Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, May 24, 2013

TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO LÀ MỘT TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM - Nguyễn Tài Lương (Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Quảng Trị)


Trích từ tập san HOA ĐẦU MÙA số 15
của phòng Giáo dục - Đào tạo
huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.


Như chúng ta đã biết: Giáo dục là hành vi có ý thức của con người nhằm truyền lại những kinh nghiệm sống của thế hệ trước, của những người đi trước đối với thế hệ sau, những người đi sau để tồn tại và phát triển. Bởi vậy ở bất kỳ thời đại nào của lịch sử loài người đều cần có giáo dục. Song giáo dục bao giờ cũng mang tính thời đại và in đậm dấu ấn của dân tộc.

Mặt khác, giáo dục là hoạt động có hành vi rộng lớn với nhiều chủ thể và khách thể khác nhau, đan xen vào nhau, tác động qua lại trong mối quan hệ biện chứng của quá trình phát triển. Trong mối quan hệ biện chứng ấy đặt ra cho người thầy những trọng trách cá nhân của một nghề nghiệp, của một sự nghiệp đối với xã hội rất nặng nề và cũng vô cùng vẻ vang.

Tuy vậy, không phải bất kỳ thời điểm nào, dân tộc nào cũng coi trọng vị thế người thầy và tôn vinh nghề dạy học. Những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, một số nước chưa coi trọng sự học nên bạc đãi với người dạy học, hoặc chưa có những chính sách thỏa đáng đối với giáo dục nói chung và nghề dạy học nói riêng.

Trước tình hình đó, Hội nghị Quốc tế các nhà giáo họp tại Vac-sa-va, thủ đô nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan vào tháng 8/1957 và đã ra một bản Hiến chương, đồng thời quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo (trong đó có đại diện của Công đoàn Giáo dục Việt Nam) nhằm tôn vinh nghề nghiệp cao quý của các nhà giáo trên toàn thế giới. Như vậy việc tôn vinh nghề dạy học đã trở thành vấn đề quốc tế.

Gần nửa thế kỷ qua, nhất là những năm cuối của thế kỷ XX và thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, khi mà nhân loại bước vào thời kỳ nền kinh tế tri thức thì dân tộc nào cũng coi trọng phát triển sự nghiệp giáo dục. Mặc dù một số nước không nhắc lại lời kêu gọi bất hủ của Lê Nin “Học, học nữa, học mãi” nhưng sự thật thì việc học cũng đã trở thành nhu cầu chung của toàn nhân loại.

May mắn cho mỗi chúng ta được sinh ra và lớn lên trong một đất nước có nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó có truyền thống tôn sư trọng đạo, một truyền thống lâu đời, hiếm có trên thế giới. Từ xa xưa, tổ tiên ta đã quan niệm:

“Nhất tự vi sư, bán tự sư,
Quân vương tự cổ thị tôn sư,
Tôn sư trọng đạo vi hành đạo
Hữu địa, hữu nhân, tất hữu sư.”

Tạm dịch: Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy, vua quan từ xưa đều trọng thầy, có trọng thầy, trọng lẽ phải mới làm theo lẽ phải, theo chính nghĩa, có đất, có người ắt có thầy (đạo ở đây không phải là tôn giáo mà là con đường chính nghĩa, là lẽ phải).

Đây là một quan niệm rất đúng đắn, đánh giá đúng vị thế người thầy. Làm nên truyền thống tốt đẹp đó phải khẳng định những nhà giáo chân chính từ ngàn xưa không ngừng tu thân, trau dồi phẩm chất, góp phần làm rạng rỡ thêm vị thế người thầy.

Một Lý Vạn Hạnh - một nhà sư và là một nhà giáo nặng lòng với sự thịnh suy của đất nước, nên đã dày công bồi đắp tài đức cho Lý Công Uẩn để rồi trở thành một vị vua mà nổi tiếng với “Chiếu dời đô”; không phải gần đây nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội người ta mới nhắc nhiều đến công lao của sư Vạn Hạnh, mà hình ảnh của ông đã đi vào lịch sử của dân tộc.

Người Việt Nam mãi mãi tôn vinh và tự hào nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An (1292-1370) không chỉ ở sớ “thất trảm” nói lên tâm huyết và dũng khí của người thầy đối với “quốc gia đại sự” mà còn là một nhà giáo tài ba:

“Học hải hồi loan tục tái thuần
Thượng trường Sơn Đẩu đắc tư nhân”.

Đây là hai câu thơ của Trần Nguyên Đán ca ngợi Chu Văn An khi người vào kinh dạy học (Biển học xoay vần nhằm biến phong tục trở nên thuần khiết, trong sáng; Trường cao có thầy tài giỏi như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu, thật đáng tự hào).

Mỗi giai đoạn lịch sử đều có những nhà giáo mà hội tụ ở họ một cốt cách quý giá đó là lòng yêu nước thương nòi, hết lòng vì học sinh thân yêu, trọng đạo lý, nhân nghĩa, ghét cái ác, tôn thờ cái thiện và theo đó là một đức tính quả cảm. Có thể nêu những gương nhà giáo như: Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Nguyễn Khuyến (1835-1909)… cũng đủ minh chứng cho những vấn đề nêu trên.

Ở thời đại chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà còn là một nhà giáo với những triết lý sâu sắc về những phương pháp dạy học, định hướng cho quá trình phát triển giáo dục nước nhà. Người đã từng trực tiếp dạy học tại trường Dục Thanh (Phan Thiết) trước khi rời tổ quốc đi tìm đường cứu nước với cái tên trìu mến và kính trọng: thầy giáo Nguyễn Tất Thành.

Ngày nay, trong xu thế phát triển chung, nhất là khi phấn đấu thực hiện CNH-HĐH đất nước, Đảng ta xác định “Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu” và chiến lược phát triển GD-ĐT giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu tổng quát là: Đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, chất lượng giáo dục được nâng lên một cách toàn diện. Với quan điểm và định hướng đó, thiết nghĩ vị thế người thầy chắc chắn vẫn được xem là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục trong nhà trường. Càng coi trọng phát triển Giáo dục và Đào tạo bao nhiêu, thì càng coi trọng vai trò của nhà giáo bấy nhiêu. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng CNXH và CNCS”.

Chúng ta nhận thức đầy đủ rằng mối quan hệ giữa vị thế của nghề dạy học và vị thế của người dạy học là mối quan hệ nhân quả; bởi lẽ khi xã hội tôn vinh nghề dạy học thì cũng đặt ra những yêu cầu cao với người dạy học. Người dạy học phấn đấu rèn luyện phẩm chất và năng lực sư phạm theo gương các nhà giáo tiền bối, những nhà giáo cách mạng tiêu biểu thì đã góp phần tô thắm thêm truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.

Cũng cần nói thêm: cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo không còn phù hợp với tính chất chung của nhiều nước mà nguyên nhân cơ bản là quốc gia nào muốn phát triển đều phải coi trọng phát triển giáo dục. Đặc biệt khi mà cả nhân loại bước vào thời kỳ phát triển nền kinh tế tri thức. Như vậy không kỷ niệm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo là không phải không coi trọng nhà giáo mà ngược lại. Việc tôn vinh nghề dạy học, người dạy học mỗi quốc gia có những cách thể hiện khác nhau, phụ thuộc vào truyền thống của mỗi dân tộc. Dẫu rằng nghề nghiệp là sự phân công tự nhiên của xã hội chăng nữa thì nhà giáo vẫn có vị thế đặc biệt, không thể không coi trọng họ được.

Ở Việt Nam, từ năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày tháng không thay đổi, nhưng ý nghĩa và tên gọi của nó đã thay đổi hoàn toàn. Ngày Nhà giáo Việt Nam đã trở thành ngày hội không chỉ riêng của nhà trường, của thầy và trò mà thực sự là ngày hội của toàn dân.

Hàng nghìn năm qua, biết bao biến đổi trong quá trình phát triển của đất nước, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng truyền thống tôn sư trọng đạo luôn luôn được phát huy một cách tốt đẹp. Truyền thống đó đã trở thành một điểm sáng trong cốt cách Việt Nam.

Nguyễn Tài Lương

No comments: