Tưởng
niệm ngày Phật Thành Đạo.
Ở những ngày tháng cuối năm Quí Tỵ, trước và sau lễ Noel,
không khí Miền Nam năm nay đã khá lạnh
hơn những năm trước đây, riêng ở những
vùng Cao nguyên Trung phần, nhứt là những tỉnh
miền cao, vùng tuyến đầu đất nước, thậm chí có nơi tuyết đổ lên đến 2, 3 tất!
Cùng với tiết trời lạnh lùng u uẩn ấy, theo lệ thường, khi
bước sang đầu tháng Chạp (tháng 12 al), mặc dù ngày nay, thông tin toàn cầu về
ngày lể Tam hợp (Vesak) , trong ấy gồm Phật Đản, Phật Thành Đạo, và Phật Nhập
Niết Bàn. Nhưng không ít những Đạo tràng Tự Viện, Tịnh Xá .v.v… vẫn giữ thông
lệ lễ kỷ niệm ngày Phật Thành Đạo (mùng 8.tháng Chạp hằng năm), ngày mà đa phần
những người đệ tử Phật, hay có niềm kính tin về Đạo Phật, hoặc đi đến đạo tràng
tu học nghe pháp, hoặc trì kinh, lễ bái cầu nguyện, hoặc làm những điều phước
thiện, hoặc đóng góp vào những tổ chức phước thiện nào đó trong xã hội.
Và cũng chính trong lễ hội nầy, chúng tôi được thỉnh cầu đến
chứng dự lễ kỷ niệm ngày Phật Thành Đạo, mà cũng là ngày lễ “khai đục tạc
tượng” Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni tại Đạo tràng TX. Ngọc Châu. Thị xã Tân
Châu, tỉnh An Giang do Đại Đức Minh Điền tổ chức.
Nguyên là 2 khúc gỗ hương (một trong những danh mộc hiếm quí), mỗi khúc có chiều cao 1m50 và đường kính 1m05 do hai Đại Đức trụ trì Tịnh Xá Ngọc Châu và Tịnh Xá Ngọc Liên đã nhiều ngày tìm kiếm, với ước nguyện tạc thành hai bảo tượng Đức Bổn Sư để được tôn trí tại 2 Đại hùng bửu điện. Đến chứng dự lễ cầu nguyện có đông đủ Chư tôn Giáo Phẫm, Tăng Ni và quí thiện hữu trí thức, Phật tử gần xa cùng góp phần và tham dự.
Trong khung cảnh buổi lễ trang nghiêm thanh tịnh nầy, một
thoáng, chúng tôi nhớ lại bài kinh Tương Ưng 5, thiên Đại phẫm, chương 1. Ở
đây, Đức Phật đã lấy ví dụ tương ưng với điềm tướng báo trước mà làm duyên cớ
để hướng dẫn đại chúng tỳ kheo thực hiện sự tu tập, để đem lại lợi lạc chúng
sanh, chư thiên và loài người…
“Nầy các tỳ kheo, như
cái đi trước và điềm tướng báo trước mặt trời mọc, tức là rạng đông. Cũng vậy,
nầy các tỳ kheo, cái đi trước và điềm tướng báo trước Thánh Đạo tám ngành sanh
khởi chính là đầy đủ như lý tác ý … chính là bạn hữu với thiện.” Tương ưng (S.v. 31).
Qua đoạn kinh văn trên, chúng ta thấy, lời dạy của Đức Phật
thường dựa vào hiện tượng chuyển động của mọi sự vật, để từ đó nói lên phương
pháp, con đường dẫn đến tịnh hóa tâm thức, vượt thoát mọi khổ đau. Không có vấn
đề nào là không có nhân duyên, không nhân quả của nó, sự hiển bày hiện tượng
cũng chính do sự vận hành của các pháp nhân duyên, và hiện tượng luôn cho ta
thấy biết những điều sẽ đến trong ta hay trong cuộc sống quanh ta, trong mọi
lảnh vực cùng có mặt như ta.
Nếu như mặt trời mọc là hiện tướng, điềm báo trước là bình
minh hay bình minh là điềm tướng báo trước là do mặt trời mọc phương đông, cũng
như tất cả mọi sự việc trong xã hội cuộc sống con người, nói chung trong hành
tinh mà chúng ta đang có mặt như thế nào trong sự sanh hóa hạnh phúc bình yên
hay tiêu tàn loạn khổ và hủy diệt.v.v… đều manh nha từ những ý niệm, việc làm
thuận theo lẽ phải, thích hợp với lẽ phải, hay bởi những ý niệm ác quấy, khuynh
hướng theo ác quấy. Đó là những hệ quả “của cái đi trước, là điềm tướng báo
trước…”
Cùng cách ấy, Chánh pháp của Đức Phật hay Đạo Phật được tồn
tại lâu dài, đem lại hạnh phúc an lạc cho chúng sanh, chư thiên và loài người
lâu dài, thì cũng dựa vào “ cái đi trước, và điềm tướng báo trước…” Ở đây, cái
gì đi trước, cái gì là điềm tướng báo trước ? Chính đó là “như lý tác ý, và
biết làm bạn với thiện…”.
Vẫn biết rằng : trong mọi hình thức tồn tại giữa tinh thần
và hiện tượng vật chất, giữa cái ác và cái thiện, giữa cao thượng và thấp
kém.v.v… luôn có mặt và song hành trong đời. Thế nhưng, nếu như ác tư duy mỗi
ngày một tổn giảm từ bản thân, gia đình và xã hội, thì mặc nhiên những điều
thiện tư duy sẽ được sanh trưởng và tăng trưởng một thêm lớn mạnh cũng từ bản
thân gia đình và xã hội, thì sự thành tựu trong sáng lành mạnh nào, hạnh phúc
an vui nào có thể cao đẹp hơn ? Những điều bất an, rối khổ cho cộng đồng sẽ
phải bám víu bào đâu để mang lại bao nảo loạn cho nhiều người? Phải chăng từ “như lý tác ý hay biết làm bạn
với thiện” mà có được như vậy?
Đến đây, Đức Phật giúp chúng ta có được hành động cụ thể và
chi tiết hơn, không để rơi vào những trạng huống vô bổ bởi những ý tưởng suông
suồng, lừa gạt do truyền tụng ca ngợi
những cảm giác ảo. Ngài dạy : … “Và nầy các tỳ kheo, thế nào là tỳ kheo
đầy đủ như lý tác ý, tu tập Thánh đạo tám ngành, và làm cho sung mãn Thánh đạo
tám ngành”.
Như lý tác ý là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là
hành động tu tập từng chi phần của Thánh đạo tám ngành (Bát Thánh Đạo). Bởi vì
có lưu xuất thông đạt cái thấy, sự suy nghĩ đúng đắn… hợp theo lẽ phải (chánh)
thuận theo đạo lộ của bậc Thánh, thì được xem đây là sự siêu hóa tâm hồn. Vì
rằng : Bát Thánh Đạo đã sẵn đầy đủ Giới
Định Tuệ hay trong Giới Định Tuệ đã đầy đủ Bát Thánh Đạo, chính đây là cốt tủy
của Đạo Phật, vượt thoát mọi phạm trù lý thuyết. Nhưng sự tu tập như thế nào để
có được sự vượt thoát ấy, trong khi chúng ta đang có mặt trong đời, sự thấy,
biết, nghe, va chạm.v.v… ít nhiều vẫn phải đến với chúng ta, hoặc tự trong mỗi
chúng ta phải đối mặt, cho đến điều gì sẽ xảy ra ? Do đó, Đức Phật dạy tiếp :
“ Ở đây, nầy các tỳ kheo, các tỳ kheo tu tập chánh tri kiến
liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ
bỏ…”
Lời dạy ấy không chỉ dành cho chúng đệ tử (xuất gia và tại
gia) mà còn hướng đến toàn thể loài người chưa có lòng kính tin về giáo lý của
Ngài. Ở một góc nhìn nào đó, ta có thể thấy và biết rằng : nếu hành động nào
phát xuất từ cái nhìn và suy nghĩ đúng đắn, thì điều ấy, trước hết cũng chính
là hệ quả tốt đẹp đối với tự thân và sau đó đến cho mọi người. Do có tu tập
chánh quán mà thấy ra rằng : “Khổ, Vô thường, Vô Ngã”, do có tu tập chánh quán
mà thấy ra rằng “viễn ly tham ác” sẽ đem lại an lạc thường tại, do có tu tập
chánh quán mà thấy ra rằng : “hướng đến từ bỏ” mọi chấp trước tham, sầu ưu não
ở đời. Và cũng không phải vì một hình thức nào đó mà chúng ta phải ruỗi dong
tìm kiếm một vài tia ấm lạc thú thường tình, để rồi thời gian là câu trả lời,
là sự mục rữa như bao câu chuyện giữa dòng đời chung đỉnh.!
Phải đâu chúng ta cố làm điều gì đó để thể hiện sự hoành
tráng, đồ sộ, lộng lẫy của mớ vật chất thế đời, rồi coi đó như là “cái đi trước
và điềm tướng báo trước...” điều ấy không hẵn phù hợp với giáo lý vô ngã của
Đạo Phật. Ta có thể thổi vào, tạc vào cuộc đời bằng một Phật chất, tự mình
không vì lợi dưỡng tham cầu, và giúp người nhận biết không vì lợi dưỡng tham
cầu, biết tu tập, thực hành hạnh viễn ly, hướng đến từ bỏ và chuyển hóa những
phàm chất để được trở thành một Phật chất, thì đây chính là hiện tướng của
chánh pháp, điềm báo trước của chánh pháp, vì chánh pháp có tồn tại là do “như lý
tác ý có tu tập đầy đủ, biết làm bạn với thiện”. Bậc đạo sư Shantideva đã giúp
cho chúng ta từng bước hiện hóa vào đời bằng một khái nhiệm : “Tất cả những
việc làm vô hại mà lợi ích cho hữu tình, con đều sai khiến thân nầy làm hết.
Nguyện cho ai trông thấy con đều được nhiều lợi lạc”.
(Nhập Bồ Tát Hạnh, chương 3).
Trở lại vấn đề trên, nếu như bình minh (rạng đông) là hiện
tướng của mặt trời mọc, đem lại ánh sáng cho ngày, điềm báo bóng tối không còn,
thì điềm tướng báo trước, chờ đợi được tu tập Thánh đạo tám ngành, chính là “như lý tác ý”. Đồng thời, như những lời cầu nguyện an lành thổi vào, tạc vào khúc gỗ để trở
thành một đức Phật với thân tướng trang nghiêm, có vô lượng hào quang, có vô
lượng công đức, và có vô lượng an lạc cho khắp chúng loài hữu tình, thì đây nếu
không phải là “cái đi trước và điềm tướng báo trước” là hiện tướng của chánh
pháp ?
Hôm nay, để đánh dấu ngày tưởng niệm Phật Thành Đạo bên dòng
Ni Liên huyền sử xưa, mà trước đây đã trên 2500 năm TTL, bấy giờ và hơn bao giờ
hết, Đức Phật đã thật sự có mặt giữa thế
đời bằng sự tịnh hóa thuần khiết tâm tư, Ngài thật sự vượt thoát ngoài vòng hệ
lụy, danh lợi tước quyền, thân thuộc… Sự có mặt đích thực của Ngài chính là sự
diệt tận mọi lậu hoặc, đạt vào quả vị Chánh Đẳng Chánh giác, tịch tịnh Niết
bàn. Mặc dù Đức Phật đã vào Niết bàn, nhưng dòng sông huyền sử xưa vẫn triền
miên xuôi ngọn chảy vào hằng triệu trái tim còn cưu mang sức sống từ nơi đạo
giải thoát của Đức Phật.
Tác giả Mặc Phuong Tử. Ảnh từ datdung.com |
Long Xuyên,
ngày tưởng niệm Phật Thành Đạo,
Tháng Chạp, năm Quí
Tỵ, 2013.
MẶC PHƯƠNG TỬ.
No comments:
Post a Comment