CHUYỆN BUỒN TRONG MÙA VU LAN
Vậy là lão chết thật rồi! Cái chết của lão làm cả xóm nhỏ ven đồi không khỏi ngạc nhiên, xôn xao, hụt hẫng, còn họ hàng dòng tộc cũng sốc, bàng hoàng vì chuyện xảy ra quá là đột ngột, bởi lẽ dù đã ở cái tuổi ngoại bát thập niên, tuổi xưa nay hiếm rồi, nhưng lão vẫn mạnh khoẻ, nhanh nhẹn và minh mẫn. Da chân của lão hình như dày hơn da chân mọi người nên chẳng bao giờ cần dép và cái đầu cũng không cần mũ nón dù trời có nắng bao nhiêu độ đi nữa. Đôi mắt của lão như hai con ốc nhồi to, miệng rộng, dáng lưng tôm hơi còng, nên khi đi nhìn như thể hơi cúi về phía trước.
Lão còn khoẻ, khoẻ lắm ấy vậy mà sao nói chết là chết được chứ. Mọi người nghe tin ai cũng thở dài, cuộc sống thật vô thường, mới đây thôi lão vẫn đi thả lái bát quái mà, có ốm đau gì đâu. À mà nói đến ốm đau thì hầu như cả đời lão chưa phải một lần nào đau ốm phải đi đến trạm xá chứ đừng nói bệnh viện. Có chăng chỉ cảm cúm đau răng sơ sơ vài bận.
Nói về ăn uống lão cũng được lắm; chỉ đoạn gần đây thì ăn có ít đi một chút, nhưng cách đây tầm ba năm về trước thì cứ cân lòng chai rượu với non non cân bánh mướt là lão bết sạch.
Hôm nay bầu trời tuy đã vào cuối hạ nhưng vẫn nồng, mà lại âm u ảm đạm, hình như trời cũng tiếc nuối cho cuộc đời của lão thì phải. Tiếc vì hình như lão còn chưa hề được hưởng một phân ly nào của cuộc sống thời đại mới.
Lão mồ côi cha từ nhỏ, mẹ thì không được tỉnh táo, bườn bã giữa cuộc đời để tồn tại và lớn lên. Đến tuổi lập gia đình lão cưới vợ làng bên. Vợ chồng lão hạ sinh được bốn người con: ba người con trai một người con gái, các con của lão khỏe mạnh nhanh nhẹn, dù nhà cũng nhiều khó khăn nhưng các con được sự tôi luyện về kỷ năng sống và làm việc cũng ô kê lắm; Thằng Cả, thằng Hai cũng được ăn học đến lớp 12, còn cái Ba và thằng Út là do học kém không lên được nên nghỉ học sớm hơn. Mấy anh em được tập làm việc sớm, nên chợ búa buôn bán cũng nhanh nhẹn, tuy thời đó cũng chỉ là buôn vặt vạnh củi đuốc chanh chè để kiếm bát gạo thôi. Nhưng lão cũng cố gắng dành dụm xây cho các con mỗi đứa ba gian nhà ngói, nhà bếp ràn trâu đầy đủ.
Rồi cũng đến lúc các con của lão lớn khôn lập gia đình, cô con gái tính hơi man man tí thì lấy chồng sau lộn về được đứa cháu gái, lão làm cho hai gian nhà nhỏ ở riêng.
Lão cũng là một người cha có trách nhiệm với con cái, mà lại trách nhiệm hơi quá thì phải: bởi ngoài việc lo giúp đỡ chăn dắt bò me, trông cháu hoặc thậm chí đi cày ruộng cho chúng thì lão còn canh cả các mối quan hệ của dâu con mình:
Ví dụ đi thăm hỏi mừng rợ ai trong anh em chòm xóm nơi nào lão cho mới được đi, không cho mà đi là về lão sẽ chửi đuổi đánh. Nếu có người đàn ông con trai nào nói chuyện hay đứng gần con dâu lão là sẽ bị qui cho tội quan hệ bất chính với con dâu lão, sẽ bị lão cho nổi cày nay nước.Thuở còn khoẻ lão đuổi mấy mẹ dâu như cơm bữa, mỗi lần vậy là lão đuổi ra khỏi nhà vì cho rằng nhà là của lão làm ra, là “xương máu” của lão. Rồi dần già chúng đâm ra ghét lão, hận lão, tuy vậy chúng chỉ lũm bũm sau lưng chứ không dám cãi, bởi đang còn ở ngôi nhà “ xương máu” của lão mà.
Ngày tháng trôi qua, xã hội dần đổi khác, “nước nổi lo chi bèo chẳng nổi”, các con của lão cũng làm ăn khấm khá hơn, mua đất làm nhà ra ở nơi khác, to hơn, đẹp hơn, chúng không cần ở những ngôi nhà “xương máu” của lão nữa nên chúng cũng chẳng cần sợ lão mà dần xa lánh lão
Lại nói đến các con của lão: Gia đình thằng Cả có con đi nước ngoài tiền nhiều lắm. Nhưng cầm quyền kinh tế là con dâu mà cô ả này thì đại keo kiệt hơn nữa vốn dĩ ả ta đã ghét lão và cũng không mấy tôn trọng con trai lão vì vậy chẳng khi nào lão được xơi miếng chi của ả. Thằng chồng mua cho cha một cái áo hoặc tí thức ăn thì ả ta sẽ giận dỗi cả tháng trời ấy chứ. Còn vợ chồng thằng Hai thì cả gia đình ở trong miền nam, mấy năm mí về một lần xoáng tí rồi đi, Thằng út mua đất làm nhà gần, nhưng nó cũng làm ăn ở miền nam, cô vợ thằng út xem ra là đứa biết ăn ở nhất nên là thỉnh thoảng cũng mua đồ ăn cho lão, mua cho lão cái xe đạp để lão đi. Nhưng cái tính đa nghi cổ hủ của lão cuối cùng đã cắt đứt tình nghĩa cha con khi nghi ngờ con dâu quan hệ với thằng cháu con chị gái lão khi thằng cháu về chơi. Lão ấm ức hậm hực muốn ăn tươi nuốt sống chúng nó, nhưng lần này dâu không còn ở ngôi nhà “xương máu” của lão nữa nên lão tức mà không đuổi được. Lão ấm ức lắm lắm, lão phải nói cho cả làng biết mới được, lão phải qua bên ngoại mà nói cho cả họ nhà nó biết, vậy là đứa con dâu hiếu thảo cuối cùng cũng hận lão tận xương tủy nốt. Từ đó chẳng đứa nào đoái hoài tới lão, thậm chí gặp nó chẳng chào hỏi luôn. Chỉ còn đứa con gái man man sớm tối qua lại. Nhưng lâu lâu thì thó của lão vài con gà vì nó cũng không làm chi ra tiền. Thi thoảng mấy ông con trai cũng bớt chút tiền ít ỏi cho lão nhưng không đáng kể. Tóm lại cả đời lão chưa bao giờ biết một cái lễ tết của con cái hay được con cái biếu món quà trong dịp lễ vu lan.
Thời đại đã đổi thay, cuộc sống mọi nhà đều khấm khá lên, đồ dùng vật dụng nhà cửa cũng đổi khác. Duy chỉ có lão vẫn ở mấy gian nhà “xương máu” đã xuống cấp theo thời gian, mấy cái xoong nấu ăn hàng ngày bằng lá bạch đàn đen đúa, mỗi bận ăn không tô không đĩa lão bê cả mấy cái xoong nhọ nhem đặt lên chiếc bàn gỗ cũ kỹ giữa gian bảy rồi ngồi ăn một mình.
Lão vẫn thường thả lưới bát quái bắt con tép con tôm bán lấy tiền mua chút thức ăn cút rượu.
Nghe bảo hôm qua lão bắt được con cá lóc, thịt nấu uống rượu. Sáng thằng cả lên trại ở cạnh nhà lão tức nhà cũ của nó, chưa thấy lão mở cổng như thường ngày nên chui rào vào nhà không thấy, khi ra phía ao thì thấy lão ngồi ôm cây sấu và đã chết tự lúc nào.
Anh em họ hàng lo khâu tổ chức tang sự cho lão, đứa dâu út tuy nó cũng chẳng có chút cảm xúc đau buồn nào, song vẫn về cùng anh em lo tang sự cho cha chồng bởi nghĩa tử là nghĩa tận. Còn ả dâu cả không đến. À có đến bên trang trại nhà nó ở cạnh, đưa cho chồng nó mấy bộ quần áo để mấy ngày lo tang cho cha thì qua đó tắm rửa và ở đó luôn khỏi về nhà. Còn nó không qua chỗ đám tang lí do vì nó mới mổ nên kiêng hơi lạnh, nó chỉ nhởn nhơ bên trang trại cạnh nhà lão bất biết đến người chết kia là lão là bố chồng nó, là người chăm sóc con cái nó ngày còn nhỏ…nó phải kiêng vì mổ u xơ lành tính chưa được 10 năm.
Dân làng đến đưa tang lão cũng đông bởi khi còn sống lão cũng chăm đi đám người ta mà. Nhà có ba nàng dâu mà cuối cùng được mỗi dâu út đội lúp mặc áo xô. Mọi người đi đám tang xì xồ bàn tán đúng sai nhân quả và sướng khổ của cuộc đời lão, đa phần lên án cô con dâu cả. Cũng có người thở dài chẳng biết lỗi từ ai. Phải chăng yêu thương quan tâm không đúng cách cũng là cái tội.
Nguyễn Thủy
No comments:
Post a Comment