Câu chuyện chiếc bình vôi và hai
anh em nhà nọ, nghe qua giống như chuyện cổ tích.
Mà đúng là chuyện cổ tích đời nay
thật.
Chuyện thế nầy…
Hai anh em nhà nọ được cha mẹ để
lại năm mẫu ruộng và năm sào thổ cư. Sau ngày
đất nước thống nhất, ruộng được
đưa vào hợp tác xã. Còn đất thì hai anh em chia nhau ra làm nhà và trồng trọt.
Thời bao cấp cuộc sống quá khó khăn. Năm sào đất không dủ để nuôi sống hai gia
đình. Vậy là người em tự nguyện ra đi tìm đất sinh sống. Người anh ở lại quản
lí và canh tác toàn bộ khu vườn cha mẹ để lại. Trước lúc ra đi người em chẳng
đòi hỏi gì cả. Chỉ xin đem theo chiếc bình vôi của mẹ để
lại. Người em nói:
- Xa quê ngái cảnh, không biết
lúc nào về được. Cũng nhớ mồ mả ông bà tổ tiên. Đem theo chiếc bình vôi xem như
có mẹ bên cạnh.
Người em thật bất ngờ khi nghe
anh nói:
-Chú Thái bên xóm thích, tôi đổi
cho chú ấy để lấy một chậu mai rồi.
Trời đất! Di vật của mẹ để lại
sao anh ấy lại đem cho người ta. Người em nghĩ vậy nhưng không nói ra. Người em
sang nhà ông Thái nói vơi ông ta:
-Chú cho tôi xin lại cai bình vôi
của mẹ tôi. Ra đi lần nầy không biết lúc nào mới về thăm quê. Tôi muốn đem theo
cái bình vôi như một kỷ niệm những ngày mình được sống bên cha mẹ.
Chú Thái nói:
-Tôi đổi một cây mai tứ quý cho
anh Hai bên nhà đấy.
Thấy bảo anh Hai trả lại cây mai
cũng phiền, người em nói:
-Thôi anh định giá cây mai bao
nhiêu, cho tôi hoàn lại.
-Cây mai nầy cũng trên cả mười
năm rồi. Thôi chú Ba đã nói như vậy thì trả cho tôi hai chục ngàn cũng được.
Đến hai chục ngàn! Tiền đâu mà
mình có? Người em đành bỏ quyết định chuộc lại chiếc bình vôi. Nhưng người em
vẫn kể chuyện ấy lại cho vợ nghe. Người vợ biết tính chồng. Nếu không mua lại
chiếc bình vôi ấy thì chồng chị sẽ buồn lắm. Chị sang nói với ông Thái cho chị chuộc lại chiếc bình vôi nhưng xin đưa trước một
nữa. Còn lại nhờ trời vào Nam làm ăn khấm
khá chị gởi ra trả tiếp. Ông Thái bằng lòng.
Trước ngày gia đình người em lên
đường, người chị dâu thấy không có gì cho, chị bèn
chạy sang mấy gia đình hàng xóm
vay mượn mỗi người một ít. Cuối cùng chị cũng cho được gia đình em chồng mười
hai cân gạo và mấy chục ngàn đồng.
Sau khi người em đi rồi, người anh kiềng riềng vợ: Gia đình mình đây,
ngày mai cũng chưa biết lấy gì bỏ vào miệng mấy đứa nhỏ. Cô đi vay đi mượn khắp
người ta như vậy lỡ gia đình mình gặp chuyện gì bất trắc biết vay mượn ai được
nữa. Đó là chưa nói không biết mình có
trả nổi cho người ta nữa không đây.
Người vợ nói:
-Thì nhà cửa đất đai chú ấy đã để
lại cho ta rồi đó. Chú ấy ra đi, mình phải có gì cho chú ấy chứ. Hơn nữa chú ấy
mang theo cả bầy cháu. Đến nơi rừng thiêng nước độc lúc đầu cũng phải có gì cho
mấy đứa nhỏ nó ăn chứ.
Người chồng nghe vợ nói vậy thì
làm thinh. Trong lòng anh ta cũng mong sao cho người em làm ăn khá để khỏi trở
về đòi lại ruộng đất.
Vào một buổi sáng mùa đông, trong cảnh đói rét của miền Trung thời kỳ
bao cấp, gia đình người em lên tàu đi về miền Nam . Dự định của họ là lên vùng núi
Phước Long để phá rừng làm rẫy. Dù họ cũng biết đây là vùng rừng thiêng nước
độc do nhiều người từng đến lập nghiệp
trước ở đây kể lại.
Trên chuyến tàu người em cảm thấy
buồn. Không biết lúc nào anh mới trở về thăm lại quê hương. Anh lục thùng đồ
lấy chiếc bình vôi ra ngắm. Sợ nó bị sứt mẻ anh đã gói vào trong hai lớp áo
quần rách. Chiếc bình vôi đất nung của mẹ để lại lâu ngày trơn láng một màu đen
chì. Anh nhớ mang máng hồi còn nhỏ nó có mầu đỏ của đất sét mới nung. Không
biết chiếc bình vôi nầy mẹ anh mua từ lúc nào, nhưng lên khoảng năm tuổi thì
anh đã nhận ra nó. Bây giờ anh đã trên bốn mươi tuổi. Vậy thì chiếc bình vôi
nầy có số tuổi phải bốn mươi năm trở lên. Biết đâu không phải là của bà nội anh
để lại? Vậy thì có thể nó lên đến một trăm tuổi hơn không chừng. Có một điều
lạ, là nó cùng với anh đã trải qua hai cuộc chiến tranh. Theo ba anh kể lại thì
gia đình anh thay đổi chỗ ở tất cả mười sáu lần. Trong đó có ba lần cháy nhà. Ở
trọ nhà người khác cũng phải đến bảy tám nhà. Thế mà nó vẫn còn tồn tại đến bây
giờ. Chiếc bình vôi chứ đâu phải là vật gia bảo mà đi đâu ba anh cũng ôm khư
khư bên mình. Cũng nghe cha anh kể thì
ông nội anh là người tương đối giàu có trong vùng. Nên khi ông nội mất cha anh được thừa hưởng, ngoài năm mẫu ruộng, năm sào rưởi đất thổ,
vàng bạc không nghe nói đến, nhưng tài sản linh tinh thì rất nhiều. Riêng chén
bát thuộc loại gốm sứ cổ cũng chôn đến cả một hầm. Chiến tranh qua rồi. Bao
nhiêu tài sản cũng tan tành theo. Thế mà chiếc bình vôi lại vẫn còn. Cái mầu
đen tuyền của chiếc bình vôi là kết quả của ít nhất ba lần thiêu nung trong ba
ngôi nhà bị cháy! Vậy thì lí giải sự tồn tại của nó sao đây? Câu hỏi nầy người
em mới đặt ra bây giờ, trên chuyến tàu nầy ngay sau khi anh lấy cái bình vôi từ
trong gói xách ra để ngắm nghía. Hồi còn nhỏ
anh không để ý. Lớn lên, lo vật lộn với miếng cơm manh áo. Giờ, người em
mới có dịp nghĩ tơi. Nhưng không có ai để hỏi. Chỉ còn lại người anh cả trong
gia đình là có tuổi đời lớn hơn. Nhưng người anh xem ra cũng là người vô tâm.
Anh ấy đã đem chiếc bình vôi nầy để đổi lấy một chậu mai thì trong lòng người
anh, nó chỉ là một cục đât nung chẳng có ý nghĩa gì cả. Phải chăng chiếc bình
vôi cũng có định mệnh như một kiếp người? Nói vậy, nghe huyền hoặc quá. Người
em chợt nghĩ ra một cách lí giải: Có thể chiếc bình vôi nầy đối với người cha
của anh nó cũng mang một ý nghĩa giống như đối với anh bây giờ. Nó là di vật
của mẹ để lại. Nghĩa là chiếc bình vôi nầy có từ thời bà nội! Vậy là tuổi của
nó phải trên một trăm. Nếu vậy thì thật là may mắn, người em nghĩ. Không phải
anh vô tình được một món đồ cổ mà may mắn
là nó đã không bị người anh bán đi như một đồ cổ. Miệng chiếc bình, vôi tấp lên
năm tháng đã nhô ra thành cái vòi. Một cái vòi bằng vôi khô rất giòn thế mà qua
bao va chạm nó vẫn không bị gãy cũng là một điều lạ. Người em còn nhớ, hồi nhỏ
mẹ anh đi chợ về thương mua một cục vôi
bệt vào lá trầu, rồi mẹ bắt anh phải nhét hết vôi vào bụng bình. Miệng bình thì
nhỏ mà vôi lại dẻo, anh phải dùng mút đũa vót nhọn, nhích mỗi lần một ít để đưa
vôi vào bình. Do thế mà vôi cứ dính tèm
hem chung quanh miệng bình. Mỗi ngày một ít làm cho miệng bình nhô ra thành một
cái vòi. Hồi đó miệng đứa nhỏ nào trong xóm
mà môi dỉnh ra thì bị anh trêu là miệng bình vôi.
Nhìn cái bình vôi, những kỷ niệm ấu thơ chợt trở về làm người em nhớ những
ngày sống hạnh phúc bên mẹ.
-Cái bình vôi đẹp quá! Anh cho
tôi xem một chút được không?
Người em đang miên man những kỷ
niệm về chiếc bình vôi chợt có ai đó đứng bên cạnh hỏi.
Người em nhìn lên. Một người đàn
ông đứng tuổi ăn mặc khá sang trọng đến đứng cạnh anh từ lúc nào. Người em nhớ
ra. Người đàn ông nầy ngồi ở dãy ghế cùng hàng phía bên kia. Anh đưa chiếc bình
vôi cho người lạ xem. Ông ta ngắm nghía. Xem xét phía nầy phía kia rồi lật đáy
chiếc bình vôi ra xem tỉ mỉ.
Người em lấy làm lạ hỏi:
-Chiếc bình vôi có gì lạ không
ông anh.
Người đàn ông lại khen: Đẹp quá.
Thật ra đối với người em chiếc
bình vôi nầy cũng gần giống những chiếc bình vôi khác mà anh có dịp thấy. Đối
với anh nó được quý bởi một lí do khác.
Người đàn ông trả chiếc bình vôi
lại cho người em rồi bắt chuyện. Ông ta
hỏi:
-Anh đi đâu mà mang theo cả gia
đình vậy?
-Tôi vào Nam lập nghiệp
-Anh định đến vùng nào?
- Phước Long.
-Ừ trên đó nếu có sức khai phá để trồng điều hoặc cao su. thì có
tương lai lắm.
Ông ta lại nói:
-Nhưng trên vùng đó khí hậu độc
lắm.
-Chỗ nào núi non mà khí hậu không
độc. Biết vậy nhưng cũng phải ra đi. Ở nhà làm việc kiệt sức mà không kiếm đủ
miếng ăn.
Người lạ chợt nhìn qua bầy
con của người em. Đứa nhỏ nhất chừng một
hai tuổi mẹ nó đang ôm ngủ trên tay.
Người đàn ông có vẻ quan tâm:
- Lên đó nếu khỏe mạnh anh cũng
phải làm việc mất nửa năm đầu mới có cái
để thu hoạch. Ra đi anh có chuẩn bị cho thời gian nầy không?
-Có gì đâu mà chuẩn bị? Cứ đi
đại. Người ta sống được mình sống được.
-Vậy thì anh có thể bán chiếc
bình vôi nầy cho tôi để có thêm một khoản chi tiêu không?
À ra là vậy. Người em nghĩ: Lão
nầy muốn mua chiếc bình vôi mà nói đà nói đậy như thế. Mình cứ lấy làm lạ, sao
ông ta lại quan tâm đên mình như vậy.
Nhưng người em cũng ướm thử:
-Ông anh có thể mua với giá bao
nhiêu?
-Ít ra anh cũng đủ chi tiêu cho
cả nhà trong sáu tháng đầu khi anh chưa thu hoạch được gì.
Người em lần nữa lại ngạc nhiên:
-Chi tiêu cả gia đình đến sáu
tháng? Ông anh không biết gia đình tôi
có đến sáu miệng ăn đây. Chỉ tính đến việc ăn cơm với muối rang, sáu tháng cũng
phải tốn bao nhiêu tiền không?
Người đàn ông trả lời một cách tự
tin về sự tính toán của mình:- Thì đã sao.
Vợ
người em chợt thức giấc qua cơn
ngủ gật. Chị nhìn người đàn ông lạ đang đứng nói chuyện với chồng. Hình như câu
chuyện của hai người đàn ông, qua tiếng động ầm ầm của tàu lửa, chị vẫn nghe
lõm được và bắt đầu quan tâm.
-Anh thử tính sơ đi. Người em nói
với người đàn ông lạ.
-Trong sáu tháng, gia đình
anh ăn tiêu giỏi lắm cũng không tới ba
trăm ngàn đồng. Tất nhiên ăn theo kiểu cơm với muối như anh vừa nói ấy mà.
Lần thứ ba người em ngạc nhiên:
-Ông anh có thể mua chiếc bình
vôi nầy tới giá đó sao? Có phải ông anh là người buôn đồ cổ không?
-Không phải. Tôi không sành về đồ
cổ. Hơn nữa niên đại của chiếc bình vôi nầy là bao nhiêu tôi cũng không đoán
được. Có thể là vài ba chục năm mà cũng có thể vài ba trăm năm. Buôn đồ cổ mà
không tính được niên đại của đồ vật thì làm sao dám bỏ tiền ra.
-Vậy thì sao ông anh có thể mua
chiếc bình nầy với giá cao vậy?
-Đơn giản thôi. Tôi là người
chuyên sưu tầm các loại bình vôi.
Người đàn ông làm thinh một lát
rồi giải thích thêm:
-Suốt đời tôi sưu tập được chín
mươi chín chiếc bình vôi có hình dạng khác nhau. Ước ao của tôi là cuối đời thế
nào cũng có được một bộ sư tập một trăm
chiếc bình vôi đủ loại. Vậy mà hơn cả chục năm nay tôi vẫn chưa tìm ra được
chiếc bình vôi thứ 100. Tôi cứ tưởng trên đời nầy chỉ có 99 chiếc khác nhau mà
thôi. Vậy là hôm nay tình cờ tôi đã phát hiện ra cái báu vật mà tôi hằng mơ ước
ấy.
Người em phá lên cười trước những
suy nghĩ và việc làm xem chừng như ngớ ngẩn của người đàn ông. Người em nói:
-Ông anh nói toạc cái ham muốn
của ông anh ra, không sợ tôi đòi giá cao sao?
-Trái lại tôi có nói toạc ra như
vậy anh mới thấy tôi là người không bình thường, nên mới chịu bán. Còn anh thấy
tôi là người toan tính kỷ lưỡng khôn ngoan thì không chịu bán đâu.
Cả hai người cùng cười.
Người đàn ông lạ hỏi lại:
-Sao? Anh có chịu bán nó cho tôi
không.
Người em nói không do dự:
-Không ông anh à. Vì đây là di
vật của mẹ tôi để lại. Chẳng thà chịu thiếu đói chứ nhất định tôi không bán nó
cho ai cả.
Người đàn ông có vẻ tiếc rẻ. Ngẫm
nghĩ một lát anh ta móc túi đưa ra cho người em một tấm thẻ nhỏ và nói:
-Đây là tên và địa chỉ của tôi.
Lên Phước Long làm ăn lúc nào anh thấy cần tiền và quyết định bán chiếc bình
vôi nầy thì tìm đến tôi.
Ngườ em lắc đầu từ chối không
nhận.
Người lạ nhìn người em ngạc
nhiên, hỏi;
-Sao vậy. Tất nhiên khi nào anh
muốn bán thôi mà.
Người em cười thật thà giải
thích:
-Lên Phước long thì chiếc bình
vôi nầy chỉ là một cục đất nung vì thế nếu có muốn bán tôi cũng không thể bán
đươc. Nếu biết địa chỉ của ông anh, sợ rằng lúc khó khăn tôi cầm lòng không
được lại đem bán đi.
Người đàn ông nhìn người em như
nhìn một người từ ngoài hành tinh mà anh ta vừa gặp. Một lát anh ta gật đầu
nói:
-Tìm chiếc bình vôi thứ một trăm
coi ra mà dễ. Nhưng tìm một người có tấm lòng như anh quả thật không phải dễ.
*
Vào Long Khánh làm ăn một thời
gian không lâu thì cậu con trai đầu của
người em bị sốt xuất huyết ác tính. Về bệnh viện tỉnh bác sĩ bảo phải chuyền
máu cho cậu bé nếu không kịp thời thì không qua khỏi. Giá một bịch máu tới cả
trăm ngàn đồng. Tiền đâu!
Người vợ bàn:
-Thôi ta bán chiếc bình vôi của
mẹ đi để cứu con. Đằng nào mẹ cũng đã không còn nữa.
-Nhưng ở đây ai mà mua chiếc bình
vôi nầy?
-Tìm đến ông trên tàu lửa năm nọ.
-Nhưng anh không lấy địa chỉ của
ông ta.
-Em còn nhớ.
-Em còn nhớ? Người chồng ngạc
nhiên nhìn vợ.
-Lúc anh từ chồi thì em đã lén
đọc tên và địa chỉ của ông ta trên tấm cạc. Vì em nghĩ, đến vùng rừng thiêng
nước độc biết đâu lại có lúc ta cần đến ông ấy giúp đỡ!
Người chồng nhìn vợ cảm kích
không nói gì.
Vậy là người em mang chiếc bình vôi tìm đến địa chỉ người đàn ông năm
nọ.
Thấy người em mang chiếc bình vôi
đến nhà mình, người đàn ông đã hiểu ra. Ông ta vào tủ lấy một xấp tiền ra cho
người em. Người em bỏ chiếc bình vôi lại rồi chào người đàn ông ra về. Người
đàn ông gọi người em lại và nói:
-Chiếc bình vôi nầy là tấm lòng của
anh. Mà tấm lòng của con người ta là vô giá. Không thể mua bằng tiền. Anh mang
chiếc bình vôi nầy về đi. Và đem số tiền tôi đưa để chữa trị cho cháu. Khi nào
ăn ra làm nên thì trả cho tôi cũng được. Và nhớ, cháu qua khỏi cơn ngặt nghèo thì báo cho tôi một
tiếng.
Copyright © by nguyenbatrinh.com, 2014. All rights reserved.
Nguyễn Bá Trình - DĐ 01665094339.
Email:
bichlien101046@yahoo.com.vn.
No comments:
Post a Comment