Nguyễn Đặng Mừng
NHỮNG BÀI NHẠC XUÂN TÔI
YÊU MẾN
Nhạc sĩ La Hối |
Không biết bản Nhạc Xuân Và Tuổi trẻ của La Hối có phải là bản nhạc xuân đầu tiên viết theo tân nhạc không, nhưng đây là bản nhạc xuân tôi được nghe đầu tiên trong đời với thầy giáo của mình, Thầy Sinh. Thầy có cây đàn mandoline cũ kỹ, và thường mang đến lớp vừa đàn hát cho học sinh nghe. “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. lòng đắm say bao nguồn vui sống…” Thầy nghiêng qua lại cái “đầu dầu” láng mượt, và say sưa hát mỗi độ xuân về. Người nghệ sĩ thầy giáo làng quê nghèo ấy đã gieo vào hồn tôi những nốt nhạc hoa, rất xuân thì, mà mãi sau này tôi không quên được. Nhất là đoạn điệp khúc, rộn rã, thúc dục và quyến rũ: “Vui sướng đi cho đời tươi sáng. Vui sướng đi cho lòng thêm tươi. Ta hát ca đón mừng xuân mới. Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái…”. Giai điệu dồn dập, say sưa như đất trời chỉ còn xuân, chỉ mùa xuân và tuổi trẻ. Và chúng tôi mang theo tuổi xuân ấy vào đời. Và đời nhiều khi không như mùa xuân, không tươi như tuổi trẻ. Có lúc buồn đến tái lòng, vô vọng, những lúc đó tôi thèm hát vô cùng bài nhạc xuân của La Hối. Sau này tôi nghe nhiều bản nhạc xuân nữa, có bài yêu thương say đắm, có bài ai hoài nỗi nhớ, có bài rỗn rãng vũ khí chiến tranh và mùi thuốc súng, nhưng chưa có bài nào Xuân đến thế. Thầy Sinh nay đã ngoài bảy mươi, tóc thầy trò đều đã bạc, nhưng mỗi lần gặp nhau ngày xuân vẫn hát: “Ngày thắm tươi…”. *
“Xuân trong tôi đã khơi
trong một đêm vui Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về…” (
nhạc Phạm Duy)
Năm đó tôi học lớp 10. Trong chương trình văn nghệ tết, một bạn nữ sinh tập cho chúng tôi hợp ca bài này. Với tuổi đời non trẻ chúng tôi chưa hiểu lắm về bài “Xuân Ca”. Những lời nhạc đầy triết lý nhân sinh với mùa xuân đã đánh vào lòng chúng tôi những dấu hỏi.: Mùa xuân và tình yêu, hay cả hai chỉ là một. Chúng tôi hát và hoang mang, nhưng thích. “Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ. Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ”. Trong mơ hồ, chúng tôi mơ màng như hiểu ra tình yêu của cha mẹ đã đẻ ra mùa xuân là chúng tôi, và chúng tôi làm cho mối tình cha mẹ thắm nồng sắc xuân. Những dấu hỏi, từ bản nhạc đã nở hoa trong hồn chúng tôi. Và chúng tôi biết về tình yêu đôi lứa từ đó.
Chúng tôi đã đi qua nhiều mùa xuân, có khi tràn trề hạnh phúc, cũng rất nhiều khi cheo leo trên đỉnh cuộc đời. Để rồi: “Xuân lên cao, chóp xuân tôi nhìn xuống sâu…” . Để ý niệm ra rằng đời người lên xuống là lẽ thường tình. Đau khổ và hạnh phúc thay nhau làm ta thất vọng và hy vọng, về một mùa xuân phía trước: ““Xuân tôi ơi sức Xuân tôi còn khát khao Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu”. Hoài vọng của loài người là trường sinh bất tử. Giàu nghèo, sang hèn đều mơ về hạnh phúc vĩnh hằng, là mùa xuân. Điệp khúc bản nhạc như kêu lên, gào lên chới với: “ Xuân xuân ơi, xuân hỡi xuân ơi…”. Như nhắc với loài người rằng mùa xuân và hạnh phúc muôn đời ở phía trước. Loài người ơi, hãy đi tìm sẽ gặp mùa xuân.
Thời mới lớn bài hát Xuân Này Con Không về của Trịnh Lâm Ngân khá phổ biến nhưng tôi không thích lắm. Có lẽ do hồi đó chúng tôi cho những bản nhạc bolero là sến, là rẻ tiền. Tháng 5/1975, trong thời gian chờ tìm phương tiện về quê, những ngày rảnh rỗi tôi thường lân la đến làm quen với những anh bộ đội miền Bắc. Khi đã thân tình các anh thường đề nghị tôi hát bài “Xuân Này Con Không Về”. “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con. Khi thấy mai đào nở vàng bên nương”. Những đôi mắt người lính gốc nông dân đồng bằng Bắc bộ trong chiến thắng mà sao như chực khóc. Có người quay mặt đi dấu xúc động. Họ đề nghị tôi hát lại nhiều lần và đọc chậm để họ chép. Chắc nhiều mùa xuân rồi họ chưa về với gia đình người thân. Giấc mơ lớn nhất của người lính là hòa bình. Sau những trận đánh đẫm máu là những khoảnh khắc yên lặng đến nao lòng, người lính nhìn về phía quê nhà xa lắc mà thương mà nhớ những mùa xuân xưa: “Ôi nhớ năm nào thuở trời yên vui. Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi”. Cũng như tôi, mỗi lần xuân về ở cao nguyên lạnh lẽo, ở một tiền đồn nào đó lại quay quắt nhớ nhà, nhớ mẹ nhớ em: “Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng, trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má đào”. Cho hay, âm nhạc không có biên giới, chiến tuyến, nó hòa hợp ngay trong lòng mỗi người mà hôm qua là kẻ thù của nhau. Và chính các anh bộ đội làm tôi rung động với giai điệu mà trước đó dù tôi nghe nhiều lần vẫn không cảm được. Có một anh bảo, “ Thằng Ngụy nó làm nhạc cũng hay quá, nhỉ”. Và cùng cười với nhau trong nước mắt.
“Mùa Xuân Đầu Tiên” sau ngày thống nhất tôi ở miền quê làm ruộng
cùng bà con bạn bè, có người mấy chục năm mới gặp lại. “Và người lính đã trở về cày đám ruộng xưa”(*). Mơ ước của những
nhạc sĩ tài hoa như Văn Cao, Phạm Duy một thời đã thành hiện thực. Có thanh
bình nhưng âm nhạc chưa mấy thanh bình. Sáng chiều đâu đó trên các loa phát
thanh công cộng vẫn hát những bản nhạc thời bom đạn chiến tranh.
Một hôm, từ loa phát thanh công cộng tôi đã nghe được một giai điệu valse hiền lành thắm thiết, ngập ngừng e dè nói về ngày xuân sum họp, bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao:
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về.
Nếu ước mơ của Phạm Duy về ngày thanh bình bằng giai
điệu nhanh, rộn rã ” Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh, trẻ già bảo nhau cúi
đầu trầm ngâm cùng mùi khói rơm quen thuộc”(*), thì Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn
Cao lại thâm trầm, u uất:
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Phạm Duy
hát về hạnh phúc bằng nụ cười, trái lại những “giọt hạnh phúc valse” của Văn
Cao như ứa ra nước mắt, mang mang nỗi buồn sâu kín. Mấy mươi năm im lặng, nhạc
sĩ tài hoa Văn Cao đã đem về cho chúng ta mùa xuân đầu tiên, bằng giai điệu long lanh một nỗi - buồn -
sang - trọng, như đời ông.
(*) Khi Tôi Về, nhạc và lời Phạm Duy.
No comments:
Post a Comment