Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, January 17, 2017

TẾT TA, TẾT TÂY - Tuỳ bút của Hoàng Đằng


            
                        Tác giả Hoàng Đằng



           TẾT TA, TẾT TÂY

Ngày 16/01/2017 (19/12/Bính Thân), trang BBC tiếng Việt có đăng bài: “Quan điểm về ý tưởng gộp Tết Tây và Tết Ta làm một”. Trong bài, có ý kiến “nên gộp”, có ý kiến không “nên gộp”.
Tôi “máy” tay muốn góp ý; nhưng trước khi đưa ra ý kiến riêng của mình, tôi xin trình bày sơ lược về Tết Tây và Tết Ta.
Từ “Tết” được mọi người cho là do từ “tiết” biến âm, học giả Đào Duy Anh trong Hán Việt Từ Điển giải nghĩa “tiết” là “lễ Tết gì”. Tôi thì nghĩ thêm: từ “Tết” có thể là biến âm của từ “tất”; “tất” là “xong”, là “hết”; ý nói “Tết” là dịp mọi việc được xem như xong, những âu lo vướng bận trút bỏ hết – chu kỳ cũ xong, hết để qua chu kỳ mới.
Hiện nay, đa số các nước đều “ăn” Tết Tây – Tết Dương Lịch. Dương Lịch là lịch mà mỗi ngày tháng ... chỉ ra vị trí chuyển động của trái đất xung quanh mặt trời. Trên thế giới, Dương Lịch được dùng như lịch công vụ.
Dương Lịch đang phổ biến là lịch Gregorius vì nó được giáo hoàng Gregorius XIII (sinh 1502 – mất 1585) đưa vào dùng từ năm 1582. Trước đó, Dương Lịch thông dụng là lịch Julius; lịch Julius là lịch do Julius Caesar đưa vào dùng từ năm 45 trước TC. Julius Caesar là một lãnh tụ quân sự và chính trị tài năng của đế chế La mã. Lịch Julius và lịch Gregorius, do sáng kiến của tu sĩ Dionysius (khoảng 500 – 560 sau TC), đều lấy năm Thiên Chúa giáng sinh làm năm khởi đầu.


Vì sao lịch Julius bị thay thế? Độ dài chính xác của năm mặt trời là 365,242216 ngày, trong khi lịch Julius quy ước là 365,25 ngày; như thế năm lịch Julius dài hơn năm mặt trời khoảng 0,0078 ngày (# 11 phút 14 giây). Do vậy, lịch Gregorius ra đời để điều chỉnh lại. Tính đến năm 1582 – năm dùng lịch Gregorius thay lịch Julius, sự sai biệt do cách tính năm lịch Julius và năm thực tế mặt trời đã lên đến 10 ngày; cho nên, giáo hoàng Gregorius XIII quyết định cho nhảy 10 ngày trong tháng 10 năm đó - thay vì Thứ Năm 04/10/1582 qua Thứ Sáu là 05/10/1582 thì Thứ Năm 04/10/1582 nhưng qua Thứ Sáu là 15/10/1582. Để tránh lặp lại sai biệt từ đó về sau, lịch Gregorius vẫn lấy năm nhuận (tháng 2 có 29 ngày) như lịch Julius là năm có số chia hết cho 4 (1884, 1896, 1904 ...), nhưng khác với lịch Julius ở chỗ là các năm có số tận cùng bằng 00 muốn được tính năm nhuận phải vừa chia hết cho 4, vừa chia hết cho 400 (1600, 2000), còn chỉ chia hết cho 4 mà không chia hết cho 400 thì không phải năm nhuận (1700, 1800, 1900). Năm 1917, bên Nga còn dùng lịch Julius, cách mạng Nga, dù theo lịch Gregorius, thành công vào ngày 07/11/1917, vẫn gọi là cách mạng tháng 10 vì theo lịch Julius, ngày đó là 25/10/1917.
Âm Lịch là lịch dựa theo chu kỳ mặt trăng mà tính năm tháng. Âm Lịch phổ biến hiện nay là “lịch kiến Dần” bắt đầu dùng lại từ đời Hán Vũ Đế (141 trước CN – 87 trước CN); lịch “kiến Dần” tính tháng đầu năm là tháng Dần – tháng Giêng. Trước đó, đã có lịch “kiến Dần” từ đời nhà Hạ, rồi đến lịch “kiến Sửu” đời nhà Thương – lịch tính tháng đầu năm là tháng Chạp và lịch “kiến Tý” đời nhà Chu – lịch tính tháng đầu năm là tháng 11. Lịch “kiến Tý” chắc đã có ảnh hưởng sâu rộng, thành thử, trong thời vua chúa, người lãnh đạo quốc gia ban lịch năm mới vào tiết Đông chí – tiết trong tháng 11 - và đến bây giờ, ai trong người Việt chúng ta muốn tỏ ra cao tuổi, hễ qua tiết Đông Chí, họ tính thêm một tuổi.
Âm Lịch hiện chỉ được dùng ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ và Việt Nam  trong lễ nghi, hội hè ... theo phong tục tập quán chứ không phải là công lịch – lịch nhà nước dùng chính thức - như Dương Lịch.
Do hai cái Tết – Tết Tây và Tết Ta – quá gần nhau, chỉ cách nhau trên dưới một tháng, nhiều người đưa ra ý kiến nên gộp làm một. Theo GS. Võ Tòng Xuân, lý do là để, :
Tránh cho doanh nghiệp khỏi mất cơ hội nắm bắt thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài vì dịp Tết Ta, người nước ngoài không nghỉ,
- Tránh cho nông dân khỏi mất thời gian chăm sóc lúa Đông Xuân – vụ lúa chính trong năm,
- Tránh cho sinh viên học sinh khỏi phải gượng ép thời khoá biểu học tập và thi học kỳ I đồng thời  tránh cho họ khỏi mất 2 tuần lễ học hành,
- Tránh cho dân chúng khỏi nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức rất tốn kém tiền của, thời gian và tổn hại sức khoẻ - tính mạng,
- Tránh lãng phí ngày làm việc.
Còn theo kinh tế gia Phạm Chi Lan, thì:
Tránh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của các công ty vì thời gian phải nghỉ trong 2 dịp Tết,
Tạo dễ dàng cho gia đình đoàn tụ vì có khá nhiều người Việt đang sống ở nước ngoài khó có thể về dịp Tết Ta.
Trái lại, nhiều ý kiến đưa ra để phản biện là không “nên gộp” 2 Tết làm một.
Hoàng Khải, chủ tịch Tập Đoàn Khải Silk: “Giàu thì đã giàu rồi. Thôi đừng bỏ Tết nữa ...”
- GS. Hoàng Chương, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu, Bảo Tồn và Phát Huy Văn Hoá Dân Tộc: “Tết cổ truyền là văn hoá truyền thống. Chúng ta có Tết của chúng ta; người phương Tây có Tết của họ; sao lại bỏ văn hoá của ta để theo văn hoá của họ?”
- Facebooker Thinh Babel: “ ... Lý do tiết kiệm thời gian, mình thấy vô lý ... Nghỉ nhiều nhưng ... vẫn ổn thì tiến bộ chứ sao! ... Kẹt xe, mất nhiều thời gian lắm. Cà phê, mất nhiều thời gian lắm. Bia bọt, mất nhiều thời gian lắm. Thủ tục hành chánh, mất nhiều thời gian lắm ... Họp hành tốn nhiều thời gian lắm.”
- Nghệ sĩ hài Trung Dân: “Có được văn minh lúa nước, có được bộ Âm Lịch, người Việt ăn Tết theo mùa và được tính theo tiết mà ngày nay đã được gọi là Tết.”
Tôi thì có ý kiến riêng thế này – những ý kiến chỉ dựa vào thực tế quê tôi thôi.
- Nếu Tết Ta gộp vào Tết Tây, dịp ăn Tết sẽ nằm trong tháng 11 Âm Lịch. Mưa còn nhiều, rét lạnh còn cay nghiệt, “rét tháng 11 con gái tốt cũng hư”, đường sá vấy bùn, không khí ẩm ướt, chơi Tết mất hứng thú, cái vui của Tết bị hạn chế nhiều.
- Tháng 11 Âm Lịch, nông dân – đa số trong dân số nước ta - đang vào vụ gieo trồng – đặc biệt là gieo sạ lúa; họ không có thời gian rảnh rỗi; không lẽ họ bỏ công ăn việc làm trong năm, mười ngày để ăn Tết? Trễ mùa vụ thì còn gì!
- Qua bão lũ trong các tháng 8, 9, 10 Âm Lịch, rau màu không ươm trồng được, số trồng được thì hư hỏng, Tết cần nhiều thực phẩm mà Tết tổ chức trong tháng 11 Âm lịch thì thực phẩm không có dồi dào; ăn Tết sẽ gặp khó khăn, thiếu hương vị.
- Tết phải có hoa để chưng bày – chưng bày trên bàn thờ, trong phòng khách, thậm chí ngoài sân, ngoài đường; Tết tổ chức trong tháng 11 Âm lịch thì hoa tìm cho ra, khó lắm! Qua mấy tháng mưa gió, rét mướt, cây hoa đâu đã trưởng thành đủ để ra bông.
- Tết, theo tín ngưỡng truyền thống, là dịp Tổ Tiên về sum họp với con cháu; Tổ Tiên thuộc cõi âm, cúng Tết Âm Lịch thì hợp, còn cúng Tết Dương Lịch thì tréo ngoe! Lại thêm, xưa nay, cứ đến Tết Âm lịch, như có hẹn, Tổ Tiên sẽ về với con cháu; bây giờ, tổ chức Tết Dương Lịch, có lỗi hẹn với Tổ Tiên không?
Thành thử, Tết Âm Lịch cứ nên duy trì như Tết chính, còn Tết Dương Lịch chỉ là Tết phụ. Không phải tại ăn Tết Âm Lịch mà dân ta không tiến bộ, nước ta chậm phát triển. Tình trạng thua kém của chúng ta tại những lý do khác cơ!
Nói vậy chứ mọi việc, mọi vật biến đổi theo thời gian không ngừng; không chừng sau này Nhà Nước quy định gộp 2 Tết làm một thì cũng chịu thôi./
                                                              Hoàng Đằng
                                                        18/01/2017 (21/12/Bính Thân)

No comments: