Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, March 26, 2013

Châu Thạch đọc "VẪN CÒN Ở ĐÂY", thơ Vĩnh Thuyên




VẪN CÒN Ở ĐÂY

Vàm Cỏ Đông hết trong lại đục
Tựa như đời mình vẩn đục từ trong
Ai xui giòng sông bên bồi bên lở
Ai lỡ đò chiều bến đợi đò không

Trời tháng hạ ngày dài đêm ngắn
Con sóng lăn tăn bỏ dòng im lặng
Tóc chảy bềnh bồng sao đêm thức trắng
Rẽ nhánh qua đồng tóc- lúa trổ bông

Biết bao mùa vẫn ở cạnh giòng sông
Con nước lớn nước ròng rượt đuổi
Vàm Cỏ Đông được bao nhiêu tuổi ?
Em bây giờ quên tuổi mất tên

Vĩnh Thuyên



Lời bình:  Châu Thạch

Hơn nửa thế kỷ qua đã có rất nhiều tác phẩm Thơ-Nhạc viết về dòng sông và không ít tác phẩm đã đi vào lòng người. Đọc VẪN CÒN Ở ĐÂY,  thơ Vĩnh Thuyên,  như mang nặng một lời thề chung thủy cả một đời người và dòng sông Vàm Cỏ Đông quê hương anh.

    Vế một của bài thơ:

    Vàm cỏ Đông hết trong lại đục
    Tựa như đời mình vẩn đục lại trong
    Ai xui dòng sông bên bồi bên lở
    Ai lỡ đò chiều bến đợi đò không

Bốn câu thơ, một sự so sánh. So sánh đời người với dòng sông. Đời người thì nhỏ bé và ngắn ngủi so với dòng sông, nên đời người có ít tác động đến dòng sông mà ngược lại dòng sông thì ảnh hưởng đến hàng vạn đời người. Đem đời người so sánh với dòng sông là một phương pháp tá khách hình chủ để cho tầm quan trọng của đời người lên cao và dòng sông thì không nhỏ lại nhưng được nhân cách hóa thành đời người với những suy tư trăn trở.

 Tác giả dùng câu “Vàm cỏ Đông hết trong lại đục” để so sánh với đời người “vẩn đục từ trong” có nghĩa là tác giả dùng dòng sông để nói đến những thăng trầm của đời người mà cũng để nói đến những góc cạnh của cuộc sống con người trên dòng đời. Trong thể hiện cho sự tốt, đục thể hiện cho sự xấu. Trong và đục cùng có trên một dòng sông cũng giống như con người cùng có hai hình thức sống, hai tư duy, hai cảm nghĩ trong cùng một lúc hay thay đổi với thời gian. Hiện tượng của dòng sông ở đây mặc khải cho hiện tượng sống vật chất và tinh thần của con người và ngược lại hiện tượng sống vật chất và tinh thần của con người được phổ thành thơ bàng bạc trong dòng sông khiến cho cái nhỏ bé của người mang hình ảnh cao rộng của vạn vật và cái cao rộng của vạn vật lại có tư duy như của con người.

  Ở hai câu kế tiếp của vế một, nghịch lý xảy ra trong sự so sánh:

- “Ai xui dòng sông bên bồi nên lở”: Một qui luật của tự nhiên (bồi là được, lở là mất - qui luật Có & Không của tạo hóa)

- “Ai lỡ đò chiều bến đợi đò không”: Lỡ đò chiều bến đợi đò không là mất hết.

Tại sao đem cái được, cái mất của dòng sông để so với cái mất hết của đời người? Vì sao? Tôi đã suy nghĩ rất lâu câu này và tôi nghiệm ra tác giả tinh tế nhắn nhủ rằng: khi dòng sông bị lở hay bồi thì sông vẫn là muôn thuở. Đời người nhỡ một lần rồi sẽ không có lần hai, tựa như bến đò cũng đâu còn nữa, nên con người phải “lỡ đò chiều bến đợi đò không”.

Qua khổ thứ hai của bài thơ, tác giả hoàn toàn tả dòng sông, nhưng dòng sông giống như một thiếu nữ đẹp, như người mẹ hiền ôm ấp đồng bằng Nam Bộ để những lọn tóc bồng bềnh trôi về những miền đất phì nhiêu đầy lúa trổ bông.

  Miền đông nam bộ (Tây Ninh) thường mỗi năm chỉ có 2 mùa : mùa mưa và mùa nắng. Bắt đầu tháng hạ (tháng 4-5-6) ngày dài hơn đêm và mùa mưa cũng thường bắt đầu vào mùa nầy:

 “Trời tháng hạ ngày dài đêm ngắn”

Những khúc sông bồi-lở qua nhiều năm thường rẽ nhánh thành rạch mang nước vào nuôi sống cánh đồng. Để nói sự êm ả dịu hiền của dòng sông thầm lặng đem nguồn vui đến cho đời tác giả đã viết

 “Con sóng lăn tăn bỏ dòng yên lặng”
 “Tóc chảy bồng bềnh sao đêm thức trắng”.

Tại sao không phải là SAO HÔM thức trắng? Vì đầu hôm là Sao Hôm đến sáng là Sao Mai (Sao có ngủ bao giờ?) nhưng đêm thì vạn vật đều nghỉ ngơi. Sao và Đêm thức trắng bằng nhằm đề cao sự khó nhọc cực lực của sông và người để đạt được thành quả.

 “Rẽ nhánh ra đồng tóc - lúa trổ bông”.

Lúa thì trổ bông và tóc người cũng đổi màu. Với khổ thơ thứ hai nầy Vàm Cỏ Đông vừa là dòng sông,vừa là mẹ hiền, là ân nhân đã mang linh hồn nhỏ bé nhưng tinh vi của con người và cả linh hồn của đồng bằng trăng sao miền đông nam bộ. Thật dễ thương đượm chút ngậm ngùi.

Bốn câu thơ cuối của bài thơ này giống như vế kết của Đường thi, gói trọn tư tưởng của mình trong kết luận của bài thơ :

  Biết bao mùa vẫn ở cạnh giòng sông
  Con nước lớn nước ròng rượt đuổi
  Vàm Cỏ Đông được bao nhiêu tuổi?
  Em bây giờ quên tuổi mất tên.

Không biết tuổi của dòng sông là đúng nhưng tên tuổi của mình cũng quên luôn là điều nghịch lý. Đầu đề bài thơ “Vẫn còn ở đây” là một khẳng định sự hiện diện của mình nhưng cuối bài thơ có phải là sự phủ nhận chính mình không? Không, vì thật ra tên dòng sông đã hiện diện luôn bên cuộc đời tác giả, tuổi dòng sông đã gói trọn tuổi tác giả trong lòng, và chính dòng sông mênh mông rộng lớn kia thể hiện cái linh hồn nhỏ nhoi của tác giả, cho nên chính tác giả đã nhập mình vào dòng sông và nhận dòng sông cũng chính là mình. Chính xác, không phải tác giả khiêm nhường trước dòng sông, cũng không phải tác giả muốn hóa mình thành cao rộng, nhưng đứng trước cái cao rộng nầy mấy ai còn nhớ đến mình.

Đọc thơ Vĩnh Thuyên như nhìn một bức tranh nhỏ nhưng bức tranh lại vẽ một dòng sông đẹp, như nghe một bài nhạc ngắn, điệu nhạc nói về thân phận kiếp người. Tranh và nhạc trong thơ Vĩnh Thuyên là nỗi suy tư mà tôi tưởng tượng như nếp nhăn vẫn hằn luôn trên trán của anh vậy

Anh Vĩnh Thuyên thân mến! Sẽ có một ngày tôi về Tây Ninh cùng nhau đi tìm TUỔI cho dòng sông Vàm Cỏ Đông anh nhé.

 Châu Thạch

No comments: