Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, April 27, 2013

PHỤNG MAO TẾ MỸ LÀ GÌ ? - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba






Tìm hiểu một câu đối hay của Đông Các học sĩ Đinh Hồng Phiên


1. Trong bài  báo “Đông các học sĩ Đinh Hồng Phiên, tác giả khởi thảo “Đế hệ thi” và “Phiên hệ thi”1, tác giả Đinh Văn Niêm? (Niên) có nhắc đến một số câu đối hay của cụ Hồng Phiên. Cụ quả là một nho sĩ ưu tú thông kim bác cổ, xứng đáng được hai vị vua đầu triều Nguyễn là Gia Long và Minh mạng giao cho nhiều trọng trách như đi sứ, giám thị trường thi, soạn định thể thức cáo văn, sắc văn, sơ thảo “Đế hệ thi” và “Phiên hệ thi”,….

Cũng theo bài báo trên, cụ Đinh Hồng Phiên sinh năm 1764 tại làng Ông La Giáp, tổng Kim Nguyên, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang (nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).


Ông đậu Hương Cống thứ hai, khoa thi Quý Mão, Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783) đời vua Lê Hiển Tông. Khoa này Nguyễn Du Tiên Điền đậu sinh đồ. Năm 1787, đi thi Hội ông Phiên đậu Tam trường trúng cách (ngang Phó bảng thời Nguyễn). Ông được bổ Toản tu Quốc sử quán triều Lê. Thời Nguyễn, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã vời ông ra làm quan với triều Nguyễn. Năm Gia Long thứ 14 (1815) ông được vua bổ Đốc học Quảng Nam, Năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18 (1819) ông được bổ Đông Các  học sĩ2, sung vào đoàn đi sứ nhà Thanh, Trung Quốc. Ông có tập thơ Hán Cao Tổ và một số câu đối truyền lại đến nay.

Đến thời vua Minh Mạng, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng ở triều đình. Nhiều năm làm giám thị các kỳ thi Hương Trường thi Quảng Đức, Sơn Nam của Triều Nguyễn. Đinh Hồng Phiên có con trai là Đinh Văn Phác đã đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ tại kỳ thi Hội năm Nhâm Ngọ, Minh Mệnh thứ 3 (1822). Nhưng quan trọng nhất là chức “soạn định thể thức cáo văn, sắc văn”- chức này đã giúp cho Đinh Hồng Phiên có điều kiện để soạn cho vua Minh Mạng Ngọc Phổ bài “Đế hệ thi” và 10 bài “Phiên hệ thi”, được vua “châu phê”.

 2. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập phần việc giới thiệu và giải nghĩa của tác giả Đinh Văn Niên về một câu đối rất hay của Đinh học sĩ. Đó là câu:

Yến dực duy mưu khê thuỷ viễn
Phụng mao thế mỹ cẩm sơn cao.

Dịch nghĩa của ông Niên:

Tử tôn nối nghiệp khê vàng thắm
Khoa hoạn nhiều đời núi gấm cao.  

Thứ nhất, câu đối trên chép sai đến 02 chữ, hai chữ này lại nằm trong thành ngữ được dùng nhiều ngày trước. Từ đó, việc này dẫn tới dịch sai nghĩa câu đối trên. Đúng ra nó phải là:

Yến dực di mưu khê thuỷ viễn
Phụng mao tế mỹ cẩm sơn cao.

Thứ hai, theo thiển nghĩ của tôi, nó thiếu nguyên tác chữ Hán, một trở ngại lớn cho độc giả hiểu hơn về tài hoa của cụ. Vả lại, từ Hán Việt đồng âm rất nhiều. Thiếu nguyên tác sẽ không giúp người đọc nhận ra đâu là đúng, đâu là sai. Xin ghi lại nguyên tác như sau:

      
      

Thứ ba, phần giải nghĩa đi quá xa với nguyên tác. Không rõ dựa vào đâu mà tác giả lại dịch “yến dực di mưu” là “tử tôn nối nghiệp”, “khê thuỷ viễn” là “khê vàng thắm”, “phụng mao tế mỹ” là “khoa hoạn nhiều đời”?

3. Theo sự  tìm hiểu của tôi  thì:

a. “Yến dực di mưu” theo tự điển Thiều Chửu là “người ta mưu tính cho đàn (đời) sau (tr.510). Nghĩa từng chữ của thành ngữ này là: yến: chim én, dực: cánh, di: để lại, mưu: mưu kế. Con chim én nó sè cánh ra ấp con, hình ảnh tượng trưng cho việc ông cha che chở, mưu tính công này việc nọ cho con cháu.

b. Theo tự điển trực tuyến, zdict.net giải thích,   (Yến dực di mưu):  子。后 打算。(Nguyên chỉ Chu Vũ Vương mưu cập kỳ tôn nhi an phủ kỳ tử. Hậu phiếm chỉ vị hậu tự tác hảo đả toán = Nguyên chỉ việc Chu Vũ Vương bàn mưu tính việc cho cháu để an lòng con của mình. Về sau chỉ chung chung việc vì con cháu đời sau mà an bài kế sách hay.)

c. Phụng mao tế mỹ” là một thành ngữ khá thông dụng vào thời Nguyễn.Trong các đồ thờ tại nhà thờ cụ Đặng Huy Trứ tại Thanh Lương, Hương Xuân, Thừa Thiên Huế có cái dĩa “Phụng mao tế mỹ” (H.2) do cụ đặt làm ký kiểu vào năm Mậu Thìn (1848) đời Tự Đức. Nghĩa từng chữ của thành ngữ này là: phụng: chim phượng, mao: lông, tế: càng, mỹ: đẹp
d. Cũng theo tự điển trực tuyến, zdict.net giải thích,  (Phụng mao tế mỹ):                   大。旧    以称          弟。(Tỉ dụ hậu kế giả năng dữ tiền nhân đích nghiệp tích tề mỹ nhi phát dương quang đại. Cựu thời đa dụng dĩ xưng tụng hiền lương phụ huynh hữu ưu tú tử đệ  = Ám chỉ việc người đời sau có khả năng tạo nên nghiệp tích tốt đẹp sánh người đời trước rồi từ đó phát dương ngày càng xán lạn. Thời trước, cụm từ này được dùng nhiều để khen tặng các bậc phụ huynh giỏi giang lương thiện có được con cháu ưu tú.)

Vậy suy ra câu đối trên nên hiểu như sau:

Yến dực di mưu khê thuỷ viễn: Tổ tiên lo cho con cháu đời sau như nước khe từ xa chảy về (nuôi giòng sông ở hạ lưu), ý nói đời trước lo cho đời sau.

Phụng mao tế mỹ cẩm sơn cao: Con cháu tạo công nghiệp sáng lạn, làm rạng rỡ tổ tiên như núi gấm ngày càng cao, ý nói đời sau làm rạng danh đời trước.

Câu đối này treo trong nhà thờ gia tộc vô cùng phù hợp, vừa ca tụng công lao của ông cha vừa nhắc nhở bổn phận của con cháu. Chúng ta ai cũng là con cháu của các thế hệ trước, và rồi trở thành ông cha của các thế hệ sau. Vậy các điều trên, “yến dực di mưu” và “phụng mao tế mỹ” là bổn phận của tất cả chúng ta.

4. Sau khi viết bài này, tình cờ tôi biết được hai chuyện có liên quan đến các thành ngữ trên:

a. Tai nhà thờ họ Đinh thuộc làng Kế Võ (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) có câu đối cũng dùng cặp thành ngữ trên:

 (Yến dực di mưu quan thế đức)
  (Phụng mao tế mỹ chấn gia thanh)

Tạm dịch: - Nhìn vào phước đức của gia đình hiện nay ta biết sự an bài của ông cha cho đời sau.
- Làm rạng tiếng tăm của gia tộc ấy do nỗ lực của con cháu biết phát dương quang đại công nghiệp của cha ông.

b. Tại phủ thờ Ngọc Sơn Công chúa, đường Nguyễn Chí Thanh, Tp Huế (tức nhà ở hiện nay của nhà Huế học Phan Thuận An) có một bức hoành phi cổ thếp vàng, điêu khắc rất đẹp có chạm hai chữ “Tế Mỹ”. Nếu ta hiểu được như trên thì “Tế mỹ” là nói tắt của thành ngữ “Phụng mao tế mỹ” đã bàn kỹ ở phần trước của bài viết này

Theo ông An, bức hoành phi này do cụ Trần Đình Bá (1867 - 1933), Tổng đốc Nghệ An và Hà Tĩnh tặng vào năm Khải Định thứ 6 khi phủ Ngọc Sơn lạc thành. Tổng đốc Trần Đình Bá và Phò mã Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn (chồng của công chúa Ngọc Sơn) vừa là đồng liêu, vừa là sui gia với nhau, cho nên mới có món quà mừng tân gia quý báu như thế.

5. Không rõ còn ở đâu sử dụng cặp thành ngữ trên.  Đọc câu đối trên, tôi không khỏi tự xét lấy mình. Thế hệ chúng tôi đã làm rạng danh tiền nhân tiên tổ chưa, đã an bài tốt đẹp cho con cháu mai sau chưa hay chỉ để lại vô số bề bộn nợ nần?

Nghĩ mà không khỏi chạnh lòng.

Nguyễn Phúc Vĩnh Ba – Tháng 01.2013

Chú thích: 1. Tập san Nghiên cứu Huế, Tháng 8.2012, tr.444

2. Đông Các học sĩ là hàm quan văn, chánh tứ phẩm theo quan chế đời Gia Long. Nó khác với điện hàm Đông Các điện Đại học sĩ, hàm quan văn chánh nhất phẩm,  là một trong Tứ trụ triều đình. (Theo Tự điển Nhà Nguyễn của Võ Hương An, tr.202)

  * Đã đăng ở báo VHPG số 173 tháng 3/2013.

No comments: