Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, April 4, 2016

NÓI CHUYỆN BÂNG QUƠ - Tạp bút của Hoàng Đằng


           
                      Tác giả Hoàng Đằng 




NÓI CHUYỆN BÂNG QUƠ                                                                                                                     Hoàng Đằng

Ông Nguyễn Tấn Dũng thôi chức Thủ Tướng ngày 06/4/2016. Trong thời gian gần 10 năm làm người đứng đầu chính phủ, ông đã để lại cho đất nước, cho nhân dân, cho những người kế nhiệm nhiều di sản.
Tôi không có khả năng và thẩm quyền đánh giá những di sản ấy. Ít nhiều là một con “mọt sách”, thích tìm hiểu chữ nghĩa, tôi chỉ để ý đến, trong những bài phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng, những từ ngữ “hữu nghị viển vông” và “ ráng làm người tử tế”; những từ ngữ này đã khiến các “bậc thức giả” và báo chí quan tâm, tốn nhiều giấy mực giải thích, bàn luận; thành thử, theo tôi, đó cũng di sản “phi vật thể”.
Tôi không phải là “thức giả”; tuy nhiên, sau khi nghe hội luận “Làm người tử tế ở Việt Nam có khó?” của BBC tiếng Việt phát lúc 19:30 giờ ngày 31/3/2016, rảnh rỗi, tôi muốn góp ý kiến cho vui, thế thôi!  

Trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines vào tháng 5 năm 2014 trên cương vị Thủ Tướng, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Việt Nam sẽ giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc bằng biện pháp quân sự hay nộp đơn kiện Trung Quốc theo cơ chế luật pháp quốc tế, ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ không dùng biện pháp quân sự trừ khi bị bắt buộc phải tự vệ; còn về phương án đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế thì Việt Nam đang cân nhắc. Việt Nam kiên quyết bảo vệ những điều thiêng liêng: chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo và lợi ích chính đáng, và Việt Nam “nhất định không chấp nhận đánh đổi những điều thiêng liêng ấy để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viễn vông, lệ thuộc nào đó”, dù Việt Nam luôn mong muốn hòa bình, hữu nghị.
Từ kép “Viễn vong” được các phương tiện thông tin đại chúng viết thành hai chữ “viển vông”.
Trong bài “Viễn vông” hay “viển vông?” đăng trên Tuấn Công Thư Phòng ngày 23/5/2014, Hoàng Tuấn Công cho rằng đúng ra phải là “viễn vông”; “viễn vông” là biến âm của “viễn vọng” – viễn là xa, vọng là trông; viễn vọng là trông xa; còn có nghĩa bóng là “mong mỏi chuyện xa xôi”. Tuy nhiên, nhiều từ điển (Từ Điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, Từ Điển Chính Tả Tiếng Việt của Nguyễn Trọng Báu, Từ Điển Từ Láy Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, Từ Điển Việt Hán của Đinh Gia Khánh) đều viết “viển vông”, thôi cứ theo số đông mà viết “viển vông”..
Tôi lại nghĩ khác – nghĩ khác là quyền của mỗi người. “Viễn” là xa xôi và “vong” là mất, không còn trong thực tế; vì vậy, phải viết là “viễn vong”.
Còn vì sao ông Nguyễn Tấn Dũng lại dùng cụm từ “hữu nghị viễn vong”?
Trung Quốc và Việt Nam là hai nước ‘núi liền núi, sông liền sông”, nhân dân hai nước gần như có chung một nền văn hóa, chính quyền hai nước cùng theo một ý thức hệ nghĩa là có tình đồng chí, đáng lẽ hai nước tôn trọng, đùm bọc nhau mới đúng, đằng này, chính quyền Trung Quốc trong thâm tâm và trong hành động luôn “ăn hiếp” Việt Nam, cưỡng chiếm biển đảo Việt Nam, lủng đoạn nền kinh tế Việt Nam …, nhưng ngoài mặt tung hô tình hữu nghị, vậy nên ông Nguyễn Tấn Dũng gọi hữu nghị kiểu ấy là hữu nghị viễn vong.

Gần đây thôi (26/3/2016), trong phiên họp chính phủ, chỉ còn vài ngày nữa là nghỉ giữ chức Thủ Tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng có phát biểu chia tay với các cộng sự (người về vườn cũng như người ở lại chức hoặc lên chức).
Trong lời phát biểu nhắm đến số người sắp về vườn, ông Nguyễn Tấn Dũng nhắn nhủ: “ … Chúc các đồng chí và chúc luôn tôi, kỳ này nghỉ chính sách, … RÁNG làm người tử tế …”  Báo chí đều ghi RÁNG. Vậy RÁNG hay RÁN?
Là người Quảng Trị, xưa nay, nghe phát âm RÁN, giờ thấy báo chí viết RÁNG, tôi hơi bối rối, lật mấy quyển tự điển, từ điển đang có trong tay ra tra cứu.
Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của viết RÁN (ra sức); Từ Điển Việt – Anh của Đặng Chấn Liêu – Lê Khả Kế viết RÁN (try); Từ Điển Việt – Pháp của Lê Khả Kế - Nguyễn Lân viết RÁN hay RÁNG (faire des efforts) đều được Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học cho rằng có thể viết RÁN mà cũng có thể viết RÁNG.
Tôi nghĩ rằng RÁN đúng hơn RÁNG. Trước đây, người ta viết RÁN (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), sau này, do dựa theo cách phát âm của một vài vùng miền, người ta viết RÁNG. RÁN (cố gắng) và RÁN (làm cho chín trong dầu mỡ đun sôi) là một chữ. RÁN là cố gắng làm một việc khó (“Rán hành ra mỡ”: làm cho hành thành mỡ); RÁN phát âm đòi hỏi lưỡi uốn cong - một động tác cố gắng, còn RÁNG phát âm thì động tác của miệng buông thả. Bảo “RÁN làm người tử tế”, ông Nguyễn Tấn Dũng muốn nói để trở thành người tử tế cần phải  có sự cố gắng.
Vậy người tử tế là người như thế nào?
Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của định nghĩa “tử tế” là “chín chắn, kỹ càng; tốt”; Hán – Việt Tự Điển của Thiều Chửu định nghĩa “tử tế” là “kĩ lưỡng”; Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học định nghĩa “tử tế”: một là “ đủ những gì thường đòi hỏi phải có để không bị coi là quá sơ sài, lôi thôi hoặc thiếu đứng đắn – đi ra đường phải ăn mặc tử tế …”, hai là “tỏ ra có lòng tốt trong đối xử với nhau – ăn ở tử tế với nhau …” Vậy người tử tế là người đàng hoàng, chỉnh chu, tốt đẹp trong ăn mặc, nói năng, xử sự khi tiếp xúc với thân nhân, bằng hữu, cộng đồng, làng xóm, đất nước, thậm chí với đồng loại và với các loài vật khác.
Vì sao làm người tử tế phải RÁN?
Người giữ chức vụ cao cấp trong chính quyền, khi mãn nhiệm kỳ, thường đã cao tuổi, lại có “công trạng” với chế độ, hiểu biết nhiều về thời sự, ở với cộng đồng, nhiều khi tỏ thái độ “kiêu binh”, ỷ “ta đây” mà nói năng phách lối, hành động kiểu “công thần”, khinh thường cán bộ cơ sở. Vì vậy, ông Nguyễn Tấn Dũng đưa ra lời khuyên: ”phải “RÁN làm người tử tế” để nêu gương cho mọi người.
Ngoài ra, xưa nay, thế thái nhân tình cho thấy nhiều trường hợp một người nào đó, khi có chức có quyền, thì nhận được sự kính trọng, nể vì, nịnh bợ, tâng bốc, nhưng khi hết quyền, hết chức, thì bị người đời xa lánh, xem thường, nhiều khi nói xấu, “vạch lá tìm sâu”, thậm chí bắt tội những việc mà người ấy làm khi còn tại chức.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, trong lời phát biểu: “RÁN làm người tử tế”, chỉ nhắn gởi đến những vị sắp mãn nhiệm; tuy nhiên, giữa hội trường, người lưu nhiệm và người thăng nhiệm cũng có, lại thêm, các phương tiện thông tin đại chúng tường thuật cho nhân dân bằng truyền hình, truyền thanh và báo viết, báo mạng; thành ra, lời phát biểu ấy nhắm đến mọi người.

Cách giải thích và diễn dịch các cụm từ ấy là ý kiến riêng của người viết. Lẽ dĩ nhiên chắc chắn có độc giả nghĩ khác – quyền tự do tư tưởng mà!
Người viết mong được nghe những ý kiến khác ấy.

                                                          Hoàng Đằng
                                            03/4/2016 (26/2/Bính Thân)

No comments: