Lê Bá Dương |
Suốt gần 40 năm qua sau ngày giải phóng, hàng năm có một
người lính vẫn lầm lụi vài ba lần về đây mua gom hoa, nhang thắp và thả xuống
dòng sông, nơi ôm ấp hàng vạn linh hồn liệt sỹ đang gối mây trời yên giấc.
Người lính đó là Cựu chiến binh (CCB), Nhà báo Lê Bá Dương.
Sau một lần thả hoa, đang thả hồn hoài niệm những ngày khói
lửa, từng gương mặt đồng đội hiện về trong tâm trí, như thần giao cách cảm với
hương hồn đồng đội, tâm trí nhà báo vụt lóe lên bốn câu thơ.
Sau này có dịp ngồi bình tâm lại và trò chuyện cùng bạn bè,
bốn câu thơ “thô” đã được trình bày trang trọng lại và nhanh chóng nổi tiếng,
trở thành những vần thơ “thần” đối với cả người sống và anh linh người đã
khuất.
Bài thơ đó mang tựa đề “Lời Người Bên Sông” của tác giả Lê
Bá Dương, phóng viên thường trú của báo Văn hóa Khu vực Miền Trung – Tây
Nguyên.
Đò lên Thạch Hãn ơi…chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi nghìn năm.
Bài thơ vốn nổi tiếng bởi có rất nhiều dị bản, và bởi được nhiều nhạc sỹ, văn sỹ phóng
tác, phổ nhạc. Giờ đây, bài thơ lại làm nóng các trang mạng và công chúng khắp
nơi về việc vi phạm tác quyền và xúc phạm giá trị tâm linh của bài thơ.
Từ năm 2009, vốn nhờ
sự vận động, kết nối của chính Nhà báo Lê Bá Dương, người ta đã quyên góp xây
dựng lên hai bến thả hoa ở bờ Bắc và Nam sông Thạch Hãn. Đồng thời trên
đó, họ cũng đã dựng lên hai tấm bia có khắc bốn câu thơ tâm linh kể trên. Một
điều phi lý đến khó hiểu là người ta đã…đục bỏ tên tác giả ra khỏi bài thơ và
thay vào đó bằng một…đóa hoa sen.
Sự việc mặc dù đã tồn
tại gần 4 năm qua nhưng mãi tới những ngày đầu tháng 6 mới đây, báo chí mới có
dịp đăng một bài viết về việc này. Do bài thơ đã được nhiều người biết đến nên
sự việc nhanh chóng trở thành đề tài nóng khiến nhiều độc giả quan tâm và hoài
nghi việc làm phi lý kể trên.
Tấm bia khắc bài thơ bên bờ Nam với bố cục thể lục bát: Ảnh
chụp 2010
Bài thơ vốn được xem là tiếng lòng của những người còn sống
và cả những người đã nằm dưới đáy sông hay sườn núi, con khe. Các cựu binh còn
sống mỗi khi lẩm nhẩm bài thơ thì những hình ảnh khốc liệt, đau thương lại hiện
về như chuyện mới hôm qua khiến mắt họ lại nhòa lệ. Với những người đã mãi mãi
hòa tan vào đất, nước Quảng Trị thì bài thơ như lời nhắn nhủ của họ gửi tới
đồng đội, đồng bào; tới các thế hệ Việt Nam hôm nay và mãi mãi mai sau về một
con sông đầy bi hùng, oanh liệt. Vì vậy, bất cứ một sơ suất nào trong việc sử
dụng bài thơ đều khiến cả người sống và người đã hy sinh cảm thấy bị xúc phạm.
Như đã nêu trong bài
viết trước đây về vấn đề này, việc đục bỏ tên tác giả là do những người có
trách nhiệm cho rằng, bài thơ của Lê Bá Dương đã trở thành thơ…nhân dân (?),
một khái niệm chưa từng tồn tại - kể cả với Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Sau khi vấn đề được
công luận quan tâm, nhiều bạn đọc địa phương đã đến tận nơi kiểm chứng và phát
hiện thêm nhiều sai sót như chất liệu đá khắc bài thơ không tốt; chữ khắc không
đủ sâu, rõ; sơn chữ dễ bay màu; bố cục bài thơ khắc mỗi nơi mỗi kiểu; dùng từ
không đúng nguyên bản bài thơ…
Tại sao việc khắc bài thơ vẫn tồn tại suốt hơn ba năm qua mặc
dù vừa thể hiện sự ngang nhiên vi phạm luật bản quyền – không để tên tác giả,
vừa thể hiện sự cẩu thả - xem thường các giá trị tâm linh truyền thống?
Qua trao đổi với người thân, bạn bè, đồng đội của Nhà báo Lê Bá Dương, chúng tôi được biết một sự
thật buồn lòng. Suốt mấy năm qua, ông vẫn trăn trở và đắn đo về việc này.
Một mặt, nếu lên tiếng về bài thơ, có nghĩa là ông đòi quyền
lợi cá nhân mình. Trong khi, bao nhiêu năm ngược xuôi Nam , Bắc, lo
các việc ân nghĩa cho thân nhân Liệt sỹ, cho đồng đội, cho đồng bào Quảng Trị,
ông chưa từng so đo thiệt hơn. Hơn nữa, ông không đành lòng lên tiếng về bài
thơ khiến ít nhiều làm tổn hại đến thanh danh của mảnh đất mà ông xem như là
quê hương thứ hai của mình.
Mặt khác, ông thấy rõ việc khắc bài thơ với nhiều sai sót là
một việc làm xúc phạm tới các Liệt sỹ, các CCB mà ông là một cá thể đại diện.
Hơn cả là việc làm này rồi sẽ lọt vào mắt của du khách thập phương trong –
ngoài nước, các cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước có dịp qua đây, các cựu
chiến binh về đây thăm lại chiến trường xưa. Nếu không lên tiếng thì chính ông
cũng cảm thấy chưa phải với những vong linh đồng đội của mình.
Dù vậy, hàng năm, ngoài việc luôn hoàn thành nhiệm vụ của
một Nhà báo, CCB Lê Bá Dương vẫn chuyên cần thực hiện các hoạt động tri ân đồng
bào Quảng Trị và đồng đội một thời trận mạc. Những việc làm của ông đã được
hưởng ứng và nhân rộng, hình thành nên các chuyến hành hương với sự tham dự của
hàng trăm CCB trong cả nước như hành hương Ấm rừng Đồng đội, Mang Quê hương vào
cho Đồng đội, Đưa Đồng đội về với Quê hương...Nhiều phóng viên của các báo
trong cả nước tham dự các chuyến hành hương này cũng đã có những tư liệu quý
giá để viết lên các bài viết phong phú về đề tài lịch sử.
Tới đây là ngày báo chí Việt Nam, Nhà báo Lê Bá Dương đã
luôn luôn duy trì và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của Báo chí cách
mạng, vừa hoàn thành nhiệm vụ của một nhà báo, vừa nêu cao gương sáng trong
việc tổ chức, thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Quần chúng nhân dân và
lực lượng báo chí cần có tiếng nói đề xuất đến những người có trách nhiệm ở
Quảng Trị trong việc sửa sang lại tấm bia khắc bài thơ và bổ sung tên bài thơ,
tên tác giả. Việc làm này ngoài ý nghĩa tôn trọng pháp luật (quyền tác giả -
tác phẩm) hay giá trị tâm linh của bài thơ thì còn mang ý nghĩa tri ân công lao
một Nhà báo đã luôn hết sức với nhiệm vụ và hết lòng với đồng bào, đồng đội.
Ngọc Long
lnguyen647@gmail.com
lnguyen647@gmail.com
VỀ BÀI THƠ LỜI NGƯỜI BÊN SÔNG
No comments:
Post a Comment