Tác giả Hoàng Đằng
VÀI SUY NGHĨ KHI ĐỌC BÀI THƠ HAY:
“VỀ ĐI ANH!” CỦA ĐINH QUANG TUYẾT
Bài viết của Hoàng Đằng
Hội ngộ trường trung học Nguyễn Hoàng xưa lần thứ 5 đã diễn ra chính thức trong khuôn viên trường phổ thông trung học thị xã Quảng Trị vào tối 14/7/2017 (tiền hội ngộ với khoảng 300 người tham dự ?) và 15/7/2017 (hội ngộ chính thức với khoảng 600 người tham dự ?). Ngoài ra, còn có những cuộc hội ngộ đồng khoá, đồng lớp, những chuyến tham quan du lịch của từng nhóm ... diễn ra trước và sau hội ngộ, có lẽ kéo dài cả trung tuần tháng bảy.
Trước đó, trong không khí đợi chờ sự kiện, tình cờ tôi đọc được bài thơ: “Về Đi Anh” của Đinh Quang Tuyết do Nguyễn Đức Trực đưa lên facebook.
Trước hết, xin mời các bạn cùng tôi đọc lại bài thơ:
VỀ ĐI ANH!
Răng anh nói không về thăm Quảng Trị?
Thầy bạn xưa đang nao nức đợi chờ.
Ngày hội trường tháng bảy đến như mơ,
Ai cũng rứa sống lại thời áo trắng.
Em sẽ đợi trước cổng trường dịu nắng,
Can chi mô dù tóc úa màu phai,
Vẫn bâng khuâng e lệ lúc nhìn ai.
Anh cũng sẽ rộn ràng lòng như thế!
Về đi anh
Kẻo tàu khuya đến trễ,
Lá trên cây cong dấu hỏi nơi tề!
Còn bao lần ta quay bước về quê!
Răng không nghĩ? Cứ chần chừ suy tính.
Em nói thiệt đừng để lòng ân hận,
Vùng đất thiêng ghi dấu ấn ngày sau,
Tình mãi xanh dù tóc bạc mái đầu,
Tim vẫn trẻ chuyển lưu dòng máu đỏ.
Về đi anh
Khi vẫn còn hơi thở.
Về đi anh
Về thăm lại chốn xưa ...
Sau khi tôi đọc xong bài thơ này, nhiều cảm xúc và suy nghĩ dậy lên trong tâm trí. Tôi xin ghi lại đây để chia xẻ.
“Về đi anh”, mới đọc đầu đề, tôi tưởng đây là lời một cô gái rủ bạn trai mình cùng về làng để khoe quê hương hay để ra mắt với bố mẹ, người thân; tôi nghĩ như thế vì tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi lời bài hát “Rước tình về với quê hương” của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và lời bài hát “Về quê” của nhạc sĩ Phó Đức Phương ...
Thật ra, không phải như tôi nghĩ, bài thơ “Về Đi Anh” là lời rủ bạn đồng môn về dự hội trường sắp được tổ chức tại quê nhà.
Hình ảnh hội trường đưa ra thật hấp dẫn:“Ngày hội trường tháng bảy đến như mơ”. Hội trường là việc thật với người thật, sao lại “như mơ”?
“Anh” về, trước mắt “anh” là cảnh “thầy bạn xưa đang nao nức đợi chờ”; “anh” về, sẽ thật sự “sống lại thời áo trắng”; đặc biệt “anh” về, sẽ thấy “em”, dù “tóc úa màu phai”, “vẫn bâng khuâng e lệ”, “nhìn ai”, “đợi trước cổng trường dịu nắng”. Ở Quảng Trị, nắng tháng bảy dịu đi là một hiện tượng ít có của đất trời; thông thường, nắng tháng bảy nóng như thiêu như đốt, lại thêm được ngọn gió Lào đẩy, hất tạt từng luồng mạnh, làm khô da, rát mặt người đi đường. Nắng không như thế mà dịu đi là một chỉ dấu của thời tiết muốn nghênh tiếp “anh”. Tất cả là thật trước mắt “anh”, vậy mà “anh” tưởng “như mơ”; ấy là do “anh” bị ám ảnh lâu dài bởi cả một khung trời quá khứ – hội chứng chiến tranh đấy, “anh” ạ! Cách đây đã hơn 45 năm, ngày ra đi, “anh” ngoái đầu nhìn lại, sau lưng, bom đạn rền trời; mọi thứ đã thành tro bụi; trường lớp sập đổ tan tành, thầy trò mạnh ai nấy chạy hòng vớt vát sự sống; “anh”, “em” và chúng bạn là đàn chim non vỡ tổ, mỗi người mỗi phương, chắc ít người nghĩ đến ngày đoàn tụ; thế mà hôm nay lại là đoàn tụ, và tuổi thơ tái hiện. “Anh” thấy đó! Cảnh đoàn tụ hiện ra đột ngột, bất ngờ không giống như những gì “anh” đã nghĩ chắc chắn sẽ khiến lòng “anh” xao xuyến, “rộn ràng”:
Răng anh nói không về thăm Quảng Trị?
Thầy bạn xưa đang nao nức đợi chờ.
Ngày hội trường tháng bảy đến như mơ,
Ai cũng rứa sống lại thời áo trắng.
Em sẽ đợi trước cổng trường dịu nắng,
Can chi mô dù tóc úa màu phai,
Vẫn bâng khuâng e lệ lúc nhìn ai.
Anh cũng sẽ rộn ràng lòng như thế!
Những học sinh Nguyễn Hoàng ngày xưa ấy bây giờ đã “tóc úa màu phai”, quỹ thời gian trên cõi đời này không còn nhiều nữa.
“Còn bao lần ta quay bước về quê?” Hỏi thì cứ hỏi, nhưng câu trả lời đã có sẵn trong tâm trí mỗi người; chuyến về này có thể là chuyến về cuối cùng của cuộc đời ví như chuyến tàu khuya cuối ngày; chúng ta không tranh thủ lấy thì coi chừng cơ hội tuột mất, chẳng khác nào “đến trễ” chuyến “tàu khuya”.
Mà đúng vậy, đời chúng ta đã về chiều, thân xác hom hem, trí não thui chột, mắt mờ, tai điếc, răng long chẳng khác chi những chiếc lá già nua trên cây đã cong mình héo úa, chưa biết rơi rụng lúc nào. “Lá trên cây cong dấu hỏi ...”; hình ảnh này làm tôi cảm phục óc tưởng tượng tuyệt vời của thi nhân; bao nhiêu câu hỏi: “tại sao anh không về” xuất phát từ thi nhân chuyển khéo qua cho những chiếc lá; ngụ ý của thi nhân là chiếc lá hết nhựa sống cong queo chờ rụng khỏi cành rồi cũng lên tiếng, cũng quan tâm đến quyết định cuối cùng của “anh” – về hay không về. Ý tưởng hay đáo để!
“Anh” phải về; việc phải về của “anh” còn liên quan đến “ngày sau”; “anh” về, ví như đi hành hương về chốn đất thiêng: “Vùng đất thiêng ghi dấu ấn ngày sau”; Quảng Trị là đất địa linh sinh nhân kiệt. Riêng trong lãnh vực giáo dục, trường Nguyễn Hoàng là biểu tượng học tốt của thời hiện đại; đất Quảng Trị nói chung, đất trường Nguyễn Hoàng toạ lạc trước đây và trường phổ thông thị xã bây giờ nói riêng là vườn ươm nhân tài. Dù “anh” và “em “tóc bạc mái đầu”, sự có mặt của chúng ta nói lên tình cảm, nhiệt huyết đối với quê hương vẫn còn sức trẻ, sự có mặt của chúng ta sẽ động viên, nhắc nhở các thế hệ sau về đạo hiếu nghĩa: “Cây có cội, nước có nguồn” - tình cảm với quê hương vẫn trổi mãi như mầm xanh luôn vươn dậy, nhiệt huyết với quê hương vẫn chuyển lưu như dòng máu đỏ luôn chảy.
Về đi anh
Kẻo tàu khuya đến trễ,
Lá trên cây cong dấu hỏi nơi tề!
Còn bao lần ta quay bước về quê!
Răng không nghĩ? Cứ chần chừ suy tính.
Em nói thiệt đừng để lòng ân hận,
Vùng đất thiêng ghi dấu ấn ngày sau,
Tình mãi xanh dù tóc bạc mái đầu,
Tim vẫn trẻ chuyển lưu dòng máu đỏ.
Thi nhân tra vấn đi tra vấn lại: “Răng anh nói không về thăm Quảng Trị?”, rồi: “ Răng không nghĩ? Cứ chần chừ suy tính”. Tuy nhiên, phần tra vấn thì ít mà phần rủ rê thì nhiều. Cả ba khổ thơ đều được mở đầu bằng câu: “Về đi anh”; sự tra vấn rủ rê rất mềm mại, nói đúng hơn là nài nỉ, mang tính thuyết phục cao; được thế là nhờ thi nhân vừa dùng lý lẽ vừa dùng tình cảm – tình, lý hài hoà; ngoài ra, giọng điệu tra vấn rủ rê còn được thân thương hoá bằng sự lồng ghép uyển chuyển những phương ngữ Quảng Trị: “Răng, rứa”, “can chi mô”, “nơi tề”.
Có người trách thi nhân sao chỉ rủ “anh” về mà không rủ “em” về với; không chừng có người trách không rủ “chị”, không rủ “chú”, không rủ “bác”! Làm thơ chứ không phải trò chuyện mặt giáp mặt với nhiều người; vậy xin thông cảm với thi nhân! Từ “anh” ám chỉ tất cả mọi người; từ “anh” còn nói lên sự tôn trọng, tính khiêm nhường, phép lịch sự của thi nhân.
Nhìn buổi hội ngộ một cách tổng quát, tôi nhận ra rằng đa số anh chị em xuất thân từ gia đình Nguyễn Hoàng đã đáp ứng hay thoả mãn lời mời gọi của thi nhân, cảm động lắm thi thấy vài ba anh chị em về hoặc trên chiếc xe lăn, hoặc trên đôi nạng gỗ, hoặc với đôi mắt mù loà có người đi kèm dẫn dắt ...
Phải biết rằng Đinh Quang Tuyết – tác giả bài thơ - là một trong ngàn vạn cựu môn sinh Nguyễn Hoàng và cô không phải là thành viên Ban Tổ Chức; Đinh Quang Tuyết phát ra lời mời rủ qua bài thơ chỉ để trút nỗi lòng – một tấm lòng chan chứa tình cảm và nhiệt huyết với trường xưa, lớp cũ.
Thế mà vẫn còn một số anh chị em chưa về; lý do vì sao? Qua tiếp xúc với nhiều người, tôi đoán:
- Một số người không về vì quá già yếu do tuổi tác, bệnh tật. Trường hợp này thì bất khả kháng, đừng mời rủ họ nữa. Tôi chỉ biết buồn thôi khi thấy số người dự hội trường cứ lần sau ít hơn lần trước.
- Một số người không về vì mang mặc cảm tự tôn hoặc tự ti. Thái độ này đáng trách! Nguyễn Hoàng là một gia đình, môn sinh Nguyễn Hoàng là anh chị em; trong hội trường, không khí hoà đồng là tốt, đừng đặt nặng địa vị xã hội, hoàn cảnh gia đình, danh tiếng cá nhân riêng mà tránh mặt nhau!
- Một số người không về vì không ưng ý với người nào đó, với cách làm sao đó của Ban Tổ Chức. Chỉ dựa vào cảm tính rồi không ưa người này, không thích việc nọ, nhìn đời và suy nghĩ bằng con mắt và cái bụng tiêu cực. Thái độ này cũng đáng trách!
- Một số người không về vì ngày giờ hội trường trùng hợp với ngày giờ của một sự kiện quan trọng trong gia tộc. Không trách chi những ai lâm vào trường hợp này! Chỉ mong được chờ đón họ về trong những dịp sau nếu có.
- Một số người không về vì hoàn cảnh khó khăn, điều kiện thiếu thốn. Viết đến đây, tôi nghe có một số anh chị em ở gần hay ở xa tự nguyện đóng “phí phó hội” cho những bạn thân quen đang khó khăn về tài chánh. Ngoài nghĩa cử trên đây, Nguyễn Hoàng còn biết giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, trong khó khăn. Thời gian qua, anh chị em Nguyễn Hoàng từ khắp nơi đã đóng góp hỗ trợ một số thầy cô, bạn bè khó khăn nâng cấp nơi ở, trả một phần viện phí điều trị bệnh tật dài ngày, cấp học bổng cho con cháu Nguyễn Hoàng vượt khó trong học tập bậc đại học xa nhà. Việc làm đáng biểu dương! Mừng lắm!
- Một số người không về vì nghĩ rằng “hội hè” không giúp gì đời sống – vô ích. Ừ, nếu xét về mặt vật chất, “hội hè” vô ích thật. Tuy nhiên, cuộc sống, ngoài phần vật chất, còn phần tinh thần. “Hội hè” là món ăn tinh thần; tới đó, nếu không tìm thấy gì thích thú thì ít ra cũng biết được một sinh hoạt cộng đồng diễn ra như thế nào để cuộc sống tinh thần của mình thêm phong phú.
Với hy vọng thuyết phục được những người còn do dự, Đinh Quang Tuyết đã đưa ra lời năn nỉ lần cuối xem như phần kết của bài thơ:
Về đi anh
Khi vẫn còn hơi thở.
Về đi anh
Về thăm lại chốn xưa...
Nghe mời rủ, thuyết phục, nài nỉ đến thế, nếu có đủ điều kiện, “anh” không chịu về thì “anh” không còn là người mà đã hoá ra đá rồi.
Cảm ơn Đinh Quang Tuyết đã cho đọc một bài thơ hay!
Hoàng Đằng
16/7/2017 (23/6/Đinh Dậu)
VỀ ĐI ANH
Răng anh nói không về thăm Quảng Trị ?
Thầy bạn xưa đang nao nức đợi chờ
Ngày hội trường tháng bảy đến như mơ
Ai cũng rứa sống lại thời áo trắng
Em sẽ đợi trước cổng trường dịu nắng
Can chi mô dù tóc úa màu phai
Vẫn bâng khuâng e lệ trộm nhìn ai
Anh cũng sẽ rộn ràng lòng như thể
Về đi anh
Kẻo tàu khuya đến trễ
Lá trên cây cong dấu hỏi nơi tề
Còn mấy lần ta quay bước về quê?
Răng không nghĩ? Cứ chần chừ suy tính
Em nói thiệt đừng để lòng ân hận
Vùng đất thiêng ghi dấu ấn ngàn sau
Tình mãi xanh dù ta bạc mái đầu
Tim vẫn trẻ chuyển lưu dòng máu đỏ
Về đi anh
Khi vẫn còn hơi thở
Về đi anh
Về thăm lại chốn xưa....
Quang Tuyết
Chiều mưa Pakson
Răng anh nói không về thăm Quảng Trị ?
Thầy bạn xưa đang nao nức đợi chờ
Ngày hội trường tháng bảy đến như mơ
Ai cũng rứa sống lại thời áo trắng
Em sẽ đợi trước cổng trường dịu nắng
Can chi mô dù tóc úa màu phai
Vẫn bâng khuâng e lệ trộm nhìn ai
Anh cũng sẽ rộn ràng lòng như thể
Về đi anh
Kẻo tàu khuya đến trễ
Lá trên cây cong dấu hỏi nơi tề
Còn mấy lần ta quay bước về quê?
Răng không nghĩ? Cứ chần chừ suy tính
Em nói thiệt đừng để lòng ân hận
Vùng đất thiêng ghi dấu ấn ngàn sau
Tình mãi xanh dù ta bạc mái đầu
Tim vẫn trẻ chuyển lưu dòng máu đỏ
Về đi anh
Khi vẫn còn hơi thở
Về đi anh
Về thăm lại chốn xưa....
Quang Tuyết
Chiều mưa Pakson
No comments:
Post a Comment