Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, February 26, 2022

ĐÔI TRIÊNG GIÓNG CỦA MẸ - Khê Giang

 

Nhà văn Khê Giang

ĐÔI TRIÊNG GIÓNG CỦA MẸ
Khê Giang


Sống giữa vùng thuần nông, nhưng mẹ tôi là một trong số những người hiếm hoi ở làng làm nghề buôn bán, vì vậy quanh năm suốt tháng, chẳng kể nắng mưa, đôi triêng gióng như một phần của cuộc đời mẹ, chúng miết chặt vào đôi vai gầy guộc, ruỗi rong theo những bước chân của mẹ như hình với bóng. Mỗi buổi sáng sau bữa ăn sớm một mình, mẹ chải đầu, bối tóc, cẩn thận đứng trước gương chỉnh trang chiếc áo dài rồi gánh hàng lên chợ. Chợ quê chỉ eo sèo một buổi, ngôi chợ mà từ nhỏ tôi đã cảm nhận qua những sáng tác nguệch ngoạc: 

“Liêu xiêu dăm nóc tranh gầy 

Lao xao chưa kịp nửa ngày đã tan 

Đâu rồi thúng mủng gióng quang 

Dấu chân mẹ lội khắp hàng chợ quê?”


Những bạn hàng của mẹ, ngoài thời gian lên chợ, họ có hẳn một buổi chiều thư thả để lo việc nhà, chỉ một mình mẹ là không có cảnh an nhàn đó. Tranh thủ vén séo từ khuya, sau buổi sáng họp chợ, chiều đến, nếu không vô chợ Hôm Lạng, mẹ lại gánh hàng đi bán dạo trong xã. Ngày lại ngày những bước chân bươn chải của mẹ nhịp nhàng đổi phiên trên những nẻo đường làng: mới hôm trước gánh hàng rong và chiếc bóng của mẹ đổ dài trên con đường trơn trợt lối về thôn Đông thì hôm sau tiếng rao của bà đã vọng qua từng con ngỏ gập ghềnh sỏi đá tận Trường Xuân, Trường Thọ. 


Đôi triêng gióng của mẹ ít khi chịu nằm không cho dù đó là những ngày mà mọi người ai cũng có quyền ngơi nghỉ. Những ngày kỵ giỗ hoặc Tết mẹ thường về Mỹ Xuyên, lối đi chừng ba cây số nếu qua ngã Lương Điền theo đường Thiên Lý, chỉ cần qua bến đò Hôm Lạng là đã đặt chân lên con ngõ vào nhà ngoại, thế nhưng mẹ lại nhọc nhằn với đôi triêng gióng trên vai khi phải đi theo con đường khác, cho dù đi theo lối này chiều dài phải tăng gấp ba: qua cầu Bến Đá, lần theo Quốc lộ một, băng qua Hải Sơn vượt cầu Mỹ Chánh, theo Quốc lộ 49B về Hội Kỳ rồi qua cầu Phước Tích, phải đi hết chiều dài của ngôi làng gốm cổ này mẹ mới đặt chân đến quê ngoại. Việc chọn cái cung đường vời vợi ấy chẳng phải do bà sợ cảnh chờ đò hay cảm giác tròng trành sông nước, mẹ muốn tranh thủ được một công hai việc: đó là ghé chợ Mỹ Chánh để mua đồ cúng và tiện thể vòng về mua hàng đem ra chợ làng. 


Năm 1972 sau chuyến di tản kinh hoàng vào Đà Nẵng, không chấp nhận thu mình trong không gian yên bình của các trại tỵ nạn để chờ trợ cấp, mẹ lại sắm sửa triêng gióng lên đường. Chẳng biết bằng cách nào, do ai mách bảo, mẹ lại dám mằn mò lội vào thành phố tìm đến những cây xăng để mua dầu hỏa về bán cho người dân các vùng định cư, trong khi trước đó mỗi lần có việc vào chốn sầm uất nầy tôi vẫn thường đi theo để dắt mẹ mỗi lúc qua đường. Với đôi thùng dầu sóng sánh nặng trỉu trên bờ vai, những bước chân xiêu vẹo, sụt lún của mẹ lại rong ruổi trên những trảng cát nóng bỏng từ Hòa Long đến Hòa Khánh, về Thuận Thành, vượt Mỹ Thị 2 qua trại 5… Không có trại tỵ nạn nào, chốn định cư nào tại Đà Nẵng lại không in dấu chân của mẹ.


Không biết có phải do đi sớm, đi nhiều, đi cả những lúc đáng ra phải nghỉ, nên ông trời đã bắt mẹ phải dừng chân sớm trong quảng đường mười lăm năm còn lại, một cơn tai biến đã đưa mẹ trở về cái tuổi khởi đầu, cái tuổi mà đơn vị tính chỉ mới gọi bằng tháng. Thời gian đầu sau cơn bạo bệnh, ngồi nhìn dòng đời cuồn cuộn chảy qua ô cửa, mẹ vẫn thất thần như chưa kịp tin đôi chân mình đã không còn nghe mình nữa, rồi đôi chân ấy vĩnh viễn chối từ những bước đi của mẹ cho đến tận cuối đời.


Trong dòng chảy thời gian, trên những bến đời gập ghềnh khúc khuỷu, có những thời khắc tôi thấy chán nản, muốn cuộn mình, dừng chân, thậm chí buông bỏ…nhưng khi nghĩ đến mẹ, có một hấp lực đã kéo tôi vùng dậy bứt thoát ra khỏi cái vòng xoáy rã rời, luẩn quẩn ấy. Sức mạnh đó đến từ hình ảnh đôi triêng gióng và những bước chân không biết mệt mỏi của người.


17/02/2017

Khê Giang

No comments: