ĐI TÌM “NÀNG VỌNG PHU” Ở NINH THUẬN
Đình Hy
Trong quá trình nghiên cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa trong phạm vi tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, chúng tôi chú tâm đến một số địa danh liên quan sự tích, truyền thuyết và đã viết một số bài về địa danh làng xã xưa đăng trên các báo và nhiều tạp chí khác nhau. Điều thú vị là qua điền dã, qua tài liệu xưa, đã hé lộ một chi tiết rằng ở vùng này có truyền thuyết, có dấu tích vật thể tự nhiên được xem là sự tích Vọng phu. Vậy là hành trình đi tìm “Nàng Vọng Phu” ở Ninh Thuận, Bình Thuận bắt đầu…
Mô-típ sự tích hòn Vọng Phu ở Việt Nam có ở nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, nổi tiếng như Lạng Sơn: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh”. Từ lâu, khi tiếp cận sách “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội năm 1976 của Nguyễn Đổng Chi”, tình cờ tôi đọc một chi tiết tác giả viết ngắn như sau: “Ngày nay núi đá Vọng Phu (Nai Krao Cho Phò) ở bờ biển Cà Ná (nam Ninh Thuận) dân địa phương cũng có lưu truyền một truyện của đồng bào Champa”.
Sau tái lập tỉnh Ninh Thuận năm 1992, hỏi nhà nghiên cứu Sử Văn Ngọc (mới mất), người Chăm, thì được cung cấp những tư liệu sau: Trong dân gian người Chăm có câu: Nao tel patau Deng Dua, krung ra taha nân hu kakei, hadiip saong pasang nân rei, wak blaoh kakei pieh rai hadei… và ông dịch: Đi đến đá Đứng Đôi, di tích người xưa lưu truyền chuyện đôi vợ chồng nọ, viết để truyền lại cho đời sau… Ông nói thêm: cũng gọi là đồi Vọng Phu, tiếng Chăm là mbuen Carao Caoh Bhaow ở vùng Cà Ná.
Khi làm việc với nhà nghiên cứu Bố Xuân Hổ, người Chăm ở Bình Thuận, được nghe kể tóm tắt rằng: “Xưa kia ở một làng Chăm ven biển Cà Ná, sống về nghề biển lẫn nghề nông có một gia đình cha mẹ và hai con, một trai, một gái. Một hôm cha mẹ ra đồng cấy lúa, ở nhà hai anh em không biết nô đùa ném đá như thế nào mà làm đầu em gái chảy máu đến ngất xỉu. Người anh sợ quá bỏ chạy lên chiếc thuyền ra khơi trốn đi. Mười mấy năm sau, người anh trở về quê cũ, dân làng xưa lùi sâu trong núi trồng trọt, chỉ còn vài người ở lại, trong đó có cô gái tên là Nai Chrao Cho Phò xinh đẹp tuổi đôi mươi sống trong căn nhà riêng, cha mẹ đều qua đời. Người thanh niên yêu cô gái, lấy làm vợ; một hôm ngồi bắt chí cho vợ thấy vết sẹo trên đầu mới hỏi nguyên do, người vợ kể lại đầu đuôi ngọn ngành. Người anh biết mình đã lấy chính em gái, phạm nặng luật tục loạn luân, không thể tha thứ, bèn lén ra biển trốn đi biền biệt. Người vợ không biết chồng đi đâu, ngày lại ngày chỉ biết leo lên tảng đá núi nhìn thuyền ngoài biển chờ chồng trong tuyệt vọng, cho đến khi người ta không thấy nàng nữa. Còn trên núi kia có một hòn đá giống tượng người nổi lên. Truyền thuyết kể rằng Nai Chrao Cho Phò làm một loại bánh hình dáng giống san hô biển, hoặc củ gừng nên cũng gọi là bánh gừng và từng ngày mang bánh này, mang trầu cau lên tảng đá ngồi ăn để chờ chồng cho đến khi hóa đá. Cũng vì giận hờn, Nai Chrao Cho Phò khi ăn trầu ném cái túi vải đựng cau trầu bay ra biển biến thành hòn Lao Câu ngày nay, còn bánh gừng còn gọi là bánh “giận hờn”. Điều đặc biệt là cho đến ngày nay khi cúng kính trong những lễ hội, người Chăm có làm bánh gừng này và đặt cúng như sau: bánh tét ở dưới, thuộc âm là vợ, bánh gan tay ở trên, thuộc dương là chồng, trên cùng là bánh gừng tượng trưng cho thủy chung, nên cũng gọi là bánh thủy chung.
Ở đây cách viết Nai Chrao Cho Phò của ông Bố Xuân Hổ và (Nai) Carao Caoh Bhaow của ông Sử Văn Ngọc là 2 cách viết Latin hóa khác nhau của tiếng Chăm về tên một nhân vật.
Thông thường trong văn học dân gian, có một hình dáng, hiện tượng tự nhiên nào đó thì dân gian mới sáng tác câu chuyện, hòn đá có dấu chân lớn thì cho là bàn chân ông Khổng Lồ, tảng đá giống con chim gọi là đá Chim, giống hình người thì cho là người vợ chờ chồng hóa đá. Vậy là theo chuyện kể, tôi miệt mài đi tìm hòn Vọng Phu vùng Cà Ná!
Một địa danh nữa cần nhắc tới mà hiện nay cũng có nhiều cách viết, cách giải thích khác nhau, đó là Cù lao Cau (Hòn Cau), một hòn đảo ở ngoài biển, cách Cà Ná khoảng 9km, trong bờ nhìn ra thấy rất rõ. Tên gọi hòn đảo thơ mộng này từ rất xưa là Tân Lang Dữ (dữ là đảo, hòn), chuyển ra tên Nôm là Cù lao Cau, không phải như nhiều người địa phương giải thích Cù lao Câu là nơi thu hút ngư dân làm nghề câu tập trung vì đảo có nhiều cá biển, ông Bố Xuân Hổ cũng viết Câu. Thực ra Tân Lang có nghĩa là cây cau (aréquier), tức cùng nghĩa là người mới cưới vợ. Trên bản đồ phủ Ninh Thuận trong “Thông quốc diên cách hải chử” cũng có ghi Tân Lang Dữ. Các bản đồ về tuyến đường biển Đông Ấn Độ từ năm 1618 hoặc bản đồ Taberd cũng ghi “Cù lao Cau”. Như vậy, đúng nghĩa phải là Cù lao Cau (hòn Tân Lang/ Tân Lang Dữ) nhưng do bị chệch âm của người bản địa từ Cau thành Câu. (Theo http://vanchuongviet.org - Phan Chính: Dấu xưa Tuy Phong).
Trong truyện của người Chăm, Cù lao Cau chính là cái túi vải đựng cau trầu bị người vợ tức giận ném ra biển hóa thành; cũng từ chi tiết này chứng tỏ khi đặt tên Cù lao Cau, cây cau, trái cau, người Việt mấy trăm năm trước đã tìm hiểu kỹ ngọn ngành Cù lao có sự tích này.
Sau khi đến Cà Ná, hỏi thăm, phỏng vấn, được người dân địa phương kể, chỉ đường đi chụp hình “Nai Carao Caoh Bhaow”, nay có thể khẳng định là Ninh Thuận có sự tích hòn Vọng Phu và xin giới thiệu sự tích và tấm hình kèm theo với bạn đọc gần xa…/.
ĐÌNH HY
dinhhy_nt@yahoo.com.vn
No comments:
Post a Comment