Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân
Gã
rít một hơi thuốc dài rồi phả vào hư vô, gã lục tục đánh chén với thời gian để
hắn vồn vập đổi màu tóc của gã: từ đen tuyền của một thời trai trẻ thành lấm tấm
bạc của tuổi bốn mươi. Ngấp nghé chừng ấy tuổi gã vẫn là một kẻ độc thân, có một
ngôi nhà nhỏ, và kì thực nếu thỉnh thoảng gã không đi ra đi vào thì xóm giềng
còn chẳng biết có một người như gã ở cạnh. Gã ghét rượu, nhưng ai cũng nghĩ gã
là một kẻ nghiện rượu. Cuộc đời vốn thế, người ta hay trông mặt mà bắt hình
dong, chỉ vì cái dáng lúc nào cũng gà gật, cái giọng khi nào cũng khề khà, và
ăn nói có phần chậm rãi, trông gã như một kẻ nát rượu. Vì gã lập dị nên người
ta chẳng chịu giành thời gian nghĩ suy xem thử một kẻ nghiện rượu sao chẳng khi
nào có mùi rượu trên người.
Đã
thế, người ta thường đánh đôi những kẻ say rượu thường là những kẻ ngốc và dễ bị
lợi dụng. Chẳng khi nào gã ngớt việc, toàn là “việc không công”, “ việc được nhờ”,
để “phần thưởng” là rượu chốc lại đầy nhà gã. Và khi người ta tạt ngang nhà gã,
thấy cái “gia tài rượu” ấy ngươi ta lại đinh ninh gã nghiện, và thế là có việc
gì nhờ lại tặng rượu. Và lại đầy nhà. Gã cũng chẳng buồn giải thích thứ gã ghét
nhất trên đời là rượu, gã cứ thu nạp đầy
nhà rồi lại ngồi ngắm chúng, gã chỉ nghiện thuốc lá thôi:
-Cứ để đó đi, nhắc cho nhớ, cũng vì
rượu mà tan nhà nát cửa.
Gã cũng từng có một gia đình. Cũng
nghèo như giờ nhưng lúc nào cũng đùm bọc nhau mà sống, vợ gã bán buôn ngoài chợ rồi mê mẩn
anh lái buôn nào đó. Gã biết được, nhưng thương vợ, bất lực gã không làm gì được
nên gã uống. Gã uống rồi gã say, rồi về nhà đập nhà đập cửa, gã không đánh vợ
con nhưng chửi mắng um sùm. Vợ gã lấy cớ đó ôm con theo gã tình nhân, còn gã,
nghĩ cũng thật buồn cười, vốn chỉ là nạn nhân trong trò chơi tình ái này, bỗng
chốc thành kẻ tội đồ, để cho xóm giềng đổ lên đầu cái tội bạo hành nên vợ bỏ.
-Thậm chí mình còn chưa đụng vào cô ấy.
Gã tặc lưỡi mỉm cười. Thời gian đầu
gã cho rằng hành động của gã là sự ban ơn cho người đàn bà tội đồ ấy,
để tất cả lỗi lầm gã chịu, vì đó là người gã thương. Sau dần, nghĩ cũng thật buồn
cười, khi chòm xóm đổ lên đầu gã mọi lỗi lầm, gã lại nghiễm nhiên như được
“giáo dục lại”, gã cho rằng tại rượu mà vợ gã bỏ gã đi. Nhưng có lẽ như vậy sẽ
tốt hơn, thà để gã nghĩ vợ gã còn thương gã… rồi cũng nhờ thế ít ra một sinh
linh trên cõi đời này bỏ rượu bia thì đó cũng là điều tốt. Sau khi vợ bỏ gã mới
thành một kẻ dở người, ăn uống lôi thôi lại lầm lì ít nói, bởi thế nên tất cả mọi
người xa lánh gã, trẻ em còn sợ gã hơn cả ông kẹ.
Duy
chỉ có một người không xa lánh gã, đó là chị, người đàn bà lỡ thì lớn hơn gã chừng
một hai tuổi gì đó nhà sát cạnh nhà gã. Thuở trai trẻ, gã cũng từng thầm thương
trộm nhớ chị nhưng đó chỉ là mối tình đầu, rồi gã lấy vợ mối tình ấy cũng chìm
vào quên lãng. Khi nhìn qua nhìn lại và trải qua nhiều sóng gió cuộc đời gã bất
chợt nhận ra chị vẫn chưa có chồng, lo cho mấy đứa em đi học rồi dựng vợ gả chồng
hết chị bỗng thành người nửa chừng xuân. Chị ý thức được điều đó và tuổi tác cứ
ngày một lớn dần khiến mơ ươc về một mái ấm gia đình đã tắt lịm trong tim chị.
Chị ôn hòa và lương thiện nên việc chị nấu ăn còn dư mang qua cho gã chẳng gán
ghép hai người với nhau, chỉ là làm cho gã bỗng chốc khơi gợi tình cảm xưa
trong mình. Gã biết gã thương chị nhưng gã mặc cảm nên không đến với chị. Còn
chị, chị vẫn luôn là một người đàn bà hiểu thấu mọi điều gã kể và lắng nghe gã.
-Chú hay ốm, nếu nhắm mai không đi
ba gác được thì xin nghỉ trước, mà mai chú ráng nghỉ buổi chiều vì chị nghe nói
chủ chú vắng buổi chiều, có nghỉ cũng không biết mà trừ lương.
Chị tính cho gã mọi điều, gã cũng lầm
lì giúp chị mọi thứ, khi sửa mái nhà, khi chăn bò chăn vịt. Thế rối biến
cố đến, đứa em út của chị nghe theo lời xui khiến của vợ về đòi chị bán căn nhà
để lên phố kiếm kế sinh nhai. Chị vùng vằng nên hắn đánh, tức quá gã phang cho
hắn một trận, chị xót em nặng lời với gã, gã cũng chỉ im lặng không nói gì rồi
hai người cũng xa cách nhau.
Thể rồi gã lại uống, gã say và tìm đến
nhà chị. Men rượu thường dễ dàng khiến cho tình cảm bộc lộ một cách rõ ràng, và
khi tình cảm trở nên chúi muồi tới cuồng si thì nó sẽ biến hành động trở thành
rồ dại. Vài tiếng bát vỡ. Vũ lực. Xô đẩy, gã bị hơi men thôi thúc cưỡng đoạt chị.
Chị hơi bất ngờ, hoảng sọ, nhưng chẳng hiểu sao lúc đó chị chỉ hét lên:
-Bình tĩnh lại đi.
Gã bần thần nhưng dừng lại thật. Nhưng
sau đó, vì hổ thẹn, gã biệt tăm, tránh mặt chị. Gã đinh ninh chị sợ hắn rồi, cả
gã cũng không thể tha thứ cho mình với những điều rồ dại. Chị càng tìm gặp gã,
gã lại càng lẩn tránh. Cuối cùng chị “rình” bắt gã cho được, chị níu gã lại. Những
người luống tứ tuần níu giữ nhau, kẻ trốn tránh người kì kèo trông cứ như những
đứa trẻ đang chơi trò đuổi bắt. Khi gã bình tâm lại, chị mới lựa lời nói nhỏ nhẹ:
-Tại sao chú không hỏi chị lúc đó
không hét lên hay gì hết mà lại chỉ nói chú bình tình? Chị sẽ không nói những
câu sáo rỗng như vì chị biết chú không phải người như vậy đâu. Vì ngày hôm đó
người làm việc đó là chú mà. Chỉ là chị muốn chú thức tỉnh mà thôi, vì chị biết
chỉ cần chị nói chú sẽ lắng nghe.
Gã chực khóc. Đôi gò má hằn những vết
chân chim như cố ép cho những giọt nước mắt chảy ra dù đó là những
giọt nước mắt chân thật nhất. Tới tận giờ phút đó chị vẫn nghĩ cho gã, và thật
may mắn, thật may mắn vì tận đáy sâu trong con người gã, gã đã kịp thức tỉnh.
Thật may mắn vì gã có một người bao dung sẵn sàng tha thứ cho bản chất của gã
là chị, Đột nhiên, chị quay lại nhìn gã:
-Có bao giờ chú nghĩ tại sao tôi tha
thứ cho chú chưa?
Gã nhìn chị, nụ cười của chị đột
nhiên trở nên tỏa nắng, hệt như người con gái lớp trên mà gã đã từng thương
nhớ thầm.
Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân,
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.
No comments:
Post a Comment