Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 6, 2024

SÔNG THẠCH HÃN - NGUỒN GỐC ĐỊA DANH (Kỳ 2/3) - Yến Thọ

 


 SÔNG THẠCH HÃN - NGUỒN GỐC ĐỊA DANH (Kỳ 2/3)

Yến Thọ

(Trích từ tập sách KHẢO VỀ QUẢNG TRỊ XƯA, 

tác giả LÊ ĐỨC THỌ)


Sông Thạch Hãn trong nhiều tài liệu về sau này thường được nhắc đến bởi tên là SÔNG QUẢNG TRỊ. Đoạn đi qua thung lũng Ba Lòng, sông mang tên là SÔNG BA LÒNG. Từ thị xã Quảng Trị về xuôi thường gọi là SÔNG THẠCH HÃN.

Tên xưa nhất của sông Thạch Hãn là Kraung Trapauk. Một tài liệu ghi nhận được từ bia ký Chămpa ở ngôi đền tháp Hà Trung có nhắc đến tên một con sông lớn trong vùng là sông Kraung Trapauk. Trụ bia Hà Trung đã được học giả người Pháp là ông Hubert và học giả người Ấn Độ là ông Majumda dịch và xác nhận nội dung đề cập đến việc xây ngôi đền có tên là Indrakantecvara cùng những thông tin đáng chú ý: Ngôi đền thờ thần Siva (thần tàn phá) dưới dạng một linga có mặt người mang tên Indrakantesvara. Đền thờ được khánh thành ngày 21 cai tra năm 838 saka, có nghĩa là năm 918 sau công nguyên, dưới thời trị vì của đức vua Indravacman, con trai của vua Bhadravacman - giai đoạn cuối của vương triều Indrapura. Ngôi đền được xây dựng bởi sự cúng dường của của hoàng hậu Tribhuvanadevi, là goá phụ của Simhavacman. Nội dung tấm bia cũng nói đến một thành phố Chăm có tên là Navap mà trung tâm là làng Hà Trung tồn tại trong các thế kỷ IX - X, cách ngày nay hơn 1000 năm. Có một con sông lớn là Kraung Trapauk mà theo Hubert thì có lẽ đó là sông lớn Quảng Trị. Vào thời đó, đất đai được phân loại là đất mặn, ruộng sâu, có trồng lúa nước và đất khô trồng lúa vãi (5). Điều này không chỉ cho thấy có nhiều cứ liệu để có thể khẳng định trong các thế kỷ trước XI, vùng Quảng Trị là một mandala - tiểu quốc quan trọng trong vùng cực bắc vương quốc Chămpa mà còn có thể thấy rằng con sông có tên Kraung Trapauk chính là sông Thạch Hãn.

 

Con sông trong quan niệm của Ấn Ðộ giáo (tôn giáo chủ yếu của vương quyền Chămpa) là sông thiêng, biểu tượng của nữ thần Ganga. Một ngọn núi cao nào đó gần con sông được coi là biểu tượng của Ðại sơn thần và đây cũng là thần Siva. Theo đó, một tiểu quốc của Chămpa (mandala) thường tồn tại dựa trên mô hình lấy con sông lớn ở khu vực đó làm trục chính: phía thượng nguồn là thánh địa (núi thiêng), nơi được dựng lên các đền tháp thờ thần/phật - trung tâm tôn giáo; vùng hạ lưu là nơi xây dựng thành lũy, là chốn thị thành - trung tâm chính trị, văn hóa (thành phố thiêng); cửa biển là cảng thị - trung tâm kinh tế, nơi giao lưu trao đổi với thế giới bên ngoài.

 

Nhìn lại không gian vùng Quảng Trị theo hệ quy chiếu sông Kraung Trapauk - Thạch Hãn thì thánh địa Trương Xá (cùng với hệ đền tháp Lâm Lang, Định Xá, Đông Hà, Kim Đâu) trên sông Hiếu và thánh địa Dương Lệ (cùng với hệ đền tháp Thạch Hàn, Nhan Biều, Đa Nghi, Trà Liên, Quảng Điền, Phúc Lộc, Dương Lệ, Cao Hy...) trên sông Thạch Hãn là trục quy hoạch chính; trong đó Dương Lệ là trung tâm tôn giáo của toàn vùng châu Ô trở thành một chỉnh thể dàn đều trên trục quy hoạch Hiếu - Thạch Hãn (6). Toàn bộ không gian này, thành Thuận Châu cùng với cảng biển Cửa Việt, cảng sông Mai Xá ở phía bắc, Phó Hội ở phía nam là các trung tâm về chính trị, kinh tế hoàn chỉnh cho một mô hình của một mandala ở Quảng Trị - tiểu quốc hùng mạnh trong khoảng thời gian trước thế kỷ XI, nhất là giai đoạn vương triều Indrapura. 

 

Trước khi có tên chính thức là Thạch Hãn, từ thế kỷ XV - XVI, con 

sông này được gọi là sông Cái với hàm nghĩa để chỉ con sông lớn 

nhất của toàn vùng Quảng Trị. Trong một đoạn mô tả về chợ Thuận, 

sách “Ô Châu Cận Lục chép”: “Chợ Thuận. Ở ranh giới hai huyện 

Hải Lăng và Vũ Xương. Từ sông Cái ở mặt tây nam, một nhánh 

sông con đổ về, trên nhánh sông này có một nhịp cầu dài vắt ngang, 

phía nam cầu là lều quán bày la liệt(7).  Sông Cái ở đây chính là 

sông Thạch Hãn, còn nhánh sông con chính là Hói Thuận.

 

(Còn tiếp)  

 

5. L. Cadière. Bãi biển Cửa Tùng. Bulletin des amis du vieux Hue. Những người bạn cố đô Huế. B.A.V.H tập VIII, năm 1921. Bản dịch của Phan Xương. Nxb Thuận Hoá, Huế. 2001, tr. 326.

 6. Xem thêm: Lê Đức Thọ. Về các loại hình văn hóa Chămpa ở Quảng Trị. T/c Văn hóa nghệ thuật. Viện Nghiên cứu VHNT - Bộ VHTT, số 11.1995.

 7. Dương Văn  An. Ô châu cận lục. Sđd, tr. 91

 

Yến Thọ

leductho1964@gmail.com

 

 


No comments: