Phạm Ngọc Thái, ký họa từ thi phẩm Hồ Xuân Hương tái lai |
Cái tên gọi
"tình yêu & đàn bà" không phải do tôi đặt ra, mà là nhan đề một
chùm thơ của nhà thơ Phạm Ngọc Thái đã đăng nhiều trên các trang mạng. Trong
bài của một văn nghệ sỹ ở Việt-Nam-thư-quán "Về một huyền thoại thi
ca", khi bình phẩm thơ ông - có đoạn viết:
- Phạm Ngọc Thái là
một nhà thơ của tự do. Thơ ông thẳm sâu như bể cả mà rung rinh tựa lá hoa ngàn.
Ông viết về nỗi đời dân gian, về tình yêu và đàn bà... Đọc thơ ông như đi vào
trong động tích, càng vào sâu càng huyền thẳm vô biên.
Hiện ông đang sống
cùng gia đình trong một ngôi nhà gác nhỏ. Phía trước trông ra khu quảng trường
thành phố, mặt sau soi bóng xuống hồ Tây quanh năm sóng vỗ. Cõi trần ai ông đã
nếm đủ mùi khổ hạnh, đắng cay... cũng từng có những tháng năm phiêu du qua hải
ngoại, rồi trở về vui thú trong cảnh sống phong trần của một thi nhân - Viết để
lại cho đời một Bộ-thi-ca-thời-đại tầm vóc với bao nhiêu áng thơ tình huyền
diệu, sẽ còn sống mãi với sơn hà...
Thơ tình hay ở
các cung bậc khác nhau của Phạm Ngọc Thái thì nhiều, tôi chỉ chọn ra đây ba bài
theo ý riêng mình và chưa có ai bình. Gọi là để đàm đạo ở tao đàn cùng vui
trong chốn văn chương:
1. "Người đàn bà trắng" - Một đỉnh cao trong thi ca.
2. "Cây thầm tiếc bóng"
3. "Dưới hàng sấu đêm và con phố nhỏ".
Xin đi
thứ tự từng bài một:
A. NGƯỜI ĐÀN BÀ TRẮNG
Người đàn bà đi trong mưa rơi
Chứa
một trời thầm như hoa vậy...
Chiếc
mũ trắng mềm em đội bầu trời
Khóm mây trắng bay nghiêng trôi trên tóc
Đôi mắt em đong những áng mây
Người đàn bà trắng!
Em đi, về... chao những hàng cây
Hồ gió thổi lệch vành mũ đội
Thấm đẫm mình em cả thềm nắng gội
Xoã ngang vai mái hất tơi bời.
Nỗi niềm thao thức
Những đêm trăng nước...
Chùm trinh em hát: Đấy chỗ thiên thai!
Người đàn bà ai mà định nghĩa?
Đường xưa đó về đây em ơi!
Những con đường đã đầy xác lá rơi
Xác ve, xác gió và xác của mưa.
Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu
Anh cũng không làm chàng Trương Chi
suốt đời chèo sông vắng
Ta không đi theo Con Đường Lông Ngỗng Trắng
Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau.
Vết thương lòng không dễ đã lành đâu
Những đêm sao buồn, những đêm gió khát
Khúc thơ tình anh lại viết về em!
Người đàn bà ngậm cả vầng trăng...
Thơ - Phạm
Ngọc Thái
Lời bình: Theo như
bình luận ở giới văn chương, báo chí: "Người đàn bà trắng" là bài thơ
tình hay nhất của nhà thơ Phạm Ngọc Thái. Trên con đường vô định của tình yêu,
những đêm hoang vắng và sâu thẳm trong không gian mênh mông, lòng nhà thơ vẫn
âm thầm khắc khoải nhớ về mối tình đã qua:
Những đêm sao buồn, những đêm gió khát
Khúc thơ tình anh lại viết về em!
Người đàn bà ngậm cả vầng trăng...
Những ngôi sao
trên vòm trời xa xôi kia, ngọn gió đêm vô tình... nó cũng hiu hắt như nỗi vắng
vẻ, trống lạnh của lòng chàng. Tác giả gọi em là "Người đàn bà
trắng", thực ra khi ấy em vẫn còn là một thiếu nữ. Từ chiếc mũ vải trắng
mềm một thuở nào người yêu thường đội lệch trên đầu, lẫn vào trong khóm mây.
Khóm mây đó lại vờn bay trên mái tóc nàng - Tất cả đã trở thành ấn tượng để nhà
thơ mô tả về hình ảnh người đẹp:
Chiếc mũ trắng mềm em đội bầu trời
Khóm mây trắng bay nghiêng trôi trên tóc
Đôi mắt em đong những áng mây
Người đàn bà trắng!
Đó là đôi mắt của
mùa thu huyền diệu và xa thẳm. Bích Khê cũng từng mô tả về đôi mắt đẹp của
người mỹ nữ trong bài thơ "Tranh loã thể" nổi tiếng của ông, rằng:
Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường...
Nó chìm ngập một
thế giới, chiếu rọi vào ngõ nghách tâm hồn của thi nhân sáng bừng lên. Hay như
Xuân Diệu tả về đôi mắt người yêu cũng thật kỳ ảo:
Mắt em thăm thẳm như màu gió
Thơ cũng vàng trong như nắng hanh
Ta trở lại với bài
Người Đàn Bà Trắng: Đôi mắt em đong những áng mây /- Như thể đã bao lần nhà thơ
từng phiêu du trong đôi mắt ấy. Nó bộc lộ một sự hiền hoà, nhân ái. Tác giả lấy
hình ảnh của vũ trụ qua cảm xúc mà mô tả, quyện với mái tóc nàng trong mây bay,
gió cuốn... hiển hiện dưới bầu trời cao vời vợi. Bầu trời ấy vừa để nói về tình
yêu của người đàn bà ở cõi nhân sinh, vừa là bầu trời của quê hương đất nước ta
vậy.
Sang khổ thơ thứ
hai - Hình bóng người thiếu nữ hiện lên trong một khung cảnh thiên nhiên rực
rỡ:
Em đi, về... chao những hàng cây
Hồ gió thổi lệch vành mũ đội
Thấm đẫm mình em cả thềm nắng gội
Cả thềm nắng hắt
lên mình em như tơ lụa đất trời, có gió thổi, cây đưa... Vẫn chiếc mũ vải trắng
mềm xưa mà em thường đội lệch, che lên khuôn mặt đẹp như một vầng trăng. Cái bờ
hồ gió thổi ấy chứng kiến bao nhiêu kỷ niệm, những tháng năm anh đã sống êm đềm
trong hạnh phúc tình yêu. Giờ đi lại trên con đường đã qua, anh như nghe thấy
cả khúc tình ca đang sống lại. Mái tóc người con gái xưa vẫn xoã bay trên đôi
vai trần trắng của nàng:
Xoã ngang vai mái hất tơi bời
Bồi hồi trong kí
ức, hồn nhà thơ tựa con đò mộng lạc vào nơi bến vắng. Chỉ còn nghe thấy tiếng
gió táp, mưa sa... cùng những chiếc lá vàng rơi phủ xuống trong trời đất:
Đường xưa đó về đây em ơi!
Những con đường đã đầy xác lá rơi
Xác ve, xác gió và xác của mưa.
Tiếng lòng nhà
thơ cất lên để gọi vọng tình em. Con đường giờ đây hoang dã trong qui luật bụi
cát của thời gian. Con đường mà người con gái đã đến với cuộc đời anh. Năm
tháng cứ trôi nhưng hình bóng em không phai nhoà. Hình ảnh đoạn thơ nghe như
trong giấc mộng: xác gió, xác mưa, đã đầy xác lá, xác ve... trôi. Tưởng như cái
bờ hồ gió thổi đó ngàn năm sau vẫn còn quyến luyến bóng hình người yêu ở đấy,
mãi mãi trong trái tim thương nhớ của nhà thơ.
Xin trở lại để
phân tích sâu thêm về khổ thơ thứ ba:
Nỗi niềm thao thức
Những đêm trăng nước...
Chùm trinh em hát: Đấy chỗ thiên thai!
Người đàn bà ai mà định nghĩa?
Hình ảnh đã được
cách điệu hoá: Chùm trinh em hát: đấy chỗ thiên thai! /- Biểu tượng thơ mô tả
tuy mang màu sắc trừu tượng nhưng vẫn rất gợi cảm.
"Chùm trinh
em hát...": Nó đã mang cái của nàng bay lên! Suy cho cùng vũ trụ và thế
giới đều tồn tại, sinh ra ở đó. Nó vừa vĩ đại và man dại. Nếu không có cái chỗ
thiên thai ấy của người đàn bà thì không có cả linh hồn lẫn sự sống, cũng không
có ý nghĩa gì về lịch sử của thế giới này. Còn câu thơ:
Người đàn bà ai mà định
nghĩa?
Đại văn hào
Lép-Tônxtôi - Ông là một thiên tài xây
dựng hàng trăm tính cách về đàn bà có những mẫu mực khác nhau. Người từng nói
những câu đại ý rằng: Không thể đưa ra những nguyên lý có tính khuôn mẫu nhất
định đối với người đàn bà, chỉ có những sự tìm tòi, tìm tòi và tìm tòi mãi...
Nàng không thể
nào định nghĩa được trong sự tồn tại của đời ta? Câu thơ treo trên đầu ta như
một câu hỏi vĩnh cửu, lại như thể một định mệnh.
Tôi bình khổ thơ thứ
năm:
Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu
Anh cũng không làm chàng Trương Chi
suốt đời chèo sông vắng
Ta không đi theo Con Đường Lông Ngỗng Trắng
Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau.
Là một mảng thơ
đời, đã triết lý về những mâu thuẫn giữa tình yêu và cuộc sống của nhà thơ với
người-đàn-bà-trắng. Đó cũng là một nghịch lý cuộc đời: Em không biến thành đá
để hoá Vọng Phu /- Còn anh cũng không đầy mình để làm mãi cái anh chàng Trương
Chi suốt đời chèo thuyền trên con sông quạnh vắng, cô đơn, rồi tương tư nàng Mỵ
Nương mà chết. Hay, cái con-đường-lông-ngỗng-trắng mà nàng Mỵ Châu đã rắc cho
chàng Trọng Thuỷ theo, thần tượng thì
rất đẹp, nhưng để cuối cùng chàng cũng nhảy xuống biển mà chết, hoá thành ngọc
trai giữ tình son sắt với nàng. Nó bi ai quá!
Cái hay của khúc
triết lý trong bài thơ Người Đàn Bà Trắng là nó đã được viết như đời. Dẫu mối
tình bị tan vỡ phải chia lìa năm tháng, nhưng tình thơ đã không kết thúc bằng
sự bi thảm. Đôi trai gái vẫn phải sống và tồn tại, dù là theo chiều gió cuốn cuộc
đời. Phải chăng đó cũng là một cuốn tiểu thuyết "cuốn theo chiều gió"
như bao bi kịch tình-đời trên bờ bến nhân gian? Cả đoạn thơ thấm đẫm máu tim,
được bật ra trong đời sống đầy mất mát và đau đớn của tình yêu.
Đây là một trong
hai mảng thơ xương cốt nhất - Mảng thơ thứ nhất như trên đã nói, chính là khổ
thơ thứ ba:
Chùm trinh em hát: Đấy chỗ thiên thai!...
Cùng với khổ thơ
thứ năm này - Làm thành nền tảng, như tim óc, tuỷ sống cho cả tình thi. Nhà thơ
vẫn thiết tha khao khát gặp lại người thiếu nữ:
Những đêm sao buồn, những đêm gió khát
Ngọn lửa tình đã
từng sưởi ấm trái tim anh. Để rồi bài thơ được kết thúc bằng một câu thơ đẹp
nhất về nàng:
Người đàn bà ngậm cả vầng trăng...
Đây là một câu
thơ siêu thực chứa đầy trầm tích đã được thăng hoa. Một thiên tạo vĩ đại đang
nép trong tấm thân người đàn bà trẻ hay chính nàng là một vầng trăng? Cái vầng
trăng ấy của nàng nó cứ nguyên thuỷ như hang động thời tiền sử, lại huyền bí
như thánh linh. Nhưng chao ôi! Dù gì thì nàng cũng "ngậm" cả cái vầng
trăng của nàng rời bỏ nhà thơ để đi rồi! Những tháng năm buồn nhớ người yêu,
anh đã viết ra thiên tình ca Người Đàn Bà Trắng bất hủ này để lại cho thế gian.
"Người đàn
bà trắng" là một bài thơ tình hay thuộc vào hàng đỉnh cao trong thi ca,
với sự viên mãn và hoàn bích của nó. Tình thi sẽ còn sống mãi với thời gian
cũng như nền văn học nước nhà.
Trần Tứ Đức
Nguyên CB Viện ngôn ngữ & Văn hoá dân gian
trantuduc.hn12@gmail.com
No comments:
Post a Comment