Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, January 7, 2014

GỢN SÓNG SÔNG HƯƠNG - Bài & ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

Sông Hương, dòng sông tạo nên diện mạo kinh thành xưa 
và thành phố Huế ngày nay.


1. Nói tới Huế, không thể không nhắc tới sông Hương. Sông Hương, dòng sông mang cái tên dịu dàng ấy gắn liền miền đất cố đô, là một phần của Huế. Thật khó có thể tưởng tượng Huế không có sông Hương. Ấy là nói vậy thôi chứ đương nhiên sông Hương là dòng sông của Huế, sông Hương là một phần của Huế; và sông Hương cũng là Huế. 


Suốt mấy trăm năm, sông Hương chảy qua trước kinh thành Phú Xuân, hay nói cách khác; tòa thành của nhà Nguyễn - vương triều phong kiến cuối cùng được xây dựng trên một bố cục tổng thể hài hòa với thiên nhiên theo những nguyên tắc của Dịch học; mà ở đó dòng sông có ảnh hưởng lớn. Sông Hương đã tạo nên gương mặt của cả kinh thành Phú Xuân; và trải qua bao biến cố trầm luân của lịch sử, sông Hương cũng vẫn tạo nên vóc dáng của thành phố Huế bây giờ. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, thì sông Hương là một yếu tố quan trọng trong quy hoạch thành phố Huế.


Sông Hương chia thành phố Huế làm đôi: bờ bắc và bờ nam. Bờ bắc là kinh thành cổ xưa, là lầu son gác tía, là những kiến trúc rêu phong in dấu thời gian… của một thời vang bóng. Bờ nam là phố mới, là đô thị mới, là sức sống, là sự phát triển… Một bên là quá khứ, là tĩnh lặng; một bên là hiện tại và tương lai, là những âm thanh sôi động. Đôi bờ sông, như thể hai sự đối lập, nhưng lại vẫn hài hòa, tương hỗ, tôn cao lẫn nhau; không lấn át nhau. Ở giữa là dòng sông, với những gợn sóng, những gợn sóng bao đời của dòng sông êm ả. 


Cầu Trường Tiền với những vòm cong mềm mại
 như gợn sóng của sông 
2. Năm 1897 (tức năm Thành Thái thứ 9), cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương được chính quyền Pháp ở Trung Kỳ cho xây dựng ở phía tả kinh thành, và hoàn thành sau 2 năm xây dựng – năm 1899 (năm Thành Thái thứ 11) Cây cầu thép đã có nhiều tên và cuối cùng được gọi là cầu Trường Tiền ấy; là một trong những cây cầu thép được xây dựng đầu tiên ở Đông Dương, và nhiều tuổi hơn cả cầu Long Biên bắc qua sông Hồng ở Hà Nội - vốn nổi tiếng là một cây cầu thép quy mô, lớn nhất Đông Dương và châu Á bấy giờ (1899-1902).

Sông Hồng vốn là một con sông dữ dội, sông Hương êm đềm hơn rất nhiều. Cầu Long Biên dài 1682m, gấp hơn 4 lần chiều dài cầu Trường Tiền (401m), cầu Long Biên có 19 nhịp, cầu Trường Tiền 6 nhịp (mà dân gian vẫn quen gọi ngược cho thuận vần trong câu ca dao là “6 vài 12 nhịp” - thực chất là “6 nhịp 12 vài”). Không rõ vì lý do kết cấu xây dựng, hay đơn giản là ý đồ sáng tạo trong tạo hình của những tác giả thiết kế; mà hình dáng cầu Long Biên ở Hà Nội có góc cạnh, mạnh mẽ, khỏe khoắn… còn hình dáng cầu Trường Tiền ở Huế lại dịu dàng, mềm mại, điệu đà…

Dẫu thế nào thì hình ảnh cầu Trường Tiền với những vòm cong soi bóng xuống dòng sông đã trở thành một nét đẹp không phai, một biểu tượng, in dấu trong lòng người dân xứ Huế và cả những người yêu mảnh đất cố đô. Sau này, trên phạm vi thành phố Huế có những cây cầu khác lớn hơn bắc qua sông Hương như cầu Phú Xuân, cầu Chợ Dinh, và gần đây nhất là cầu Dã Viên; thì cầu Trường Tiền vẫn là tâm điểm số 1. Trường Tiền như một món trang sức dành riêng cho dòng sông thơ mộng.

Phải chăng những nhịp cầu cong cong chính là những gợn sóng sông Hương?


Mái sóng ở khách sạn Century -
thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ
3. Kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ, người con xứ Huế cũng đã để lại nhiều công trình ở mảnh đất quê hương, trong đó có những công trình nằm ngay bên dòng sông êm ả. Những công trình của ông đều mang dấu ấn kiến trúc hiện đại, nhưng lại chắt lọc những gì tinh tế nhất của kiến trúc và văn hóa truyền thống. Sáng tạo kiến trúc trong một bối cảnh không thuận lợi, nhưng dường như những thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vượt qua những rào cản chính trị - xã hội đương thời, để trở thành những tác phẩm có giá trị bền vững. Những công trình ở Huế của ông đã để lại dấu ấn mạnh mẽ.


Cổng trường Đại học Sư phạm -
thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ
Phải chăng những gợn sóng sông Hương là nguồn cảm hứng cho những đường nét kiến trúc nhấp nhô ở lớp mái? Hay cũng có thể là những nhịp cong của cầu Trường Tiền được kéo dài ra mãi? Có lẽ đó không chỉ là một cảm hứng đơn thuần, đơn lẻ mà trở thành một nguyên tắc tạo hình có tính hệ thống. Những công trình nằm bên sông như khách sạn Hương Giang, khách sạn Century, Viện Đại học Huế (nay là trường Đại học Sư phạm Huế) là những khối nhà trải dài, đều mang những gợn sóng nhấp nhô trên mái; thậm chí cả trên cổng. Điều rất thú vị ở những “gợn sóng mái” này  được tạo hình nhấp nhô trên cả mặt đứng lẫn mặt bằng; và vì vậy, dù đứng ở bất kỳ đâu, xa hay gần, thấp hay cao thì vẫn cảm nhận được những gợn sóng, như đang chuyển động, hòa cùng dòng sông.
Khối giảng đường trường Đại học Sư phạm.
Ở góc nhìn này cho thấy sóng mái“lượn”cả trên
 mặt bằng

Đó như một nét riêng độc đáo, một phong cách tác giả, thể hiện một sự nhất quán, kiên định; và cũng thể hiện một tư duy kiến trúc có chiều sâu của những bậc thầy!

4. Cầu Trường Tiền đã soi bóng trên dòng sông Hương hơn một trăm năm, vắt qua 3 thế kỷ, qua bao thăng trầm lịch sử. Còn sông trôi đã mấy ngàn năm? Những con sóng cứ miên man, những gợn sóng nhấp nhô vô tận theo cả không gian và dòng thời gian…


Mái chợ Đông Ba
Và chắc cũng vì lẽ đó, hình ảnh những con sóng, những gợn sóng như một nét riêng của kiến trúc Huế. Gợn sóng và dòng sông trở thành một niềm cảm hứng sáng tạo, trở thành một hình tượng biểu đạt, một đối tượng khai thác của chủ nghĩa hình thức. 

Có thế đó là một điều thú vị, rất riêng, rất đẹp và tinh tế; đôi khi cũng có thể như một sự ngộ nghĩnh đầy đáng yêu. Hình ảnh những gợn sóng được nhắc lại như một điều dễ hiểu. Những gợn sóng ở mái nhà, mái sảnh, mái cổng… tạo nên những nét cong mềm mại, 
Mái khối sảnh khán đài Sân vận động Tự Do
gợi cảm giác dàn trải và bình lặng - nhưng không tẻ nhạt. Những công trình cũ hay mới xây gần đây; to hay nhỏ đều có thể có hình ảnh những gợn sóng. Có cảm giác rằng, đưa được những con sóng vào công trình, lên mái nhà chính là một niềm tự hào. Đó có thể là những gợn sóng ở sông, đó có thể là vòm cong của những nhịp cầu, và đó cũng có thể chính là “phiên bản” mái của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Dù nguồn gốc có thế nào, thì đó vẫn là một nét riêng đáng nhớ, đáng trân trọng. 

Đó là Huế, những gợn sóng sông Hương!

Hà Nội 07/10/2012 
Nguyễn Trần Đức Anh


No comments: