Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, December 20, 2014

THƯA THẦY! THẦY CÒN NHỚ EM KHÔNG? - Hồ Ngọc Thanh


   
               Thầy Hồ Ngọc Thanh (mặc áo vest)


        THƯA THẦY! THẦY CÒN NHỚ EM KHÔNG?

                                                              Hồ Ngọc Thanh
(Nguyên Tổng giám thị trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị)
      1.
Thầy cô giáo được ví như người lái đò đưa khách sang sông. Bao thế hệ học trò nhớ sự dạy dỗ của thầy cô mà nên người. Chỉ một ít kẻ vô ơn, qua cầu rút ván. Đa số vẫn nhớ ơn thầy cô đã góp phần giúp họ nên người thành đạt trong cuộc đời. Do đó, mỗi lần được tái ngộ, dù ở trong hoàn cảnh nào của cuộc sống, tình nghĩa thầy trò vẫn mặn nồng, vẫn là niềm vui.
Sau hơn 50 năm với nghề thầy, nay ở tuổi “cổ lai hy, chuẩn bị quy”, thỉnh thoảng tôi có dịp gặp lại những người học trò xưa tại các buổi họp trường, họp lớp của những thế hệ học trò của tôi một thời.
Tại những cuộc hội ngộ có tổ chức trọng thể, thầy cô giáo được giới thiệu và được học trò cũ đến chào hỏi, chuyện trò. Những học trò thành đạt đang ở chung thành phố với thầy cô thì thầy trò đã nhận ra nhau một cách thân mật, đối với người lưu lạc phương xa, nay mới về “họp đàn”, thầy cô đã trở nên già lão, trò tóc cũng đã hoa râm nên thầy cô chẳng nhớ nỗi tên trò. Dễ thương nhất với câu hỏi của trò: “Thưa thầy (cô), thầy (cô) có nhớ em không?”. Cả thầy cô và trò đều vui khi tên trò được nhớ hay đoán đúng. Có trò phải tự giới thiệu thầy cô mới nhận ra, để rồi nhắc lại chuyện lớp cũ, trường xưa thân thương, tình cảm thầy trò có dịp tỏ bày một cách có ý nghĩa.
Cảm xúc trước những bối cảnh ấy, thầy Lê Nghiêm Kính, cựu giáo sư Trung học Nguyễn Hoàng đã cảm tác bài thơ “Thưa thầy, thầy có nhớ em không?” với bút danh Huy Phương. Bài thơ đã được phổ nhạc và được anh Hoàng Đoàn (bào đệ cô Sa Đa) hát tại cuộc họp mặt Nguyễn Hoàng năm 2011 tại Hoa Kỳ.
2.
Sau năm 1975, trong thời bao cấp, đời sống đầy khó khăn vất vả, có những trường hợp thầy trò gặp nhau trong những hoàn cảnh vô cùng xúc động. Tôi xin kể dưới đây vài câu chuyện đáng nhớ, liên hệ câu hỏi “Thưa thầy, thầy còn nhớ em không?”

* Chuyện 1:
Trưa hè nắng gắt, người thanh niên vào quán giải khát bên đường Bạch Đằng, thành phố Đà Nẵng, ngạc nhiên thấy cô chủ quán phục vụ mình là cô giáo cũ, ái ngại hỏi:
- Thưa cô, có phải cô là cô N?
- Vâng, sao ạ ?
- Thưa cô! Cô còn nhớ em không? Em học với cô trước năm 1975 tại trường Trung học Đông Giang.
- Ồ! Thế mà cô không nhớ nỗi. Xin lỗi em. Sao em còn nhớ cô?
- Hồi đó cô trẻ đẹp, thần tượng của bọn em, nhất là các bạn nữ.
- Nay cô xấu xí rồi phải không?
- Không xấu, chỉ già hơn, nhưng vẫn còn đẹp lão.
- Cảm ơn em khen để an ủi cô.
Rồi cô trò chuyện trò chia sẻ nỗi niềm. Trò về quê Quảng Nam, vừa học vừa giúp cha mẹ việc nông trang, nay mới ra Đà Nẵng xin được việc làm ở một xí nghiệp, chẳng có chức danh gì. Cô thì “mất dạy” vì chồng là sĩ quan cảnh sát chế độ cũ đang cải tạo trong trại. Đó là lý do khiến đời cô phải trải qua những ngày tháng vất vả.

* Chuyện 2:
Sau 5 năm ở trại tù về, thầy giáo T.M.T mua 01 chiếc xích lô làm phương tiện kiếm sống qua ngày ở Đà Nẵng. Một hôm, một thanh nữ gọi xe đi từ chợ Cồn về nhà. Trên đường đi, khách nghe giọng nói quen và nhận ra thầy T dạy Văn trước năm 1975. Đến nhà xuống xe, trả tiền xong khách mạnh dạn hỏi:
- Thưa thầy, có phải thầy là thầy T.M.T?
- Phải, sao em biết?
- Em là Thoa, học trò của thầy tại trường Đông Giang, hồi lớp 9. Sau năm 1975, gia đình em chuyển qua đây kiếm sống. Lâu nay thầy ở đâu mà em không có dịp gặp?
- Thầy ở trại tù 5 năm, được về nay làm ở “ủy ban quanh quẩn” kiếm sống qua ngày.
- Ồ. Thầy có việc làm ở “ủy ban” tại sao phải đạp xích lô?
T cười: - Việc của thầy cũng như nhiều người khác đi đạp thồ suốt ngày chạy quanh quẩn trong thành phố để kiếm sống ấy mà.
Cô gái hiểu ra và ái ngại thương thầy.
Nghe con gái chuyện trò với người đạp xích lô là thầy giáo cũ, từ trong nhà cha cô gái ra vồn vã và lễ phép mời thầy T vào nhà uống nước và chia sẻ. Bản thân chủ nhà, cũng là người đang sa cơ thất thế vì thế sự đổi thay chưa vượt được số phận, đành nhờ vợ con nuôi. Chủ nhà thán phục thầy T.
Bây giờ thầy T định cư ở Mỹ. Khi có dịp về thăm quê hương, gặp lại đồng nghiệp và học trò cũ kể lại những chuyện trên để vui và cũng để cười cho sự đời trớ trêu.

* Chuyện của người viết bài này:
Sau 1975, bị thất sủng rồi vào “đại học An Điềm” 4 năm. Về được với vợ con là may lắm rồi. Lao động “thợ đụng” tiếng Mỹ gọi là “Jacks of all trades” vinh nhục tùy theo nhân sinh quan mỗi người.
Một buổi tối trong thời bao cấp, tôi đang đạp xe rao hàng đêm, từ sau một thanh niên chạy xe honda đến sát bên hỏi:
- Thưa thầy, có phải thầy là thầy H.N.T không?
Xóm đêm không đủ ánh sáng để nhận ra người hỏi, tôi trả lời:
- Phải, anh là ai?
- Dạ em là Trần Thanh Phương, học sinh lớp 10C Anh văn được thầy dạy trước năm 1975 tại trường Trung học Đông Giang.
- Ồ! Tôi nhớ tên em và nhiều bạn cùng lớp 10C của em. Sao em nhận ra thầy trong đêm tối thế này ?
- Dạ! Em nghe giọng thầy và em đoán ra.
- Giỏi quá!
Sau đó, Trần Thanh Phương tìm nhà đến thăm tôi. Thấy tôi đang dạy Anh Văn cho những người có nhu cầu tiếng Anh do thức thời, đi trước thời cuộc hoặc chuẩn bị đi Mỹ. Thầy trò uống trà, chuyện trò thế sự, nhắc lại các thầy cô và tên các học sinh cùng lớp 10C năm ấy. Đa số đang “sa cơ thất thế” phải kiếm sống một cách bất đắc dĩ.
3.
Sau này, khi đã qua cơn bỉ cực đến hồi thái lai, thầy trò có dịp hội ngộ trong những buổi họp trường lớp, nhớ lại chuyện xưa hoặc được kể lại, có trò cảm kích khen ngợi thầy giáo mình có bản lãnh theo kiểu “ngộ biến tùy thời”. Tôi có dịp nhắc lại nhân sinh quan của Nguyễn Công Trứ “Làm tướng không vinh, làm lính không nhục”. Điều quan trọng là “Tùy duyên nhưng bất biến”. Dù trong hoàn cảnh nào “phượng hoàng vẫn là phượng hoàng”, chứ không phải như “chim cu mà muốn làm phượng hoàng”.
Tôi khôi hài với học trò cũ về chuyện đời của các thầy cô sau năm 1975 như là những thước phim đời mà các thầy cô phải đóng. Các em đã từng được thầy cô dạy văn giảng “Đời là sân khấu, mỗi người là diễn viên”. Vai vua thì mặc áo cẩm bào, đội vương miện ngọc tỷ, vai lính thú thì đầu đội nón dấu, chân mặc quần quấn xà cạp. Điều quan trọng là diễn viên phải có tài diễn để người đời yêu mến.
Tôi đã đôi lần muốn viết lại kịch bản của những thước phim cuộc đời mình và bằng hữu với tựa đề “Khi thầy cô giáo đóng phim”, để vinh danh những thầy cô giáo đã có những vai diễn trái nghề trong giai đoạn “thầy giáo tháo giày, giáo chức dứt cháo”. Hy vọng sẽ là phim hay và cảm động vô cùng.
                Hồ Ngọc Thanh 
                               (Cảm tác theo tựa đề bài thơ của Huy Phương)

No comments: