Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, March 26, 2014

CẢM NHẬN BÀI THƠ “ĐỜI” CỦA THÁI QUỐC MƯU - Châu Thạch




ĐỜI

Vét sạch sành sanh dạo phố chơi
Đi tìm cái thú để yêu đời
Banh chưa tới đích, liền buông thở
Ngựa mới nâng chân, đã ngã rồi
Giữa chợ, bóng người hiu hắt đổ
Ven đường, chiếc lá dật dờ rơi
Chợt cơn dông đẩy mây đùn xuống
Những hạt mưa tuôn đẫm góc trời

                         Atlanta, Mar. 17, 2014
                         Thái Quốc Mưu

Châu Thạch cảm nhận:

Nhà thơ Thái Quốc Mưu
Chủ đề của bài thơ nói về đời nhưng toàn bộ bài thơ từ câu mở đến câu kết chẳng nói chi trực tiếp đến đời mà lại nói lông bông chuyện đá banh, đua ngựa, đi chợ rồi kết luận bằng cơn mưa xối xả.

Đó là một trong những phong thái Đường thi của Thái quốc Mưu, cái phong cách tưởng như tưng tưng khác với đời xưa và trái với thời nay làm cho khi đọc ta cứ tưởng Nhà thơ cười cười diễu cợt mà té ra càng ngẫm nghĩ càng thấy trường đời, ý vị và thâm thúy ẩn sau nụ cười.

Tác giả Châu Thạch
Ví như bài thơ “Đời” ở trên, tác giả làm thơ như mở cửa nhà cười hóm hỉnh với ta, nhưng sau đó lại dẫn dắt ta vào tham quan một khung cảnh u trầm với những bức tranh đời nghiệt ngã. Thử trích từng câu thơ để thảo luận hầu tìm cho nhau một vài giây phút vui thi phú, dẫu đúng hay sai xin lượng tình tha thứ.

1- “Vét sạch sành sanh dạo phố chơi”:

Câu thơ tỏ ý vào đời bằng tất cả vốn liếng của mình, là sự dấn thân nhưng với một phong cách thư thái như đi dạo phố chơi, nghĩa là không bôn ba, không cập rập đua chen . Đây là phong cách nhập thế thường là của các vị đức cao hay của những người chân tu thoát tục.

2. “Đi tìm cái thú để yêu đời”:

Đi tìm cái thú để yêu dời có nhiều cách. Người thì bôn chen làm giàu, kẻ lại tranh đua danh vọng..v.v, thậm chí các vị nhà tu cũng vì mục đích tuy có cao cả nhưng cũng là mục đích yêu đời. Nhà thơ Thái quốc Mưu thì không như thế, bởi ông “Vét sạch sành sanh dạo phố chơi” cho nên phố ở đây chính là hình ảnh cuộc đời mà ông chính là người rong chơi nhìn ngắm, không hề tham gia vào thị trường cạnh tranh trên đường phố. Sự nhập thể của nhà thơ ở đây thư thái và thanh thoát như một người đi dạo phố chơi.

Qua các câu thơ sau cuộc đời liền được diễn tả bằng những hình ảnh sống động khác như sân banh, cởi ngựa… và trong đó mỗi hình ảnh kèm theo thân phận bi đát của con người.

3- “Banh chưa tới đích, liền buông thở”:

Banh thì phải được dẫn tới cầu môn và đá tung vào lưới mới ghi bàn. Ở đây banh chưa tới đích liền buông thở là bỏ cuộc nửa chừng, là thất bạị thảm thương. “Buông thở” ở đây có thể  hiểu là mất banh rồi dừng lại đứng thở nhưng nên hiểu là đức hơi thở hay là sự chết thì hay hơn. Không một ai đi qua cuộc đời nầy mà làm tròn bao ước vọng của mình giống như dẫn được banh vào lưới. Thân phận con người khi lìa đời ai cũng giống như cầu thủ dẫn banh chưa tới cầu môn.

4- “Ngựa mới nâng chân, đã ngã rồi”:

Hình ảnh bi đát thứ hai của cuộc đời là hình ảnh con ngựa vừa nâng chân lên đã ngã quỵ. Đó là hình ảnh của sự thất bại xảy ra trong chớp nhoáng, cũng là hình ảnh thể hiện cho cả một đời người từ kẻ thành công nhất cho đến phường vô danh tiểu tốt, vì khi đến cuối cuộc đời mà ngoảnh lại thì chỉ thấy mình như vừa lên ngựa đã ngã ngay vào sự chết u minh. Đời người trăm năm như bóng câu qua cửa sổ, chưa làm được gì mà quỵ ngã ngay trong lưởi hái tử thần, khác chi con ngựa vừa nâng chân đã liền bị ngã!

5- “Giữa chợ, bóng người hiu hắt đổ”:

Đây là hình ảnh ảm đạm nhất. Dưới con mắt trần tục thì giữa chợ là nơi đông đúc nhưng dưới cái  nhìn vĩnh hằng của Phật, của Chúa thì giữa chợ đời từng lớp người, từng thế hệ thi nhau gục xuống. Bao nhiêu người đi lại giữa chợ đời hôm nay sẽ “hiu hắt đổ” không chừa một ai.

6- “Ven đường chiếc lá dật dờ rơi”:

Đây là nỗi cô đơn của cuộc đời. Hình ảnh cuộc đời bây giờ như một con đường mà sự chết con người cô đơn như chiếc lá rơi. Ở cuối cuộc đời con người lặng lẽ đi như chiếc lá dật dờ. Tác giả dùng bức tranh tĩnh ở cặp luận như khép lại một quảng đời sôi động đá banh, cởi ngựa ở tuổi thanh xuân để lui vào trong bóng tối của tuổi già nua.

Và rồi ở hai câu kết, cái cuối đời ảm  đạm đó phải nhận chịu sự cuồng nộ, bi đát phủ lên:

7 và 8: “Chợt cơn dông đẩy mây đùn xuống
               Những hạt mưa tuôn đẫm góc trời”

Sự chết được báo động bằng cơn dông đẩy mây đùn xuống hay thực tế hơn là bệnh tật và cô đơn và nuối tiếc và bao hệ lụy của tuổi già phủ trên ngày tháng. Khi “những hạt mưa tuôn đẫm góc trời” là lúc linh cửu con người được đưa xuống đất và linh hồn con người run rẩy như lạnh dưới cơn mưa.

Nếu không chú ý ta có thể nghĩ rằng qua bài thơ nầy Nhà thơ Thái quốc Mưu có tâm trạng bi quan yếm thế. Thật ra không phải như thế! Vì, những điều ông nói cũng chỉ là những điều nằm trong triết lý tôn giáo có từ xa xưa của những bậc giác ngộ giáo hóa con người. Các vị ấy ở trên con người, ở chốn siêu thoát không dính dấu vết con người, ở chốn hạnh phúc mà báo động cho con người biết thảm họa của mình.

Thái quốc Mưu không phải là bậc giác ngộ nhưng bài thơ hay ở chỗ ông dùng cái cốt cách thoát tục trong lời thơ để diễn tả sống động và trọn vẹn nỗi bi đát của cõi nhân sinh hay của cuộc đời trong đó có cả Nhà thơ.

Suy nghiệm về bài thơ tôi nhớ đến câu chuyện đức Phật lần đầu tiên ra khỏi thành Ca-tì-la-Vệ. Ngài chứng kiến được hình ảnh sinh, lão, bệnh, tử diễn ra giữa đời từ đó, sau nầy Ngài xuất gia tìm đạo. Mấy ngàn năm sau, có một Nhà thơ “dạo phố chơi” cũng thấy cảnh bi thương gần như thế, nhưng không biết bao giờ mới chịu xuất gia?                                                    

                                                                Châu Thạch
                                                          (Đà Nẵng 24/3/2014)


No comments: