Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, June 19, 2013

NHỚ NHÀ BÁO TRẦN THANH XUÂN - Hoàng Đình Chiến


              Trong cuốn sách: “GP.10, Bốn mươi năm một danh hiệu, ông Đỗ Phượng, nguyên UVTƯĐ, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN nhớ lại: Thời kỳ chống Mỹ cứu nước ông đảm trách Phó Tổng  VNTTX. Vào cuối năm 1971, ông được ông Lê Văn Lương, Thường trực Ban Bí thư Trung Ương gọi lên giao nhiệm vụ: trong năm 1972, TTX phải gấp rút đào tạo một lớp phóng viên có đủ khả năng đáp ứng đòi hỏi của chiến trường miền Nam, phục vụ nhiệm vụ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày càng tới gần. Thực hiện chủ trương sáng suốt này, lãnh đạo VNTTX đã tuyển chọn được 150 học viên từ 1500 hồ sơ của ba trường Đại học danh tiếng ở miền Bắc lúc đó: đại học Tổng hợp, đại học ngoại giao, đại học ngoại ngữ.

             Lớp học được đặt tên: Lớp phóng viên GP.10 (GP là lớp giành riêng cho Thông tấn xã Giải phóng; số 10 là khóa phóng viên thứ 10 của TTX). Sau 6 tháng học nghiệp vụ báo chí cách mạng mà giáo viên là các nhà báo kỳ cựu như Thép Mới, Lưu Quí Kỳ, Xích Điểu, Hoàng Tùng…lớp phóng viên lên đường Nam tiến, phân bổ trải dài khắp các mặt trận từ Trị Thiên, Khu Năm đến Nam Bộ. Nhà báo Trần Thanh Xuân, Phó Tổng VNTTX lúc đó được giao nhiệm vụ Hiệu trưởng và ngầm hiểu sẽ là người cùng các học trò của mình vào chiến trường “Tham chiến”. Ông Trần Thanh Xuân (Năm Xuân) người quê Gò Công, vốn là một trí thức tên tuổi, từng du học Pháp, từng nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ trở về nước tham gia kháng chiến. Những năm hòa bình tuy ở miền Bắc, nhưng trong ông luôn cháy bỏng nguyện ước được trở về sát cánh cùng đồng bào miền Nam thân thương. Nguyện vọng ấy được lãnh đạo TTX lúc ấy chấp nhận và đề đạt lên Ban Bí thư và Tổng Bí thư Lê Duẩn. Thật bất ngờ, Tổng Bí thư Lê Duẩn không đồng ý: Trung ương không cần anh Năm Xuân có mặt ở chiến trường vào thời điểm này. Anh sẽ giúp Đảng nhiều hơn khi có mặt ở thành phố Sài Gòn giải phóng. Anh cần đủ sức khỏe để tập hợp lớp trí thức vốn quen biết hoặc đã có quan hệ với gia đình anh chị. Trên xe về cơ quan, Nhà báo Trần Thanh Xuân nói với ông Đỗ Phượng: Lãnh đạo cơ quan đã nhất trí cử tôi đi, mọi việc đã chuẩn bị chu đáo. Nếu không đi lúc này, đến giải phóng mới vào thì gặp ai cũng chẳng có bao ý nghĩa. Anh đừng nói lại ý kiến vừa rồi của anh Ba với mọi người, cứ coi như tôi đã chào anh Ba trước khi lên đường. 

                Ông Đỗ Phượng bồi hồi nhớ lại những lời lẽ thiết tha của Nhà báo Trần Thanh Xuân: “ Các anh đều biết tôi rời quê hương sang Pháp rồi về Việt Bắc, sau lại sang Pháp làm nhiệm vụ rồi trở về Hà Nội, chưa một lần trở về quê hương. Mấy năm nay vì đường vào Nam phải đi bộ cả nửa năm trời, tôi tự lượng sức mình không chịu nổi, còn đi đường công khai sợ dễ bị lộ nên không dám đề nghị. Nay, đã có thể đi ô-tô nên đề nghị được trở về tham gia chiến đấu trong những năm cuối đời để giải phóng quê hương. Vì vậy tôi đã xin được làm hiệu trưởng lớp học, để làm quen rồi cùng anh chị em vào chiến trường.” Ông Đỗ Phượng nói về người đồng nghiệp của mình: “Ai cũng tôn trọng và quí mến anh Trần Thanh Xuân cả về năng lực nghiệp vụ lẫn đạo đức nhưng sở dĩ không ai nghĩ đến việc cử anh vào chiến trường vì tuổi tác và sức khỏe của anh. Tuy nhiên không ai nỡ nói lời không đồng tình với ước mơ cháy bỏng và chính đáng của anh. Ý chí và nghị lực của anh Năm Trần Thanh Xuân mãi mãi là biểu tượng đặc trưng cho đội quân TTX lên đường đầu năm 1973. Một ông già đau yếu cùng đoàn quân trai tráng tuổi đôi mươi cùng ra chiến trường không phải là sự tương phản mà lại là hình ảnh đẹp của sự hòa hợp của ý chí chiến đấu, của lòng yêu nước đặc trưng Việt Nam”.

                  Những tháng ngày làm Hiệu trưởng lớp phóng viên GP.10 đối với Nhà báo Trần Thanh Xuân thật dài vì chờ đợi. Bà Mai Thị Trình, người bạn đời của ông ráng trổ hết tài nghệ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho ông nhằm nâng cao sức khỏe. Bà là người Sài Gòn, từng cùng ông du học. Hiểu được ý nguyện nung nấu của người bạn đời, bà tình nguyện xin trở về Nam cùng ông, để lại hai con chưa đến tuổi trưởng thành trên đất Bắc.

                  Một chiếc com-măng-ca được thiết kế “đặc  chủng ” và một lái xe “thiện chiến”dành riêng cho ông bà. Hôm chia tay ông ôm hôn từng lãnh đạo TTX và hai con thân yêu. Sau gần 8 tháng được “chăm bẫm” và tự rèn luyện, sức khỏe của ông đã khá lên trông thấy nhưng trong ngực ông vẫn chỉ còn một phần lá phổi làm việc. Trong bộ bà ba màu cỏ úa và chiếc khăn rằn bên cổ, không ai ngăn nổi dòng nước mắt chia xa. Ngót sáu mươi tuổi, người trí thức đã từng sinh sống giữa Paris hoa lệ bắt đầu cuộc hành quân trở về, vẫn còn nguyên khát vọng cháy bỏng của thời trai trẻ.

                Trên chiếc xe tuy là “đặc chủng” được gắn ghế có nệm mút êm ái  nhưng vẫn không hề giảm bớt những cú sóc nảy người, toàn thân rung lắc. Đêm ngủ võng giữa đại ngàn, gân cốt tưởng như nhão ra nhưng ông vẫn không một lời kêu la. Vào đến cứ “R” Tây Ninh, ông tham gia ngay Ban lãnh đạo TTXGP và thành viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Ông bà cùng tham gia dựng lán mái lá Trung quân, phía dưới là căn hầm nửa chìm nửa nổi. Ông bà ăn cơm cùng mọi người ở bếp ăn tập thể. Thi thoảng bà nấu bồi dưỡng thêm cho ông chén chè đậu. Ông bà chan hòa với mọi người không phân biệt nhân viên, thủ trưởng. Để có thể thêm sức cho ông, điều mà bà tâm niệm như một nhiệm vu được giao phó, bà nuôi một bầy gà, vừa có trứng thường xuyên vừa có thịt khi cần cho bữa cơm khách đột xuất.

                  Cuối năm 1974, hình như ông đọc được “điều gì đó” sắp xảy ra. Sau khi bài binh bố trận khắp các phân xã miền Nam bằng một lực lượng phóng viên trẻ từ lớp GP.10, lớp do ông đào tạo, ông gọi tôi lên giao nhiệm vụ: dẫn đầu một tổ phóng viên tin ảnh, điện báo viên biệt phái sang Bộ Tư lệnh Miền với nhiệm vụ phản ánh nhanh, nhậy tình hình chiến sự toàn miền và trực tiếp tham gia các mũi tiến công của các binh đoàn chủ lực khi các chiến dịch mở màn. Nhờ chuyến biệt phái này, tôi đã có dịp tham gia chiến dịch giải phóng Phước Long và chiến dịch Hồ chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn. Nhớ lại lúc giao nhiệm vụ, ông nhẹ nhàng căn dặn những điều hơn lẽ thiệt, cách đối nhân xử thế bằng những việc cụ thể như người cha với con: Cháu phải làm sao xứng đáng là người ra đi từ miền Bắc XHCN.

                Gặp lại ông ngay ngày đầu Sài Gòn giải phóng tại Trụ sở Việt Tấn xã, cơ quan thông tấn của chế độ Sài Gòn, tôi trình ông những bài viết và đọc được niềm vui chan chứa của ông qua cặp kính cận. Tôi hiểu rằng với ông niềm vui này được nhân đôi. Ngoài niềm vui chung của cả dân tộc, ông còn một niềm vui trọn vẹn của một người con xa quê hương sau gần 30 năm xa cách. Những năm đầu giải phóng, nhờ tên tuổi và uy tín của ông, tôi đã gặp rất nhiều thuận lợi trong công tác phóng viên mảng chính trị-thời sự, nhất là tiếp cận với đội ngũ trí thức nhân sĩ Sài Gòn vốn chưa hiểu nhiều về cách mạng./.


                                               HOÀNG ĐÌNH CHIẾN    

No comments: