Có thể nói rằng về thể loại dân ca của các miền đất nước, hò đối đáp là nét độc đáo tiêu biểu cho người và đất quê hương Quảng Trị (và vùng Bình-Trị-Thiên nói chung). Qua hò đối đáp, người bình dân bày tỏ và trao đổi tâm tư tình cảm, thể hiện tài trí của mình về cả hai mặt nội dung tư tưởng và nghệ thuật diễn đạt. các phép tu từ mà ngày nay chúng ta đang dạy cho học sinh trong nhà trường và các nhà văn, nhà thơ sử dụng trau chuốt, làm đẹp tác phẩm của mình đều được các các nghệ sĩ vô danh ngày trước thể hiện trong các tác phẩm của họ một cách tài tình, độc đáo đến bất ngờ. Dân Quảng Trị chất phác, lời lẽ mộc mạc đơn sơ, nhưng đã dụng công trau chuốt thì khó mà chê được.
Hò giã gạo và hò mái nhì là những làn điều thường được dùng để đấu trí, thi tài; nhưng phổ biến nhất vẫn là hò giã gạo, bởi vì nó có nhịp điệu nhanh, khoẻ, dễ gây không khí hoá hức , sôi nổi. để có thể đối đáp xứng hợp, kịp thời, đòi hỏi người nghệ sĩ dân gian phải có một vốn kiến thức nhất định và đặc biệt là tài ứng đối mau lẹ, sít sao. Đầu óc họ phải hết sức tinh tế, nhanh nhạy mới có khả năng vừa phân tích, tổng hợp tình ý đối phương, vừa sáng tác kịp thời lời lẽ đáp lại làm sao cho cân xứng, lấn lướt được đối phương càng tốt. hò đối đáp có thể mang những nội dung khác nhau : Đối đáp ân tình, đấu trí, thi tài về việc đời, triết lý cuộc sống, kiến thức văn học nghệ thuật, địa lý, lịch sử …
Trước đây những đêm hò là những buổi hội ngộ của những đôi trai gái và nhân dân trong làng ngoài xã. Họ vừa là lao động vừa sinh hoạt văn nghệ. Mỗi lần có câu hò hay khán giả vỗ tay reo hò và có quan viên, chức sắc đánh trống chầu để tán thưởng. trong sinh hoạt văn nghệ dân gian này không loại trừ sự góp mặt của các ông nghè, ông Tú thất cơ lỡ vận về sinh sống ở nông thôn. Họ có thể trực tiếp tham gia hoặc tham gia cố vấn cho các chàng trai, cô giá mối khi họ cần đến. nhờ vậy mà tầm hiểu biết của người bình dân cũng rộng hơn.
1. Hò đối đáp ân tình:
Trong lối hò này đôi trai gái trao đổi tình cảm với nhau nhưng đối đáp thế nào cho xứng, thể hiện được tài trí của mình. Có khi cả hai bên đều dùng tình ý, lời lẽ thật với nhau, nhưng thường là có tính cách mỉa mai, châm chọc.
Hai bên đối đáp thật thà về lời, nhưng ngụ ý mỉa mai:
Trai làng ở quá cũng đông
Có sao em bậu lấy chồng đàng xa?
Ơ làng cũng có người thương
Số em đáng số lấy chồng tha hương mới thành.
Dù câu hỏi của người con trai có vẻ thật thà, nhưng ít nhiều cũng có ngụ ý là cô gái ế chồng, trai làng không ai thèm dòm tới ! nên dùng lười lẽ bóng gió xa xôi:
Gặp em đây hỏi thiệt em đây
Sông sâu, sông cạn, đò đầy, đò lưng?
Trong câu hỏi chàng trai đã sử dụng thể ti, phép ẩn dụ để biểu đạt tình ý của mình: Sông và đò ám chỉ người con gái. Cô gái đã đáp lại thật sắc sảo:
Sông này cửa khẩu chưa khai
Thuyền đang đậu bến, chưa ai mà lưng đầy.
Dùng cách đơn giản mà chơi chữ, thủ pháp nghệ thuật dễ chơi xỏ đối phương:
Chiếc thuyền quyên em mỏng mảnh mong manh
Biết đưa anh có đến bên kênh ghềnh hay không?
Người con trai phải hiểu từ ẩn dụ “ Chiếc thuyền quyên” “ Gềnh” là gì mới đáp xứng được.
Và đây, ta thử nghe anh đáp lại:
Chiếc thuyền quyên em mỏng mảnh mong manh
Anh dựng cột buồm dậy chạy hai canh là đến bờ!
“ Dựng cột buồm” là cách nói ẩn dụ rất đắc ý ở đây.
Ta thử nghe thêm vài câu người con gái hò châm chọc:
Càng ngày càng nới dây lưng
Thương anh trong dạ không biết chừng dội mô!
Thương thì thật là thương nhưng xỏ lá đáo để ”Thương anh trong dạ” là cách chơi chữ tài tình để nói rằng: Em đang mang thai anh trong bụng !
Người con trai không nhận thấy xỏ lá ấy thì chỉ đành chịu nhục trước gái thuyền quyên!.Nhưng anh đáp lại còn già giặn hơn:
Bắt lấy dây lưng xin em đừng vội nói
Thiếp còn ân ái chi chi
Thầy mẹ sinh em là phận nữ nhi
Sao không thương thầy với mẹ, nghĩa chi thương chàng.
Ý anh bảo con gái “ Người em thương trong dạ là thầy mẹ em”. Có khi cô gái còn nổi đến cả cha mẹ đối phương:
Kể từ này em đẻ, mẹ ra
Anh không lui tới, thiệt là vô tâm.
Cách chơi chữ rất tài tình : “ Em đẻ mẹ ra” có thể hiểu là khi em sinh ra con thì mẹ anh ra thăm, nhưng ở đây cô nói liền mạch thì có nghĩa là “ Em đẻ mẹ anh ra”.
Đến lượt các chàng trai châm chọc thì cũng chẳng vừa chi:
Ôi thôi rồi đứa con tui hắn chết ngay đơ!
Cửa xa nhà ngái, chôn nhờ đất em
“ Con tui chết ngay đơ” nghe rất tội mà xỏ lá vô cùng. Nhưng cô gái nào có chịu lép vế:
Đất em sâm sẩm ổ gà
Chôn cha cũng lọt huống là chôn con
Đòi chôn cả cha đứa con ấy vào đất em thì xấc đáo để. Chàng con trai cũng có thể hỏi bóng gió:
Chuông vàng đánh tiếng kêu rè
Hay là thợ đúc chế hàn the vô rồi?
Ý nói cô gái đã lang chạ, không còn trinh tiết. Ta có ngờ cô gái đáp lại già giặn như sau không?
Chuông treo trước cửa Cần Chánh
Ai dám vô mà đánh chuông rè
Anh nghiêng tai, cúi trôốc mà nghe
Chuông vàng thanh tiếng, anh chê rè là răng?
Ý cô gái bảo em cao sang như chuông vàng treo trước cửa điện Cần Chánh của Vua, anh dốt nát nói bậy chứ không ai dám đụng vào em đâu! Không tin thì anh nghiêng tai, cúi đầu mà nghe.
Ngay trong lối hò đối đáp ân tình, người bình dân cũng đã sử dụng cách nói lái rất độc đáo ở Quảng Trị. Nói lái là một nghệ thuật chơi chữ để khi đảo các âm của từ thì tạo thành nghĩa mới. cách nói lái thường giúp cho lời nói đỡ thô tục.
Ở Làng Bồ Bản xã Triệu Trạch có một ông Nghè hay chữ rất sành hò, tục gọi là cậu Ba, ông Nghè Ba. Một hôm ông hò ân tình với một cô gái ở vùng Gio linh. Ông than thở trách móc:
Trời mưa , trời gió, vác đó ra đơm
Chạy vô ăn cơm, chạy ra mất đó
Nào ai lấy đó, đó ơi
Đó không phân đi, nói lại đôi lời cho đây hay?
Cậu Ba có ngờ đâu cô gái gái nhanh nhẩu và xấc xược đáp liền:
Nỏ có ai như cậu Ba làng Bồ
Đó treo côi trại, không biết chỗ mô mà tìm!
“ Đó treo côi trại” theo thổ âm Quảng Trị khi nói lái lại rất tục. Ông Nghè hiểu ngay cô gái chơi xỏ mình nhưng đành chịu nhịn và phục tài.
2. Hò Đấu Trí :
Trong lối hò này, đôi trai giá đã vận dụng hết tài năng để thi thố kiến thức về nhiều mặt của cuộc sống. thủ pháp nghệ thuật cũng rất điêu luyện, bảo đảm vần điệu, tiết tấu của thể thơ lục bát và các biến thể của nó. Đôi khi pha giọng ân tình, nhưng đó chỉ là một thách thức thử tài.
Đối đáp châm chọc :
Ô hô đòi Ngô thế lọng
Tui chửi cụ một điều, trọng vọng chỉ không?
Cái gáo úp côi cái đội
O chửi tui một điều, tui trọi chết cha O
Tuy lời lẽ hỏi và đáp lại còn thô tục nhưng ý khá đạt: O mới đòi chửi tui thì tui vừa chửi cha O vừa trọi chết cha O!
Thường các cô gái dùng lời lẽ bóng bẩy, sử dụng phép tu từ bắt đối phương phải vắt óc suy nghĩ cho ra cái ngụ ý của mình:
Nước trong khe chảy ra róc rách ro re
Thân anh như con bìm bịp ngồi nghe sự tình!
“ Nước trong khe” là cách nói bóng gió, anh là con bìm bịp ngồi dưới khe để nghe sự tình của nước trong khe ấy chảy thật là xấc. nhưng chàng trai còn xỏ lá hơn:
Nước trong khe chảy ra róc rách ro re
Anh đây cúng hứng lấy vài ghè
Để khi mụ gia qua thăm rể nấu đọi nước chè uống chơi.
Anh chàng đòi nấu nước trong khe ấy cho mẹ cô giá uống. Có cô gái lên giọng kẻ cả :
Tay cầm bảy tấc roi mây
Ai muốn tầm sư học đạo, tới thầy dạy cho.
Chàng trai giả đò tỏ vẻ ngoan ngoãn:
Đó làm thầy, đây xin thủ đạo làm trò
Đó ngả nghiêng ra mài mực, đây thò bút vô.
Ý xấc láo ở đây là cách lái của hai từ “ thủ đạo” và cách nói ẩn dụ của “ ngã nghiên”, “ thò bút”.
Đối đáp về kiến thức địa lý:
Nước Tam sơn chảy xuống Ba Hà: hà Thanh, Hà Thượng, Hà Trung
Nam nhơn chàng đối đặng, thiếp mới đành lòng thương !
Đáp :
Nước Tứ Hải Hải xao lên bốn thuỷ: Thuỷ khê, Thuỷ Tú, Thuỷ Bạn, Thuỷ Cần
Nam nhơn đà đối đặng, thiếp phải gá nghĩa châu trần ngàn năm
Cách chơi chữ thật tuyệt đẹp: Tam sơn, Ba Hà, Tứ Hải, Bốn Thuỷ
Thách đối bằng cách dùng nghệ thuật nói lái ở Quảng Trị:
Con cá dối nằm trên cối đá
Con mèo cụt nằm trên mút kèo
Trai nam nhơn đối đặng , thiếp xin theo về cùng
Đáp :
Con rắn hổ nằm trên rổ hắn
Cây cau tươi mọc trước cưới tau
Nam nhơn đà đối đặng, ta theo nhau cùng về
Thách đối dựa theo cách gọi tên phi lí của đồ vật:
Hỏi :
Bánh cả mâm sao gọi là bánh ít?
Trầu cả chợ sao gọi trầu không?
Trai nam nhơn đối đặng sẽ làm chồng nữ nhi.
Chàng trai kia chẳng thua kém chút nào:
Chuối không qua Tây sao gọi là chuối sứ
Cây không biết chữ răng lại gọi cây thông?
Nam nhơn chừ đối đặng quyết làm chồng nữ nhi!
Dùng tên bốn mùa để thách đối :
Con gái Xuân đi chợ mùa Hạ
Mua con cá Thu chạy về, chợ hãy còn Đông
Răng biết em là gái chưa chồng
Mà anh chỉ sá băng đồng tới đây?
Chàng trai đã dùng tên 4 phương để đối lại thật sắc sảo:
Trai phương Nam ra ngồi hàng thuốc Bắc
Gái Đông sang ra dựa chốn lầu Tây
Ông tơ bó buộc, xe dây
Xui anh đáo tới chốn này gặp em.
Trong hò đấu trí có lối hò đố rất xương xóc. Thường là các cô gái nêu những vấn đề hóc búa để thử tài đấng mày râu. Nhưng đã mang danh trượng phu các chàng trai luôn tỏ ra đủ tài ba, bản lĩnh.
Đố về đạo lý làm người, tam cương, ngũ thường:
Quân, sư, phụ: Tam cang giả
Qua chuyến đò đầy, sóng ngã cứu ai?
Câu hỏi đặt chàng trai vào thế lúng túng khó xử, nhưng anh chàng sau đây đáp ba cách khác nhau mà cách nào nghe cũng lọt tai không bắt bẻ được:
Vua băng đi, có triều đình hiệp nghị
Thất sư thiên hạ tầm sư
Không có thân phụ, ai ừ được cho ?
Anh chàng này lý luận là dù cha là bậc thấp nhất trong Tam cương nhưng anh phải cứu cha vì không ai thay cha mình được cả!
Liều mình lọt xuống vực sâu
Hai vai sư, phụ trên đầu đế vương.
Anh này nói thiên lôi nhưng vẹn cả trung lẫn hiếu.
Ngộ phong vũ, điếc óc , đoãng tai
Liều mình vọt xuống quơ quơ, túm túm may ai nấy nhờ.
Anh này nói cho qua chuyện nhưng nghe ra rất thực tế, chẳng mất lòng ai.
Đố về lịch sử:
Tiếng đồn anh học hết Kinh Thi
Ngày xưa vua Văn Vương đi cưới bà Hậu Phi hôm nào?
Hỏi về lịch sử Việt Nam còn điều biết điều không. Cô gái hỏi đến tích xưa chuyện cũ của Tàu thì thật là tai ác! Nhưng chàng trai vẫn tỏ ra thông thạo đáp:
Bà Hậu Phi đi hái rau Quyền nhỉ
Lên ngồi năn nỉ trên hòn đá Trương Kỳ
Vua Văn Vương đi săn bắn, gặp bà Hậu Phi đem về.
Ý anh nói : Chẳng cưới xin gì cả, em đừng hỏi bậy!
Đố về triết lý :
Gặp trượng phu hỏi thiệt trượng phu
Tiên sinh mi răng mi đoản, hậu sinh tu răng, tu trường?
May ra trời biết nói mà trả lời được!
Thế mà chàng trai vẫn dùng phép nguỵ biện để đáp lại, không những thế anh còn đối trả:
Mi sinh tiền là thiên sinh đoản
Hậu sinh tu trường là huyết hoá sửa sinh
Thế cái răng sinh sau cái lưỡi mà răng rụng trước, hỏi mình là nghĩa chi?
Đố cách viết và nghĩa của chữ Hán để ngụ một ý sâu xa hơn:
Hai ngang ba phết, em học không hết em lại hỏi anh
Từ tỉnh Nghệ cho đến kinh Thành
Từ Gia Định cho đến kinh Thành
Quan sầu, dân thảm, hỏi anh chữ gì ?
Hai ngang , ba sổ ( phết) viết thành chữ thất, ý cô gái nói Thất thủ kinh đô Huế thời Pháp thuộc.
Hai ngang ba phết , kết lại chữ thất
Anh đây buồn tình cất một phết bên vai
Kẻ ấy là ai ?
Thiếp mà nói đặng mới gọi rằng tài nữ nhi!
Chữ Thất mà cất một phết bên vai còn lại chữ phu nghĩa là chồng. Đáp được rồi anh chàng đòi làm chồng cô ả. Chữ nghĩa tài trí là thế . Có phải người bình dân là “ Dân ngu khu đen” cả đâu! Người ta bảo : Kinh đô cũng có người rồ / Man di cũng có sinh đồ Trạng nguyên. Thật quả không ngoa.
Biết bao giờ sưu tầm hết được những câu hò đối đáp tài tình trên quê hương Quảng Trị! Tuy nhiên qua bài viết này, tôi hy vọng các bạn thưởng thức, cảm nhận được phần nào tài trí, chất văn học thể hiện qua các tác phẩm của họ. Chúng là nguồn tư liệu quý giá cho những ai mê thích dân ca, những ai muốn học tập, nghiên cứu để làm phong phú cuộc đời mình , làm đẹp tác phẩm văn học của mình.
Văn Quang
1996
No comments:
Post a Comment