THƯ GỞI CON TRAI NHÂN NGÀY LỄ CHA
Nguyễn Đức Tùng
Khi lên năm tuổi, một hôm con gọi điện cho ta nhắc rằng bảy giờ chiều hôm ấy có chương trình Jeopardy mà ta thích theo dõi, vậy ráng thu xếp về sớm. Ta cám ơn con về lời nhắc. Bất cứ cha mẹ nào khi nghĩ đến con, không phải chỉ nghĩ đến lời cám ơn của chúng dành cho mình, điều vẫn xảy ra, mà còn nghĩ đến lòng biết ơn của họ đối với con cái. Nhờ trẻ con mà chúng ta lớn lên, nhờ có chúng mà chúng ta được hạnh phúc làm người đi trước, che chở, chỉ đường. Nhờ có lời nhắc của con, hôm ấy ta về nhà sớm hơn mọi khi, mặc dù việc bận rộn, và có một buổi tối cả nhà cười phá lên trước cái ti vi vui nhộn, những câu hỏi hóc búa. Những cha mẹ đi làm việc bên ngoài thỉnh thoảng nên nhận được lời nhắc về nhà sớm như vậy, vì tuổi thơ mau chóng qua đi, khi bạn thu xếp được thì giờ thì bọn trẻ đã lớn, không cần chúng ta nữa. Ngày trước thỉnh thoảng cha của ta, tức ông nội con, vẫn dành thì giờ đạp xe chở con trai đi chơi nơi này nơi khác, hay từ nhà đến trường, từ trường về nhà. Thật là những kỷ niệm khó quên. Một lần lúc lên bảy tuổi, ngồi sau yên xe đạp mải ngắm cảnh vật bên đường ta đút bàn chân vào nan hoa xe, ngay chỗ xích xe đang quay. Bàn chân phải. Ta thét lên hãi hùng vì đau đớn. Ta ngã xuống, máu chảy đầm đìa trên da thịt, trên mặt đường. Cái xích xe đạp và những nan hoa đã nghiến qua mắt cá chân trong, kéo rách một mảng da thịt rộng. Cơn đau làm ta ngất đi.
Khi tỉnh lại thì đã nằm trên giường bệnh, người y tá giữ chặt hai tay vì ta khóc lớn quá, nhìn thấy bác sĩ mặc áo choàng trắng đi ủng cao chuẩn bị may vết thương. Đó là khoa cấp cứu bệnh viện, bên kia sông. Ta không nhớ đoạn đường mà cha ta cõng ta đi, xa hay gần, cực nhọc ra sao. Lúc ấy ta la khóc không chịu nằm yên, đau thì ít mà sợ hãi thì nhiều, khiến cả bác sĩ và y tá vất vả, thậm chí thuốc gây tê cũng không tác dụng. Cha ta ngồi xuống bên cạnh đặt tay lên trán và bắt đầu kể cho ta nghe những câu chuyện hàng ngày ta vốn thích nghe. Những câu chuyện nào vậy? Cây tre trăm đốt? Con quạ và cây khế? Robinson trên hoang đảo? Bây giờ ta không nhớ. Lời kể của ông làm ta dịu đi, bớt hốt hoảng. Ta bắt đầu để yên cho thầy thuốc khử trùng, gây tê, cắt lọc vết thương, băng bó. Có lẽ vết thương không nguy hiểm lắm, không vỡ xương nhưng chảy máu nhiều. Đặc tính của con người là khi bạn càng sợ hãi, bạn càng hung hăng, bạo động. Những câu chuyện kể của cha ta đã làm ta bớt sợ hãi, tin vào lòng tốt như phép lạ, lòng ta dịu lại, bớt hốt hoảng, cơn đau cũng giảm đi. Ông đã kể bao nhiêu chuyện hôm đó, ta không nhớ. Cuộc tiểu phẫu thuật kéo dài bao lâu, nửa giờ hay một giờ, ta không biết. Nhưng nó lâu lắm. Ta càng lắng nghe, càng thích thú với diễn tiến câu chuyện, cơn đau càng bớt đi, ta lấy lại lòng can đảm và biết vâng lời. Ta nghiệm ra rằng chỉ những người dũng cảm mới biết vâng lời. Sự hèn nhát chỉ dẫn tới tuân lệnh mê muội. Đối với một cá nhân hay một dân tộc, vâng lời và tuân theo một cách mê muội khác nhau. Ta nghe những câu chuyện cổ tích rồi ngủ thiếp, phần vì mệt, phần vì giọng kể êm đềm ru ta vào một thế giới khác, thế giới của tuổi thơ dịu dàng thanh tịnh.
Yêu thương một điều gì là muốn cho điều ấy tốt đẹp, lâu bền, nguyên vẹn. Đồ vật như áo quần, ly tách, sách vở, sinh vật như chó mèo, chim chóc, hoa cỏ, đến những thứ lớn lao hơn như sông núi, nhưng lớn nhất vẫn là con người. Sau một mùa đông kéo dài, người ta chào mừng lễ hội tình yêu vào mùa xuân, nhưng tình yêu ấy cũng không chỉ giới hạn trong quan hệ nam nữ, mà mở rộng ra những quan hệ khác. Thực ra những tình yêu lừng lẫy trong lịch sử, nổi tiếng trên màn bạc, như trong phim Titanic hay Cleopatra hay Anna Karenina chỉ quyến rũ người ta vì những ý tưởng lãng mạn; tình yêu thực sự tác động đến đời sống của con lại là những tình cảm khác hẳn, không mang đậm bi kịch như vậy, không đưa được vào phim ảnh, nhưng chúng làm nên đời sống của chúng ta: tình cha mẹ và con cái, tình anh chị em, bạn bè, lòng thương yêu của con đối với chiếc giường ngủ, cái cặp sách con cầm trên tay, tiếng chim hót buổi sáng, một con chim gõ kiến kêu twik ktwik ktwik lúc nào cũng dậy năm giờ sáng. Ngược lại, những tình yêu lãng mạn trong lịch sử thường mang tính bi kịch, chỉ xảy ra trong những hoàn cảnh đặc biệt. Vì nhiều lý do, nghệ thuật ít quan tâm đến tình cảm bình thường, hàng ngày, mà con người dễ bỏ qua, những tình cảm ấy không rộn ràng, không ồn ào, không lấy nước mắt của độc giả và khán giả, nhưng chúng dệt nên đời sống chúng ta. Đem lòng yêu một người ngay lập tức trong phút đầu gặp gỡ không phải là không xảy ra, nhưng chúng hiếm và đằng sau điều ấy là sự kém hiểu biết đối với người khác, vì vậy quan hệ dễ tan vỡ. Tình cha mẹ yêu con, con yêu cha mẹ, anh chị em bà con yêu nhau, là những tình cảm đôi khi không được chú ý, không sôi nổi, bay bổng, nhưng chúng cần thiết như khí trời, nước lã, chỉ khi nào con mất đi mới thấy sự cần thiết.
Thỉnh thoảng ta vẫn nhìn thấy một vết sẹo nhỏ kéo dài ở mắt cá chân trong bên phải. Năm tháng trôi qua vết sẹo mờ đi, người khác khó nhận ra, chính ta phải nhìn kỹ mới thấy. Vết thương nào cũng vậy, thời gian làm chúng liền lại. Nhưng vết sẹo ấy vẫn còn đó như lời nhắc nhở về một kỷ niệm đầu đời, đứa con trai ôm chặt lấy lưng ba nó, vòng hai tay ra trước ngực, siết chặt cổ làm ông nghẹt thở. Đứa con trai khóc ngất trên vai ông, mới đầu nó la hét, vết thương chảy máu dữ quá, vừa đau rát vừa sợ hãi, về sau nó lịm đi. Người cha cõng con, cúi gập người chạy. Ông bỏ lại chiếc xe đạp, hình như bị sút dây xích hoặc đứt gẫy không chữa được, ném nó vào bụi rậm, khi quay lại nó vẫn còn đó. Người đàn ông rịn mồ hôi, áo sơ mi trắng lấm lem vết máu, ông dùng hai tay vòng qua hai bắp chân đứa bé, không nghĩ đến cơn đau nhức ở bắp chân của mình, chạy băng qua những đám cỏ dại, những vũng bùn, bụi trinh nữ đầy gai bụi cẩm chướng nở rộ. Ông hít thở khí trời, lấy sức mà chạy. Đứa con trai nửa mơ nửa tỉnh, ngửi thấy mùi mồ hôi của cha mình. Mùi mồ hôi ấy một buổi trưa nắng vàng, nhiều năm sau, ở một nơi xa đất nước, lại trở về với đứa con trai như mùi ngọc lan đối với thiếu nữ, mùi cá trên bãi biển đối với người đánh cá, mùi phấn viết bảng với người thầy giáo, mùi rượu đối với kẻ thất sủng. Những câu chuyện kể đem lại phương thuốc hữu hiệu an ủi con người lúc lâm nguy, chiếu sáng lòng tin của họ. Thế giới mà chúng ta đang sống không chỉ được cấu tạo nên bởi các tế bào, các phân tử di truyền, mà còn được tạo nên bởi những câu chuyện và lời kể chuyện của một người, một người duy nhất trong đời mỗi chúng ta, không ai thay thế được.
Ta cám ơn con đã đến cuộc đời này, trở thành con của ta và của mẹ con, trở thành đồng bào. Mỗi khi có chuyện buồn bã lo âu, thất vọng về người khác hay về mình, khuôn mặt tươi vui của con hiện ra trong trí tưởng tượng làm lòng ta dịu lại. Con há chẳng phải món quà của thượng đế hay sao. Ta tự hào về con, tự hào được làm người sinh ra con, cầm tay dẫn đi trên đường, dù chỉ một đoạn ngắn, rồi buông. Có lần ta nằm ngủ, sau một đêm thức trắng, con xông vào phòng, nhảy lên ngực ta. Đó là một cảm giác kinh ngạc, hoảng sợ. Ta mở choàng mắt, tức giận, hét lớn, muốn vung tay lên, nhưng con lại nhìn ta nhoẻn miệng cười. Ta chắc rằng tất cả những người từng làm cha làm mẹ, đều nhớ những cảm giác tương tự. Lần ấy nằm trên lưng của cha ta, khi người băng qua cánh đồng rồi chạy bộ trên đường rải nhựa nóng, qua cầu, ta không biết gì, nửa thức nửa mê, thế nhưng sau này đôi khi vẫn nhớ lại, vô thức trỗi dậy, làm việc, ta còn nhìn thấy khuôn mặt của cha bên giường bệnh, cúi xuống, đầy thương yêu và lo lắng, và ta hình dung được khuôn mặt của một đứa trẻ khi ấy, đã bớt đau, mỉm cười, và ta không hề biết rằng đó là món quà lớn mà mình đã tình cờ mang tặng cho bậc thân sinh. Thực ra đó cũng chẳng phải là món quà của ta đâu, mà của một thực hữu cao hơn, ta chẳng qua chỉ là người cầm trên tay mang lại.
Làm như thế, nghĩ như thế, con sẽ nhìn ra sự tiếp diễn của xã hội, sự luân lưu của lòng biết ơn lẫn nhau của nhân loại, vốn nương tựa vào nhau, nhìn ra tính toàn vẹn của đời sống, nhờ thế mà trong mỗi chiếc thau đồng rửa mặt của chúng ta nơi đứa con đi xa mới trở về nhà, cúi mặt xuống, đều chiếu một vầng trăng.
Nguyễn Đức Tùng
(Thư Gởi Con Trai 31, viết cho ngày chủ nhật thứ 3 của tháng 6.)
No comments:
Post a Comment