Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, March 19, 2012

MỘT PHIÊN TÒA ĐẶC BIỆT - Nguyễn Thanh Xuân


Truyện kiều có ba vụ án. Vụ thứ nhất: Vương Ông bị vu oan phải chịu tội. Vụ thứ hai: Thúc Ông kiện con trai và Kiều. Vụ thứ ba: Kiều xử Hoạn Thư trong cuộc báo ân, báo oán.

Vụ thứ nhất được xử êm thấm bằng ba trăm lạng. Sau này cụ Tam Nguyên Yên Đổ hạ một câu thế sự: “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ Ngày trước làm quan cũng thế a?”. Cụ Nguyễn Tiên Điền và cụ Nguyên Yên Đổ nhắc lớp sau này đừng xử kiểu như thế nữa. Vụ thứ ba, Kiều xử Hoạn Thư. Giữa họ có nhiều ân oán. Ân ít, oán nhiều, nhưng cái tâm, cái đức của con gái nhà “thường thường bậc trung” lại lớn hơn cái tâm, cái đức của con gái quan Thượng thư Bộ Lại nên Hoạn Thư được tha bổng. Vụ án thứ hai quả là một vụ xử án đặc biệt ly kỳ, đặc biệt kịch tính, tôi xin đề cập vụ án thứ hai.

Cụ Nguyễn ơi! Lời đầu tiên xin chúc mừng Cụ là Cụ đã có được ông quan tài ba, lỗi lạc. Tình cũng đậm mà tâm cũng dày.

Ta thử xem diễn biến của phiên tòa. Một quan tòa chính trực oai nghiêm, mặt sắt đen sì (thiết diện) ngồi ghế chánh án. Ông ngồi ngay ngắn, chỉnh tề. Hai bên nha lại sẵn sàng đợi lệnh. Quan liếc nhìn bị cáo đi vào, họ đi song song, dáng đi uyển chuyển, thong thả gắn bó nhau, tự tin không chút sợ hãi đến trước sân quỳ lạy. Họ không cúi đầu gầm mặt mà bình thản ngẩng nhìn quan tòa. Quan nhìn rõ bị cáo và như bị thôi miên, quan lúng túng muốn nói một câu gì đó nhưng không cất nên lời. Người mà ta sắp xử họ là thế này ư? Ông nghĩ. Để giữ lại vi thế cân bằng, quan liền “Lập nghiêm trước đã ra uy nặng lời”. “Lập nghiêm trước đã” cũng cho ta hiểu, sau đó sẽ bớt nghiêm, hoặc không cần nghiêm nữa, “ra uy nặng lời” trước đã, sau đó có thể không cần “uy”“nặng lời” nữa.

Xưa nay, công đường vốn là nghiêm và uy, sao hôm nay quan tòa phải “lập nghiêm”“ra uy”? Phải chăng bị cáo đã hớp hồn ông? Nếu không lập được nghiêm, ông sẽ không ngồi nổi trên ghế chánh án. Nặng lời với bị cáo (Kiều) “Mà còn người thế”. “Uy nặng lời” mà nghe như tiếng thương tâm, tiếc nuối, đau xót cho con người hồng nhan bạc mệnh. Chỉ bốn tiếng “mà con người thế” cũng đủ cho ta thấy con mắt tinh đời của vị quan tòa. Tuy mới gặp lần đầu và thời gian ngắn ngủi, ông đã thấy ở họ giá trị đích thực của tình yêu nên đã dành cho họ những nhận xét sâu sắc và ân tình. Thúc Sinh yêu Kiều là thế, sống hết mình và đậm tình với Kiều là thế, mà khi đứng trước linh sàng bài vị thờ Kiều cũng chỉ gào lên “con người thế ấy, thác oan thế này”, phải chăng đó cũng là lời tiếc thương của quan tòa hôm xử án.

Ông quan tòa tài ba này chỉ cần suy và luận để đưa ra hình phạt mà không cần cao giọng căn cứ điều này, khoản nọ, mục kia. Ông thấy bên nguyên đang ở trong tình trạng khó xử “bề nào thì cũng chưa yên bề nào”, nghĩa là bắt chúng cắt đứt quan hệ cũng chưa dứt khoát, mà cho chúng lấy nhau cũng chưa hẳn. Ông lại luận về phép công (phép chứ không pháp – pháp luật), rồi tuyên bố có hai cách giải quyết. Ông khẳng định hai chứ không một cũng không ba.

Ơ! Lạ lùng chưa: quan tòa lại giao cho bị cáo chọn một trong hai hình phạt một cách thoải mái và tin cậy “muốn sao mặc mình”. Sao quan tòa lại gọi bị cáo là “mình”? Thân thiết đến mức ấy ư? Đến đây, ta thấy ông không “nghiêm” nữa rồi. Phải chăng, quan tòa mơ hồ muốn dính một tý gì đó với giai nhân? Giữa công đường ban ngày ban mặt mà bạo gan riêng tư đến vậy, quả là: “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”

Mình” chọn rồi “ta” nghe theo thôi. Ông quay lại dạy cho sai nha thi hành. Dạy chứ không phải lệnh. Sai nha hiểu ý quan, ngầm bảo: nhẹ tay thôi. Ta thấy ông ngẩn ngơ: Rồi ta sẽ cho họ sum vầy bằng cách nào đây nếu Thúc Ông không đồng ý? Giá như ta có điều xử thứ ba là cho ai đó lấy Kiều làm vợ mà không ai kiện tụng. Không, không thể được, vì họ yêu nhau đến thế kia mà! Đầu óc ông rối bời, trống rỗng không thấy gì, nhớ gì. Giữa cái ồn ào huyên náo của pháp đình, văng vẳng bên tai ông (hay chính lòng ông) tiếng kêu oan cho bị cáo. Ông bình tĩnh gạn hỏi kỹ càng. Ông cho dừng hình phạt và bỗng nghe tiếng ông cười. Quan tòa cười. Tiếng cười nhẹ nhàng, sảng khoái làm cho không khí pháp đình trong trẻo, sáng sủa như sau cơn bão. Sau đó, pháp đình trở thành nơi bình thơ xướng họa. Quan tòa và bị cáo như đôi tri kỷ. Ông nâng thi phẩm Kiều sánh vai cùng Lý Bạch, Đỗ Phủ (đời Đường). Có lẽ ông muốn chứng tỏ cho Thúc Ông tự hào có người con dâu tài sắc vẹn toàn, làm cứu cánh cho ông mở đường lay chuyển nguyên cáo thay đổi mà cho chúng kết nghĩa Châu Trần.

Tâm lý ông vừa được giải tỏa, nhân lúc vui vẻ, ông lựa lời vừa tình vừa lý, vừa sử dụng kiến thức âm nhạc sành điệu để phân bua, dàn hòa và cả áp đặt:

Thôi đừng rước dữ cưu hờn
Làm chi lỡ nhịp cho đờn ngang cung
Đã đưa đến trước cửa công
Ngoài thì là lẽ song trong là tình
Dâu con trong đạo gia đình
Thôi thì dẹp nổi bất bình là xong”

Rồi không đợi Thúc Ông có phản ứng, ông quyết định một việc “động trời” là xuất công quỹ làm lễ vu quy cho Kiều thật quý phái:
Kíp truyền sắm sửa lễ công
Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao
Bày hàng cổ xúy xôn xao
Song song đưa tới trướng đào sánh đôi”

Thật to gan! (1) và thi đàn sôi nổi được chuyển làm hôn trường ấm áp tình thương.

Vừa nể lời quan phủ có lý, có tình, vừa thương vì hạnh, trọng vì tài mà Thúc Ông quên phéng đi uy quyền của quan Lại Bộ Thượng thư – thông gia của ông, để cho:

Huệ lan sực nức một nhà
Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa”

Cụ Nguyễn ơi! Cụ viết hai câu cuối này lúc mấy giờ đêm? Chắc đã quá canh ba và Cụ không ngủ nữa!


Tôi muốn nói về chữ “mình” mà quan tòa xưng hô với bị cáo. Tuy chưa đọc nguyên tác bằng chữ Hán của Thanh Tâm tài nhân, nhưng chắc chắc tác giả dùng chữ (nỉ – tiếng Trung Quốc; nhĩ – tiếng Việt) để chỉ ngôi thứ hai. Quan tòa ngôi thứ nhất, bị cáo ngôi thứ hai. Dịch giả dịch ra vị thư như thế nào tùy thuộc thái độ của tác giả với nhân vật. ở trường hợp này, bị cáo là phái yếu. Nếu giận thì gọi là “mày”, lịch sự một chút thì gọi là “bà”, thương cảm với cô gái trẻ trung thì gọi là “nàng”, nhưng ở đây, Cụ cho quan tòa gọi Kiều là “mình”. “Mình” đã hóa thân thành “ta”. Ngôi thứ hai biến vào ngôi thứ nhất. Xin chịu Cụ!

Tôi có đại ngôn không khi cho rằng vụ án này có một không hai trên thế giới từ xưa đến nay? Thật vậy, ông quan tòa độc diễn vụ án, tôi tin trăm phần trăm không ăn hối lộ bên nguyên cũng như bên bị và cũng hết sức công tâm. Thế mà ông cho ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bên nguyên, bên bị đều hân hoan, phấn khởi. Ông quan tòa có lúc đa tình, những đã nhanh chóng nhường chỗ cho tình yêu chân thật. Một bị cáo đáng thương trở thành một cô dâu sáng giá.

Nguyễn Thanh Xuân
nhuxuan29@gmail.com

No comments: