Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 18, 2011

TRẦN BÌNH TUẤN - MAN MÁC ĐIỆU HÒ XỨ SỞ

Sông Thạch Hãn


BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

CÂU HÒ QUẢNG TRỊ

HÒ SÔNG NƯỚC BẮC TRUNG BỘ - Trần Hoàng Tiến

ĐIỆU HÒ BÊN SÔNG THẠCH HÃN

HÒ ĐỐI ĐÁP NAM NỮ- Tôn Thất Bình

DÂN CA BÌNH TRỊ THIÊN NỬA SAU THẾ KỶ XX - Vĩnh Phúc

ĐIỆU TRỐNG QUÂN CỔ LÀNG ĐIẾU NGAO

TIENG QUANG TRI - Trần Hữu Thuần

TAI TRÍ NGƯỜI QUẢNG TRỊ QUA ĐỐI ĐÁP DÂN CA - Văn Quang



Ðổ dần từ tây sang đông, nơi khởi nguồn của các dòng sông Thạch Hãn, Vĩnh Ðịnh, Hiền Lương... nơi khơi nguồn cảm hứng dân gian những điệu hò sông nước mênh mang, ở đó thể hiện tình cảm thầm kín, chất chứa của con người trong lao động...
Náo nức một thời...!
Từ cái nhìn thẳm sâu, trong không gian văn hóa mênh mông dường như vô tận, thắm đượm tâm hồn, khí phách về đất và người. Quảng Trị ở ngã ba đường thiên lý bắc - nam, đông - tây. Từng là nơi cát cứ của nhà Nguyễn, trong tiến trình tiến về phía nam, với bao thăng trầm, chất chồng trên đôi vai người đi vỡ đất, mở cõi, trong cơn bĩ cực, thuở ban sơ đó như sợi dây vô hình gắn kết họ với cộng đồng bản địa, tạo nên nền văn hóa phong phú đa sắc.
Quá trình sinh sống cùng chung lưng đấu cật, cần mẫn lao động, sáng tạo cũng là chặng đường giao thoa, hòa hợp dòng âm nhạc nơi quê cha đất tổ với nền âm nhạc bản địa; dần dà hòa quyện thành công dòng chảy lớn của thi ca nơi chốn dân giã - dòng âm nhạc dân gian riêng có của người Quảng Trị.
Trong dòng âm nhạc dân gian Quảng Trị có bao khúc hát ru, điệu hò, lý... từ chất liệu cuộc sống viết nên, từ những cảm hứng, tình cảm trong lao động "kẻ hô người ứng" mà thành.
Trong xứ sở của những điệu hò đó, chỉ đơn cử ra viên ngọc tỏa sáng, ẩn chứa sức sống diệu kỳ trong kho tàng âm nhạc truyền thống vô giá, đó là điệu hò Mái nhì, Mái đẩy - mang âm hưởng lắng sâu, tiếng nói chân thực phản ánh sâu sắc khát vọng, tư tưởng của nhân dân lao động.
Nét đặc trưng của điệu hò sông nước xứ sở này thể hiện tình cảm thầm kín, chất chứa của con người trong lao động, nên giai điệu thường trải dài, ẩn khuất trong không gian sông nước mênh mông, thời gian như lắng đọng, văng vẳng, len lỏi trong tâm can của người lữ khách sang sông.
... Hơ... ! Thuyền ai thấp thoáng bên sông đưa (hờ!) câu (hò) mái đẩy
(Hơ...!) mái đẩy chạnh (hờ!) lòng... hơ hơ hơ...!
Chạnh lòng nước non... (Hơ hơ hơ...!)
(Hò mái nhì)
Không mang tính chương trình, nặng về trình diễn; ở đó thể hiện sự tự do, phóng khoáng trong lối hát ca; giai điệu chứa đầy nguồn cảm hứng tươi nguyên, đẹp đẽ, nồng ấm và gần gũi; dễ thường có tính phổ biến cao trong sinh hoạt cộng đồng, hòa sâu và trở thành chất liệu của các điệu hò Nam ai, Nam bình kinh thành đất Huế sau này (*).
Chính điệu hò Mái nhì, Mái đẩy tiêu biểu cho chức năng giao duyên của những điệu hò xứ sở này; ở đó là sự giao cảm đầy chất lãng mạn nam, nữ trong lao động, như thầm mong vơi đi nỗi nhọc nhằn, truân chuyên, tạo nguồn cảm hứng dường như vô tận, thời gian và không gian ở đó dường như dừng lại nhường chỗ cho sự thăng hoa cảm xúc của con người.
Qua con đường giao duyên hòa ca tuyệt vời, con người sẻ chia cùng vượt qua gian khó, "cập bến mơ", thi vị hóa ý chí, khát vọng kết đoàn, tương phùng tương ngộ của con người từ trong không gian mênh mông được xích lại gần nhau hơn, từ trong chân lấm tay bùn yêu thương nhau thêm...!
Theo nghệ sĩ Xuân Lư - nguyên Trưởng đoàn ca kịch Bình - Trị - Thiên: "Thuở ấy những người có tài ứng tác, bẻ làn nổi tiếng như thợ Mai, thợ Hộ, thợ Thiềm... Những đêm trăng thanh ca hát giao duyên ở Triệu Phong, sự góp mặt của thợ Thiềm bao giờ cũng sôi nổi, hấp dẫn...". Ðặc biệt trước đây nhân dân đồng bằng Hải Lăng, Triệu Phong có truyền thống tổ chức những cuộc hò mái nhì rất náo nức trong khi ngồi se tơ, quay sợi...!
Ðể lại ký ức sâu đậm hơn cả bao thế hệ đi qua chiến tranh từng thao thức, chờ đợi được nghe chương trình "Quay súng cùng nhân dân chống Mỹ cứu nước" được phát trên Ðài Tiếng nói Việt Nam vào lúc 22 giờ, được thể hiện giọng hò "thiên phú" lắng sâu, dạt dào xúc cảm của người nghệ sĩ tài danh, một người con của quê hương Quảng Trị - NSND Châu Loan.
Ðiệu hò mái nhì, mái đẩy man mác giàu tính nghệ thuật giao cảm bằng sự thăng hoa tuyệt vời của người nghệ sĩ đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với nhân dân miền nam lúc bấy giờ sống dưới ách kìm kẹp của kẻ thù, với niềm tin mãnh liệt hướng về Ðảng, Bác Hồ kính yêu, thôi thúc vùng lên đấu tranh giải phóng quê hương.
Cũng với giọng hò thiết tha, người nghệ sĩ vang bóng một thời này đã mang điệu hò quê hương vang vọng đến bên kia đại dương, đến cả quốc gia được mệnh danh là "kinh đô ánh sáng" để kêu gọi nhân loại yêu chuộng hòa bình, đoàn kết, ủng hộ vì cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
... Xa vắng...?! Bất chợt lênh đênh một hoàng hôn sông nước.
Sau ngày quê hương được hòa bình thống nhất, trong những ngày vui đại thắng điệu hò ấy lại có dịp trở lại trên các sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp ca kịch Bình - Trị - Thiên, in hằn trong ký ức của hàng nghìn khán giả dưới ánh sáng tươi nguyên, mộc mạc của những đêm hội diễn hay biểu diễn nghệ thuật quần chúng ở Triệu Hải, Bến Hải.
Bên ly trà tỏa ngát hương nhài trong căn phòng khách ấm cúng dưới chân Thành cổ, ông Trần Khánh Xiễn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Phong, với thâm niên ba mươi năm làm văn hóa, người có tâm huyết với việc lưu giữ, bảo tồn các điệu hò dân gian Quảng Trị, chậm rãi tâm sự: "Nay lối sinh hoạt truyền thống đó dần dần bị phai phôi; những điệu hò mái nhì, mái đẩy, mái ba man mác ấy, dẫu qua không ít "truân chuyên...!". Dẫu vẫn ẩn mình trong gam mầu tối của vết bụi "vô tình" thời gian... Nếu có dịp xuôi theo dòng Thạch Hãn, ghé qua Sãi về Triệu Phong vào lúc chiều tà, may mắn du khách vẫn còn nghe câu hò mộc mạc, lắng sâu, ẩn chứa triết lý thế thái nhân tình:
Ơ ơ...! Nước dưới sông có khúc sâu khúc cạn
Trên ngọn núi cao có hòn dựng hòn nằm
Thiếp với chàng đạo nghĩa trăm năm
Dẫu có đi xa ngàn dặm cũng gởi lời thăm kẻo buồn...!
(Hò mái đẩy)
Nó đang âm thầm là chất liệu làm phong phú đời sống âm nhạc đương đại, để không phải ngẫu nhiên sau này ca sĩ Quang Linh, Vân Khánh - những người con quê hương Quảng Trị thành công trên con đường ca hát khi cất tiếng ca chất chứa, lắng sâu điệu hò xứ sở!
Nhận thức được vấn đề loại hình nghệ thuật dân gian mang tính nghệ thuật, tư tưởng cao đứng trước nguy cơ bị lãng quên, gần đây ngành văn hóa tỉnh Quảng Trị đã tổ chức thành công khóa đầu tiên dạy ca hát nghệ thuật dân gian, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia và tiếp tục chiêu sinh những khóa tiếp theo, như làm khôi phục lối sinh hoạt tinh thần thanh tao, xây dựng một cốt cách, bản sắc của con người và xứ sở.
Những điệu hò mái nhì, mái đẩy... sự nhịp nhàng của tay chèo, tay lưới nơi miền sông nước, từ quá khứ hôm qua vẫn hiện hữu, lắng vào sâu trong tâm thức bao lớp người Quảng Trị, bởi ý niệm "hòa ca khúc hát kết đoàn" bao giờ cũng trở thành ý thức cụ thể, sâu sắc trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào của con người xứ sở này! Hình thành từ trong quá trình vỡ đất, lập cõi, đấu tranh và dựng xây. Ý niệm sâu sắc, khát vọng cháy bỏng ẩn sâu trong những câu hò xứ sở vẫn mãi vang vọng đến mai sau...!?
Trần Bình Tuấn
Theo nhandan.com.vn

No comments: