ĐÔI ĐIỀU VỀ LÝ HÀNG KHƠI
(Nhân đọc truyện dài “LÝ HÀNG KHƠI” của Đoàn Phương Nam, NXB Trẻ TP.HCM, 2014, giải
khuyến khích cuộc vận động: “Sáng tác văn học tuổi 20” lần thứ V (2012-2014).
Tưởng cũng nên nói thêm cho rõ, tác giả vốn
là phóng viên ở đất mũi Cà Mau, hiện là cán bộ Sở Thông tin và truyền thông Quảng
Trị.
Để tiện cho việc năm bắt nội dung cuốn sách,
mời bạn đọc hãy nghe NXB Trẻ giới thiệu ngắn về truyện dài này: “Nội dung tác
phẩm đề cập đến đời sống dân chài ở vùng biển Tây Nam và mở ra một thiên nhiên
phong phú, lạ lẫm của vùng đất này. Tác phẩm miêu tả cuộc sống vất vả của những
ngư dân dũng cảm làm nghề hàng khơi. Họ không cho phép phụ nữ được đặt chân lên
thuyền nhưng nhân vật chính lại là một cô gái cùng mẹ lưu lạc đến đây. Để che
giấu thân phận nên đã giả trai từ nhỏ và trở thành một thanh niên giỏi giang
làm nghề hàng khơi cho đến khi bị phát hiện.”
Miên là tên cô gái, nhân vật chính của tác
phẩm. Số phận xô đẩy mẹ con cô đến với vùng quê Rạch Cúi. Theo lời mẹ, cô phải
đóng giả trai để làm nghề chài lưới như những ngư dân ở một vùng biển vừa quen
lại vừa lạ được hé mở dần qua từng trang sách.”...đêm hôm ấy, mẹ ôm Miên vào
lòng thủ thỉ : “Mẹ muốn con là trai để tránh bao cực nhọc của người phụ nữ mà
không hề biết rằng con sẽ trưởng thành như bao cô gái khác”. (tr113).
Vùng biển thì thì đã rõ, mới đọc
qua đã đoán biết đó là miền Tây sóng nước.
Nhưng nhiều chuyện lạ, từ tên đất cho đến tên người, hoặc giả như chuyện đánh
cá được gọi là hàng khơi. Cả một vùng quê Rạch Cúi, chỉ có Miên là có tên riêng
bằng chữ, cũng bởi vì nhân vật chính đã có tên như vậy trước khi đến vùng đất lạ.
Và con chó tinh khôn Ngọc Ngọc. “Ngọc Ngọc là con chó đực duy nhất của Già 9 và
của Rạch Cúi. Nó trở thành duy nhất vì không có con chó nào sống được ở đây quá
ba ngày.” (tr 11)
Lại thêm một chuyện lạ, không
giống những vùng quê khác. Đó là hai ngoại lệ hiếm hoi ở một địa bàn bốn bề trời
nước. Ngay như một bậc cao niên thông thái của xứ này mà Miên và Ngọc Ngọc đi
theo trong những lần đánh cá cũng có tên là
Già 9. Rồi thì tên đất cũng lạ lùng
mà nghe rất gợi mang tính ẩn dụ, vừa thực lại vừa mơ hồ như: Băng Băng thôn,
doi Thòi Lòi Thức, vịnh Cá Rô Ngủ... nghe có phong vị đồng thoại cổ tích. Những
câu chuyện rất thực của đời thường được kể trên một nền nhuốm màu hư ảo dẫn dắt
người đọc khám phá như khi đọc một thiên du ký miền đất lạ.
Miên không chỉ làm hàng khơi mà còn được đi học
ở trường thị trấn Mai Lở làm bạn với Thục Quyên dưới sự chỉ dạy của cô giáo dạy
tiếng Anh Hoa Hồng Đẹp. Nhờ cố công học hành, Miên đã được du học ở xứ tuyết để
nghiên cứu về dấu chân sinh thái Rạch Cúi. Rồi cô đã trở về trong niềm mong mỏi
của bạn bè, bà con Rạch Cúi, về với miền
quê khó nhọc đã nuôi dạy Miên khôn lớn trong tâm nguyện thủy chung của một đời
người với xóm làng ngư phủ.
Đọc truyện dài này, ta thêm lần hiểu hơn một
vùng quê biển phía cực nam Tổ quốc với những cảnh sống, cuộc mưu sinh và phong tục dân gian độc đáo. Người đọc cảm
tình với văn phong nữ tính và “lạ hóa” của
tác giả, một người con của đất phương Nam. Hy vọng tác phẩm dài hơi đầu tay của một cây bút trẻ
sẽ được nhiều người đón nhận.
Phạm Xuân Dũng
No comments:
Post a Comment