Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 6, 2020

ĐÊM BA MƯƠI GIÓ THỔI - truyện ngắn Nguyễn Đặng Mừng

 Để tưởng nhớ nhà thơ Hoàng Cầm

Nguyễn Đặng Mừng - Ảnh: Lê Vĩnh Thái



Đêm ba mươi gió thổi
Tôi lại nhớ con tôi
Vợ đói con cũng đói
Khóc lả lặng từng hồi
Mẹ thì nước mắt nhiều hơn sữa
Ngực lép con nhay đã rã rời (1)

Giọng hò lạ lùng lần đầu Bình nghe ấy là của chị Hòa, thiếu phụ người Bắc di cư, vợ lính Cọng Hòa. Chị thuê phòng trong nhà Bình để ở. Chồng chị đi hành quân liên miên, cả tháng mới có dịp về thăm vợ con. Cún Con, tên chị thường gọi đứa con gái bảy tuổi của chị cũng tên Bình. Chị bảo để nhớ một kỷ niệm, một mơ ước không bao giờ có được của mẹ con chị, và Thầy. Chị gọi cha là Thầy.

Chị nỉ non, lúc chị lên năm tuổi, Thầy chị đi Vệ Quốc Đoàn. Thầy bảo hòa bình rồi mẹ sẽ sinh thêm một em bé nữa cho chị ẵm, sẽ đặt tên cho bé là Bình, chị Hòa và em Bình, hòa bình. Chị bảy tuổi mẹ vẫn bắt ngủ trong võng để mẹ ru và hát. Mẹ hát hành khúc, hát quan họ, và khi chị hiu ngủ, bao giờ mẹ cũng hát ru:

Một ngày bốn năm bữa
Con khóc chừng đứt hơi
Sục tìm vú mẹ không còn sữa
Há miệng uống no dòng lệ rơi.

Mẹ người Hà Nội theo Thầy chị về làm dâu xứ Bắc Ninh. Thầy đi xa biền biệt, qua những lá thư mẹ đọc cho nghe hằng đêm chị cứ tưởng tượng về bao vùng rừng núi xa xôi, nơi Thầy đang hành quân. Thầy thường chép nhiều bài thơ hay gửi về cho mẹ như Màu Tím Hoa Sim, Núi Đôi, Tây Tiến... Trong cái thiếu ăn đói rét vùng quê những năm kháng chiến, những đêm đông nghe mẹ hát thơ, buồn lắm.

Ngày đón đoàn quân về thủ đô mẹ con chị ăn mặc thật đẹp, mang theo nhiều hoa để đón Thầy. Đoàn quân đi trong tiếng nhạc hùng tráng, hai bên đường rợp cờ và hoa. Mẹ cứ nhón chân lên reo hò khản cả giọng. Mẹ cứ bảo nhiều lần, hình như Thầy con đi đầu, rồi hình như Thầy con kìa… Rồi đến người cuối cùng cũng không gặp được Thầy. Mẹ con tặng hết hoa cho những chú bộ đội cuối cùng rồi một mình đi giữa phố phường Hà Nội. Trời mùa thu mưa lất phất. Mẹ im lặng, khóc tấm tức. Chị cũng khóc. Mấy ngày sau mẹ gửi chị lại cho ngoại rồi lên đường cùng vài chị bạn chung hoàn cảnh đi tìm chồng. Năm đó chị mười hai tuổi.

Mẹ đi cả tháng không thấy về. Bên ngoại chuẩn bị về Hải Phòng xuống tàu vào Nam không nỡ bỏ cháu một mình. Bà ngoại bảo đi hai năm sẽ trở về, vậy mà...

Tiếng súng ngày mỗi gần, có lúc nổ ran trong thành phố. Những đêm tháng chạp giá rét, thằng Bình mười hai tuổi cuộn mình trong chăn ấm mà lắng nghe chị hát ru con. Giọng chị buồn thê thiết như nhắn vào đâu đó, từ xa vọng về tiếng bom đạn trong đêm giao thừa năm ấy. Giọng hát ru Bắc Bộ nghe thao thiết hơn, “âm điệu” hơn tiếng hò trầm thống ngặt nghèo xứ Quảng Trị của Mạ ru Bình ngày thơ bé:

Gió đưa bụi chuối te tàu
Vợ Nam chồng Bắc làm giàu ai ăn.

Bình khóc lặng lẽ, nhớ về người cha chưa một lần tỏ mặt, lại tưởng tượng về phương Bắc, nơi chưa bao giờ nghĩ sẽ một lần được đến. Nơi có tiếng ạ ời bắt đầu mỗi câu hát ru buồn thảm như tiếng khóc người mẹ ấy. Nơi có cái áo tứ thân và khăn mỏ quạ ấy, với Bình thời đó nó như sắc như không, lãng đãng xa mà lại thao thiết, gần kề.

Bình tìm đọc những tác phẩm trong Tự Lực Văn Đoàn, đôi khi khóc với số phận cô Mai trong Nửa Chừng Xuân, cô Liên trong Gánh Hàng Hoa. Và lại tưởng tượng về những khuôn mặt trái xoan e ấp dưới chiếc khăn mỏ quạ, “lúng liếng” những đôi mắt trong veo, đẹp và buồn đến thi vị.

Bình hay hỏi chị về xứ Bắc để được nhìn chị ngước lên, đôi mắt đen láy, “Cậu hỏi gì cơ! Em hỏi chị về bài hát ru ấy, bài Đêm Ba Mươi Gió Thổi ấy, của ai hay ca dao”. Chị cười, nụ cười mỉm mà đôi mắt thì ươn ướt như khóc, bảo “Tôi không biết. Nhưng cậu hỏi xuất xứ làm gì, điều đó để cho các nhà biên khảo. Còn tôi thấy bài nào hay thì hát ru cho Cún Con ngủ, và để nhớ mẹ tôi đang còn ở ngoài Bắc, thế thôi”. Tôi lại hỏi, “chị có mặc áo tứ thân và chít khăn mỏ quạ không”. Chị lại cười, lần này thì đúng là reo cười, “Tôi có một bộ mẹ tự tay may cho lúc mười tuổi. Mẹ bảo để lớn lên lấy chồng rồi mặc, giờ tôi vẫn còn giữ, ngày tết mới mặc để đi chào bà con lúc còn đi học ở Sài Gòn. Tôi có mang theo đây, đến tết tôi sẽ mặc nó ra chào gia đình cậu, để nhớ mẹ và gia đình thủa bé của tôi ngoài Bắc”.

Mỗi lần chị đi chợ thường gửi Cún Con cho “anh Bình”, tại Cún hay khóc nhè mỗi lần mẹ đi chợ. Bình thường trêu Cún Con khóc nhè răng sún. Còn làm “bài hát” tặng Cún nữa, nhạc rằng:

Bồ ơi hãy cười đi thôi
Cún Con răng sún bỉu môi lè nhè
Bồ ơi đi hội đi hè
Hàm răng sún hết còn đòi me mua quà
Xấu chưa bồ đã khóc òa
Trời ơi răng sún nhà ta khóc rồi.

Mỗi lần Bình hát trêu Cún Con lại khóc dữ hơn. Bình vuốt mái tóc mềm như tơ của Cún xin lỗi, và hứa không gọi Cún Con Khóc Nhè nữa, sẽ gọi là Tiên Nữ Tóc Dài. Cún lại cười toe. Đôi khi Bình tưởng tượng Cún Con sẽ lớn lên và đẹp như mẹ, sẽ mặc áo tứ thân và hát bài Xe Chỉ Luồn Kim như cô bạn cùng lớp lớn hơn Bình hai tuổi trong buổi văn nghệ trường tổ chức thi hát dân ca:

Xe chỉ ô mấy kim luồn kim, ố mấy kim luồn kim. Rồi ngồi í rồi.
May quần, tình chung bằng đôi nhiễu tím, ối a..í a. gửi ra…gửi ra chồng cho chồng.
Xang ù lưu cống xê xàng…

Bình tập Se Chỉ Luồn Kim cho Cún. Giọng Bắc của Cún hát dân ca Bắc Bộ thật hay và mượt. Cún bảo mẹ hát quan họ thường múa tay vậy này, vậy này, rồi múa đôi bàn tay nhỏ mềm mại theo điệu hát. Từ đó Cún không vòi mẹ nữa mà khắng khít với Bình như anh em ruột. Có lần Cún bảo anh em mình chơi trò vợ chồng đi, như hình đám cưới của bố mẹ ý. Bình ngại nhưng không dám từ chối mà khất rằng đến hè đi, sẽ xin Mạ may cho anh bộ khăn đóng áo dài và mẹ Cún sẽ may cho Cún áo tứ thân đã nhé.

Chồng chị Hòa chết trong ngày tết năm ấy. Chị dắt Cún lên chiếc xe nhà binh, tay xoa xoa vào nắp quan tài mà khóc. Bình đứng nhìn theo chiếc xe xa dần, vẫy tay theo, khóc ngất. Trong lờ mờ nước mắt Bình loáng thoáng thấy bàn tay nhỏ xíu của Cún Con vẫy vẫy như đang múa hát với mình.

Vậy là Bình không được thấy chị mặc áo tứ thân như đã hứa. Không được chơi trò đám cưới với Cún Con như Bình hứa. Và hằng đêm gió bấc về Bình lại nhớ da diết những lời hát ru của chị Hòa.

Đêm ba mươi gió thổi
Tôi lại nhớ con tôi…

*

Mấy tháng trời Bình đi tìm đất sống ở Miền Đông Nam Bộ. Mùa đông ở đây thật lạ lùng, nhiều tháng không có hạt mưa, gió lại hú ầm ào suốt đêm ngày như gió Nam Lào từng trận. Lửa rừng rực thiêu cháy những rẩy tre vừa phá, khói bốc lên màu xám tro từng đụn như những ngày chiến tranh mùa hè bảy hai ở quê nhà.

Con đường đỏ quạch chạy vòng vèo qua những cánh rừng mới phá. Nắng chiều tháng chạp cháy rát, nghi ngút khói từ những thân cây đang cháy nham nhở. Người ta phá rừng, đốt để làm rẫy. Cây nào đẹp thì cưa lấy gỗ cất nhà hoặc bán cho cánh lái buôn thông đồng với kiểm lâm chở về Vũng Tàu, Phước Tỉnh. Thường là các loại gỗ dùng để đóng tàu vượt biên như căm xe, sao, bình linh… Còn bao nhiêu là đốt, đốt tất. Tro gỗ tạp màu trắng, rất mịn, được các công ty nhà nước thu mua cho các nhà máy xà phòng đang khát nguyên liệu. Hàng chục khối gỗ mới được một gánh tro. Những loại gỗ chắc hơn được đốt làm than.

Bình mang ba lô, trong đó là những dụng cụ nhà nông như cái cuốc lưỡi gà, cái búa chẻ củi, cái cào sắt. Anh trân trọng nó như gia sản của mạ chia cho từ lúc bỏ làng đi Nam. “Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”. Những đám mây trắng bay về hướng Bắc, nơi xóm làng, bà con Bình đang ở đó. Nơi mạ anh nằm trong mộ lạnh mỗi đêm nghĩ về phận người, về cha anh đang ở đâu đó ngoài Bắc, chưa về.

Bình đã đi nhiều nơi, làm nhiều việc, mà sao nơi đâu cũng còn nghe tiếng kẻng. Mỗi lần nghe kẻng là Bình lại toát mồ hôi, lạnh xương sống. Lần này anh phải đi thật xa, thật sâu vào nơi không còn tiếng kẻng. Bình đi tìm một người bạn đang làm nghề xẻ gỗ ở đây. Tên ấp Cà Tó đủ nói lên sự xa xôi hun hút của nó. Đêm nay giao thừa, được nằm ở căn chòi nào đó, giữa rừng sâu cùng bạn, với Bình là ước mơ. Đã hai ngày đi bộ vẫn chưa đến nơi bạn hẹn. Bình ghé vào một quán tranh nằm cheo leo giữa dốc xin nước uống và kiếm chút gì lót dạ.

Thiếu phụ chừng bốn mươi tuổi ngồi bên một bà già mù chít khăn mỏ quạ. Bà già mù ạ ời hò giọng Bắc đưa nhẹ chiếc võng màu cháo lòng, trong đó là con búp bê lớn “đang ngủ”.

Thiếu phụ chào và hỏi, “cậu mua gì ạ”. Giọng Bắc của chị trong và thật gần gũi, quen quen như đã nghe đâu đó. Bình ngồi xuống trên “chiếc ghế” làm từ lóng gỗ tròn được cưa ra. Sau khi mua nải chuối và ít thuốc rê để lên sạp tre, Bình hỏi, “ấp Cà Tó còn bao xa nữa chị”, “nghe nói đi thêm nửa ngày đường nữa, tôi cũng chưa tới đó bao giờ”. Bình ngồi nhìn lung ra cánh rừng đang cháy, những gốc cây nghi ngút nhập nhòe. Mặt trời đã khuất sau những cây cao còn sót lại, vẽ những hình thù dài ngoẵng.

- Này cậu, từ đây tới ấp Cà Tó phải qua mấy cánh rừng và bốn con suối nữa. Cậu định đi đêm à. Trông cậu thư sinh thế, vào đó để làm gì?

- Tôi định đi xẻ gỗ cùng đứa bạn đang ở đó.

- Cậu ở Sài gòn lên, đúng không? Vùng này dân kinh tế mới từ quân 10 lên đây nhiều lắm. Một số không chịu nỗi đã về lại thành phố, một số còn “bám trụ” như gia đình tôi.

- Không, tôi ở ngoài Trung vào. Ở tận Quảng Trị lận.

- Hồi năm sáu bảy tôi cũng theo chồng ra đó. Nghe nói thành phố đó sụp đổ năm bảy hai hết rồi. Cậu cũng ở thành phố à. Ngày xưa tôi có thuê một phòng ở nhà số… đường…

- Nhà tôi đó. Không lẽ chị là chị Hòa?

- Và cậu là cậu Bình. Trời ạ, cậu Bình thật đây à. Sao ra nông nỗi này. Mạ khỏe không…

- Dạ… Mạ em mất rồi, từ cuối năm 1975. Nghe nói cha em đã có vợ ngoài Bắc nên Mạ em buồn rồi lâm bệnh mà mất.

Bình quay sang chào Bà. Chị Hòa nháy mắt nói nhỏ: “Bà lẫn rồi, và lãng tai nữa. Những ngày ở lại Bắc, bà bị quy vào thành phần tiểu tư sản, có con theo địch vào Nam. Bà trở thành người điên, chạy khắp làng kêu Hòa ơi, Hòa ơi. Sau 75 chị ra Bắc đem bà vào. Ngày nào bà cũng chống gậy mò mẫm đi quanh vườn và hát liền anh liền chị. Mệt thì về ngồi bên chiếc võng ru con búp bê và hò ạ ời đến tối. Đi ngủ bà lại ôm búp bê vào giường và nựng như ấy là chị ngày thơ bé, Cún con ơi ngoan nào, ngoan nào, ngủ cho ngoan nào…”.

Bình hỏi, “em Cún đâu, có chồng chưa hở chị”. Chị như rùng mình, đôi mắt buồn hằn nhiều vết chân chim chớp chớp, nước mắt lăn xuống hai gò má trắng xanh. Chị nấc nhẹ, hai vai rung lên khóc thành tiếng. Bình theo hướng nhìn của chị về phía bàn thờ. Ở đó còn cây nhang đang cháy trước hai di ảnh của chồng chị và Cún Con. Bình đứng lên đi đến trước bàn thờ, nhìn thật lâu vào đôi mắt như cười của Cún Con. Hai bím tóc như đang đung đưa trên má lúm đồng tiền, khuôn mặt thanh tú và đẹp như chị ngày nào. Chị Hòa đặt tay lên vai Bình, nói trong tiếng nấc: “Em nó đi nông trường, rồi lại theo đoàn thanh niên xung phong đi tải đạn. Nó chết ở biên giới Tây Nam năm bảy chín và được chôn ở đó. Chị mới bốc mộ về đây để được gắn bố”. Mình ra thăm mộ em đi, chắc nó còn nhớ anh Bình.

Trăng vằng vặc. Và gió. Gió hú từng nhịp, rồi lặng đi. Rồi hú.

Hai chị em đi thật chậm. Bóng đổ liêu xiêu về hướng hai ngôi mộ.

Chị Hòa thắp một bó nhang lớn, cùng Bình cắm lên hai ngôi mộ đất. Bình gom củi đốt. Lửa bắt ngọn cháy bùng. Bóng hai chị em rung rinh, lung linh lung linh. Họ không nói chi, chỉ nghe tiếng lách tách của sự cháy. Bình nhớ câu kinh thánh, “Này ngươi là tro bụi, hãy trở về với bụi tro”.

Họ lại quay về. Chiếc võng đung đưa đưa theo gió. Con búp bê không còn. Bình bảo, “chị ơi, em sẽ thay con búp bê nhé. Chị ru em ngủ và hát ru đi, Đêm Ba Mươi Gió Thổi đi”.

Gió vẫn hú, từng nhịp. Xào xạc gió và tiếng ru hời của chị Hòa. Rồi bất chợt chị hát, giọng lạc đi. Từng nhịp, từng trận:

Trên nông trường không xa lắm. Có đôi chân đi không ngại ngần... Em bây giờ quen mưa nắng, tóc trên vai vấn vương bụi hồng… Xa nông trường ra biên giới, có đôi khi đi không trở lại”(2).

Chị lại cười ha ha, ha ha. Chị sờ sẫm khuôn mặt ướt nước mắt của Bình, kêu lên thảm thiết, “Cún Con ơi, anh Bình đến thăm nì. Dậy đi, răng sún nhà ta ơi, ơi…”. Bất chợt chị vùng chạy lảo đảo về phía mộ Cún. Tóc chị rối tung lao chao trong gió, cái gì như khăn tang trắng bay dập dờn theo. Bình chạy theo. Chị nằm sấp sóng soải như xác chết vắt qua ngôi mộ đất. “Anh ơi, nằm xuống đây đi, với con cho ấm. Anh về sao không báo với em để em làm cỗ cúng con…”. Chị kéo Bình xuống rồi ôm riết vào lòng, thều thào mấy tiếng nữa nghe không rõ, rồi lịm đi. Gió lặng một lúc, Nghe rõ mồn một tiếng hò của mẹ chị: “ạ ời, à ơi… cha con đánh giặc lập công, cho sữa mẹ chảy một dòng thiên… ờ… thu. Cha đem cái chết quân thù, làm nên sức sống… bây giờ của ờ… con, à ời…à ơi…”. Rồi tiếng bà dỗ dành, “Cún Con ngủ đi, ngoan nào, ngoan nào… chiến thắng rồi, Tây đầu hàng rồi, ngày mai ba con về rồi đó, ngoan nào”.

N.Đ.M
(264/2-11)



-------------
(1) Tâm Sự Đêm Giao Thừa, Thơ Hoàng Cầm.

(2) Nhạc Trịnh Công Sơn.

No comments: