Tác giả Nguyễn Đặng Mừng |
TẢN MẠN QUÊ NHÀ
Về đêm
ít ngủ, chợt giật mình nghe tiếng chim chèo hót kêu thảm thiết giữa không gian
thành phố. (Nhà tôi có nhiều chim về đậu vì xung quanh đô thị hóa hết
rồi,còn một mảnh vườn thiên hạ chưa thèm làm, cây cỏ mọc um tùm, những loài
chim không có chỗ nương thân thường về đậu chứ không phải đất lành). Lại nhớ
con chim chèo hót ở quê nhà, theo truyền thuyết là báo hiệu có người sắp chết.
Nghĩ về kiếp nhân sinh, tôi viết:
Chim chèo hót kêu
lời thảm thiết
Giấc mơ vàng nương
bóng tre xanh.
Ừ, giấc
mơ từ đâu nhỉ? Từ thuở lên năm ở nhà quê, bên luỹ tre, giấc mơ xa nhất
của tôi là mặt trăng và hình ảnh chị Hằng, biểu tượng cho tình yêu, lại có
thằng cuội dối trá. Làng quê là bức tranh thanh bình, cần tình yêu thương biết
bao, cần chi điều gian dối để đày đoạ nhau. Tôi lại viết:
Hãy quên đi những
điều gian dối
Lịch sử rạch ròi
cái trắng cái đen
Thằng cuội ngàn năm
trơ thằng Cuội
Chị Hằng muôn thuở
chị Hằng EM
Thế đó, thơ
văn của tôi bắt đầu từ lũy tre làng, từ ca dao tục ngữ. Tôi may mắn được làm
nhà nông hai năm (1978-1980) ở quê nhà để cảm lại những câu ca dao mẹ hò ngày
xưa, những câu tục ngữ mẹ tôi thường dạy những lúc chị em tôi bối rối trước một
tình huống. Những bà mẹ quê xưa thường không biêt chữ, bằng vào những câu ca
dao tục ngữ đã nuôi nấng tâm hồn chúng
ta nên người.
Có một số
người thành đạt về kinh tế rất sợ nhắc đến "ngày xưa", họ thích khoe
khoang kiến thức này nọ nhưng chưa hiểu nổi một câu ca dao tục ngữ.
Hãy nghe người xưa ví von sự đó: "khó chưa từng chộ của, mặc quần lụa
chó sủa cả đêm" . Ý của người xưa nhắc rằng cái giàu có về văn hoá
mới là đáng quý.
Nguyễn Đặng Mừng
No comments:
Post a Comment