HAI BỜ NHỚ - thơ Trương Điện Hòa
Gởi Vân
Trời hôm nay bỗng dưng lành lạnh
Chiều chậm dần, anh lại nhớ em
Bờ phía ấy còn nồng giấc điệp
Bờ bên đây sắp phủ màn đêm
Le the gió lẻn vào trong cửa
Tí tách mưa, hòa nhịp trước thềm
Anh muốn dang đôi tay Thánh giá
Níu đôi bờ nhích lại gần thêm
05.09.2013
THU SỚM - thơ Thủy Lâm Sinh
Gió bỗng tuôn về
lạnh cửa sau
Heo may sớm rộ ở trên cao
Xa xa núi biếc mây vần vũ
Mé mé hồ gương lá
xạc xào
Kiến cánh quanh vườn ùn đống đống
Chuồn bầu trước ngõ lượn lao xao
Hè chưa tắt nắng
thu về sớm (*)
Hối hả làm chi chậm đã nào!
Aug. 26, 2013
(*) Thu Mỹ bắt đầu Sept. 22
Thảo luận: Châu Thạch
Ngày nay phong trào làm thơ
Đường rộ lên và thơ Đường sáng tác ra nhiều như nấm. Thật ra đó là môn tiêu
khiển lý thú và bổ ích cho người cao tuổi lẩn người còn thanh niên nếu yêu mến
nó. Tuy thế người làm thơ Đường dễ bị khuyết điểm là thường hay bổn cũ soạn
lại, nghĩa là từ ngữ, ý thơ, âm điệu y chang người trước. Cho nên ngày nay đọc
bài thơ Đường nào cũng từa tựa như bài thơ đường nào, riết thì đâm ra ngán
ngẩm. Cũng không trách người sáng tác, vì thơ Đường được gọi là thơ bác học lại
gò bó trong luật lệ gắt gao nên muốn làm cho thơ mới, khác, lạ không phải là dễ
chi. Nhiều tác giả chơi thơ Đường điêu luyện như xiếc: cắt chữ, cắt câu, bỏ
đầu, bổ đuôi, láy vận, đảo vận thật là tình tế nhưng vẫn không thoát ra cái
vòng luẩn quẩn là dùng từ, dùng chữ, dùng ý, dùng hình ảnh, dùng âm thanh, dùng
ngữ điệu đều đã cũ mèn rồi. Nói như thế không phải người viết nầy dám chê bai
một ai, vì mỗi người có một phong cách thơ, và nếu bộc lộ được cái tinh túy của
phong cách thơ mình thì dầu mới hay cũ
cũng rất là hay và đáng cho nể phục. Ở đây Châu Thạch chỉ cốt yếu dùng đôi lời
phi lộ để đi vào giới thiệu những bài thơ có một phong cách Đường thi rất mới,
như bài thơ “Hai bờ Nhớ” của Trương điện Hòa và “Thu Sớm” của Thủy lâm Sinh.
Đọc bài thơ Trương điện Hòa
nếu không để ý ta cứ tưởng như một bài thơ mới hoàn toàn:
Trời hôm nay bỗng dưng lành
lạnh
Chiều chậm dần, anh lại nhớ
em
Bờ phía ấy còn nồng giấc điệp
Bờ bên đây sắp phủ màn đêm
Le the gió lẻn vào trong cửa
Tí tách mưa, hòa nhịp trước
thềm
Anh muốn dang đôi tay Thánh
giá
Níu đôi bờ nhích lại gần thêm
Bài thơ nói đến cái nhớ của hai người ở hai bên bờ biển, không dùng lấy một từ Hán
Việt, không dùng cả một điển tích nào, cũng không dùng đến các từ ngữ gợi hình,
gợi cảm, ẩn dụ hay siêu hình mà vẫn đưa người đọc hòa mình trong nỗi nhớ nhung
mông lung rộng lớn. Chữ trong bài thơ ai cũng hiểu được, lời trong bài thơ như
nói chuyện cùng nhau, âm thanh trong bài giao hưởng và phong cách trong bài thơ
nhẹ nhàng trong trẻo, thanh bai chẳng khác chi một bài thơ mới. Tác giả dùng
chữ “đôi tay Thánh Giá” mới hoàn toàn, nó là một từ nói lên được nhiều ý nghĩa
vừa yêu thương, vừa rộng lớn, vừa bao trùm muôn vật.
Với bài thơ của Thủy lâm
Sinh, thu về sớm với những hình ảnh quen thuộc, quen thuộc với con người nhưng
không quen thuộc với Đường thi:
Gió bỗng tuôn về lạnh
cửa sau
Heo may sớm rộ ở trên cao
Xa xa núi biếc mây vần vũ
Mé mé hồ gương lá xạc
xào
Kiến cánh quanh vườn ùn
đống đống
Chuồn bầu trước ngõ lượn
lao xao
Hè chưa tắt nắng thu về
sớm (*)
Hối hả làm chi chậm đã nào!
Không quen thuộc với Đường
thi vì nó cũng không có từ Hán Việt,
cũng không có điển tích, cũng lời thơ
bình dị , từ ngữ đơn sơ mà biểu lộ được hết hình ảnh mùa thu đến sớm. Nhất là
hình ảnh “ Kiến cánh quanh vườn”, “ Chuồn chuồn trước ngõ” làm bài Đường thi có
âm hưởng như một bài thơ lục bát, khiến cho phong cảnh trở nên quen thuộc vô
cùng dầu tác giả cho biết đây là mùa thu ở Mỹ, từ đó ta suy luận được tâm hồn
tác giả quyến luyến với quê nhà đến biết là bao. Hai câu kết trong bài thơ vô
cùng nhỏ nhẻ và vô cùng dễ thương như một lời mời nán lại thân tình mà thắm
thiết
vô biên.
Đọc hai bài thơ trên ta nghe được tiếng thơ êm
ái phả nhẹ vào lòng nỗi nhớ nhung cũng như hình dung được phong cảnh buổi giao
mùa vừa xôn xao vừa đẹp mắt. Hai bài thơ sáng tác trong quy luật Đường thi hoàn
hảo với niêm luật đầy đủ, chặt chẻ bố cục và các câu đối vừa chỉnh lại vừa hay,
nhưng tiếng thơ lại mang đầy âm thanh,
đầy màu sắc và bước đi của thơ, nghĩa là sự chuyển câu hài hòa, bay
bổng. Sự song song của những câu thơ ở vế trạng, luận không làm cho ta thấy tác
giả cố tình bỏ công kết cấu nhau cho đối xứng từ và ý, mà nó đã nẩy sinh trong
hồn thơ rồi phát tiết ra ngoài một cách tự nhiên mà rất chỉnh. Đây hoàn toàn là
hai bài thơ mới tiêu biểu làm theo thể Đường thi. Tôi nghĩ trên các trang Đường
thi ngay nay, nếu có nhiều những bài thơ như thế thì các thể thơ khác như thơ
mới, thơ tự do, thơ hiện đại, thơ hậu hiện đại phải chào thua ./.
Châu
Thạch
No comments:
Post a Comment