- Dậy!
Dậy! Anh ơi! Dậy!
Vừa gọi vợ tôi lắc lắc tay tôi cho mau
tỉnh.Tôi đang mơ màng trong giấc ngủ thì bên tai có tiếng ai gọi, không mở mắt
tôi lăn mình qua bên kia miệng càu nhàu:
-
Gì vậy? Để cho người ta ngủ.
Vợ tôi nói như thì thầm:
- Anh
ơi,dậy, có trộm.
Vừa nghe nói có trộm là tôi giựt mình,tỉnh
dậy như sáo.Tối hôm qua mới bị mất trộm sấp ni lông dùng để căng lên trần mái
lá để chống dột tôi đang giận lại nghe vợ tôi nói có trộm thì không tỉnh nhanh
sao được, tôi kêu lên:
- Đâu?
Ở đâu?
-
Ấy! khẻ chứ, ở bên hông nhà kìa.
Tôi im lặng chăm chú lắng nghe. Ngoài kia, trừ
tiếng gió rì rào, nào nghe thấy gì.Tôi hơi bực mình:
-
Có nghe gì đâu?
-
Chờ coi, em nghe có tiếng động lạ.
Tôi căng tai lên chú ý, khuya trời nhiều
gió.Tiếng gió đánh vào tàu lá chuối bên hông trường nghe phành phạch nên rất
khó phát hiện tiếng động lạ.Tôi khẻ bước xuống giường đi lần về phía cửa, tay
cầm một khúc cây để sẳn ở góc nhà, áp tai vào tường lắng nghe. Bỗng có một
tiếng soạt khá to như có người đang di chuyển chạm vào lùm cỏ dại tạo nên, tôi
la to lên một tiếng ai đó nhằm đánh động cho tên trộm biết hắn đã bị lộ để có
thể lẩn mất trước khi tôi xuất hiện vì tôi không muốn có sự va chạm không đáng
có, tôi bật sáng đèn, mở nhanh cửa nhìn về phia lùm cỏ cao ngút đầu bên hông
trường xem có ai không. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn điện từ bên kia đường
hắt sang, một bóng người lách ra khỏi bụi cỏ rậm, vén vòng dây kẻm gai công-xẹt-ti-na
ngăn ngang con lộ đi băng qua bên kia đường để vào con hẻm 99. Một người đàn
ông, tướng đi xiêu vẹo ngả nghiêng nhưng không có vẻ gì sợ hãi vì sự phát hiện
của tôi.Tôi nheo mắt nhìn cho rõ. À, thì ra lão Quyền đây mà, tôi thở phào nhẹ
nhỏm, cái tay cầm khúc gỗ buông thỏng xuống nhìn theo lão Quyền đi khuất vào
hẻm rồi vào nhà đóng cửa lại.Vợ tôi vẫn chưa hết run hỏi:
-
Ai vậy anh? Ăn trộm hả?
-
Ừ, ăn trộm.
Vợ tôi hoảng hốt:
- Trời đất, rồi có sao hông? Sao em
thấy êm re vậy?
Tôi phì cười,trấn an:
-
Có ai đâu, lão Quyền ấy mà.
-
Làm hết hồn. Lão làm gì ở đó đêm hôm khuya khoắc vậy?
-
Còn làm gì ngoài chuyện ấy.
Vợ tôi ngơ ngác:
-
Chuyện gì?
Thấy tôi cười cười, vợ tôi chợt nghĩ ra,
véo vào cánh tay tôi đau điếng:
-
Đồ quỷ,vậy mà cũng không nói.
-
Thôi đi ngủ, mai còn thức sớm đi dạy nữa.
*
Gọi là nhà cho có vẻ đàng hoàng một
chút nhưng thật ra nó chỉ là một mái lá thấp lè tè, nắng thì nóng mưa thì dột
tứ tung, phía trước trổ ra mặt tiền đường, sau lưng dựa vào vách tường của góc
cầu thang lên xuống có sẵn của nhà trường, trên mái lá đã được trải thêm một
lớp giấy dầu nhưng chỉ sử dụng được một hai mùa thì đâu lại vào đấy vì bọn mèo
hoang tối chạy loạn xạ kêu gào tìm bạn thảm thiết thì giấy dầu nào chịu nổi. Những
năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, thời kỳ còn bao cấp cơ quan trường học
nào cũng khó khăn về tài chánh nên công đoàn trường nào cũng tìm cách xoay xở
cho có đồng ra đồng vào dùng để thăm nom giáo viên khi gia đình có tang gia hiếu hỉ, vì thế, một
góc hàng rào của trường cấp 1-2 được mở ra lập xưởng điện cơ, nói là để cho học
sinh có chỗ thực hành, nhưng thực chất là cho nhóm thợ ngoài mướn để thu tiền. Ngày
tôi từ huyện đổi về ngôi trường nầy thì cơ sở điện cơ có mặt từ lâu nhưng sau
đó làm ăn thua lỗ thế nào không biết mà mấy tháng tiền thuê mặt bằng không
đóng, nhà trường quyết định thu hồi lại. Sẵn dịp đó tôi đăng ký với nhà trường
thuê lại bán văn phòng phẩm cho học sinh. Cái cửa hàng văn phòng phẩm của gia
đình tôi vị trí thật đặc biệt: nó nằm cheo leo một góc tách biệt với khu dân
cư, đứng một mình một chợ. Xéo phía trước là cái lô cốt to tổ chảng còn sót lại
của chế độ cũ. Chẳng là phía sau trường
chúng tôi tiếp giáp với tiểu khu của quân đội trước nên họ xây lô cốt công sự
làm chốt gác bảo vệ đơn vị, bên kia lộ là trường cấp 3. Để bảo vệ an toàn cho
tiểu khu, bọn lính đã dùng công-xẹt-ti-na (một loại dây kẽm gai của Mỹ rất sắc
bén trong chiến tranh dùng làm hàng rào bảo vệ căn cứ quân sự) kéo bít ngang
con lộ không cho ai qua lại. Sau ngày giải phóng mấy năm sau tình trạng nầy vẫn
không có gì thay đổi, cỏ trong vùng cấm mọc cao ngút đầu, lâu lâu có đợt thanh
tra của cấp trên xuống, trường chúng tôi huy động thầy trò làm vệ sinh nhưng
rồi đâu lại vào đấy vì con lộ nằm trong sự quản lí của đơn vị bộ đội tiếp quản.
Bị bỏ hoang nên từ lâu nơi nầy thường làm chỗ phóng pháo tự do cho dân nhậu xỉn
say nhất là dân trong hẻm 99 ban đêm thường mò ra ị bậy như lão Quyền mà tôi
bắt gặp đang làm chuyện tự nhiên đó.
Nói đến lão Quyền ở cái hẻm 99 ngang
trường tôi ai mà không biết lão. Lão là dân cố cựu ở đây mà. Trước 1975 trong
hẻm 99 nầy là nơi đóng quân của đơn vị truyền tin cả một vùng. Lão là lính truyền
tin phụ trách điện đài, gia đình lão cũng như một số lính tráng sĩ quan lúc bấy
giờ sống trong trại gia binh. Lúc ấy có một chuyện động trời xảy ra, những cuộc
hành quân của các đơn vị chủ lực vào những vùng xôi đậu hay vùng căn cứ cách
mạng thường bị phản kích mạnh mẽ, thậm chí bị thất bại nặng nề, tổn thất về nhân
mạng và khí tài rất lớn. Tình báo an ninh quân đội điều tra cho rằng có sự rò
rĩ tin mật từ đơn vị truyền tin nầy. Một cuộc lùng sục, bố ráp diễn ra, lão và
một vài người bị bắt đưa đi.Thế là lão nhận được những trò chơi dã man của bọn
an ninh quân đội thời đó nhưng lão nhất quyết không nhận mình là kẻ phản bội,
làm lộ thông tin cho phía bên kia. Sau mấy tháng bị giam giữ điều tra, không
tìm ra chứng cứ phạm tội của lão, bọn an ninh quân đội phải thả lão ra thì thân
xác lão bầm dập, đầu óc nghểnh ngảng lúc nhớ lúc quên, đôi mắt thất thần mông
lung. Lão bị sa thải. Người ta yêu cầu gia đình lão phải rời khỏi trại gia
binh. Lão chưa kịp đi thì miền Nam
giải phóng. Đơn vị truyền tin được bộ đội tiếp quản.Gia đình binh sĩ lần lượt
hồi cư ai về quê nấy, gia đình lão Quyền cũng về quê đâu miệt Vị Thanh, Long Mỹ
gì đó. Mới có mấy ngày là lão lại có mặt ở hẻm 99 nầy, gia đình hai ba lần cử
người lên đưa lão về nhưng rồi lão trở lại, như là nơi nầy có ma ám lão không đi
được. Riết họ cũng chán nản, mặc kệ lão muốn ở đâu thì ở. Dân trong xóm thương
tình cất cho lão cái chòi nhỏ dựa vào vách tường của khu gia binh cũ.Thằng
Khánh con lão cũng phải lên theo để trông nom lão. Nó chạy bàn cho quán cà phê
ngoài đầu hẻm của ông Ba người Phúc Kiến nên người ta gọi là ông Ba Tiều.Thằng
Khánh được nuôi cơm nên ăn ở luôn ở đây. Ban ngày, thỉnh thoảng vắng khách, nó
chạy vào trong hẻm xem cha nó như thế nào, khi thì gói xôi, trái bắp tiếp tế
cho ông già.
Suốt ngày Lão Quyền lang thang trong
xóm ai cho gì ăn nấy nhưng chưa hề ăn cắp hay xin xỏ của ai một món đồ nào, lâu
lâu lại ra ngoài đầu đường ngó qua ngó lại như trông ngóng ai, suốt ngày không
ai thấy lão nói một tiếng nào giống như một người câm vậy. Dân trong xóm thương
tình nên lão cũng không quá vất vả trong cái ăn. Khi không ai cho gì, tới bửa
đói bụng lão đứng bên kia hẻm cạnh cột đèn nhìn chăm chăm qua quán cà phê chỗ
thằng Khánh chạy bàn một tay cầm cái tô tay kia cầm cái muổng gỏ kêu lốc cốc,
lốc cốc, bà ba tiều nhìn sang, biết ý bà nói với thằng Khánh:
-
Khánh, ba mầy hình như đói bụng rồi đó. Hôm nay chắc không ai cho gì ăn,
mầy qua bển lấy cái tô bới cơm và một ít thịt kho trong nồi cho ổng với hai
trái chuối xiêm nữa, kêu ổng vô trong nhà mà ăn, ổng ở đây làm vậy ai dám vào
uống cà phê nữa.
Thằng Khánh lấy cơm cho ông già, dắt lão
Quyền vào trong xóm mà không quên cằn nhằn ông già đừng làm vậy nữa trông kỳ
cục lắm. Lão chỉ nín thinh, vừa đi vừa múc cơm ăn một cách ngon lành. Nói là nói
vậy thôi chứ ai có biết lão nghe có hiểu gì không. Cứ mỗi lần lão đói cơm là
điệp khúc muổng gỏ tô lại diễn ra. Bà Ba Tiều riết thôi không nói nữa và thằng
Khánh biết nó phải làm gì. Vợ tôi thấy thế đôi khi cũng cho cơm lão và một ít
bánh trái có sẵn. Có lần ngồi uống cà phê với mấy giáo viên trong trường, tôi
hỏi thằng Khánh:
- Nè Khánh, sao em không đưa ba về quê, ở
đây sống vất vưởng như thế sao được?
Thằng Khánh nhún vai, lắc đầu:
-
Thầy không biết đó thầy ơi, em đưa ổng mấy lần về quê rồi. Một hai bữa
lại trốn lên đây giống như bắt cóc bỏ dĩa vậy.
-
Ổng lên đây làm gì? Có bà con gì ở đây không?
- Có
ai ở đây đâu.Từ ngày ổng bị đánh một trận tới bây giờ ổng điên điên khùng khùng
như vậy đó. Không biết tại sao ổng không muốn rời khỏi chỗ nầy nữa.
Mấy đứa học trò cấp 1 trường tôi đúng là
bọn ngổ ngáo không ai bằng, mỗi lần đi học về thấy lão từ xa đã réo to lên:
- Ê!
Lão khùng kìa tụi bây ơi.
Rồi chúng xoay vòng vòng quanh lão, vừa
nhún nhẩy vừa hát:
Lão khùng mà đi lung tung
Coi chừng bị bắt đừng mong
ngày về.
Khi chúng thấy lão gầm gừ trong có vẻ tức
giận vì bị trêu chọc, cúi xuống nhìn quanh như muốn lượm đá chọi chúng là bọn
trẻ lại ré lên hè nhau bỏ chạy tán loạn, miệng còn nghêu ngao chọc phá:
- Lêu lêu. Mắc cỡ. Xí hụt.
*
Có một lần không biết lão Quyền ăn gì mà
chiều hôm đó lão đau bụng một trận dữ dội, lão đi tiêu không dứt. Người trong
xóm chạy ra quán cà phê ông ba tiều báo tin cho thằng Khánh biết. Nó chạy vội
về nhà rồi chạy ra trạm y tế gần đó mua thuốc cho ba nó uống. Suốt đêm lão rên
rỉ ư ử không thôi.Trưa hôm sau lão mất, một cái chết không êm ả chút nào. Có lẽ
lão ăn phải đồ ăn ôi thiu thì phải. Đám tang của lão thật là buồn tẻ. Cái hàng
rẻ tiền của hội từ thiện cho làm gì lọt vào cánh cửa bé tí tẹo của cái chòi mà
dân trong xóm dựng cho lão, người ta đành che rạp tạm bợ ngoài đường để có chỗ
làm đám ma. Đi theo xe tang ngoài thằng Khánh, le que có vài người thân ở dưới
quê hay tin lên kịp, vài người hàng xóm rảnh rỗi mà thôi.Từ lâu chính quyền đã
giao khu đất nầy cho công ty du lịch thành phố làm bãi tập kết xe của công ty,
còn kẹt cái chòi của lão Quyền chưa biết tính sao, nay lão mất rồi người ta chờ
xong cái thất thứ nhất của lão yêu cầu người nhà trả lại mặt bằng cho công ty
du lịch thi công.
Trưa đi dạy về vừa bước vào nhà vợ tôi đã
nói:
- Anh ơi, trong hẻm 99 không biết có
chuyện gì mà người ta ùn ùn đến xem, có cả mấy chiếc xe quân sự nữa.
Không biết chuyện gì tôi liền bỏ chiếc cặp
da lên bàn, bước vội qua lộ. Đi ngang đầu hẻm 99, thấy bà Ba Tiều đang trông
quán, tôi liền hỏi:
- Chuyện gì rần rần vậy thím Ba?
- Không biết nữa, có mấy ông bộ đội tìm nhà
lão Quyền, chú ba cũng chạy vô đó rồi, thầy vô xem coi có chuyện gì không? Xem
chừng mấy ông bộ đội nầy làm lớn à nghen.
Tôi không nói gì đi thẳng vào phía trong.
Đúng là họ tìm lão Quyền thật. Qua câu chuyện, mọi người mới vỡ lẻ ra người đến
tìm lão Quyền là một sĩ quan cấp tá vừa từ chiến trường Kampuchia về.Trong
chiến tranh, ông là người chỉ huy cụm tình báo vùng, lão Quyền là một mắc xích
trong cụm tình báo của ông. Chính lão Quyền là người đã cung cấp những tin tối
mật cho những cuộc hành quân của địch, nhờ đó mà quân giải phóng mới bẻ gảy được
nhiều trận càn vào căn cứ cách mạng và chính nhờ sự kiên trì giữ vững khí tiết
của người chiến sĩ tình báo nên nhiều cơ sở cách mạng không bị phát hiện. Sau
ngày giải phóng miền Nam ,
công việc còn nhiều bề bộn, ông lại nhận nhiệm vụ mới sang giúp nước bạn, cho
tới bây giờ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ mới có cơ hội tìm gặp lão Quyền thì lão
đã mất rồi.
Giờ thì tôi đã hiểu vì sao lão lại không
bỏ con hẻm nầy về quê. Trong đôi mắt thất thần ngây dại của lão như đang chờ
đợi trông ngóng điều gì. Mặc dù sau trận đòn thù tra tấn của bọn an ninh quân
đội, lão như người mắc bệnh tâm thần, điên dại nhưng trong sâu thẳm tiềm thức
như mách bảo đồng đội cũ sẽ tìm được ông, giờ tuy muộn nhưng lão ra đi chắc
lòng thanh thản nhiều.
*
Chuyện về lão Quyền cứ ám ảnh tôi
mãi. Ngày ấy không biết có cánh phóng viên báo chí địa phương nào biết câu
chuyện đó không để ít ra viết thành một mẫu tin hay một kí sự gì đấy cho mọi
người biết. Tôi cũng định viết thành truyện ngắn gởi cho một tờ báo nào đó đăng, không phải vì món tiền nhuận bút thời đó khá lớn so với đồng lương èo uột của
giáo viên lúc bấy giờ, mà muốn trải lòng vì một câu chuyện cần có được ai đó
chia sẻ, cảm thông, nhưng cứ chần chừ mãi.
Ấy thế mà câu chuyện chất chứa trong
lòng tôi qua đi đã ba mươi ba năm. Tôi
về hưu được bốn năm rồi. Nhờ tiền dành dụm chắt chiu sau bao năm dạy học, tôi
cũng kiếm cho gia đình mình được căn nhà ở tuy không to rộng lắm nhưng cũng đủ
để che mưa che nắng.Thằng con lớn ra trường có việc làm ổn định đang sống ở Sài
Gòn, còn thằng nhỏ được học bổng sang Mỹ học mấy năm nay. Đôi vợ chồng già trở thành
vợ chồng son, ngôi nhà lại trống trải mênh mông. Trường cấp 1-2 nơi tôi từng công tác từ lâu đã đổi thành
trường THCS mang tên một danh nhân. Trường cấp 3 bên cạnh cũng thế thành trường
THPT, được nhà nước đầu tư, trở thành những ngôi trường đẹp nhất nhì thành phố. Con lộ ngăn giữa hai trường và phần đất của quân đội trước kia bị hàng rào
công-cẹt-ti-na phong tỏa, cỏ dại rậm rạp hoang vắng cũng được giải phóng khai
thông thành con lộ khang trang, hai bên đường trồng hai hàng sao xanh ngắt mát
rượi, mang tên một nữ anh hùng thời chống Pháp. Còn con hẻm 99 cũng được giải
tỏa mở rộng thông qua một con đường lớn khác trở thành khu dân cư sầm uất, đông
đúc người ở. Quán cà phê đầu hẻm của chú Ba Tiều cũng không không còn nữa, gia
đình đã dọn đi từ lâu. Nghe người quen gần đó nói lại thằng Khánh con lão Quyền
được ai đó mai mối lấy được một cô vợ sửa quần áo lặt vặt ở góc đường Mậu Thân. Cô nầy cũng siêng năng cần mẫn nhưng
không được đẹp gái cho lắm vì trên mặt có một cục bướu máu bẩm sinh từ nhỏ. Đôi
lần tôi thử đem một vài chiếc áo, cái quần đến để sửa và ngồi chờ lấy mong có
lúc được gặp mặt thằng Khánh, xem lúc nầy
đời sống nó có dễ chịu không, nhưng chưa lần nào thấy nó xuất hiện. Còn
hỏi cô thợ sửa quần áo nầy đành chịu không biết mở lời thế nào. Tôi nghĩ mồ của
lão Quyền đã xanh cỏ bao năm, không chừng xương cốt lão đã hòa lẫn vào lòng đất
mẹ từ lâu rồi cũng nên. Câu chuyện của lão chẳng mấy người còn nhớ, hơn nữa, ở xóm cũ chẳng mấy nhà còn trụ lại và nhớ con đường rộng lớn nầy cách đây hơn ba mươi năm
là con hẻm lầy lội, nắng bụi mưa bùn. Ngay cả trường hợp của tôi đây, thôi cũng
dễ thấy, mới nghỉ hưu có bốn năm, mỗi lần nhận được thư của nhà trường mời về
họp mặt nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là mỗi lần thấy ít đi thầy cô cũ từng
công tác chung.Thậm chí mới đây khi vào trường có việc, tôi bị một anh bảo vệ
trẻ nhà trường mới hợp đồng chặn lại hỏi:
- Bác tìm ai? Đến đây có việc gì?
Thời gian sẽ xóa nhòa đi tất cả.Viết xong
câu chuyện nầy, tôi như trút đi gánh nặng. Lão Quyền ơi! lão yên lòng ra đi thanh
thản nhé. Đời người cũng chỉ là cát bụi mà thôi, việc gì phải bận lòng kia chứ.
Tháng 6/2013
Nguyễn An Bình
1 comment:
Một chiến sỹ thầm lăng! Một con người tôn thờ chữ "Nhẫn".
Bài viết hấp dẫn! Chúc mừng!
Tuy nhiên bạn nên đọc lại và sủa lỗi chính tả, tu từ , sửa câu cho ngắn gọn súc tích hơn nữa! Chúc bạn thành công!
Post a Comment