Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, December 20, 2012

CHUYỆN NGƯỜI LÁI XE CHO VUA BẢO ĐẠI ĐI LÍNH CỤ HỒ - Nguyễn Hồng Trân


Cụ Nguyễn Như Đào và ba tôi đều là cựu chiến binh bộ đội cụ Hồ. Hai người trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đều phục vụ trong cung đình nhà Nguyễn ở Huế. Cụ Đào thì lái xe cho vua Bảo Đại, còn ba tôi là Nguyễn Chương là cai lính Khố vàng lo việc canh gác tại Đại Nội cùng với ông Đội trưởng Nguyễn Viết Lương, ông Phạm Thảng, ông Lê Quang Xung…      
Ba tôi và cụ Đào rất quen thân nhau từ hồi ấy. Mỗi lần đến thăm cụ Đào, cụ rất vui và chuyện trò với tôi thân tình, cởi mở.
Vào dịp Tết năm Tân Mão (2011), tôi đến thăm cụ, mừng thọ cụ lên tuổi 96. Cụ tươi cười phấn khởi lắm. Cụ nói:
“Cám ơn anh Trân đã luôn nhớ đến tôi và hay sang thăm tôi”.
Tôi cười vui nói với cụ:
“Bạn thời xưa của ba cháu ở Huế chỉ còn lại cụ đây thôi. Mỗi lần đến thăm cụ là cháu cứ nhớ đến hình ảnh của ba cháu. Cháu rất tiếc là ba cháu thì mất sớm quá, lúc mới 34 tuổi (năm Đinh Hợi -1947), còn cụ được trở về Huế sau ngày hòa bình thống nhất đất nước mà sống đến bây giờ là quá quý rồi. Cháu kính chúc cụ sống lâu thêm nữa với con cháu để nhìn thấy đất nước đổi thay, con cháu trưởng thành…”.
Sau khi tôi và cụ Đào đàm đạo nhiều chuyện ngày xưa về đất nước và con người xứ Huế; về gia đình vua Bảo Đại và những người quen thân đã phục vụ cho triều đình Nhà Nguyễn, tôi cũng tò mò muốn hỏi cụ nhiều chuyện:

-Hồi ấy, cơ hội nào mà cụ lại được chọn vào lái xe cho vua Bảo Đại?

-Tôi có may mắn là đã có người cha làm quan trong Đại Nội là Nguyễn Như Xán (Ngũ đẳng thị vệ điện Cần Thành và điện Cần Chánh thời vua Khải Định) và ông nội tôi là Nguyễn Như Bình trước đây làm quan tại Khâm Thiên giám và được phong là Hồng lâu tự khanh. Do đó năm 1936, tôi được chọn vào lái xe cho nhà vua. Hồi ấy tôi tròn 20 tuổi.Tôi sinh năm Bính Thìn (1916).


-Lái xe cho nhà vua hồi đó chỉ có mình cụ hay nhiều người khác nữa?

-Không riêng chỉ có tôi mà còn một đội lái xe có một số người khác nữa, nhưng tôi lái cho vua Bảo Đại và bà Nam Phương hoàng hậu là chủ yếu. Tôi phục vụ lái xe cho nhà vua từ năm 1936 đến  cuối năm 1945. Sau khi vua Bảo Đại được cụ Hồ mời ra Hà Nội làm Cố vấn cho Chính phủ lâm thời. Lúc đó anh Lâm Thanh Đàn lái xe đưa ông Bảo Đại ra Hà Nội, còn tôi ở lại Huế vẫn còn lái xe phục vụ cho gia đình bà Nam Phương tại Cung An Định.
  Cụ Đào kể tiếp rằng:
“Hồi đó vua Bảo Đại có một số xe con toàn loại sang  trọng như: Nash, Ford, Packard, Cadillac...
Nhà vua rất thích săn bắn nên thường hay đi lên Đà Lạt, Buôn Ma Thuộc. Mỗi lần đi vua chỉ mang theo vài cận vệ. Vua không thích ngủ lại dọc đường nên thường bảo tôi lái xe chạy một mạch từ Huế lên Đà Lạt.
Đến nơi, người ta tổ chức đưa vua cỡi voi vào rừng săn bắn. Thường thường vào buổi chiều vua đá bóng với đám thị vệ và lính quan ở địa phương rất sôi nổi, vui vẻ, bình đẳng…”.


-Trong cuộc đời lái xe cho nhà vua của cụ có những sự kiện gì còn nhớ mãi không?

-Có nhiều chuyện lắm nhưng xin nêu ra vài chuyện thôi. Đó là chuyện tôi đưa ôtô sang Pháp và lái xe cho vua Bảo Đại trong thời gian chữa bệnh tại Paris vào năm1939; Chuyện tôi lái xe cho vua Bảo Đại trong dịp lễ vua thoái vị; Lái xe cho bà Nam Phương đi đóng góp quỹ ủng hộ cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà  trong “Tuần lễ vàng” tại Huế.
Cụ Đào kể tiếp:
“Năm 1939, khi nhà vua đi săn ở Buôn Ma Thuộc, cũng vì ham mê đá bóng nên có lần bị gãy chân. Sự việc xẩy ra quá bất ngờ, tôi lái xe chở ngài về nhà thương Sài Gòn băng bó tạm, sau đó vua và hoàng hậu Nam Phương đi máy bay sang Pháp để chữa trị, còn tôi về Huế lo liệu việc đưa xe ôtô riêng của ngài xuống tàu sang Pháp bằng đường thuỷ để phục vụ nhà vua. Ngài thích như vậy chứ không cần thuê xe tại Pháp. Thế cũng là chuyện ngược đời ‘Chở gỗ về rừng’!.
Nước Pháp lúc bấy giờ đang trong hoàn cảnh thế chiến thứ II nổ ra, nên tôi và nhà vua chỉ ở được mấy tháng rồi về nước”.


Cụ Đào kể sang chuyện thứ hai:
“Chuyện tôi lái xe cho vua Bảo Đại trong dịp lễ vua thoái vị. Đó là vào buổi chiều ngày 30/8/1945, tôi chở vua Bảo Đại trên chiếc xe Nash đến Ngọ Môn để dự lễ thoái vị của nhà vua tại lầu Ngũ Phụng. Hôm đó vua Bảo Đại mặc triều phục đại lễ gồm: chiếc áo hoàng bào màu vàng, đội khăn đóng màu vàng, đi giày cườm màu vàng. Khoảng chừng hơn 30 phút thì lễ tuyên bố thoái vị của nhà vua và làm thủ tục trao ấn kiếm cho ông Trần Huy Liệu -Trưởng đoàn Đại diện Chính phủ lâm thời từ Hà Nội vào tiếp nhận. Sau khi tan lễ, ông Vĩnh Thụy vui vẻ, vẫy tay chào tạm biệt quốc dân đồng bào rồi lặng lẽ rút lui và xuống dưới phía sau lễ đài, cỡi hết trang phục nhà vua ra bỏ lại, lấy chiếc huy hiệu cờ đỏ sao vàng do đoàn Đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tặng cài lên ngực áo vét, đến ngồi vào xe và tôi lái về điện Kiến Trung để nghỉ ngơi. Sau đó chuyển về cung An Định với gia đình. Về sau, có thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Vĩnh Thụy ra làm Cố vấn cho Chính phủ cách mạng, còn gia quyến vẫn còn ở lại tại cung An Định.  Tôi vẫn tiếp tục lái xe cho gia đình cố vấn Vĩnh Thụy thêm một thời gian nữa”.


Chuyện thứ ba là chuyện cụ Đào lái xe cho bà Nam Phương đi đóng góp quỹ ủng hộ cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà  trong “Tuần lễ vàng” tại Huế.
 Cụ ấy kể rằng:
“Vào một buổi sáng mùa thu ấm áp, tôi đến cung An Định đón bà Nam Phương đi ủng hộ “Tuần lễ vàng”. Hôm đó (17-9-1945), bà mặc áo dài và trang điểm rất đẹp, bà đeo các đồ trang sức vào người gồm vòng kiềng vàng, dây chuyền vàng, xuyến vàng, nhẫn vàng và hoa tai vàng. Tôi đưa bà ấy đến chỗ tổ chức lễ quyên góp tại vườn hoa Tứ Tượng (bên bờ sông Hương, gần cầu Trường Tiền). Bà xuống xe, thong thả đến bàn lạc quyên. Ban tổ chức vui vẻ, trân trọng đón bà và mời bà ngồi vào ghế. Mọi người đều nhìn bà một cách thán phục. Bắt đầu vào buổi lễ, Ban Tổ chức tuyên bố lý do “ Tuần Lễ Vàng” và mời bà lên bàn đầu tiên làm thủ tục ủng hộ. Bà vui vẻ nhìn mọi người xung quanh rồi đưa tay gỡ vòng kiềng vàng, xuyến vàng, dây chuyền vàng, hoa tai vàng… bỏ vào thùng lạc quyên. Ban tổ chức cám ơn bà, bà cười vui và chào ra về.
Động thái cử chỉ tinh tế của bà Nam Phương cứ gỡ từng vật quý đang trang điểm cá nhân của mình để ủng hộ cho Chính phủ đang lúc thiếu thốn công quỹ. Điều đó làm cho tôi và đồng bào, cán bộ có mặt hôm đó rất cảm kích tinh thần yêu nước của bà đã hưởng ứng tích cực, thành tâm đối với cuộc vận động này”.


-Cụ được tiếp xúc gần gũi nhiều với vua Bảo Đại và bà Nam Phương, cụ thấy ông bà đó thế nào? Có dễ chịu, hay khó chịu?

-Phải nói rằng cả hai ông bà này rất hiền lành, dễ chịu lắm. Vua Bảo đại là người đàng hoàng, phóng khoáng tự nhiên, không kiêu ngạo, quan cách, hống hách như một số quan lại khác trong triều. Theo tôi thấy ông Bảo đại là người không tham danh vọng quyền hành chính trị mà chỉ quan tâm đến thể thao văn hoá là chính.Có lẽ vua Bảo Đại cũng tự thấy mình là vị vua dưới quyền điều khiển của quan thầy Pháp. Còn bà Nam Phương là một người đàn bà thông minh, lịch lãm và nhạy cảm trong đối nhân xử thế rất tinh tế, khéo léo đối với mọi việc trong gia tộc, bà con, đồng bào, đất nước…”

-Hồi đó cụ nghĩ thế nào mà không ở lại Huế làm ăn sinh sống mà thoát ly đi kháng chiến?

-Kể ra rồi đó tôi ở lại Huế theo nghề lái xe làm ăn sinh sống cũng tốt, bọn giặc và tay sai cũng chẳng để ý ám hại gì tôi cả mà trái lại nó phải nể tôi. Vì tôi là người lái xe trước đây cho nhà vua mà! Nhưng lúc đó tôi nghĩ rằng Bác Hồ đã kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống giặc mà mình là đàn ông khoẻ mạnh lại ở nhà cầu an thì hèn lắm! Hơn nữa các vị quan to nhà Nguyễn cũng không ngại gian khổ một lòng yêu nước nghe theo Bác Hồ đi kháng chiến cứu quốc như các ông: Thái Văn Toản, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại,v.v… làm cho tôi rất cảm kích họ và kiên quyết ra đi kháng chiến. Cho hợp với câu tục ngữ dân gian thường nói: ‘làm trai cho đáng nên trai!’.
Thế là năm 1947, tôi bắt đầu rời Huế đi kháng chiến. Ba người em của  tôi là: Nguyễn Như Kỵ, Nguyễn Như Hùng, Nguyễn Như Quảng cũng lên đường theo cách mạng”.
Có tài liệu đã ghi công lao của cụ Đào như sau: “Đi kháng chiến, với kinh nghiệm của người đã từng lái xe nhiều năm cho vua Bảo Đại, cụ Đào trở thành tay thợ bậc cao về xe cộ quân dụng. Chính đồng chí Đào là người đã tập hợp đưa toàn bộ máy móc thiết bị ở Trường Kỹ nghệ Huế ra Hà Tĩnh -an toàn khu của ta, chuẩn bị vũ khí, phương tiện cho chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 1948, anh lính Nguyễn Như Đào được triệu tập ra miền Bắc chuẩn bị thành lập cục vận tải, trở thành người đào tạo lái xe cho các chiến sĩ cánh mạng trong trường lái xe của quân đội.
Cụ Đào cho biết thêm, cuối năm 1950, chính cụ trong những người dẫn đầu qua biên giới Trung Quốc nhận các loại xe và vũ khí, quân dụng mà Liên Xô và Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam đem về chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ và phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lăng của dân tộc.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, cụ tiếp tục tham gia đào tạo lái xe cho chiến trường, nhiều lần lái xe chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1960, cụ Đào chuyển ngành sang làm ở Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương cho đến năm 1973 thì về hưu. ”(theo tạp chí VĂN HÓA HUẾ  số 11/2010 Xuân Canh Dần -bài của TB)
Sau ngày hoà bình thống nhất đất nước 1975, cụ Đào trở về quê hương tại Huế sinh sống cùng gia đình con cháu tại khu tập thể Xã Tắc.  Tuy cụ đã cao tuổi (96), nhưng cụ vẫn còn minh mẫn, chuyện trò tỉnh táo. Thỉnh thoảng cụ gặp các lớp con cháu chắt, cụ thường nhắc lại những chuyện ngày xưa của một thời trai trẻ đầy kỷ niệm vui buồn của một anh lính cụ Hồ trên quê hương đất nước để thấy càng vinh dự, tự hào mà sống có ích cho xã hội.


Nguyễn Hồng Trân
Cựu GV Đại học Huế
nghongtran38@gmail.com
Phước Vĩnh, Huế

No comments: