Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, September 16, 2014

ĐỌC THƠ LÊN TRỜI & DU ĐIA PHỦ CỦA THÁI QUỐC MƯU - Châu Thạch

             
                          Nhà Thơ Thái Quốc Mưu


ĐỌC THƠ LÊN TRỜI & DU ĐIA PHỦ 
CỦA THÁI QUỐC MƯU
                                                                          Châu Thạch

Chẳng biết nhà thơ Thái Quốc Mưu có phải là tiên là Phật hay không?. Nếu không phải là tiên là Phật thì đích thì ông là anh chàng ngông thuộc hàng bậc nhất thế gian. Bởi vì ông làm thơ lên trời nhiều lần mà xuống địa phủ cũng lắm khi. Thường thường, những người ngông thì hay kiêu ngạo khiến cho trời không dung đất không tha nhưng cái ngông trong thơ Thái Quốc Mưu lại làm cho người vui mà trời cười thoải mái.

Đọc cái ngông của Thái Quốc Mưu nhiều khi ta cũng thấy mình lâng lâng siêu thoát như cùng ông viếng Ngọc Hoàng, thăm địa phủ.

Trước hết hảy thưởng thức vài bài thơ tiêu biểu mà ông kể chuyện lên trời:

               LÃO ĐIÊN CHẦU TRỜI

        Ngọc Hoàng hạ chiếu bảo về chầu
        Vội lái phi thuyền diện kiến tâu
        Quan chức ngồi nghe ngàn mấy trự
        Bệ tiền tấu rỗi mỗi thằng tao
        Cái tình dân tộc còn đâu - Chán!
        Hai chữ nghĩa nhân cũng hết - Sầu!
        Thượng Đế nghe xong liền vỗ án...
        Tây Vương Thánh Mẫu thét: “Đau đầu!”

Hai câu mở của bài “Lão điên chầu trời” đã cho ta thấy hai cái ngông của nhà thơ. Thứ nhất Thái Quốc Mưu tự nhận mình là quan chức nhà trời, vì chỉ có quan chức nhà trời thì mới lìa thế bay lên khi nhận chiếu chỉ Ngọc Hoàng. Người trần mắt thịt của chúng ta chỉ bỏ thế gian khi Satan mang lưởi hái tử thần đến điều đi trong đau khổ. Cái ngông thứ hai là Thái Quốc Mưu tự cho mình là phi hành gia số một trần gian, vì cho đến nay chỉ có người cởi phi thuyền bay đến cung trăng chứ chưa hề có ai cởi phi thuyền mà lên đến tận trời, nơi thượng đế định cư. Hai câu mở tưởng là Thái Quốc Mưu chỉ nói đến hai cái ngông để cười, nhưng thật ra còn thêm một cái ngông ẩn trong hai câu thơ đó vừa cao siêu vừa thú vị. Đó là Thái Quốc Mưu tự cho mình có hai thân vị trong một con người. Thân vị là tiên khi ông nhận chiếu chỉ Ngọc Hoàng và thân vị là người khi ông cởi chiếc phi thuyền bay lên. Tiên thì chỉ về trời bằng mây hay bằng cá chép chớ không cởi phi thuyền mà đi được. Người thì chẳng bao giờ nhận được chiếu chỉ của Ngọc Hoàng triệu hồi về lại thiên cung. Thái Quốc Mưu được về trời, lại vể trời bằng phi thuyền của con người chế tạo, cho nên ông có hai thân vị của thánh thần và của nhân gian. Vì mang hai thân vị đó nên qua hai câu thơ ở vế trạng, nhà thơ Thái Quốc Mưu coi mình như bình đẳng với thánh thần nhà trời mà phát ngôn bằng những từ của giới bình dân trần thế:


        Quan chức ngồi nghe ngàn mấy trự
        Bệ tiền tấu rỗi mỗi thằng tao

“Mấy trự” là mấy đồng tiền lẽ. “Thằng tao” thì thằng là tự coi mình tầm thường, “tao” là xưng hô với người ta không tôn trọng.

Quan chức nhà trời ngồi trên ngàn vị nhưng được xem chỉ như là “mấy trự”, có nghĩa là giá trị của họ chỉ bằng bạc cắt, bạc kênh thôi. “Tấu rỗi” có nghĩa thong thả tâu, lai rai trình tấu. Hai câu trạng chứng tỏ tại sân nhà trời, Thái Quốc Mưu và thánh thần không có ai trên ai dưới, phẩm cách như nhau. Chữ “tấu” ở đây chỉ là cách nói lịch sự tôn trọng đám đông. Cách chơi chữ trong hai câu thơ nầy rất hay vì tác giả tự nhún nhường hạ mình xuống làm “ thằng” sau khi xem thường gọi đối phương nhà trời là ‘trự” và xưng “tao” với họ. Quan chức nhà trời ngồi nghe ở đây không thể nổi nóng mà dễ dàng cười thông cảm vì Thái Quốc Mưu dùng cách xưng hô như người Dân Tộc: ai cũng gọi bằng thằng và xưng lại là tau.

Qua vế luận, lão điên không còn điên nữa mà lời phát ngôn nghiêm chỉnh như một hiền nhân ưu tư về thế sự:

        Cái tình dân tộc còn đâu – chán!

        Hai chữ nghĩa nhân cũng hết –sầu!

Hai chữ “chán” và “sầu” nhấn mạnh như kết luận tình hình trần thế mà lão điên trình lên hội đồng thiên thượng cùng lời ta thán bày tỏ nỗi lòng lo âu vì thời cuộc thế gian. Điều đó chứng tỏ sự tỉnh táo trong tâm thần người đứng trước bệ tiền. Cái điên vừa qua chỉ là trò giả ngây ngô của một vì thần tiên pha cốt cách con người đóng vai hài hước tạo nguồn vui. Lão điên bây giờ trở lại nguyên hình là một sứ thần đầy uy tín. Do đó nhà trời tin ngay những lời ông nói mới “vỗ án”, “đau đầu”.

Bài thơ “Lão điên chầu trời” như một nụ cười diễu cợt nhà trời. Nụ cười đó mang đầy tính chất ngông nghênh, hài hước đem đến giữa thiên triều một không khí tươi vui nhưng cũng gián tiêp tỏ ra nhân phẩm của con người không thua chi thiên thượng. Đọc bài thơ ta thấy cõi trời và cõi người hầu như rất gần nhau và cái điên của lão điên là cầu nối thân thiện giữ con người cùng thượng đế.

Qua một lần khác, Thái Quốc Mưu không chầu trời với tư cách sứ thần mà với tư cách khách vãng lai:

                      VIẾNG TRỜI
        Nhân tiện ngang qua ghé viếng Trời
        Gặp ông Thái Thượng vểnh râu cười
        Một đàn tiên nữ ra vồn vã
        Mặt ngọc Hằng Nga tỏa sáng ngời
        Phật Tổ giơ tay: “Chào Lão Đệ!”
        Quan Âm cất tiếng: “Á, Ông Lười!”
        Nước Trời trên dưới cùng tôn quý
        Khác với nhân gian lắm ngợm người

Toàn thể bài thơ trình bày một cuộc đón tiếp niềm nở của nhà trời với một người bạn thân thương. Vị thần mà tác giả gặp đầu tiên là Thái Thượng Lão Quân. Thái Thượng Lão Quân là tôn hiệu của một vị thần tiên trong Đạo giáo Trung Quốc. Trong thần thoại Đạo giáo, Thái Thượng Lão Quân có trước cả trời đất, chính là nguyên khí thời hỗn mang ngưng kết mà thành. Thái Thượng Lão Quân ở cung Đâu Suất, tại tầng trời thứ 33. Trong cung Đâu Suất có lò Bát Quái là nơi luyện các loại tiên đơn thánh thủy để trường sanh bất tử. Tiếp đó tác giả gặp Hằng Nga, Phật Tổ, Quan Âm và tiên nữ vui mừng chào thưa vồn vã. Bài thơ cho ta thấy một không khí nhu hòa, tươi vui, thân thiện chứng tỏ người đến thăm là người được nhà trời yêu thương mến mộ. Trong bài thơ nầy tác giả chỉ bày tỏ một thân vị thần thánh của ông qua lời lẽ trong thơ và qua cách đón tiếp của nhà trời. Lời thơ trong “Viếng Trời” không chế riễu, không coi nhẹ người nước trời nữa mà cuối bài ông còn ca tụng “Nước trời trên dưới cùng tôn quý”. Điều nầy dễ hiểu vì bây giờ ông và họ cùng đẳng cấp như nhau, cùng mang chung thân vị thần tiên nên không có sự tị hiềm ganh ghét. Trong bài thơ nầy tác giả thẳng thừng chê bai hạ giới: “Khác với nhân gian lắm ngợm người”. Điều nầy không đáng trách, vì khi tác giả đóng vai thần chánh hiệu thì phải nhận xét con người với tất cả công tâm. Có như thế bài thơ mới thoát tục và mang hương vị ở chốn cao sang, thánh thoát.

  Thái Quốc Mưu là một nhà thơ nhưng chính thơ ông sáng tác lại đóng vai diễn viên trên sân khấu. Khi điên thì cái điên cũng mượt mà, thanh nhã và chơn chất mà khi nghiêm chỉnh thì đường bệ, thanh cao. Dầu điên hay tỉnh Thái Quốc Mưu luôn có nụ cười hóm hỉnh, ý vị và hài hòa như lan ra giữa cõi trời một niềm vui thú, làm cho cõi trời trở nên một sân khấu cho khán giả trút đi ưu tư phiền muộn trong tiếng cười. Rất nhiều thi sĩ đã về trời trong cơn say chếnh choáng. Rát nhiều thi sĩ đã đứng trước bệ tiền miệt thị cõi bề trên. Thái Quốc Mưu thì không như thế. Khi thì ông về trời trong thân vị nửa tục nửa tiên để hiểu thấu đáo niềm đau của loài người và nỗi khổ của đấng chí cao. Khi thì ông về trời trong thân vị một vị thần để thư giản cho chính mình và thư giản cho người thưởng thức thơ ông. Dầu về trời trong cương vị thế nào, thơ Thái Quốc Mưu đều tiềm ẩn trong đó một triết lý sống vui, nhẹ nhàng và thoải mái, làm cho người đọc sau nụ cười thì chiêm nghiệm được phong cách sống ở đời cho đẹp thêm lên.

 Châu Thạch đã bàn về thơ lên trời của Thái Quốc Mưu, bây giờ ta hảy thử bàn tiếp thơ du địa phủ của tiên sinh.
Cũng như lên trời, nhà thơ Thái Quốc Mưu du địa phủ nhiều lần trong nhiều tư cách. Khi thì ông được mời, khi thì đi dạo chơi, nhưng chưa lần nào ông bị gọi đi như đã từng nhận chiếu chỉ của Ngọc Hoàng. Điều đó chứng tỏ vai vế của ông đối với nhà trời thì còn thấp đôi chút nhưng đối với địa phủ thì chẳng đứng dưới ai kể cả Diêm Vương. Cũng khác với lên trời, tâm trạng của Thái Quốc Mưu khi về địa phủ không được vui, vì ở đó ông thấy toàn nghịch cảnh.
 Bây giờ ta hãy xem xét một vài bài thơ tiêu biểu trong những chuyện về âm phủ của Thái Quốc Mưu:

                    VIẾNG CÕI ÂM
        Xuống dưới Diêm Vương dạo cảnh chơi.
        Ô hay, địa phủ khác xa đời!
        Quần thần mặt mũi như trâu ngựa
        Binh lính sai nha khác tính người
        Quan lại tham tiền nên tối mắt
        Dân đen có miệng phải câm lời
        Dưới trên một lũ y khuôn đổ.
        Có mắt nhưng mà chẳng có ngươi.

Đối với Thái Quốc Mưu, địa phủ hoàn toàn tăm tối. Dương trần còn có chuyện vui nhưng địa phủ theo hai cầu mở bài là “khác xa đời” và ở những câu thơ kế tiếp ông nêu ra toàn những hình ảnh xấu xa: Quần thần thì “mặt mũi như trâu ngựa”, binh lính sai nha thì “khác tính người”, quan lại thì  “tham tiền nên tối mắt”. Điều đau khổ nhất là cả cõi âm chỉ là một tập đoàn mù quán  “Dưới trên một lũ y khuôn đúc/ Có mắt nhưng mà chẳng có ngươi”. Sự kiện cõi âm là một tập đoàm mù quán trên dưới giống nhau như khuôn đúc là một tệ nan chung, lớn lao và đau khổ. Nó như một chiếc khóa khổng lồ cùm trói xã hội qua nhiều đời nhiều kiếp đã làm cho “ Dân đen có miệng phải câm lời”.

  Ở một lần thăm viếng địa phủ khác, nhà thơ Thái Quốc Mưu lại khẳn định thêm một lần nữa cõi âm ty là một chốn mà giới cầm quyền không có phẩm chất của người cai trị:

                       CÕI ÂM TY
        Buồn buồn xuống viếng cõi âm ty
        Mắt thấy tai nghe thật lạ kỳ
        Viên chức toàn là đồ bát nháo
        Quan quân cả thảy lũ vô nghì
        Đầu trâu, mặt ngựa luôn vênh váo
        Miệng hổ, lòng lang khó sánh bì
        Lính lác cũng đòi tiền mãi lộ
        Diêm vương thì đầu óc đen xì

Tất nhiên lên trời hay xuống địa phủ cũng là những bài thơ phát sinh từ trí tưởng tượng của nhà thơ Thái Quốc Mưu, nhưng chúng ta thử hỏi vì sao ông có thái độ cởi mở khi lên trời mà lại có thái độ hằn học khi du địa phủ? Điều đó cũng có thể lý giải được vì hai thái độ khác nhau đó phát sinh từ tâm lý của nhà thơ. Đối với Thái Quốc Mưu, lên trời nằm trong ước vọng của ông về một điều tốt đẹp  Ông muốn đồng hóa cõi trời và cõi thế. Ông muốn con người cũng tốt đẹp như thần thánh và thần thánh cũng mang bản chất như con người để gần gủi con người. Những điều tốt đẹp ông tưởng tượng có ở trên trời thì ông ít thấy có ở trần gian mà có thể chỉ nằm trong ước mơ mà ông hư cấu trong đầu óc của mình, còn nhưng điều xấu xa ông gán cho đja ngục là cái mà ông đã thấy nhản tiền giữa thế gian, là cái mà ông đã và sẽ chung đụng, là cái mà ông rất ghét và đã từng phẩn nộ vì nó.  Vì vậy dễ hiểu khi ta thấy ông bỏ qua cái tốt mà chỉ toàn công kích cái xấu ở cõi âm ty. Chỉ một lần trong bài thơ “Địa phủ Du” nhà thơ công nhận âm ty cũng còn điều tốt đẹp: “ Âm ty chẳng khác gì nhân thế/ Cũng lắm hoa thơm lắm bọ giòi”. Có lẽ vì lúc đó tác giả có niềm vui gì đó nên cái nhìn của ông về cõi dưới cũng vui lây.

 Một lần nhà thơ được Diêm Vương mời xuống đánh cờ. Đánh cờ là thú chơi tao nhã của tiên ông, nó không phù hợp ở chốn kêu la và khóc lóc, vì vậy nhà thơ tỏ ra không hứng thú : 

               NÓI VỚI DIÊM CHÚA
        Cái lão Diêm Vương cắc cớ thôi
        Nhè ta mời xuống đánh cờ chơi
        Làm như cạn ráo lòng yêu gái
        Chẳng biết dư thừa sức tắm hơi
        Ào ạt y chang xe xuống núi
        Lom khom na ná ngựa leo đồi
        Không như tướng, sĩ xua dàn pháo
        Chưa bước sang sông đã tịt ngòi.
                     Atlanta, Nov. 29. 2011
                            Thái Quốc Mưu

Đem cái thú chơi tiên mà so sánh với thú chơi dục tính của trần gian là một ẩn ý sâu sắc của bài thơ. Ta nhìn thấy ở đây Diêm vương lúng túng như một chú hề trong cái cử chỉ học đòi thanh tao đó . “ Y chang xe xuống núi/ na ná ngựa leo đồi” và cuối cùng thì “ Chưa bước sang sông đã tịt ngòi”  là tiếng cười chế diễu Diêm Vương, hay đúng ra, nhà thơ chế diễu hạng người quyền cao chức trọng, ăn chơi trác táng mà còn lòe thiên hạ sau tấm bình phong tốt đẹp.

 Đọc thơ về du hành ra khỏi trần gian của Thái Quốc Mưu ta thấy nhà thơ lên trời thì ít mà về địa phủ thì nhiều lần. Vì sao? Rỏ ràng vì ông canh cánh bên lòng những tệ đoan giữa cuộc đời, những bất công, những đau buồn trên trần thế. Nỗi lòng ông nặng bởi đời sống con người, bởi hạnh phúc nhân quần xã hội, cho nên sự phản đối sự xấu xa âm ỉ trong tâm tư ông,  khiến ông thường đi về địa phủ như đến thăm viếng an ủi lớp người bần cùng thì nhiều mà đi đến thiên đàng nơi có nhiều vinh quang thì ít.

   Đọc thơ về du hành địa phủ của Thái Quốc Mưu ta thấy ở đó tóm gọn những bản cáo trạng tố cáo mảnh liệt những điều xấu xa, nhất là những điều xấu xa ở giai cấp quan lại từ cao xuống thấp. Thật ra những điều Thái Quốc Mưu viết không chắc có ở địa phủ nhưng chính nó thật sự xảy ra ở trần gian. Thái Quốc Mưu dùng địa phủ để chỉ trích trần gian, chỉ trích những tệ nạn hoặc ít hoặc nhiều, hoặc nhẹ hoặc trầm trọng còn tùy vào cái nhìn ở mỗi góc cạnh khác nhau nhưng nó đã thật sự xảy ra trên toàn thế gian nầy không trừ một nơi đâu. Góp thêm với tiếng kêu của nhưng người có tâm huyết, Thái Quố Mưu dóng lên nhiều tiếng trống tố cáo quyền lực của sự tối tăm đã làm cho trần gian vốn chẳng thua gì tiên giới bao nhiêu lại trở thành địa phủ, nơi lòng người “đen xì” và mặt người biến ra “trâu ngựa”
                                                                   3/4/2014
                                                                 Châu Thạch
                                     

No comments: