Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, September 1, 2016

MÙA HẠ TRONG TẬP THƠ “LƯU BÚT MÙA HẠ” CỦA PHAN PHỤNG THẠCH - Nguyễn Thị Quỳnh Thư và Quỳnh Như


 
              


Năm học 2015-2016,  "Phần thưởng Phan Phụng Thạch " lần thứ 1 được phát cho các học sinh Giỏi Văn đạt giải Tỉnh, trường tại PTTHTXQT vào  ngày bế giảng năm học. Tổ Văn của trường đã tổ chức gặp mặt thầy cô giáo hai thế hệ, mạn đàm về thơ của cố thầy giáo Phan Phụng Thạch, nguyên dạy tại trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Thơ thầy Phan Phụng Thach gồm 2 phần : -Lưu bút mùa hạ va Di cảo (thơ tình của tuổi 30).
Sau đây xin phép các cô thầy giáo trong Tổ Văn trường THPT. THỊ XÃ  QUẢNG TRỊ gởi đến VNQT  những cảm nhận về thơ Phan Phụng Thạch, đầu tiên là bài của Nguyễn Thị Quỳnh Thư và Quỳnh Như.
                                                                        TM Nhóm
                                                                     Đỗ Tư Nhơn

                       









                                                             Hai cô giáo Quỳnh Thư (trái)  và Quỳnh Như (phải)


MÙA HẠ TRONG TẬP THƠ “LƯU BÚT MÙA HẠ” CỦA PHAN PHỤNG THẠCH

Tập thơ gồm mười bài thì đến bảy bài có nhan đề trực tiếp nhắc đến mùa hạ, ví dụ như Tháng hạ, Lưu bút mùa hạ, Sân trường nắng hạ, Trong nắng hạ buồn, Nắng hạ tình phai…. Có thể thấy mùa hạ là hình tượng thời gian nổi bật và xuyên suốt của cả tập thơ. Hình tượng này gắn liền với ba mạch cảm xúc chính, đó là tình thầy trò, tình yêu quê hương, và nỗi buồn chiến tranh.
• Mùa hạ với tình thầy trò
Đối với tuổi học trò, mùa hạ là thời gian có ý nghĩa đặc biệt nhất. Nó càng đặc biệt hơn với những học sinh sắp phải xa trường. Nhưng khi đọc “Lưu bút mùa hạ” của nhà thơ, thầy giáo Phan Phụng Thạch, tôi mới biết hai điều. Thứ nhất, lưu bút không chỉ là độc quyền của lũ học trò nghịch ngợm, ngây thơ và trong trắng, mà người thầy cũng có những trang lưu bút tràn ngập nỗi thương nhớ bâng khuâng; thứ hai, mùa hạ không chỉ dành riêng để bọn học trò chia li, mà với thầy cô nó cũng đong đầy những cảm xúc thiêng liêng cao cả, tình cảm thầy trò.
Trong thơ Phan Phụng Thạch, mùa hạ đến làm tình cảm thầy trò òa vỡ:

Khi nắng hạ trở về trong mắt biếc
Các em rồi trăm đứa sẽ trăm phương
Ta đứng đó giữa muôn ngàn cách biệt
Mắt rưng buồn và hồn cũng mù sương
                              (Lưu bút mùa hạ)

Lũ học sinh khi ra trường, ngoài tình cảm dành cho thầy cô thì còn phải kể đến bạn bè, trường lớp, góc sân ghế đá. Còn người thầy dường như chỉ có mối tình duy nhất là các học trò thân yêu. Tình cảm ấy tuôn chảy dưới ngòi bút thơ Phan Phụng Thạch sao mà sâu, mà nặng, khiến nao lòng người. Càng nao lòng hơn đó là tấm lòng của một người thầy còn đang rất trẻ, chưa đầy ba mươi. Ở độ tuổi ấy, “mắt rưng buồn và hồn cũng mù sương”, người thầy giáo bộc lộ một trái tim nhạy cảm, sâu sắc và rất đỗi nồng nàn. “Muôn ngàn cách biệt” mà thầy cảm thấy hóa ra không còn khoảng cách nào nữa cả, chỉ còn lại tình thầy trò thắm thiết trong mối tương giao.
Trước giờ chia tay, người thầy mở lòng ra như biển, mong ôm ấp được hết đàn em:

Nếu ngày mai thầy trò người mỗi ngả,
Ta chia lòng theo muôn hướng xa xăm

Và:

Ôi ta muốn cúi hôn từng mái tóc
Gởi tấm lòng cho lớp trẻ thơ ngây
(Nắng hạ tình phai)

Vậy đó, người thầy đâu chỉ muốn trao kiến thức cho học sinh mà còn muốn trao tất cả trái tim cho chúng nữa. Tình thầy trong thơ Phan Phụng Thạch sao mà trong sáng, rộng mở đến vậy, thiết tha và cao cả đến vậy.
Trong “Năm tháng mù sương”, tấm lòng ấy càng trở nên mênh mông và đầy trắc ẩn. Thầy thương các em sẽ nhận những đau thương của cuộc đời, điều các em không tránh khỏi, điều mà thầy đã trải qua:

Rồi các em mỗi người đi mỗi ngả
Mang vào đời thêm nhiều nỗi cô đơn

Một lần nữa, mùa hạ lại hiện ra: “Thầy đứng đó từ đầu thu - cuối hạ”, để mà: “Thương các em chưa đầy lông, đầy cánh, Bay vào đời trong năm tháng mù sương”. Mùa hạ giờ không còn tượng trưng cho nỗi chia li nữa, mà tượng trưng cho tình thầy đi cùng năm tháng.
Yêu thương là vậy, đôi khi lòng thầy muốn hỏi, liệu đàn em có chút gì thương nhớ tuổi học trò không. Câu hỏi đó vang lên trong “Lời giã từ cuối năm”: “Lòng các em có chút gì lưu luyến?”, và lặp đi lặp lại trong bài “Tháng hạ” một cách khắc khoải, da diết:

Khi trở lại với nỗi buồn tháng hạ
Lối xưa giờ hoa phượng nở rưng rưng
Tình nghĩa đó đã vàng phai như lá
Các em còn lưu luyến chút gì không

Các em còn thương về ngôi trường cũ
Vườn thiên đàng của tuổi nhỏ vàng son
Thầy đứng đó như một loài cổ thụ
Chút bóng hiền che chở lũ cây con

Liệu bầy chim “Sau cơn bão hạ” có hiểu được niềm vui của thầy khi các em trở lại học đường:

Như một đàn chim sau cơn bão hạ
Các em trở về giữa nắng thu xưa
Sân trường cũ áo dài ai trắng quá
Cỏ cũng mềm lòng theo bước chân đưa

Để rồi một hôm kia bầy chim tung cánh, để lại lòng thầy niềm thương nhớ khôn nguôi:

Ta về đứng giữa trường xưa
Các em yêu dấu cũng vừa ra đi
Còn trong nắng hạ những gì
Hỡi các em – loài chim di đầu mùa
Ta về hồn bỗng già nua
Tìm trên sân cũ tuổi thơ ngọc ngà
Các em giờ đã phương xa
Mơ hồ trong nắng những tà áo bay
 (Trong nắng hạ buồn)

Nhưng không ở đâu, tình cảm thầy trò lại được thể hiện một cách đậm sâu và dào dạt như trong bài “Sân trường nắng hạ”

Ôi ở đâu mùa thu sao bây giờ tháng hạ
Sao bây giờ hoa phượng đỏ còn rơi
Và sao hồn mênh mông mênh mông biển cả
Những vui buồn ngày tháng cũ đang trôi

Ta trở về giữa sân trường vắng lặng
Hồn bơ vơ và chân lạc trong đời
Mới hôm nào các em đùa trong nắng
Sao bây giờ tất cả quá xa xôi

Lòng ta đó như trời thương biển nhớ
Yêu vô cùngnhững dáng bước chân chim
Những thiên thần, những thiên thần tuổi nhỏ
Là các em, là các em, các em, các em

Với tình cảm của người thầy, mùa hạ trong thơ Phan Phụng Thạch được khắc họa một cách trong sáng như tuổi học trò. Mùa hạ ấy gắn với tà áo trắng, với bước chân nhỏ, với cánh phượng đỏ tươi…Tất cả đều thấm đẫm tình thầy mãnh liệt, thiêng liêng, nồng nàn và miên viễn.
•  Mùa hạ với tình quê hương
Bên cạnh tình cảm thầy trò, tình quê hương cũng là một cảm hứng khá rõ nét trong những trang thơ mùa hạ :

Ta đâu ngờ thời gian trôi mau quá
Nên ngỡ ngàng khi nghe tiếng ve ca

Hỡi các em, buổi học chiều êm ả
Có bâng khuâng tưởng nhớ một quê nhà
(Nắng hạ tình phai)

Tại sao đang được sống và học hành trên đất quê hương mà thầy lại nhắc học sinh nhớ đến quê ? Nhà thơ Nguyễn Bính trong bài « Xóm Ngự Viên » đã mơ màng viết : « Hôm nay có một người du khách - Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên », đó là bởi vì Ngự Viên xưa đã mất, chỉ còn lại một cái tên. Còn Phan Phụng Thạch lại muốn nhắn nhủ lớp học sinh về tình yêu quê hương, rằng thứ tình cảm ấy phải chảy trong huyết mạch các em, bất cứ khi nào. Có lẽ vì là một người thầy, thầy biết, « Quê hương nếu ai không nhớ, Sẽ không lớn nổi thành người » (thơ Đỗ Trung Quân).
Hai chữ quê hương cứ lặp đi lặp lai trong tập lưu bút bằng thơ như một giai điệu hiền hòa, ngọt ngào và êm dịu:

Từ hôm đó bay đi muôn vạn ngả
Trời quê hương có mỏi cánh ngàn chim

Và :

Những tin yêu thầy gieo giờ đã mọc
Hay cũng tàn theo khói lửa quê hương?
(Tháng hạ)

Hay là :

Ơi những nấm mồ hương tàn vắng lạnh
Có điều gì muốn nhắn với quê hương ?
(Con đường áo lụa)

Thầy yêu quê, dạy học sinh yêu quê và gửi gắm cho đàn em hoài bão dựng xây, vì tình yêu cần thể hiện bằng hành động:

Rồi bên nhau các em tìm lẽ sống
Vun xới tình yêu trên đất của lòng
Cây sẽ xanh và đâm chồi hi vọng
Các em cùng ta làm lớn quê hương
(Sau cơn bão hạ)

Còn gì đẹp hơn hình ảnh người thầy truyền trao kiến thức, tình yêu và nhiệt huyết của mình cho lớp trẻ để cùng nhau xây dựng quê hương đẹp giàu. « Sau cơn bão hạ » có một mùa hạ không đỏ tươi màu chia li mà xanh ngời niềm tin, ước mơ và hi vọng. Mùa hạ ấy còn rực sáng tình yêu quê hương đất nước, như Ilia Ê ren bua, nhà văn Xô viết đã từng nói : « Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Vôn ga, con sông Vôn ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. »
• Mùa hạ với nỗi buồn chiến tranh
Tuổi trẻ của nhà thơ Phan Phụng Thạch trải qua những ngày tháng khốc liệt nhất và ở nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Từ đó, nỗi buồn chiến tranh đi vào thơ người thầy giáo trẻ như một ám ảnh không nguôi. Ám ảnh ấy hòa quyện và song hành cùng tình yêu quê hương và tình thầy trò. Những trang lưu bút mùa hạ cháy bỏng nỗi niềm trăn trở ưu tư về sự mất mát:

Rồi một mai khi mùa thu trở lại
Các em còn về với tuổi thơ hồng
Hay cuộc chiến đưa các em đi mãi
Và trường đời sẽ lắm núi nhiều sông
(Lưu bút mùa hạ)

Mùa hạ mang các em đi, có thể rời xa mãi tuổi học trò, có thể rời xa mãi thời trong sáng nhất, và cũng có thể rời xa mãi sự sống, vì chiến tranh còn đó. Sau cuộc chiến này, ai còn, ai mất:

Một ngày kia quê hương ngừng tiếng súng
Còn em nào trở lại tự muôn phương
Hay tất cả sẽ cùng nhau nằm xuống
(Năm tháng mù sương)

Để rồi:

Thầy đứng đó nghe tâm hồn biển động
Những buồn thương như sóng cả mênh mông
                                 (Năm tháng mù sương)

Đó là nỗi buồn thương cho lớp trẻ thơ ngây, nỗi buồn thương cho quê hương bị tàn phá, và nỗi buồn thương cho thân phận mỏng manh của con người trong chiến tranh:

Ôi những nấm mồ hương tàn vắng lạnh
Có lời gì muốn nhắn với quê hương?
(Con đường áo lụa)

Cũng trong “Con đường áo lụa”, mùa hạ dường như tan tác theo chiến tranh tàn khốc:

Từ bên ni nhìn qua Thành Nội
Phượng đã tàn rụng xuống buổi đầu thu
Làm sao quên những ngày qua bóng tối
Cả kinh thành ngùn ngụt khói âm u

Chiến tranh đã biến những ngày hè rực nắng trên quê hương thành những ngày âm u, những ngày bóng tối. Nhưng đó chưa phải là bi kịch duy nhất và lớn nhất của chiến tranh. Hủy diệt phần vật chất, phần thể xác không đáng sợ bằng hủy diệt đi tinh thần trong những thế hệ còn son trẻ. Và đó chính là điều mà người thầy Phan Phụng Thạch đã đau đớn dự cảm trong « Tháng hạ »:

Những tin yêu thầy gieo giờ đã mọc
Hay cũng tàn theo khói lửa quê hương ?

Có thể nói rằng, không ở đâu như trong bài thơ «  Tháng hạ », ba mạch cảm xúc chính : tình thầy trò, tình quê hương và nỗi buồn chiến tranh lại gặp gỡ, đồng hiện và hòa quyên với nhau một cách chặt chẽ đến vậy.Ở đây ta bắt gặp một người thầy đầy tình thương và trách nhiệm, một người thầy se sắt yêu quê và một người thầy trĩu nặng tâm tư của thời đại chinh chiến. « Tháng hạ » nói riêng và tập thơ nói chung là những trang tình lưu bút cần được cho học sinh hôm qua, hôm nay và mai sau đọc. Đọc để hiểu thêm tấm lòng người thầy, để thêm xót thương quê hương và để biết thêm được lịch sử đau thương của xứ sở. Nơi ấy những thế hệ cha anh trong đó có thầy Phan Phụng Thạch đã nằm xuống ở tuổi đời xuân sắc nhất. Rồi từ đó, ngoài kiến thức, các em sẽ được gieo những mầm xanh của ước mơ, tình yêu, tuổi xuân và hi vọng như thầy giáo nhà thơ Phan Phụng Thạch ước mong.
Thơ Phan Phụng Thạch không cầu kì, làm dáng. Thầy viết tự nhiên như hơi thở, cảm xúc chân thành và dung dị. Hầu hết đều được viết với thể thơ tự do. Đâu đó có những cấu trúc lặp từ, lặp khổ để nhấn mạnh cảm xúc, nổi bật qua các bài Tháng hạ, Sân trường nắng hạ. Hình tượng mùa hạ  quán xuyến suốt tập thơ. Mùa hạ là một hình tượng thời gian, nhưng đôi lúc lại được nâng lên thành khái niệm không gian như trong bài Tháng hạ. Xây dựng hình tượng mùa hạ, nhà thơ đã sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ như nắng, tiếng ve, hoa phượng…Từ đó, thơ của tác giả cũng trong sáng như tuổi học trò.
Mùa hạ, mùa chia li của thầy và trò. « Lưu bút mùa hạ » một lần nữa lại được giở ra. Ta bắt gặp ở đó một mùa hạ đầy ắp tình thương, tình người. Đó là tình thầy trò, tình quê hương và nỗi buồn chiến tranh. Chính vì vậy, dẫu chỉ là những trang tình lưu bút được viết qua mười bài thơ, nhưng tập thơ nhỏ của nhà thơ - thầy giáo Phan Phụng Thạch lại chứa  đựng những tình cảm và giá trị nhân văn lớn lao, cao cả, không chỉ có ý nghĩa lịch sử và thời đại mà còn lâu dài , trường cửu.

                                   Nguyễn Thị Quỳnh Thư - Quỳnh Như

No comments: