Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 17, 2015

MÙA XUÂN MẶC ÁO NỈ - Mang Viên Long



Tác giả Mang Viên Long.
Ảnh: Hoàng Tuấn, 2012.


MÙA XUÂN MẶC ÁO NỈ 
Mang Viên Long


Thuở nhỏ, ngày Tết đối với tôi quả thật là một khoảng thời gian rất khổ tâm. Hình như tôi chưa bao giờ náo nức chờ đợi nó một lần nào. Nó đến thì tôi phải lo. Chỉ có thế.  Nỗi vui mừng thì ít, so với nỗi buồn lo đã dày vò, kéo dài trong tôi cả tháng thì quá nhiều. Hình như, nỗi vui tết của tôi chỉ là sự che giấu cái mặc cảm cô độc, thiếu thốn hơn là được hạnh phúc. Nó gần đồng nghĩa với sự chịu đựng, bất hạnh.

Hình như cả tôi và chị tôi đều không dám nghĩ tới Tết, nói tới Tết. Không ai trong chúng tôi muốn nhắc tới chữ “Tết”, bởi vì, chúng tôi  đã biết được rằng, nếu có nghĩ tới, chúng tôi chỉ nhận lấy sự đau khổ thêm mà thôi. Không được bàn bạc, nói chuyện về những ngày Tết quả là một sự thiếu thốn lớn lao, một bất hạnh đối với tôi lúc bấy giờ. Ít ra, trẻ nhỏ cũng được biết rằng chúng sẽ được có gì, ăn mặc như thế nào, đi chơi những đâu trong mấy ngày đầu năm ấy chứ ? Chúng tôi không có cái không khí rộn ràng như thế, mà phải sống im lặng và chờ đợi. Thậm chí, có nhiều năm, chúng tôi không còn có sự chờ đợi âm thầm đó nữa.

Sau cùng, anh chị tôi (chị dâu) đồng ý cho ai thứ gì, thì nhận thứ ấy. Khi thì chị tôi được đôi dép, hoặc chiếc áo ca rô may sẵn chật bó. Khi thì tôi được đôi sandale, chị tôi được chiếc quần đen… Mấy năm sau, thông thường thì chúng tôi được cho một ít tiền, ai muốn sắm gì, thì tự ý lo lấy. Tết nào cũng vậy, khoảng tiền nhận rất muộn, chỉ đủ vừa may một chiếc áo vải rẻ, hay có thể ra phố mua một đôi giày (tôi có thói quen không đội mũ từ thuở ấy, vì giữa giày và mũ, thì đội mũ thật không cần thiết chút nào!).

Có  một năm, tôi còn nhớ mãi tới bây giờ, tôi được anh tôi gửi cho một ít tiền trước khi nhà trường cho về nghỉ Tết mấy hôm. Tôi suy nghĩ mãi nên sắm thứ gì cho ngày Tết với số tiền quá ít ỏi thế này? Nếu mua một đôi giày để thế đôi giày da đã há mồm thì phải mặc áo quần cũ – mà hầu hết không có cái nào “coi được” để mặc vào ngày Tết cả. Cái thì sờn rách ở cổ, cái thì dính mực ngay ở ngực. May một cái quần thì không đủ tiền (dù tôi đang rất cần). Tôi đi lan man dọc phố, không dám bước chân vào một cửa hiệu nào với số tiền quá khiêm nhường nắm gọn trong tay.

Cuối cùng, tôi làm dạn bước vào một cửa hiệu bán vải của người Chà Và gần cuối đường. Ông ta đon đả mời mọc tôi, cho tôi xem nhiều loại vải –  nói tóm lại, ông không biết tôi là ai, đang có bao nhiêu tiền. Tôi hỏi giá từng mặt hàng, và đã mua xấp vải nĩ in rằn dọc màu xanh một mặt. Còn mặt kia màu trắng. Xấp vải nĩ nội hóa này vừa đúng với số tiền tôi có trong tay, cũng vừa đủ may một chiếc áo sơ mi tay dài. Sau đó tôi phải vất vả lắm mới được người thợ may trong xóm nhận may cho chiếc áo kịp ngày trở về quê ăn Tết …

Thế  là Tết năm ấy, tôi mặc chiếc áo nĩ dày cộm, đi thăm bà con, bạn bè., dù phải xắn tay áo sơ mi lên tới khủy tay vì trời nóng quá…

Cho mãi tới những năm tháng sau này, lớn dần lên, tôi mới hiểu ra rằng loại vải nĩ tôi may áo sơ mi Tết năm ấy, người ta chỉ dùng may áo ấm cho trẻ con hoặc màn che cửa sổ….

Tôi chua xót nhận ra ý nghĩa của những tia nhìn lạ lùng, có khi chế giễu, của những người bà con, của đám bạn bè thuở ấy …

Hình ảnh chiếc áo nĩ mùa xuân của tuổi thơ tôi cứ ám ảnh tôi mãi. Sau này, khi đã trưởng thành, đã có vợ con, những ngày tháng Chạp, nhìn thấy những đứa trẻ hân hoan nắm tay mẹ chạy ra chợ đứng trước các sạp bán áo quần, giày mũ, tôi đều dừng lại lặng người nhìn ngắm. Khi có việc ra phố những ngày giáp Tết, thấy người đàn ông dắt con vào các cửa hiệu lựa chọn đồ Tết, tôi cũng bàng hoàng đứng im… Tuổi thơ thật cần những săn sóc, nâng niu nhỏ nhặt như thế để lớn lên. Còn đời tôi thì không. Tôi đã lớn lên như cây rừng cô tịch.

Không có hình ảnh hạnh phúc nào dành cho các con hay các bậc cha mẹ, gần gũi hơn là được dắt con đi ra phố, chợ trong những ngày giáp tết. Tôi thường tự nhủ: “Hãy dắt chúng đi, để rồi, chúng ta có ngày sẽ không còn dịp dắt chúng đi nữa. Tuổi thơ của chúng sẽ đi qua, và rồi tuổi già của chúng ta sẽ tới…”.

Bây giờ, khi nhìn thấy các con đã lớn, nhìn chúng hăm hở kéo tay mẹ ra chợ, tôi mới thổ lộ: “Các con chỉ chọn một thứ nào đó cho ngày Tết mà thôi. Thế là các con đã có ngững gì mà tuổi thơ của ba má không bao giờ có được rồi đó…”    


                                                                         Mang Viên Long

No comments: