruộng Đìa, Thượng Đạc
Biển lúa vàng mênh mông
Chiền chiện, dế  mèn ngân lên khúc hát
Vỡ oà trong anh tuổi ấu thơ  hồng.


Anh thương từng cọng rơm
Ủ anh mùa động biển
Anh thương từng bát cơm
Mẹ độn nhiều khoai sắn


Con chúng ta hiểu mơ  hồ về xe đạp nước
Chưa hiểu thế  nào về đất gan gà
Chưa biết móng chân của mẹ, của bà
Chua phèn đóng váng. 


Anh về thăm nhà
Muốn em và con ôn từng kỷ niệm
Thời mẹ đẻ cha sinh, thời hàn vi lận đận
Ta lớn lên từ cọng rơm vàng.. 
                                            
22/04/2003
Võ Văn Hoa



Lời bàn:  Châu Thạch 

Người nghiện rượu khi thèm thì phải uống. Tôi không nghiện rượu nhưng lại nghiện đọc thơ có khác chi nghiện rượu. Khi thèm thơ tôi lên mạng và lướt web, tìm những bài thơ hay để nhâm nhi thưởng thức. Hôm nay, bài thơ “Cọng rơm Vàng” đập vào mắt tôi. Tôi dừng lại với bài thơ hơi lâu, rồi tôi bỏ qua, rồi tôi quay lại, Có cái gì bình dị trong bài thơ tưởng như bình thường lại níu kéo tôi, khiến tôi dần dần ngửi được hương thơm của cọng rơm vàng, nghe được tiếng kêu của chiền chiện, dế mèn và thấy được cả móng chân đóng phèn của mẹ của bà. Bài thơ nói về cọng rơm vàng, thì chính nó đã là một cọng rơm vàng . Đọc bài thơ tưởng thơ tầm thường như một cọng rơm, nhưng vàng ở trong thơ chẳng khác chi màu vàng của cọng rơm đồng nội: nhẹ nhàng, thơm tho, tinh khiết của gió của trăng, của làng quê yêu dấu.

 Có những thi sĩ làm thơ, dùng từ như dùng chiếc búa tạ, nhưng cũng có những thi sĩ như Võ văn Hoa, làm thơ dùng từ như dùng những cọng rơm, mà thơ vẫn đi vào lòng người.

Đọc ba dòng đầu, ta có thể tưởng như không phải là thơ, vì lời của nó dung dị mà ai cũng nói được:
                             
                Anh về thăm nhà
                Quê mình đang vào mùa lúa chín
                Thơm cọng rơm vàng!

Cái khác với người thường là thi sĩ đã dùng câu “Thơm cọng rơm vàng!” để sau câu “Quê mình đang vào mùa lúa chín”. Người ta thường đề cập đến mùa lúa chin với những câu văn như lúa vàng trĩu hạt, thơm ngát cánh đồng… chứ không ai chỉ thấy cọng rơm nhỏ nhoi. Thế nhưng ở đây tác giả đã nhấn mạnh cái tiểu tiết để nói lên cái toàn bộ. Tác giả dùng phương pháp mô tả ước lệ đến tối đa để người đọc hình dung được trong trí mình cả vụ mùa thu hoạch và cả niềm vui tràn ngập lòng người ở đó cũng như lòng người đang trở lại thăm quê. Nếu xem câu thơ “Cọng rơm vàng” như một bức tranh, thì đây là một bức tranh tỉnh vật chỉ vẽ có cọng rơm vàng, nhưng tác động của nó sống động, khiến ai nhìn cọng rơm cũng nghĩ đến vụ mùa, đến quê hương yêu dấu của mình.
 
Bây giờ mời đọc tiếp:
       
                Anh qua xóm làng
                Đất ngấu bùn cuống rạ
                Gánh thóc về muôn ngã
                Em nói gì em ơi!

Thật là hơi lạ khi đang tả cảnh nhộn nhịp vui mắt diễn ra giữa cánh đồng lại đột nhiên hỏi: “Em nói gì em ơi!”

Thế nhưng câu thơ “Em nói gì em ơi!” có dấu chấm than lại tỏ bày hết niềm vui nôn nao trong lòng tác giả. Niềm vui nôn nao sẽ được nhân lên nếu có người thân thương bên cạnh để thổ lộ ra gay,  Võ văn Hoa đã gọi em và tiếng gọi yêu dấu ấy đã làm cho vế thơ đầy ý nghĩa, bức tranh  cánh đồng mùa gặt linh hoạt mang cả hồn cảnh, hồn người quyện lẫn trong nhau.
 
Đoạn tiếp của bài thơ chỉ  tả những cánh đồng quê:

               Anh đến Hộ Phiên, Ruộng Đìa, Thượng Đạc
               Biển lúa vàng mênh mông
               Chiền chiện, dế mèn ngân lên khúc hát
               Vỡ oà trong anh tuổi ấu thơ hồng.

Vế thơ nầy cho biết tác giả đã ở lại lâu ngày  để thăm viếng quê hương. Anh đến những cánh đồng, nghe lại thanh âm quen thuộc của miền quê và tìm lại niềm vui của tuổi ấu thơ. Những cái tên Hộ Phiên, Ruộng Đìa, Thượng Đạc tuy ta không biết ở đâu nhưng vẫn thấy có gì thân thuộc, và chiền chiện, dế mèn thì mới nghe đã thấy ấm lòng. Ở vế thơ nầy tác giả đi sâu vào lòng nông thôn và đưa vào lòng người một khung trời êm ả bằng màu sắc, bằng âm thanh và bằng cả tiếng lòng mình, để rồi tiếp tục thổ lộ những yêu thương giữ mãi trong lòng:  

              Anh thương từng cọng rơm
              Ủ anh mùa động biển
              Anh thương từng bát cơm
              Mẹ độn nhiều khoai sắn


Nhớ và yêu thời gian khó, đó là tâm trạng chung của những ai người gốc nông thôn phải định cư nơi thành thị.

Dầu họ được hưởng tiện nghi nơi đô hội nhưng tìm đâu ra hoa đồng cỏ nội, trăng thanh gió mát cho tâm hồn yên tịnh và những dấu yêu cùng cha mẹ, anh em, dòng tộc. Võ văn Hoa cũng thế, anh không quên cọng rơm mùa động biển . Rơm có thể dùng để đốt lửa nấu cơm, sưởi ấm. Rơm cũng cõ thể dùng lót nằm trong những đêm đông giá rét. Rơm đã sưởi ấm thân thể người khi khó khăn và sưởi ấm lòng người khi kinh tế đã đầy đủ, dư thừa. Cọng rơm trong thơ Võ văn Hoa đã sưởi ấm anh suốt một đời, cho thân thể anh khi còn trẻ và cho tâm hồn khi lớn khôn và hiển nhiên cho đến khi già. Nhà thơ cũng nhớ đến bát cơm độn nhiều khoai sắn của mẹ. Ngày nay có lẽ những bát cơm đó đã trở thành bát vàng trong tâm tưởng, và cũng có lẽ không cao lương mỹ vị nào vượt qua được nó đâu, vì nó mang màu sắc của đất gan gà, hình ảnh của chiếc xe đạp nước và tình yêu thương của mẹ, của bà có móng chân đóng vàng chua phèn mà đời con anh không biết được:


                Con chúng ta hiểu mơ hồ về xe đạp nước
                Chưa hiểu thế nào về đất gan gà
                Chưa biết móng chân của mẹ, của bà
                Chua phèn đóng váng. 

Ở vế cuối, nhà thơ đồng hóa vợ và con vào chính bản thân mình khi viết: 

                 Anh về thăm nhà
                 Muốn em và con ôn từng kỷ niệm
                 Thời mẹ đẻ cha sinh, thời hàn vi lận đận
                 Ta lớn lên từ cọng rơm vàng.. 

Ở đây nhà thơ muốn nói anh sẽ ôn từng kỷ niệm của mình cho vợ con nghe, và vợ con cũng sẽ hoàn toàn đồng cảm với anh. Chữ “Ta” chỉ cả gia đình và “Ta lớn lên từ cọng rơm vàng” chỉ sự liên đới vật chất, tình thần của vợ và con với anh như một, mặc dầu họ “hiểu mơ hồ” quá khứ mà thôi.

Nếu ai đã từng một lần hưởng cơn gió mát thổi qua cánh đồng, từng một lần sưởi ấm bên bếp lửa rơm thì chắc không chê bài thơ nầy. Bài thơ nầy như hương vị cơn gió bay qua cánh đồng, ấm áp như ngọn lửa rơm bên bếp. Nó làm đẹp lòng ai thích miền quê và thích ngồi dưới mái tranh ngắm nhìn nồi cơm gạo lúa mới đang sôi ./.
                                                               
Châu Thạch

                      

No comments: