Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, April 20, 2017

NGƯỜI TÔN VINH THƠ CA VIỆT NAM - Lê Mai


 
            Nguyễn Ngọc Kiên và Lê Mai (từ trái sang)



           NGƯỜI TÔN VINH THƠ CA VIỆT NAM
                                                                     Lê Mai
   - Ông là ai? Là nhà thơ đã xuất bản 12 tập thơ, trong đó không phải không có những tập khá, không phải không có những bài thơ hay.
   - Ông là ai? Là nhà sưu tầm, biên soạn, tuyển chọn gần 20 tuyển tập thơ (với khoảng trên 12.000 trang in), trong đó không phải không có những cuốn sách có giá trị.
   - Ông là ai? Ông nói: Tôi là người yêu thơ, say thơ và trân trọng thơ, vậy thôi. Ông Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nói: Gia Dũng là người tôn vinh thơ Việt Nam.
      Ông là Gia Dũng (họ Đỗ) sinh năm 1940, quê Thái Bình. Thủa nhỏ ông đã có những bài thơ khiến bạn học nể phục. Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, ông đã có thơ đăng trên các báo Văn nghệ, Nhân dân, Tiền phong....
Ngày 19-5-1965, Gia Dũng, anh cán bộ trẻ phòng văn nghệ Ty văn hoá tỉnh Tuyên Quang, với cặp kính viễn 3,5 điốp xung phong đi bộ đội và được điều về đại đội vận tải (C25) sư đoàn 312B. Vào lúc rỗi rãi hiếm hoi, ông lấy sổ thơ ra đọc - những bài thơ chép tay với nét chữ đẹp.  Tình cờ, trợ lý quân lực sư đoàn Lê Thăng biết. Thế là, một tuần sau ông trở thành nhân viên văn thư của Ban Quân lực sư đoàn, để rồi năm 1966 về Nam Định nhận quân, điểm danh có Nguyễn Đức Mậu, lên Vĩnh Phúc có Hà Đình Cẩn, sang Hà Tây có Nguyễn Phúc Ấm....những người bạn văn thơ thân thiết của ông sau này. Tháng 9 – 1969, Gia Dũng cùng Nguyễn Đức Mậu theo Trung tá trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông (sau là thiếu tướng Phó tư lệnh quân khu II) đi chuẩn bị chiến trường. Chuyến vượt Trường Sơn gian nan, hiểm nguy này đã cho ông nhiều cảm xúc hào hùng và lãng mạn, giúp ông viết nên bài thơ nổi tiếng “Bài ca Trường Sơn”. Để rồi, vào một ngày đang lúi húi lấy củi trên đỉnh A Sầu, A Lưới, ông bỗng nghe “đài hát”.... “Trường Sơn ơi! Trên đường ta qua chưa một dấu chân người/Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác/Dừng lưng đèo mà nghe suối hát/Ngắt một đoá hoa rừng gài lên mũ ta đi....” . Ông lắng nghe và vui sướng, tự hào đến run người, nhưng....ở cái chốn chiến trường A Sầu, A Lưới mù trời khói lửa đạn bom này, còn đâu một đoá hoa rừng cho ông tự thưởng mình. Năm 1972 ông bị thương rồi nhận quyết định về công tác tại tạp chí văn nghệ quân đội cùng các nhà thơ: Thu Bồn, Nguyển Đức Mậu, Duy Khán,VươngTrọng ... Những tưởng từ đây ông sẽ yên tâm sống để dựng xây sự nghiệp văn chưong. Nào ngờ, cuối năm 1978 tình hình biên giới phía bắc trở nên căng thẳng. Thế là ông xin lên biên giới để xây dựng hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Tuyên. Ở đây, với 7 năm trên cương vị phó chủ tịch kiêm tổng thư ký hội văn học nghệ thuật một tỉnh một tỉnh miền núi tuy vất vả nhưng đã mang đến cho ông những lợi thế cho công việc sau này.
Năm 1990 khi Hà tuyên tách tỉnh, ông lặng lẽ rời núi rừng xuống Hà nội thuê nhà, mướn “đại bản doanh” để mở mặt trận mới: làm sách thơ. Bạn bè tâm sự: làm sách văn xuôi khả dĩ còn có thể sống được chứ làm sách thơ thì... ai mua. Nhưng ... nếu chỉ vì lẽ mưu sinh thì việc gì ông phải nhọc lòng xa nhà rời núi. Trong ông còn có sự thôi thúc cao cả hơn nhiều.
  Vì say thơ, trân trọng thơ cho nên khi nhận thấy cảm xúc trong lòng không còn được dào dạt như xưa sức sáng tạo có phần suy giảm ông lập tức dừng bút. Chẳng lẽ ông phải xa thơ ư? Ông đã có cách .Ông sẽ làm các tuyển thơ thật đẹp thật hay để tôn vinh, lưu giữ những giá trị nghệ thuật vĩnh hằng.
  Khi làm sách thơ ông tự đặt cho mình nguyên tắc: chỉ tuyển chọn thơ hay, không lệ thuộc vào tác giả. Phải thế chăng mà trong tuyển “Thơ Việt nam 1945-2000” không có bài của trên 20 nhà thơ là hội viên hội nhà văn Việt nam, trong khi đó ông lại chọn tuyển thơ của trên 200 tác giả tên tuổi còn lạ lẫm.
  Lại nữa, tuyển chọn thơ không lệ thuộc vào tài trợ. Ông đã từng tế nhị từ chối trên chục ngàn đô la tài trợ của một giáo sư người nước ngoài “gốc việt”... Ông đã từng lẳng lặng bỏ qua lời đề nghị của một ông giám đốc: sẽ tài trợ hàng chục triệu đồng, sẽ mua hàng trăm cuốn sách nếu ông tuyển chọn cho ông ta... một bài thơ .Ông thường nghĩ: thơ hay thời nào cũng có nhưng thời nào cũng hiếm. Muốn tìm được thơ hay thì phải đọc, đọc hàng vạn bài thơ. Phải lắng nghe, nghe hàng nghìn người để phát hiện. Nên ông đi khắp mọi miền quê đất nước để “nhặt thơ”, “gom bạn”. Nghe Mường Lò có ông Lò Văn Tâm (dân tộc Thái) làm thơ hay là ông đến Mường Lò. Đọc bài thơ “Nhớ Hồ gươm” của Tống Ngọc Hân thấy hay là ông lên Sapa. Chọn bài thơ “Giá gạo Tràng An” của nữ sĩ Mộng Tuyết là ông tới Hà Tiên. Hâm mộ tài năng tướng Nguyễn Sơn là ông vô Sài gòn nhờ cậy người tìm đến nhà riêng của con gái tướng Nguyễn Sơn để xin thơ.
  Nhờ Gia Dũng tôi mới được xúc động cùng những câu thơ hay của những tác giả không quen biết...Con về thăm mẹ đêm mưa / Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên / Bao nhiêu hạt thẳng hạt xiên / Đã rơi vào mẹ những đêm trắng trời /Con đi đánh giặc suốt đời /Mà không che nổi một nơi mẹ nằm (Đêm mưa - Tô Hoàn). Hay như ... Mình về con dốc thì dài / Mây chen chân ngựa, gió cài vành khăn / Lời yêu trong mắt long lanh / Mùa xuân căng mọng nửa vành áo thêu (Chợ phiên - Nguyễn Thọ)
  Gần 20 năm “ lưu lạc giang hồ” với lòng ngưỡng mộ tôn vinh thơ Việt, Gia Dũng đã sưu tầm biên soạn được các tuyển thơ như:
  Năm 1999, ông xuất bản cuốn Chúng tôi đánh giặc và làm thơ gồm 280 bài thơ của 120 tác giả là người lính. Đây là cuốn sách ông tâm đắc vì ông trả được món nợ lòng đối với những người đồng đội. Khi nhận viết lời giới thiệu cho tuyển thơ này, đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đại ý: nếu cán bộ và chiến sĩ trong quân đội ta biết tôi từ chối viết lời giới thiệu cho cuốn sách này thì anh em sẽ nghĩ gì về tôi?
  Cuốn sách ra đời ngay lập tức được công chúng đón nhận. Giữa tháng 12 năm1999, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách, trong số đông công chúng thăm dự có cả gia đình con gái tướng Nguyễn Sơn, con trai nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ, chị gái nhà thơ Lê Anh Xuân...
  Năm 2000, ông xuất bản cuốn Thơ các dân tộc thiểu số Việt nam thế kỷ XX gồm trên 600 bài của gần 500 tác giả. Lần đầu tiên các dân tộc thiểu số Việt nam có một tuyển thơ thế kỷ.
  Năm 2001, xuất bản tuyển Thơ Việt nam1945 - 2000  đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của thơ Việt nam. Tập tuyển được tạp chí Thế giới mới đưa vào kỷ lục sách Việt nam.
  Năm 2004, xuất bản cuốn Ngàn năm thương nhớ gồm 938 bài thơ của 886 tác giả. Cuốn sách bìa cứng , giấy đẹp có hoa văn nổi, dày trên 2000 trang, nặng tới 3,6kg. Đây là tuyển thơ lớn nhất về Thăng long – Hà nội từ trước đến nay. Tạp chí Thế giới mới một lần nữa ghi nhận: “Người tự phá kỷ lục về tuyển thơ đồ sộ nhất lại chính là Gia Dũng”. Cuốn sách Ngàn năm thương nhớ vượt kỷ lục về độ dày, về số lượng tác giả, về thời gian (10 thế kỷ) và cả về không gian (ngoài các tác giả trong nước còn có 86 tác giả thuộc 42 quốc gia trên khắp các châu lục).
  Tháng 12 -2004, xuất bản cuốn Hồ Chí Minh - Hợp tuyển thơ dày 1640 trang. Đây là cuốn sách lớn nhất trong lĩnh vực thơ ca về Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
  Tháng 8 - 2005, xuất bản cuốn  Nước non một dải dày 1962 trang với 999 bài thơ của 999 tác giả. Cuốn sách giống như một tấm bản đồ thơ ca, một “Từ điển thơ” về đất nước và con người Việt nam, quy tụ đủ tác giả, tác phẩm của 61 tỉnh thành (có cả những tác phẩm của người Việt sống xa tổ quốc).
  Đầu thu năm 2007, xuất bản cuốn Nguyễn Trãi với Côn Sơn dày 1680 trang (trong đó có 1400 trang Hán nôm) với 219 tác giả.
Tháng 6 -2008 xuất bản cuốn Tràng An một thuở. Thu 2008 xuất bản cuốn Văn chương Thái bình 10 thế kỷ dày 1800 trang (với 1200 trang Hán nôm). Đặc biệt, theo dự tính ngày 1 – 1-2010 ông sẽ cho ra mắt bạn đọc bộ tuyển thơ Việt thi thiên tải (ngàn năm thơ Việt) gồm 2 tập dày 2980 trang (có 1380 trang Hán nôm) với 1280 tác giả. Đây sẽ là bộ tuyển thơ tầm cỡ, chúng ta sẽ đón chờ một kỷ lục nào đây?
Vào những ngày này chúng ta vẫn thấy ông tiếp tục đọc, đi, gặp gỡ để gom nhặt thơ hay. Trên bàn làm việc của ông, trong nhà in, các tập thơ, tuyển thơ do ông biên soạn luôn sẵn sàng ra mắt bạn đọc. Xin cảm ơn và chúc mừng nhà thơ, nhà biên soạn Gia Dũng.       
                                                                            Lê Mai                                                                                                                                                

No comments: