Tác giả Ngưng Thu |
Hôm nay được tin
bà vợ ông Bách vừa mới được đưa từ bệnh viện về, nghe nói kỳ này chắc không qua
khỏi, hình như là bác sỹ chạy rồi. Mấy cụ trong xóm bảo nhau: Đã ung thư rồi
thì khó mà qua lắm.
Đó là một người
đàn bà mà tôi nhớ mãi trong đời.
Mẹ tôi vẫn ngồi đó, cái thớt vẫn còn nằm lọt trong cái trẹt
nom cũng cũ kỹ lắm rồi, hai hàng nước mắt mẹ cứ chảy dài xuống má. Tôi đứng
nhìn mẹ mà không biết nói gì, chỉ biết là thương mẹ lắm, nhưng tôi tính tình
vốn hay rụt rè ít khi thể hiện tình cảm ra ngoài bằng cử chỉ hành động mà chỉ
biết im lặng quan sát, lúc đó nước mắt của mẹ cũng làm tôi rưng rưng.
Sáng ba mươi tết,
nhìn thấy sợi lạc treo cục thịt heo trên đầu bếp, mấy anh em tôi vui mừng đến
sướng rơn cả người, mẹ nói là không có tiền mua sắm quần áo tết cho chúng tôi
thì cũng hơi buồn chun chút nhưng nỗi buồn đó cũng qua thật nhanh khi biết là
không có quần áo mới thì dù gì nhà mình cũng còn có thịt để ăn. Thằng em út tôi
mới hai tuổi rưỡi nhưng cũng khoái nhất món thịt kho với trứng của mợ tôi, mỗi
khi cúng giỗ cậu mợ mang sang cho một ít, thể nào mẹ tôi cũng để dành cho nó.
Út được mẹ cưng ghê lắm. Út oi mà. Mẹ hay nói thế mỗi lần ôm hôn Út.
Tháng tết này gà
trong nhà đẻ cũng đựơc vài ba chục trứng nhưng mẹ đem bán hết chỉ chừa lại cũng
tròn mươi quả. Tưởng tượng tới món thịt kho trứng trong mấy ngày tết là mấy anh
em tôi quên ngay mọi cái thiếu thốn khác mà cứ là sướng rơn trong bụng. Ôi!
cái mùi thịt mẹ kho thì mới tuyệt làm sao, chỉ nghĩ tới tôi cũng đã chảy cả
nuớc miếng.
Trưa đến hơn đứng
bóng mẹ mới xong việc chợ đò, vừa gánh cái gánh về đến nhà là mẹ tay xắn áo xắn
quần lau dọn nhà cửa làm đủ thứ việc. Ấy là ở nhà đã có mấy cha con dọn dẹp
tổng vệ sinh nhà cửa, giặt mùng, giặt mền trước đó mấy hôm rồi. Vậy mà không
biết việc đâu ra mà mẹ cứ quần quật suốt. Cũng tới lúc mẹ đem thịt ra chặt kho,
tôi đang ở ngoài vườn cùng các em tôi, mấy đứa này đúng là …chỉ thích nghịch
đất, mà cũng đúng thôi, con nhà nghèo như anh em chúng tôi có cái thứ trò chơi
gì đâu, không nghịch đất em tôi chơi cái gì cớ chứ.
Có tiếng người
gọi ngoài cổng. Mấy em tôi còn đang nghịch đất ngoài vườn, tôi là chị lớn nên
hay phụ mẹ lo la rầy nhắc nhở và tắm rửa cho các em. Không biết mẹ và người đàn
bà đó nói gì với nhau, một lát sau, người ấy đi ra, tay xách cái xâu thịt mà ba
tôi treo trên bếp khi sáng. Tôi và các em tôi ngơ ngác không biết chuyện gì xảy
ra với mẹ, chỉ thấy mẹ ngồi đó, nước mắt đâu mà mẹ cứ tuôn ra tuôn ra hoài thế
không biết, các em tôi ngây thơ không hiểu gì đứa út thấy mẹ khóc nên cứ cuống
quýt gọi: Mẹ ơi! mẹ ơi!
Mẹ tôi ôm đứa út
vào lòng không nói gì cứ thế mà nước mắt tuôn trào. Còn tôi thì cứ đứng ngây
người ra đó và nước mắt thì cứ tuôn theo. Tuy không biết gì nhiều, nhưng tôi
cũng lờ mờ hiểu có lẽ là bà ấy xiếc nợ mẹ thôi, làm ăn buôn bán quanh năm trên
mảnh đất nghèo nàn này mẹ nuôi chúng tôi lớn lên hàng ngày như thế này cũng là
quá vất vả. Năm hết tết đến, nợ nần chỗ khất được chỗ không, mẹ không oán trách
người đàn bà ấy mà chỉ thương các con không còn thịt thà gì trong ngày tết nữa…
Lúc đó không có ba ở nhà, ba vừa đi đâu đó hình như là có
bác bên xóm gọi qua phụ bác làm tất niên. Nhìn mẹ khóc, lòng tôi thật sự rất
đau, tôi không hiểu lắm chuyện người lớn nói gì với nhau, nhưng lúc đó tôi đã
học lớp năm, nên tôi cũng biết thương mẹ. Tôi hiểu lòng mẹ, mẹ vất vả vì chúng
tôi quá nhiều, đời mẹ gian khổ không sao, muốn cho con cái có miếng thịt trong
ngày tết mà cũng không thể, mẹ ngồi yên trước cái trẹt cũ mà gương mặt buồn
rười rượi.Tôi luôn để mắt tới mẹ, gió từ cửa bếp thổi vào làm tóc mẹ bay phất
phơ, hơn bốn mươi tuổi mà hình như lúc này tôi thấy tóc mẹ trắng đi nhiều, nhìn
mẹ ôm em tôi vào lòng, tôi thưong em tôi quá và cũng thương mẹ càng nhiều hơn.
Một lát sau đó,
mẹ tôi vẫn chưa đứng dậy, cứ ngồi thừ ra trước tấm thớt không còn miếng thịt
nữa. Trông mẹ già hẳn đi nhiều lắm. Lại có tiếng nguời đàn bà khi nãy ngoài cửa
trước, chuyện gì nữa đây? Tôi lo lắng không biết bà ấy sẽ làm gì mẹ tôi nữa, mẹ
đã khóc nhiều rồi. Nhưng không, bà ấy đi xăm xăm vào nhà, đi thẳng xuống bếp và
tới gần cái trẹt vẫn còn đó, bà thả cục thịt cái bạch xuống ngay tấm thớt gỗ, nhìn
mẹ tôi có vẻ hơi bực bực một chút nhưng trong ánh mắt bà ấy là cả sự thương
cảm, không nỡ tâm … Chắc là trên đường về bà ấy suy nghĩ thế nào rồi quay ngược
trở lại. Mẹ tôi rối rít cảm ơn bà ấy nhưng bà không nghe và cũng không nhìn mẹ
mà cứ thế một mạch đi ra … Mẹ ôm em tôi hôn liên tiếp mấy cái rồi lại ngồi chặt
thịt tiếp … Mẹ vui vì chúng tôi vẫn có thịt để ăn, nhưng trong ánh mắt xa xăm
của mẹ, tôi nhìn thấy một nỗi buồn vời vợi …
Đám tang bà vợ
ông Bách, cả tôi và ba tôi đều đến. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của bà ấy
lúc xách xâu thịt đi ra khỏi bếp nhà tôi hơn ba mươi lăm năm về trước. Nhưng mà
sao tôi không hề oán ghét bà, lúc đó cũng như bây giờ. Khi mà giờ đây bà đã nằm
yên bất động và chuẩn bị đi vào lòng đất … Tôi cũng đã thầm cảm ơn bà vì dù sao
lúc đó bà cũng đã quay trở lại với xâu thịt trên tay. Con người sống chết là
thế đấy. Có những việc làm mà sau bao nhiêu năm người ta vẫn còn nhớ. Đó lá kí
ức mà trong đời tôi chẳng thể nào quên … Và có lẽ trong cuộc sống thường ngày,
khi chứng kiến sự lớn lên rồi trưởng thành của chúng tôi, lòng bà không hề ray
rứt vì cảm thấy mình đã làm rất đúng.
Tôi đưa tay lên ngực mình cầu nguyện. Tôi cầu cho bà ra đi
được thanh thản. Gió mùa thu hiu hiu buồn và lòng tôi cũng mang mác một nỗi
buồn. Con người sống chết vô thường quá. Thế mới cần phải biết là nên ăn ở với
nhau như thế nào trên đời. Ngưng Thu
2013
No comments:
Post a Comment