Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 27, 2016

THỬ ĐẶT “MẮT BỒ CÂU” CỦA NGUYỄN KHẮC PHƯỚC BÊN CẠNH “NHÀ TÔI” CỦA YÊN THAO - Phạm Đức Nhì


       
                   Tác giả Phạm Đức Nhì




Bài 4


THỬ ĐẶT “MẮT BỒ CÂU” CỦA NGUYỄN KHẮC PHƯỚC 
                         BÊN CẠNH “NHÀ TÔI” CỦA YÊN THAO

              (Trích từ “Bình Thơ Và Thưởng Thức Thơ”)

NHÀ TÔI

Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng giặc đóng

Làng tôi đấy, sạm đen màu tiết đọng
Tre, cau buồn rũ ướt mưa sương
Màu trắng vôi lồm lộp mấy khung tường

Nếp đình xưa người hỡi,đau gì không?

Tôi là anh lính chiến

Rời quê hương từ dạo máu khơi dòng
Buông tay gàu vui lại thuở Bình Mông
Ghì nấc súng nhớ ơi, ngày đắc thắng
Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dậm
Áo nào phai không sót chút màu xưa

Tôi có người vợ trẻ

Đẹp như thơ
Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín
Ai ra đi mà không từng bịn rịn
Rời yêu thương nào đã mấy ai vui
Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.

Tôi còn người mẹ
Tóc đã ngả màu bông
Tuổi già non thế kỷ
Lưng gày uốn nặng kiếp long đong
Nắng mưa từ buổi tang chồng
Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon
ÔI, xa rồi, mẹ tôi
Lệ nhòa mi mắt
Mong con phương trời
Có từng chợt tỉnh đêm vơi
Nghe giòn tiếng súng nhớ lời chia ly:
- Mẹ ơi, con mẹ tìm đi
Bao giờ hết giặc con về mẹ vui.

Đêm hôm nay tôi trở về, lành lạnh
Sông sâu mừng , lấp lánh sao lưa thưa
Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
Chắc tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ
Làng tôi kia, bên trại thù quạnh quẽ
Trông im lìm như một nấm mồ ma
Có còn không, em hỡi ! mẹ tôi già !
Những người thân yêu khóc buổi tôi xa?

Tôi là anh lính chiến
Theo quân về giải phóng quê hương
Mái đầu xanh bụi viễn phương

Bước chân đất đạp xiêu đồn lũy địch.
Này, anh đồng chí
Người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành?
Anh rót cho khéo nhé
Kẻo nhầm nhà tôi!
Nhà tôi ở cuối thôn Đồi
Có giàn Thiên lý, có người tôi thương.
(Yên Thao)
Năm câu đầu vẫn mang âm điệu của thơ mới, nhưng 2 câu đầu tiên chỉ có 5 chữ (thay vì 8 chữ như 3 câu sau). Câu thứ sáu 8 chữ nhưng lại phá luật về âm điệu, kết thúc ở vần bằng thay vì vần trắc, tạo cảm giác chơi vơi khi phải đặt câu hỏi mà mình đã đau nhói với câu trả lời. Nhìn toàn bài thì chữ thẳng là “gốc” thơ mới (câu 8 chữ, vần liên tiếp kiểu Nhớ Rừng), chữ nghiêng màu đỏ là những phá cách của tác giả. Nhờ những phá cách tài tình ấy Nhà Tôi tuy vẫn còn nặng mùi thơ mới nhưng đã giảm thiểu rất nhiều sự nhàm chán về vần điệu của loại thơ này.

MẮT BỒ CÂU

Trong giấc mơ về thuở thiếu thời
có ai đó nhìn tôi
bằng đôi mắt bồ câu ngây thơ
đánh thức tôi
chạy một trăm năm mươi cây số
chỉ để về đứng lặng
ngắm ngã ba sông

Trưa nắng trút bao la trời rộng
ngã ba sông buồn hắt
buồn hiu
sông bây giờ sao quá mênh mông
bến không bóng đò
không một bóng bồ câu
chân trời thăm thẳm

Gió giận ai
chẳng chút nồm nam
cây chờ ai
cây buồn đứng bóng
tôi chờ ai
mà tôi đứng ngóng
nước sông chẳng bao giờ chảy ngược
đành chép giấc mơ vào con thuyền giấy
thả trôi vào mênh mông
2007
(Nguyễn Khắc Phước, Văn Nghệ Quảng Trị)

Cái tài của Yên Thao là dựa vào cấu trúc, âm điệu của thơ mới, lấy đó làm nền tảng, nhưng linh động chuyển đổi theo cảm hứng của mình – tôi gọi là phá cách tài tình - khiến bài thơ vẫn nhẹ nhàng du dương nhưng không “ầu ơ ví dầu”, chữa được chứng bệnh “nhàm chán vần” của thơ mới.
Cái tài của Nguyễn Khắc Phước là đã vùng vẫy, giẫy giụa để, về mặt hình thức, thoát hẳn cái “vòng kim cô thơ mới” trên đầu mình. Hình thức của Mắt Bồ Câu rất mới lạ; cấu trúc, âm điệu của thơ mới đã mất hẳn. Số chữ trong câu tự nhiên, linh động, không theo một quy luật gò bó nào. Vần cũng có nhưng ít, vừa đủ trơn để con thuyền tứ thơ nhẹ nhàng trôi theo dòng sông cảm xúc nhưng không bắt người đọc phải gồng mình chịu đựng cái vị ngọt lợ đến gắt cổ của thơ mới.
Vùng vẫy hơn 60 năm mới gỡ (thoát) được cái “vòng kim cô” trên đầu mình. Chắc sẽ có người nói: “Có gì là sớm đâu!” Đúng là cũng hơi trễ thật. Nhưng như thế cũng còn hơn nhiều người (trong đó có tôi) – cho đến năm tháng này vẫn còn những bài thơ bó chặt cảm xúc, hồn thơ của mình trong cái vỏ truyền thống hoặc mang cái tên rất thời đại là “THƠ MỚI” nhưng thật ra đã từ rất lâu, không còn mới nữa.
So sánh với Nhà Tôi, Mắt Bồ Câu còn non trẻ, như một tuyển thủ U 18 trước một lão tướng đã rất nhiều năm khoác áo đội tuyển quốc gia. Không dạn dày kinh nghiệm nhưng cầu thủ MBC có cách đi bóng mới, lối đá mới, gần gũi và dễ hòa nhập với lối chơi của bóng đá hiện đại. Nếu Nguyễn Khắc Phước thấy được ưu điểm của mình, tiếp tục hoàn thiện phong cách của MBC, khung trời thơ ca rất tươi sáng đang rộng mở đón chờ anh.

Làm thơ, có người chuyên về một thể loại; thí dụ: lục bát. Có người thể thơ nào cũng “thử” một đôi bài nhưng khi cao hứng gặp được tứ thơ hay thì sẽ chọn thể thơ mình thích nhất. Đọc thơ, tôi thường nghe những câu đại loại như “Tạng tôi không hợp với thơ ‘ông này’ mà gần với thơ ‘bà kia’ hơn.”
Khi mới tập làm thơ thầy giáo dạy Việt Văn, khi được hỏi ý kiến nên chọn thể thơ nào, đã cho tôi lời khuyên: “Thấy thích, hợp thể thơ nào thì cứ chọn thể thơ đó; có thích, có tự tin thì làm thơ mới hay. Hơn nữa, đó là quyền tự do của thi sĩ”. Sau này góp nhặt thông tin từ các bài bình thơ, các cuộc tranh luận về thơ, cộng với kinh nghiệm làm thơ của chính mình tôi đi đến kết luận:
Trên trang thơ của mình, đồng ý, thi sĩ là vua, có toàn quyền quyết định mọi thứ, nhưng đối với thể thơ, nếu cứ lẽo đẽo ở phía sau, không vươn lên cùng thời đại thì chính thi sĩ sẽ không được hưởng cái thoải mái tự do khi phóng bút mà bài thơ khi xuất xưởng - về mặt hình thức - sẽ bị giới thưởng ngoạn nhìn với đôi mắt thiếu thiện cảm.

                                                                          03/2016
                                                                    Phạm Đức Nhì
                                                            nhidpham@gmail.com

No comments: