Tác giả Bành Phi Lân |
Ký ức Trường Nguyễn Hoàng (Quảng Trị):
THỜI ÁO TRẮNG NGUYỄN
HOÀNG
Bành Phi Lân
Thuở nhỏ hồi còn ở Cam
Lộ tôi thường mơ ước một ngày nào đó trên túi áo của mình có chữ thêu màu xanh
tên trường trung học Nguyễn Hoàng. Vì lúc đó học sinh đệ nhất cấp (cấp 2) chữ
thêu màu đỏ và chỉ về tỉnh học đệ nhị cấp (cấp ba) mới thay đổi màu chữ trên áo
được.Thật vậy biết bao nhiêu tự hào,vinh dự khi trở thành học sinh của một trường
công lớn nhất tỉnh- Nguyễn Hoàng.
Ở quê tôi, mặc dù là
vùng đất hiếu học, nhiều người nổi danh trong đó có thầy Thái Mộng Hùng, nhưng
không phải ai cũng có điều kiện “xuất ngoại” về “du học” ở thị xã.Trước tôi một
số anh chị đã là học sinh trường Nguyễn Hoàng và những hình ảnh ấy cứ thôi thúc
chúng tôi phải làm sao tiếp tục theo bước.
Năm 1966-1967, tôi và
Phùng Đình Ước, một người bạn thân cùng
học Cam Lộ, xin vào học lớp đệ tam B1 của trường Nguyễn Hoàng, còn một số bạn
khác vào các ban A và C. Riêng ban B (ban toán) có bốn lớp: 2 lớp Pháp văn (B1
và B2) và 2 lớp Anh văn (B3 và B4). Phần
lớn học sinh giỏi toán tập trung vào lớp này. Tôi nhớ lớp tôi có 5 nữ sinh đều
học giỏi và dễ thương như: Lê Thị Ly (sau này học Y khoa Huế và làm việc ở
Pasteur Nha Trang), Phan Thị Thanh Tâm (sau học ĐHKH Huế), Cao Thị Nguyên, Bùi
Thị Xuân (sinh viên Sư Phạm), bạn Hoa (quên họ mất rồi! hình như Lê Thị Hoa thì
phải,học cán sự y tế).
Lần đầu tiên xa nhà nên
nỗi nhớ cứ ám ảnh hoài, khiến những lần ra chơi hay đi học về thường ghé qua bến
xe (ở phía trước cổng trường, bên kia đường) để mong gặp người Cam Lộ.
Năm học đệ tam, tôi trọ
ở nhà người quen trong khuôn viên nhà thờ Thạch Hãn (đường Quang
Trung).Từ đây đi bộ đến trường không xa và cùng đi với bạn như Nguyễn Đắc Ninh,
Lê Ngọc Sử… nên đường xa hóa gần.
Năm đệ nhị, tôi ở xóm
Thạch Hãn, nơi đây có những luỹ tre xanh, con đường làng nho nhỏ, người dân hiền
hoà mến khách đã làm ấm lòng những người xa quê.Trong hai năm này tôi may mắn
được học với quý thầy cô như môn toán có thầy Lộc, thầy Đồ.., Anh văn có thầy Tấn,
cô Quỳnh, thầy Anh;Việt văn có thầy Bá, thầy Diên; Pháp văn có cô Thanh, thầy Hụê..,
Sử, Địa có thầy Sang.., Lý Hoá có thầy Lâm, thầy Tường..,vạn vật cô Toàn, cô
Lan…Cuối năm đệ nhị (1968) đi thi Tú tài 1 ở Huế tôi cũng đã vượt qua với hạng
bình thứ.
Năm đệ nhất (1968-1969),
một số học sinh chuyển qua ban A (vạn vật) trong đó có 5 cô bạn khả ái trên và
làm cho lớp trống vắng ít nhiều. Lớp chỉ còn 34 bạn (toàn nam), giáo sư hướng dẫn
(chủ nhiệm) là thầy Phan Văn Tường dạy hoá, thầy Lê Văn Gioang dạy Pháp văn, thầy
Lê Mậu Tâm dạy triết, thầy Đào Hữu Suyền dạy toán, cô Phan Thị Ngọc Lan dạy vạn
vật, thầy Hồ Sĩ Châm dạy Anh văn,thầy Lê Văn Mãn dạy sử - địa, thầy Trương Văn
Bính dạy lý..
Phải nói chương trình lớp
đệ nhất khoa học toán rất khó, chúng tôi không những học sách của các tác giả
trong nước mà còn học và làm toán của các tác giả nước ngoài, trong đó có cuốn
“Le Bossé" kinh điển, vì toán hệ số 5. Năm này cũng là năm cuối cùng của thời học
sinh nên bạn bè rất quý nhau. Ai cũng biết thời gian chia xa sẽ đến nên tạo nhiều
cơ hội để có kỷ niệm như tổ chức đi chơi. Liên hoan cuối năm có mời thầy Hùng
hiệu trưởng, thầy Thanh tổng giám thị, quý thầy cô dạy bộ môn kể cả dạy những
năm trước tham dự rồi chụp hình lưu niệm. Những tấm hình năm xưa mặc dù có tấm
đã bị hư hỏng phần nào, nhưng mỗi lần nhìn kỷ niệm lại hiện về rất thân thương
và gần gũi. Năm này tôi làm précepteur (gia sư) cho các con của anh chị Phan
Quang Cầu (nhà Thầy trợ Đãi) ở đường Phan Thanh Giãn nên thời gian khá bận bịu.
Kì thi Tú tài 2 năm
1969 có nhiều bạn thi rớt phải đi lính hoặc kíêm cách nào đó bươn chải để mưu
sinh. Tôi may mắn vượt qua và ghi danh vào trường ĐHKH Huế, học lớp dự bị 1.Thế
là từ giã Quảng Trị, trường Nguyễn Hoàng thân yêu để vào Huế làm kiếp sống sinh
viên
Tổ chức Chi hội Ai hữu
Sinh viên_Học sinh Quảng Trị tại Huế:
Tôi viết thêm mục này để
cùng các bạn cựu học sinh Nguyễn Hoàng gợi nhớ lại quãng thời gian đã cùng nhau
vào đất Thần Kinh trọ học. Đặc biệt sau “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, chiến tranh
ác liệt xảy ra ở quê nhà, khiến cho biết bao gia đình li tán, không thể về lại
quê mình như trước đây.
Năm 1973-1974, khi tôi
đang học năm thứ 4 trường ĐHSP và ĐH Văn Khoa Huế đã cùng một số bạn bè cựu học
sinh Nguyễn Hoàng ở Huế như ở ĐH Sư phạm
có Lê Bân, Diệu Hoà, Hoàng Triều, Thái Mạnh Hoài, Lê Thị Ba… Văn khoa có Trương
Công Hải..., Luật khoa có Trương Thị Sinh..,Y khoa có Lê Thị Ly..và nhìêu bạn
khác ở trường ĐH Khoa học, mỹ thuật, cán sự y tế, vv... thành lập chi hội Ái hữu Sinh viên, Học sinh Quảng Trị tại Huế nhằm kết nối tất cả các bạn để có điều kiện
giao lưu, giúp đỡ nhau trong những tháng ngày xa quê. Chỉ trong thời gian ngắn,
chúng tôi đã tổ chức được đại hội bầu ra ban đại diện. Khách mời rất đông như
quý thầy cô lãnh đạo viện đại học, các khoa, các trường cao đẳng, chuyên nghiệp.Trong
đó có thầy Lê Đình Cai (dạy ở ĐH Văn khoa Huế), thầy Nguyễn Ngọc Cư (công tác ở
Sở Nông Nghiệp), thầy Nguyễn Châu (giáo sư triết trường Quốc học).. và nhiều mạnh
thường quân khác. Số sinh viên học sinh tham dự đông chật kín ở hội trường Quảng Trị.
Đại hội rất hoành tráng và thành công tốt đẹp. Ban chấp hành chi hội Ai Hữu quy
tụ nhiều thành viên đại diện cho các trường Đại Học, cao đẳng và trung cấp
chuyên nghiệp ở Huế trong đó tôi (Bành Phi Lân) được bầu làm chi hội trưởng.
Sau đại hội, những
thành viên trong BCH Chi hội Ái hữu thường gặp nhau để bàn bạc tổ chức các
chương trình tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng SVHS. Chúng tôi đã liên hệ vối hội
Chữ Thập đỏ ở Đà Nẵng và vào nhận tặng phẩm để đưa ra Huế trao lại cho SVHS khó khăn.Tổ chức được 2
chuyến cho SVHS ra Quảng Trị thăm quê và phát quà cho đồng bào nghèo ở Hải
Lăng, dự ngày lễ Đại trai đàn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cầu
siêu cho những người tử nạn trong chiến trận Trị Thiên năm 1972 ở Cầu Dài. Một
kỷ niệm không thể nào quên là chúng tôi tổ chức đêm họp mặt cuối năm âm lịch thật
trang trọng với một chương trình văn nghệ phong phú, có cả tiết mục hợp xướng của
ban chấp hành chi hội. Những ngày đầu năm âm lịch, chúng tôi có chương trình
thăm tết đến gia đình các bạn đang sống tạm cư ở Đà Nẵng. Chúng tôi còn tổ chức
lễ cầu siêu tại chùa Diệu Đế Huế và cầu hồn ở nhà thờ Huế cho đồng bào của mình
trong những ngày lễ lớn.
Từ những hoạt động thiết
thực, chi hội Ái hữu trở thành cầu nối cho tất cả sinh viên, học sinh Quảng Trị
đang học tập tại Huế để có điều kiện gần nhau hơn,hiểu biết, chia sẻ với nhau
nhiều hơn.
Những năm tháng xa quê
làm nghề “gõ đầu trẻ”:
Sau khi tốt nghiệp ĐHSP
Huế, năm 1974 với hạng bình thứ tôi chọn nhiệm sở Bình Thuận rồi đến năm 1988
xin chuyển về BRVT và ở đó cho đến nay. Xa Quảng Trị, xa Nguyễn Hoàng từ năm
1969 đã được 40 năm. Trong khoảng thời gian này tôi chưa có dịp gặp được nhiều
thầy cô, bạn bè xưa.
Hè 2008 tôi về lại Quảng
Trị gặp được một số bạn bè trong đó có CHS Nguyễn Hoàng như Trần Văn Thiết, Hoàng
Cầm, Thái Văn Phúc, Hồ Ích và ngồi “lai rai” với nhau ở bên bờ sông Hiếu....
BR-VT, 23-8-2008.
Bành Phi Lân
No comments:
Post a Comment