Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 14, 2013

Tường Vi - CÓ MỘT BẢN DỊCH MỚI “TRUNG THÀNH” VỚI “HOÀNG HẠC LÂU, TỐNG MẠNH HẠO NHIÊN CHI QUẢNG LĂNG" CỦA LÝ BẠCH

Lê Thiên Minh Khoa


Đã đăng trên:
Tuần san TÀI HOA TRẺ số 396, 30.11.2005
Tạp chí VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI, tháng 6.2002

    Bài thơ "Hoàng Hạc lâu, tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng" của Lý Bạch từ nhiều năm nay được đưa vào chương trình văn học lớp 10 PT với bản dịch theo thể lục bát của nhà văn nổi tiếng, nhà Hán học uyên thâm Ngô Tất Tố (NTT). Bài thơ còn được nhiều bậc thâm nho dịch, trong đó có bản của Trần Trọng San, nhưng do dịch giả mới, Lê Thiên Minh Khoa (LTMK), một thầy giáo dạy văn, lại là một nhà thơ, biết thừa kế bản dịch của những người đi trước, hơn nữa lại dịch theo thể Đường luật thất ngôn tứ tuyệt và nhạy cảm với những “chữ thần”, những chỗ phá niêm luật trong thơ Lý Bạch phóng khoáng, nên bản dịch này lột tả được tình, ý trong nguyên tác và sát hợp với phong cách nghệ thuật của Lý Bạch.Vì gần với nguyên tác hơn nên nó đuợc thầy cô một số trường ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ sử dụng khi giảng dạy, nay được in trong tập thơ “Thị Trấn Tôi” của Lê Thiên Minh Khoa (NXB Thanh niên-2002). Xin giới thiệu cùng bạn đọc, thầy cô dạy văn và các em học sinh và xin mạn phép được bàn thêm về cái hay, cái đẹp, cái “trung thành” trong bản dịch mới.     
  

Nguyên tác:




Phiên âm:

Hoàng hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng
                                                                        Lý Bạch.
           Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu
           Yên hoa tam nguyệt há Dương châu
           Cô phàm viễn ảnh bích không tận
           Duy kiến Trường giang thiên tế lưu.

Bản dịch mới của Lê Thiên Minh Khoa:

LẦU HOÀNG HẠC tiễn MẠNH HẠO NHIÊN đi QUẢNG LĂNG
 
Cố nhân xa lầu Hoàng Hạc rồi
Tháng ba hoa khói Dương Châu xuôi
Buồm đơn xa khuất bầu không biếc
Chỉ thấy Trường Giang hút cuối trời.

    Câu 1, phiên âm là “Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu” (dịch nghĩa: Bạn cũ giã từ lầu Hoàng Hạc, ở phía tây - Ngô Tất Tố  dịch: Bạn từ lầu hạc lên đường). Bản dịch của LTMK: “Cố nhân xa lầu Hoàng Hạc rồi” giữ lại được 2 cụm từ “Hoàng Hạc lâu” và "cố nhân" mang sắc thái cổ điển của nguyên tác: “cố nhân” không chỉ là “bạn cũ” mà còn là bạn thân, tri kỉ đồng điệu… Giữa Lý Bạch và Mạnh Hạo Nhiên có chênh nhau về tuổi tác nhưng hoàn cảnh và tâm sự giống nhau, nên trong phút chia tay “cố nhân”, nhà thơ quyến luyến nhớ thương bạn. Câu thơ dịch còn giữ lại sự phá cách niêm luật nghiêm nhặt trong thơ Đường luật của Lý Bạch (chữ thứ hai lẽ ra phải trắc thay vì bằng như nhà thơ đã dùng: “nhân”). Hai từ “xa” và “rồi” biểu hiện được tinh tế một tình cảm kín đáo ẩn chứa trong câu nguyên tác, đó là tình bạn lưu luyến, nỗi buồn thuơng, nhớ tiếc của nhà thơ khi chia ly tiễn biệt “cố nhân”…

    Câu 2 trong nguyên văn: “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” (Xuôi xuống Dương Châu giữa tháng ba hoa khói - Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng- NTT). Câu thơ dịch của LTMK: "Tháng ba hoa khói Dương Châu xuôi”, chữ nghĩa không thừa, không thiếu: "tháng ba hoa khói” vừa đủ để gây ấn tượng về thời gian, không gian đượm buồn của buổi chia tay.

    Tuy nhiên, phải nói rằng đến hai câu cuối mới bộc lộ hết nét tài hoa và tình bạn nồng đượm, thiết tha, cảm động của Lý Bạch trong buổi tiễn đưa không có giọt lệ bỡi lối "tả cảnh ngụ tình” của thi tiên và cũng chính ở đây mới thể hiện rõ sự đón nhận, thâm nhập tác phẩm một cách sáng tạo và cách sử dụng ngôn ngữ tinh tế cũng như tâm hồn đồng điệu, nhạy cảm thẩm mỹ của người dịch.

    Câu 3: "Cô phàm viễn ảnh bích không tận” (Bóng cánh buồm lẻ loi xa xăm lẫn trong khoảng không xanh biếc - Bóng buồm đã khuất bầu không-NTT). Câu thơ có 4 "nhãn tự”: "cô”, "viễn”, "bích” và “tận” có dung lượng rất cao mà thông thường một câu thơ dịch không hàm chứa nổi, chỉ nói riêng chữ “cô” ở câu nầy, xưa nay mấy ai dịch đạt (cũng khó dịch như chữ “cô” trong bài “Mộ”của Hồ Chí Minh vậy: Cô vân mạn mạn độ thiên không). LTMK đã “gói ghém” được cả 4 “chữ thần” nầy vào một câu thơ quốc ngữ: "Buồm đơn xa khuất bầu không biếc”, đặc biệt, dùng được chữ “đơn” để dịch chữ “cô” trong "cô phàm” thì quá hay, quá giỏi. Trong tiếng Việt, từ “đơn”có nhiều hàm nghĩa: mỏng (áo đơn, áo kép), lẻ loi, cô đơn (chăn đơn, gối chiếc)…, ở đây nó được hiểu theo nghĩa thứ 2: "buồm đơn” là cánh buồm lẻ loi, cô đơn…

    Câu kết trong nguyên bản: "Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu” (Chỉ thấy Trường Giang chảy miệt bên trời - Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời - NTT). Bản dịch mới: “Chỉ thấy Trường Giang hút cuối trời” rất chuẩn, lột tả được tinh thần của nguyên văn, nhất là chữ “hút”có nét riêng, mới lạ gợi tả dòng sông Trường Giang vô tận chảy miệt bên trời.

Có thể nói, đây là bản dịch đạt nhất, hay nhất, “trung thành” nhất của “Hoàng Hạc lâu, tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”, tính cho đến nay.

TP. Hồ Chí Minh, đầu năm 2002.
Tường Vi


PHỤ LỤC:

Một số  bản dịch trước đây:
  
LẦU HOÀNG HẠC tiễn MẠNH HẠO NHIÊN đi QUẢNG LĂNG

Bạn cũ dời chân Hoàng Hạc lâu
Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu
Bóng buồm chìm lẫn trong trời biếc
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy mau
                     Trần Trọng San dịch

Xuôi Dương Châu bỏ tây Hoàng Hạc                      
Tháng ba mây lũ lại xuôi ơi                                     
Buồm đơn bóng tít bầu xanh thẳm                            
Chỉ thấy dài sông chảy mãi thôi.                        
                     Hữu Loan dịch                          

Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng
Cánh buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy giòng sông bên trời.
                       Ngô Tất Tố dịch
 
Từ tây lầu Hạc - người xa
Tháng ba hoa khói xuôi nhòa Dương Châu
Chấm buồm hút thẳm xanh sâu
Thấy Trường Giang vắt ngang bầu trời trôi
                       Trương Nam Hương dịch


ĐỌC THÊM :

PHỎNG VẤN  Lê Thiên Minh Khoa về bản dịch  bài thơ “HOÀNG HẠC LÂU, tống MẠNH HẠO NHIÊN chi QUẢNG LĂNG“ của Lý Bạch -  Nguyễn Bá Hoàn thực hiện.

Trích trong các tác phẩm:
- Người và Việc: Những người nổi tiếng (NXB Hội Nhà Văn, 2006,từ trang 70-107 và từ 257-262).
- Người và Việc: Cánh buồm ngược gió (NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008 , từ trang 289-327)

Nguyễn Bá Hoàn : Thị xã Bà Rịa chiều cuối tuần, trời mưa lất phất. Tôi ngồi đối diện với nhà thơ, nhà giáo ấy trong một quán cà phê cóc cạnh Nhà Tròn Bà Rịa, có “én liệng đầy trời” quanh di tích lịch sử quốc gia. Chiều xuống, tôi vừa “nhìn tất cả cuộc đời xuôi ngược lướt qua bên”, vừa nghe anh đọc “nhỏ nhẻ như câu tâm tình” bài thơ “Thị trấn tôi” của anh, vừa nhớ ray rứt cái thị xã quê tôi và nghe anh nói: “Tôi sống đất này tính ra đã 2/3 đời người. BR-VT là quê hương thứ hai của tôi”... 

PV: Anh có một bài thơ dịch được nhiều thầy giáo sử dụng khi giảng dạy vào học lớp 10: “Hoàng Hạc Lâm Tống Mạnh Hạo Nhiên Chi Quảng Lăng” (*) của Lý Bạch . Cái gì khiến anh “dám” dịch lại bài thơ này trong trước đây nhiều cây đại thụ trong vườn nho học như Ngô tất Tố, Trần Trọng San… đã từng dịch nó?

LTMK: Cũng do chuyên môn dạy học cả thôi. Khi dạy bài thơ này theo bản dịch trong sách giáo khoa, khó khăn là phải đối chiếu với nguyên văn từng chữ, từng câu mới lột tả được tinh thần của nguyên tác. Vì vậy, tôi thử tìm tòi, tra cứu… để dịch bài thơ sao cho “trung thành” với nguyên tác hơn hầu dễ dạy hơn và học sinh dễ hiểu, cảm tác phẩm hơn… Ai ngờ nó lại được một số đồng nghiệp trong tỉnh sử dụng. Cách đây 5 năm, bản dịch được Tường Vi giới thiệu trên chuyên mục “Văn Học Trong Nhà Trường”của Báo Văn Nghệ Đồng Nai thì lại thêm nhiều thầy cô biết đến. Năm rồi, nó lại được giới thiệu lại trên tuần san Tài Hoa Trẻ (Bộ GD-ĐT) cũng trong mục “Văn Học Trong Nhà Trường” nên được phổ biến rộng rãi hơn. Nhờ đó, tôi nhận được nhiều thư của các thầy cô giáo dạy văn và một số nhà nghiên cứu trong nước gửi thư đến để bày tỏ bày ý kiến…

PV: Có ý kiến nào phản đối không?

LTMK: Rất may là toàn những ý kiến “đồng thuận”. Xin nói thêm là, khi Tường Vi hỏi tôi về bài thơ để viết bài giới thiệu trên báo, tôi đã dặn trước với Tường Vi là: có thể khen, chê bản dịch của tôi, nhưng đừng “đụng chạm” đến người đi trước. Rất may là trong bài giới thiệu Tường Vi giữ đúng lời hứa và anh còn viết rằng: “Lê Thiên Minh Khoa biết thừa kế bản dịch của những người đi trước …”, nên đỡ cho tôi lắm…

PV: Anh còn dịch thơ phương Tây ra tiếng Việt?

LTMK: Cũng thỉnh thoảng thôi, nhưng mà tôi dịch qua bản tiếng Anh những bài thơ có cái từ hay. Thơ của các nhà thơ lơn phương Tây thường có các từ rất hay, rất độc đáo, cái làm nên thơ hiện đại. Do ngôn ngữ bất đồng và thở thơ khác nhau nên theo tôi, dịch thơ phương Tây chủ yếu là nắm bắt cho được cấu từ và tình ý trong bài thơ. Xin được khoe với anh bài thơ “Em yêu mùa xuân” tôi dịch của Sandor Petofi, một nhà thơ lớn của Hungari, một bài thơ có cấu từ rất đặc sắc: “Em Yêu Mùa Xuân”:

“Em thì yêu mùa xuân
Anh thì yêu mùa thu
Nên em là mùa xuân
Còn anh là mùa thu

Trên má em, mùa xuân
Hé nở tựa hoa hồng
Lờ đờ trong mắt anh
Xám xịt mặt trời thu

Anh chỉ còn một bước
Còn một bước nữa thôi
Gặp mùa động lạnh ngắt
Rình rập anh lâu rồi

Em bước lên phía trước
Anh lùi lại phía sau
Chúng mình sẽ gặp nhau
Giữa mùa hè nồng cháy”.
             
                 Nguyễn Bá Hoàn

No comments: