Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, April 7, 2015

GẶP GỠ - Phan Thạch Nhân

       
                  Tác giả Phan Thạch Nhân


                                   GẶP GỠ   
                             Phan Thạch Nhân

Sớm mai thức dậy, sau khi chạy mấy vòng quanh sân vận động tôi đạp xe quay về nhà giữa lúc hồi chuông tan lễ vang lên từ thánh đường giáo xứ Hiệp Lực. Hôm nay là ngày chúa nhật, sáng sớm trời trong xanh và mát dịu, tôi tắm vội vã rồi thay đồ để chuẩn bị cho một ngày mới.
Vẫn như mọi ngày, người bạn trẻ đồng nghiệp bưng hai tách cà phê và ấm trà ra bộ ghế đá trước sân nhà mời tôi uống rồi cùng bàn bạc công việc. Sắp vào mùa phục sinh, dòng người tan lễ ở nhà thờ tràn ra mọi ngả đường, mấy cô mấy chị dịu dàng với những bộ áo dài thướt tha đủ màu sắc làm cho buổi sáng cuối tuần thêm tươi đẹp hơn. Tết nguyên đán đã qua hơn tháng, tháng Giêng trôi quá nhanh nhưng dù sao cũng còn mùa xuân để rồi sáng nay lại có một cuộc hẹn hò với anh em, với bạn bè để thực hiện một chuyến rong chơi gặp cuộc họp mặt cựu học sinh Nguyễn Hoàng tại La Gi - Bình Thuận vào ngày 22/3/2015.
Vượt qua gần chín mươi cây số, đúng bảy giờ mười lăm phút sáng, chiếc Ford bảy chỗ ngồi chạy thẳng vào sân nhà tôi, từ trong nhà, tôi vội chạy ra chào đón khách. Chuyến đi này không phải chỉ bốn anh em là anh Giang, bạn Liên Hưng, cô út Vĩnh Phước và tôi  như dạo du xuân đầu năm mà trên xe bước xuống còn có cô Giáng Hương – cựu giáo sư trường Nguyễn Hoàng và hai chị Nguyễn Hoàng lớp trước: Đó là chị Quang Tuyết ở Saigon và chị Lê Lan ở Bảo Lộc về cùng tham gia đi họp mặt hôm nay. Thật là vui và vinh dự được đón tiếp, đúng là một cuộc hội ngộ bất ngờ, bởi vì dù sao thì cũng hơn bốn mươi năm qua kể từ mùa hè năm ấy ở quê nhà tôi đã mất tất cả. Chính tôi cũng không ngờ qua những cuốn nội san của trường Nguyễn Hoàng tôi đã được biết tin tức về thầy cô, những vị giáo sư năm xưa dạy mình với những năm ngắn ngủi được vào học một ngôi trường nổi tiếng tại quê nhà Quảng Trị. Và cũng nhờ những lần họp mặt Nguyễn Hoàng đây đó mà tôi đã gặp lại được thầy cô và một số bạn bè thân yêu của một thời cắp sách. Thật tình sáng nay đối với tôi quá bất ngờ bởi vì ngoài anh Giang, Liên Hưng, Vĩnh Phước và chị Quang Tuyết đã quen thuộc, tôi chỉ biết cô Giáng Hương hay chị Lê Lan qua những hình ảnh trên sách báo. Tôi ngẩn ngơ ngắm nhìn cô giáo cùng các anh chị và bạn bè trong những bộ trang phục lịch sự, quý phái mà không kém phần trẻ trung, xinh đẹp như những diễn viên điện ảnh xuất hiện ở nhà mình, tuy tuổi đời mọi người đã trên dưới sáu mươi. Tôi những muốn kêu lên: Chao ơi! Cô trò của Nguyễn Hoàng xinh tươi quá! (Mà không dám nói ra).
Từ mấy hôm trước, qua những cuộc đàm thoại tôi đã biết để có cuộc tham gia họp mặt này, cô và mấy chị em đã hẹn hò nhau tập trung tại thành phố Biên Hòa từ hôm qua và “ém quân” tại nhà bạn Liên Hưng. Bất giác tôi mỉm cười một mình với ý nghĩ “hành quân” sớm thế chắc phải dậy từ 3 giờ sáng mới chuẩn bị kịp.
Ngồi ở phòng khách uống nước, chúng tôi như người một nhà. Sau những câu thăm hỏi, câu chuyện cứ nổ như bắp rang cùng tiếng cười đùa vui vẻ. Dù ngày tháng đã đi qua hơn nửa đời người, dù nắng gió đã làm phai nhạt những mái tóc xanh ngày nào cũng như trên mỗi khuôn mặt ít nhiều đã xuất hiện những dấu ấn của thời gian, song tâm hồn người Nguyễn Hoàng luôn chan hòa tình thân ái nên dù mới gặp nhau lần đầu đi nữa thì cũng cứ như quen biết tự bao giờ, không có gì lại ngại ngùng, bỡ ngỡ. Sáng nay tôi không mời khách những ly trà như mọi ngày mà tự mình nấu bình nước chè xanh, thêm miếng gừng tươi đập dập như ngày xưa mẹ tôi thường làm cho cả nhà uống với ý nghĩ đôi khi ly nước chè xanh có hương vị gừng sẽ đưa những người khách xa quê chợt nhớ về quê nhà, để mà thương mà nhớ về những quãng ngày xa xưa ấy. Và suy nghĩ của tôi đã không sai vì sau khi nhấp ngụm nước, câu chuyện chè xanh lại tiếp nối từ người này sang người khác. Sau bữa điểm tâm nhẹ, tôi xin được ghi lại những tấm hình lưu niệm trong chuyến gặp gỡ thi vị này rồi lên xe hướng về Bình Thuận.
Đường Quốc lộ 1 sáng nay khá nhiều xe, ngoài các chuyến xe chạy đường dài ra Trung, ra Bắc; số còn lại là  đi tham quan, du lịch các cảnh quan như Mũi Né, Đồi Dương hoặc đi lễ xứ Tà Pao v.v...
 Bỏ lại cột mốc ranh giới tỉnh Đồng Nai đằng sau, chúng tôi thong dong trên đất Bình Thuận. Sáng nay gió biển thổi vào dịu dàng khiến ai cũng khoan khoái. Ngoài cậu tài xế trẻ im lặng chú ý lái xe, trên xe luôn đầy ắp tiếng cười nói của bảy nhân vật bởi những câu chuyện khá vui nhộn do các nghệ sĩ nghiệp dư của con cháu Nguyễn Hoàng sáng tác. Một Liên Hưng hoạt bát, một Quang Tuyết sôi động bên cạnh cô út Vĩnh Phước nhẹ nhàng, thùy mị. Chị Lê Lan thì ít nói nhưng nụ cười thân thiện luôn nở trên môi, còn anh cả Phan Thạch Giang dù đã vào hàng U70 mà vẫn còn nghịch ngợm vì dám sửa lời một bản nhạc nổi tiếng khiến ai cũng phì cười. Và tiếng cười dòn tan của cô Giáng Hương là một hấp lực dễ lây lan nhất với những câu chuyện mà đám học trò hết kể lại trêu nhau. Cười, cười đến đau cả ruột và cũng nhờ thế mà xe vượt qua chặng đường dài lúc nào không hay.
Đến đoạn rẽ vào Hàm Tân, tôi nhìn tấm biển báo có mũi tên chỉ về phía trái là Phan Thiết, có lẽ anh Giang cũng nhìn thấy. Hai anh em tôi cùng ngồi hàng ghế sau nên tôi liếc nhìn qua, thấy trong ánh mắt anh Giang có một chút suy tư và hơi thoáng buồn. Muốn chia sẻ cùng anh nên tôi đọc nho nhỏ bài GÁC TRỌ của anh viết từ năm 1962 và đã đăng trong tập san Xuân giới tuyến – 1962.

         GÁC TRỌ

                          Gác trọ lên màu bệnh viện
Lệ nhòa theo tiếng mưa đêm
Hẹn hò nhau về Quảng Trị
Phan Thiết có buồn không em?
Hãn Giang dâng sầu uốn khúc
Tâm tư theo bóng vai gầy
Mắt chiều vọng về Phan Thiết
Mấy mùa tay trắng bàn tay.
Đại lộ đông người không em
Mà sao không về Quảng Trị?
Hay em sợ mưa ướt áo
Hay đường phủ kín lối đi.
Gác trọ buồn thương nín lặng
Bờ mi khép kín hoàng hôn
Hãn Giang nhạc sầu thế kỷ
Con tàu gãy nát ru hồn.
Đêm nay lạnh về xứ Quảng
Nghẹn ngào viết khúc mưa đêm
Hẹn hò nhau về Quảng Trị
Phan Thiết có buồn không em?
            Ái Nghĩa 
   (Quảng Trị 1962)

        Tuy bài thơ đã viết cách đây trên năm mươi năm, nhưng có lẽ với những tâm hồn thi nhân thì thời gian ấy không là gì cả.
Theo chương trình của nhóm thì điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là ghé nhà thầy Lê Văn Quýt thắp nhang tưởng niệm thầy. Tuy nhiên khi đến nơi thì đồng hồ đã chỉ 9 giờ, chắc chắn giờ này người nhà của thầy đã đến điểm họp mặt nên đành hẹn sẽ ghé lại khi trở về. Xe tiếp tục di chuyển chậm về hướng trung tâm thị trấn La Gi vì tài xế sợ bị bắn tốc độ. Điểm họp mặt hôm nay ở tại một resort mới mở sau này mà tôi chưa biết, chị Quang Tuyết làm hướng dẫn viên chỉ đường bằng tấm bản đồ in sẵn trên bao thư mời nhưng đi hoài vẫn chả thấy đâu là đâu, đành phải tấp vào lề đường hỏi người dân bản xứ đến 3 lần, khi đó mới biết thì ra hướng dẫn viên đã lật ngược tấm bản đồ, vậy mà chị còn bảo tại bản đồ vẽ… sai khiến cả xe ai cũng bật cười.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến với điểm họp mặt của Nguyễn Hoàng Bình Thuận và đây là nhóm đến muộn nhất. Đã vậy mà có ai đó còn đùa: "Mình đến muộn coi chừng hết chỗ ngồi" để rồi lại phá lên cười trước khi bước xuống xe. Mấy anh trong ban tổ chức niềm nở đón chúng tôi kèm theo những lời hỏi thăm rất vui, thoáng một vòng quanh lên sân khấu, tôi thấy thầy cô tham dự rất ít, một chút ngậm ngùi tôi chợt thầm hỏi: "Tìm đâu đây hình bóng của thầy Quýt năm nào?". Trong hội trường, anh chị em cựu học sinh Nguyễn Hoàng các nơi về dự như Sài Gòn, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai khá đông. Rải rác vài Nguyễn Hoàng các vùng miền khác còn lại là các cựu học sinh Nguyễn Hoàng của Bình Thuận. Đang ngẩn ngơ tìm bạn bè thì anh Đoàn Phú  kêu lại chụp hình lưu niệm. Tiếng nhạc trỗi lên từ sân khấu, thì ra chị Quang Tuyết đã có mặt kịp thời để cùng các chị ở NH/Saigon trình bày ca khúc giúp vui cho chương trình, một sân khấu quá vui nhộn với những tiết mục khá sôi động và giọng hát nào cũng hay cả.

           
                                       Phan Thạch Nhân và Đoàn Minh Phú

Khu resort mới này nằm giữa một khu đất trống, nhà ở thưa thớt nên gió biển thổi vào lồng lộng, mấy anh em đồng môn đứng lại trước khuôn viên chụp mấy tấm hình lưu niệm, hỏi thăm nhau và chuyện trò qua những quãng ngày phiêu bạt.
11giờ 30, tiệc mặn với những món hải sản hấp dẫn được nhà hàng dọn ra, mọi người vào bàn và giao lưu mừng ngày hội ngộ qua những chiếc ly cụng côm cốp. Sân khấu lại càng sôi động hơn với những lời thơ, những bản nhạc hay một thời đi qua giữa lúc gió biển thổi vào lồng lộng. Anh Trương Tuyến và các anh trong ban tổ chức đi qua từng bàn chào khách và hỏi thăm nhau, tôi ngồi vào một bàn cùng các đồng môn mà có mặt cả ba đơn vị: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Đặc biệt hơn nữa là tôi được ngồi bên cạnh thầy Văn Chương người Long Hưng - một vị cựu giáo sư của trường trung học Nguyễn Hoàng. Nhiều người đến chào thầy và thầy trả lời khiêm tốn, tôi nhận thấy thầy ít nói nhưng hay cười. Đây là một trong những người thầy được học sinh quý mến nên bạn bè tôi vẫn thường nhắc đến khi gặp nhau. Vì thế tuy chưa được học với thầy nhưng trong tôi sự quý mến không vì thế mà suy giảm. Sau những món ăn rất biển thì bầu trời La Gi cũng xuôi về chiều, nắng gió bạt ngàn trên khu resort, chúng tôi bắt tay chào ban tổ chức và những người đồng môn La Gi - Bình Thuận để về Đồng Nai, chị Quang Tuyết chia tay nhóm để theo xe về thành phố cùng đoàn Saigon. Nhóm NH 67-74 mời ra biển uống cà phê hóng gió nhưng chúng  tôi đành xin lỗi và nói một lời cảm ơn vì chương trình của nhóm nhỏ này đã sắp xếp theo dự định, chúng tôi mời anh Hiêu (NH 62-69) lên xe cùng về.
Chiếc Ford Everest chuyển bánh rời khỏi resort, bạn Liên Hưng bấm số đàm thoại với người nhà thầy Quýt, nhưng lại không có người ở nhà. Khi xe chạy ngang qua ngõ vào nhà thầy, tôi nghe văng vẳng tiếng ai đó: Lạy thầy! Lạy thầy!... Hình như của Liên Hưng và Vĩnh Phước, trên xe chợt lặng lẽ bất ngờ.
Ra khỏi thị trấn La Gi tôi nhắc tài xế ghé vào một quán cà phê sân vườn nghỉ chân, trong buổi trò chuyện ở quán sân vườn thoáng mát, cảm ơn hai vị đàn anh là Nguyễn Văn Hiêu và Phan Thạch Giang đã trang trải nỗi lòng đầy cảm xúc với những vần thơ ngày cũ.
16giờ xe về tới Xuân Lộc, khu chợ Xuân Đà vẫn đông như buổi sáng. Chúng tôi tấp xe vào một quán bánh xèo chiều trên quốc lộ 1 để thưởng thức ẩm thực món ăn miền Trung như đã dự định, rồi tiếp tục lăn bánh đưa mọi người trở về nhà trong chiều nắng nhẹ sau một ngày rong chơi gặp gỡ. Tôi chào tạm biệt cô giáo và anh chị em trong nhóm và xin hẹn một ngày hội ngộ tiếp theo để đi thăm trang trại gà ta của anh Hiêu ở Xuân Định, sau đó qua Bà Rịa - Vũng Tàu thưởng thức món bồ câu hầm đậu xanh ở nhà út NH/Vĩnh Phước làm ai cũng bật cười và Liên Hưng phải kêu lên: Ôi! Vĩnh Phước chỉ “chăn nuôi” có một cặp bồ câu làm cảnh mà Phan Thạch Nhân cứ đòi hầm đậu xanh riết.
Đến điểm dừng tôi rời xe, vẫy tay tạm biệt những Nguyễn Hoàng thân thương rồi băng qua đường về nhà. Có cậu bé trai chừng mười tuổi đầu chít khăn tang  phơi nắng tóc cháy vàng hoe đi theo bên cạnh: “Mời bác mua giùm con tờ vé số”.
Nhìn tấm thân gầy gò với chiếc áo thun quá khổ, nước da đen sạm, nhưng giọng nói Quảng Trị rất dễ thương. Trên đôi tay đen gầy xơ xác còn bốn tờ vé số, tôi cầm lấy tất cả và đưa cho cháu một tờ giấy bạc: “Khỏi thối cháu nhé!”
Cậu bé khoanh tay cúi đầu cảm ơn rồi lặng lẽ đi vào ngõ vắng.
Tôi mỉm cười vừa đi vừa hát nho nhỏ khúc ca ngày cũ  "NÓ"; hầu như đã quá  xa xôi  của  nhạc sĩ nào đó mà không nhớ tên:

Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ
Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo.
......................................................                                                                                   
                                                                 Phan Thạch Nhân
                                                                     Xuân Lộc,23/3/2015

No comments: