Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 19, 2017

CHUẨN BỊ ĐI TẬP KẾT - Trích hồi ký “Về người cha thi sĩ” của Lâm Bích Thủy

          
                           Tác giả Lâm Bích Thủy



   CHUẨN BỊ ĐI TẬP KẾT 

  Năm 1954 Việt Nam ký Hiệp định Geneve với Pháp về việc tạm chia Việt Nam thành hai Miền. Lấy Vĩ tuyến 17, cụ thể từ cầu Bến Hải “Cầu Hiền Lương” làm đích. Từ Bến Hải trở ra Bắc thuộc lãnh thổ chính quyền Cách mạng. Từ Bến Hải trở vào Nam thuộc chính quyền Miền Nam mà Bảo Đại là Quốc trưởng, Ngô Đình Diệm là thủ trướng. Những người theo kháng chiến tạm ra Bắc hai năm, hết hạn lại trở về, còn ai thân Bảo Đại thì di cư vào Nam.

   Những tháng cuối năm 1954, tôi ít thấy ba ở nhà, ông bận đi họp, học chính trị ở Bồng Sơn.. Một hôm, sau Tết (khoảng đầu tháng 3) năm 1955, ba nói nhỏ với má “Nhà ta sẽ ra Bắc sống, chưa biết lúc nào lên đường, má sắp nhỏ chuẩn bị hành trang, có giấy triệu là lên đường” 

 Với tinh thần xác định đi xa, má tôi tranh thủ vào Nha Trang thăm bà con bên ngoại lần cuối. Lúc đó, má cho tôi đi theo. 
 Hai mẹ con đi xe ngựa vào Phú Yên, từ đây chúng tôi đi xe goòng vào Nha Trang. Xe gòong chỉ có một toa như toa tàu hỏa, không có đầu để kéo; chỉ có hai công nhân vừa chạy vừa đẩy trên đường ray; xuống dốc thì họ lên toa ngồi. Goòng băng qua bạt ngàn rừng cây. Mùi hoa, trái chín của các loài quả: ổi, chim chim, dú dẻ quyện vào nhau tạo ra một mùi thơm quyến rũ. Lúc nhỏ tôi thích mùi hương tổng hợp này lắm.  
  Ba tôi cũng đã đi trên chiếc goòng này, nên có thơ:
  Đêm ấy,
Đêm mồng một
Tháng Năm
Sao đã cháy đằng Đông,
Chiếc xe goòng lên dốc,
Chiếc xe goòng ở đây còn lên dốc
Đoàn đẩy xe hì hục bên nhau.
Vân Canh dài cánh rừng sâu,
Khói bom còn khét trên đầu ngọn cây...
Đến Nha Trang, tôi ngẫn ngơ như người trung cổ mới đến trái đất lần đầu. Trên con đường rải nhựa láng cóong, hàng cột đèn cháy sáng thẳng tắp. Tôi phục lăng người Nha Trang họ tài ghê; đèn thắp ngược, không dầu mà sáng trưng. Nhà thì cao vời vợi, lợp bằng ngói đỏ chứ không lợp tranh như nhà tôi. Lạ nhất là chiếc ô tô. Quê tôi không có con ô tô này đâu. Trời ơi, hai mắt (đèn) nó to, sáng quắt, miệng nó có từng ô bé xíu giống cái cửa sổ buồng ba má. Ông chủ lấy que sắt cong, ngoáy vào lỗ mũi thế là nó thở hắt ra nghe rất lạ: xình xình xình. Lúc nó quay đầu, ông chủ bảo tôi xê ra không bị nó cán chết. Tôi lật đật trốn sau lưng má, sợ nó ăn thịt… 
    Má cho đi thăm hết bà con bên ngoại; sau đó đến nhà bác Quách Tấn. Tôi còn nhớ như in, các con bác, cao bằng má, mà lễ phép quá chừng. Gặp má, họ vòng tay, cúi đầu chào rồi lảng ra chỗ khác, chứ không trơ mắt nhìn khách như chị em nhà tôi. Tiếp chuyện má là một người đàn ông, gầy, mặt xương, ánh mắt hiền. Tôi ngồi bên má, im lặng, để hai người lớn nói chuyện. Tôi nhìn ra sân, thấy cây mận, muốn ra hái, nhưng má níu tay tôi giữ lại. Mận mới ra trái, còn non choẹt, đầu quả có râu tua tủa…
 Nói chuyện một lúc thì người đàn ông đưa má phong bì, nói nhỏ, tôi nghe được “Thím đưa tận tay chú Lang, đừng để lọt ra ngoài, nguy hiểm lắm. Nếu thấy không thể mang ra, thím đọc rồi đốt đi, về nói lại với chú Lang cũng được.” 

 Vào Nha Trang, tôi được các cô, dì bên ngoại cưng lắm! Ở nhà, tôi là chị cả, nên cái gì má cũng bắt nhường! Vào Nha Trang sướng quá nên tôi dùng dằng không muốn trở về nhà. Các cô, dì nói: “Em về một mình, để cháu lại, các chị nuôi và cho ăn học đến nơi đến chốn”. Nếu không đi tập kết, có lẽ má đã để tôi ở lại Nha Trang rồi. Hơn nữa, chưa hỏi ý ba nên má không dám quyết. 
   Thấy tôi khóc lóc không chịu về, bà dẫn ra sau nhà dỗ dành “Đừng khóc nữa, mình về sẽ đến ở nơi sướng hơn đây con hà” Tôi nhớ, lúc đó, đã lục vấn “Thiệt không, má không được phỉnh con nhen”- “Thật chớ, phỉnh con làm gì, về nhà là đi ngay thôi ”- má tôi trả lời. Tôi vui vẻ đi chào bà con để lên chiếc xe ngựa đang đứng chờ ở trước cửa. 
  Xe ngựa đưa mẹ con tôi đến nơi giáp ranh giữa vùng tạm chiếm và vùng tự do, vào 8 hay 9h sáng hôm đó. Có lẽ, đó là nơi giáp đèo Cù Mông thì phải, tôi không nhớ rõ. Tại thời điểm đó, trên phần đất Bình Định vào Phú Yên có lệnh cấm “Không được đem một mảnh giấy có chữ ra hoặc vào trong vùng”. Đến Điểm gác, nơi ranh giới giữa vùng tự do và tạm chiếm, có lệnh: “Cấm không đem thứ  gì của vùng tự do vào vùng tạm chiếm và ngược lại” 
 Không biết trí nhớ của tôi có chính xác về cảnh tượng  xung quanh điểm canh đó không? Nhưng hình ảnh đọng lại trong tôi, nơi đó rất sơ sài, chỉ là túp lều tranh tạm bợ bằng những tấm phên đan bằng vầu, nằm lọt thỏm trong góc sườn trọc, cạnh con đường đất gập ghềnh sống trâu. Xa xa, phía dưới là vực thẳm, ai lỡ chân thì chỉ đi, không có về! Quang cảnh ở đây tuềnh toàng, đơn sơ. Ranh giới chia hai vùng là cây sào dài hơn 5m, bắt ngang qua hai trụ tre cột chéo. Cả hai bên, đều có người đứng chờ khám xét mới cho qua, lại. 

  Bên Phú Yên, mẹ con tôi chờ ra Bình Định, tôi thấy mấy ông cảnh sát trừng trừng nhìn mọi người, cơ hồ như muốn nuốt chửng họ. Tôi liếc về phía má, bà có vẻ lo lắng, bồn chồn. Trời xui, đất khiến sao, lúc ấy, tôi lại cần giải quyết vấn đề. Tôi nhăn nhó gọi “Má ơi, con mắc quá… ” Khi nghe tôi nói ra điều ấy má tôi vui lạ. Bà nắm tay tôi, lôi xuống sườn dốc. Mùi ổi chín thơm nức, khiến tôi quên việc cần giải quyết ngay. Tôi hướng theo mùi thơm tìm, và thấy cây ổi có 2 quả chin mơn mỡn trông ngon mắt. Xong việc, tôi hái hai quả ổi đó để về cho các em. Vừa lúc đó, má đến, nhét cái gì vào bụng tôi, dặn “Con đừng để ai thấy và làm rơi mất. Lúc họ khám má, con đi nhanh qua bên kia nhé”. Tôi làm theo lời má dặn. Vậy là thư bác Tấn gửi đã đến được tay ba ngon ơ!
   Sau này, nhớ lại, tôi tò mò hỏi: “Ba ơi! thư bác Tấn hồi đó có gì bí mật mà má phải giấu dím khổ sở vậy?”
- À, bác khuyên ba nên đưa gia đình đi tập kết, không nên ở lại như lời khuyên ban đầu, vì có người đang tìm cơ hội để hại ba”- ba tôi cười, trả lời.

Mẹ con tôi về kịp để ra tập trung ở Bồng Sơn. Má loay hoay mãi việc đem đi hay để lại; cầm thứ này lên rồi bỏ xuống, thứ gì cũng muốn mang theo, thứ gì cũng muốn để lại. Cứ hỏi ba, mang hay để? Ba khuyên:
- “Không nên mang nhiều phiền phức, tiền thì mang hết; đem đủ áo quần để thay trên tàu, mỗi người một ống tre để nôn. Còn tài liệu, sách vở của tôi gửi anh Ba Thành. Ra tới miền Bắc, sẽ được cấp phát đồ dùng cá nhân cho sinh hoạt hàng ngày, đem nhiều, nặng cực thân” 

  Tôi nhớ vô cùng, khi má tôi lo thu dọn hành lý, thì chị em tôi lăng xăng kiếm chỗ cất đồ chơi. Đồ chơi của chúng tôi chỉ là mấy cái khu chén vỡ, nắp họp cù là để dện bánh in đất (đất này có khi nhào bằng nước lã hoặc nước đái của chúng tôi) và mấy cái rổ tre bé tẹo ba đan cho. Tôi sợ người ta lấy mất, nếu sau này về, không có để chơi thì tiếc lắm. Tôi ấn sâu vào sau bồ lúa, rồi hỏi “Cất ở đây có ai lấy không má?”. má bảo:- Ai lấy thứ đó làm gì, cứ để ở đó, hai năm nữa về chơi. 
   
Cả nhà đi xe ngựa ra Bồng Sơn và ở đó đợi gia đình chú Mịch Quang, chú Hoàng Châu Ký, Chú Khánh Cao v.v.. ở  Phú Yên, Quãng Ngãi vào (chuyến tàu lần này là chuyến 
thứ 9, nghe nói dành cho Văn nghệ sĩ Miền Trung). 
  Sau khi các gia đình đến đầy đủ, ba tôi tìm thuê xe ngựa chở các gia đình xuống Qui Nhơn, đợi tàu ra Bắc .
  
   Ngày nay, mỗi lần đi qua Cầu Gành ở quê, tôi luôn nhớ  về buổi chia tay lần cuối với ông ngoại. Ông ngoại dáng cao, da bánh mật, nhìn chắc và khỏe; đầu ông quấn khăn lông trắng màu cháo lòng. Đêm trước khi đi, ông đến nhà, hơi thở nồng nặc mùi rượu. Ông ngồi ở bàn làm việc của ba, mắt lờ đờ, giọng đức quãng. Lúc đó, ba ở Bồng Sơn để đón các chú văn nghệ sĩ; má ru em Nhuận trong buồng. Ông ngoại say lắm, lảm nhảm đủ chuyện, tôi nghe rõ lời ông nói về má:
- “Tội nghiệp con Lan quá chừng, vì không nghe lời cha, lấy chồng nghèo kiết xác, đời nó khổ không ngóc đầu nổi. Mai rày nó lại theo thẳng (thằng ấy) đi xa lắc xa lơ, biết chừng nào gặp lại hở con !” xong ông thút thít khóc như trẻ. .. 
   Mãi không thấy má trả lời, ông loạng choạng ra về. 
   Sáng sớm hôm sau, tôi kể cho má nghe. Mặt má buồn thiu, hỏi đi hỏi lại “Có thiệt ông nói vậy không con?!” Và sau đó  mấy mẹ con đi xe ngựa ra Bồng Sơn để tập trung… 

 Tất cả các gia đình có mặt ở Bồng Sơn, thế là chúng tôi lại xuống Qui Nhơn chờ tàu. Khoảng 8h sáng, xe ngựa chở mẹ con tôi từ Bồng Sơn qua thị trấn An Nhơn. Ngạc nhiên sao, ông ngoại đã đứng bên vệ đường, vẫy tay! Xe lướt qua, ông lấp xấp chạy ở sau; theo miết...! Điều gì khiến ông lẽo đẽo theo mẹ con tôi mãi không chịu dừng? Lẽ nào ông cảm nhận-đó là lần cuối cha con ông cháu gần nhau?!... Nhưng, khi đến giữa Cầu Gành, con ngựa đột ngột trở chứng, ì ra. Chủ nó lấy roi quật lia lịa vào mông, vào bờm, cầm giây cương lôi mạnh nó đi. Con ngựa ngoan cố, chạng hai chân sau ghì lại, mắt trợn ngược chống đối. Ông chủ đành thả lỏng cương cho nó nghỉ. Lúc đó, má tôi ló đầu, ngoái lại sau, nói “Cha ơi, về đi nắng quá rồi, ốm đó cha!” Ông bước tới chỗ mẹ con tôi, miệng méo xệch, mí mắt rưng rưng “Thôi con đi hai năm con về với cha!” Tôi thấy ông nắm chéo khăn, lau vào khóe mắt. Cử chỉ của hai người làm tôi bật khóc hu hu rất to.. Má tôi mếu máo “Cha về đi, nhớ giữ gìn sức khỏe, hai năm con lại về với cha!”  Tôi nhớ tất cả chính xác vậy đó!  
                                                                                                                                                                    LÂM BÍCH THỦY

No comments: