Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, September 4, 2013

SẠN NGƯỜI - tập tản văn, bút đàm của Trường Hải - Kỳ 2: GIÁ ƠI LÀ GIÁ!




GIÁ ƠI LÀ GIÁ!


Không chi ăn nhanh bằng giá, không chi lên nhanh bằng giá. Đó là giá đỗ! Chỉ vài ba ngày ấp ủ, nhúng nước đều đặn năm, sáu lần là có ăn. Trồng cây, thu hoạch nhanh nhất là giá đỗ.


Trong kinh tế thị trường còn có loại giá tăng trưởng nhanh hơn nữa, từng giây, từng giờ, từng ngày như bơm thổi quả bong bóng bay. Thật là thần kỳ đến chóng mặt. Đó là giá cả!


Đồng tiền nói chung, đồng tiền Việt Nam nói riêng trong thời buổi này mất giá từng ngày. Phải nói là Chính phủ nước nào cũng cố tìm giải pháp kiềm chế sự mất giá của đồng tiền trong thời kỳ “đại khủng hoảng” toàn cầu kể từ năm 2008, nhưng xem ra không hiệu quả lắm. Đồng tiền Việt Nam trước đây ba bốn chục năm có giá trị thật! Tiền xu, tiền hào cũng mua được vật chất có giá trị, từ đồng quà tấm bánh cho con trẻ. Bây giờ tiền nghìn, tiền chục nghìn, tiền trăm nghìn mới nói đến chuyện mua bán, tiêu dùng; tiền xu, hào coi như bỏ.


Cả xã hội chạy đua theo giá cả. Nay khác mai khác. Nhanh tay có khi được, có khi thua. Giá cả cứ phập phồng như bong bóng vậy. Người nhiều tiền cũng khổ mà người ít tiền cũng khổ. Đi chợ nặng túi, mất công cất giữ, mất công đếm tiền nhưng mua hàng hoá cũng chẳng được bao nhiêu.


Cách đây ba năm, một gia đình bốn nhân khẩu đi chợ chỉ dăm chục ngàn là cả ngày ăn uống khá tươi tắn, tươm tất. Bây giờ muốn được như thế phải bỏ ra vài trăm ngàn là chí ít.


Đời thủa nào cách đây sáu năm chỉ cần tám trăm ngàn đã mua được một chỉ vàng mười thì bây giờ hơn năm, sáu lần như thế mới mua được một chỉ. Thật là chóng mặt. Khổ cho những ai cưới hỏi cần mua vàng.


Đồng lương hàng năm theo lộ trình có điều chỉnh, có bù trượt giá nhưng xem ra có thấm tháp gì với việc trượt giá, rớt giá. Xã hội có hội chứng ớn lạnh mỗi lần tăng lương “lương ơi đừng tăng nữa!”. Bởi vì dân gian thường nói “chó chạy trước mang” lương chưa tăng nhưng giá cả đã tăng trước ba, bốn tháng rồi.


Nhiều quốc gia do tiêu pha công sản quốc gia quá đà dẫn đến nợ công chồng chất, dẫn đến nguy cơ vỡ nợ như Hi Lạp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ…v.v và tiếp đến cả các đại cường quốc khác như Mỹ, Anh, v.v. Nhiều nước kể cả nước ta đưa ra kế sách cắt giảm chi tiêu công, thắt lưng buộc bụng để tránh phá sản tài chính quốc gia. Xem chừng cuộc chiến khá cam go, khốc liệt.


Khổ nhất vẫn là người dân lao động, đồng tiền làm ra khó mà chi tiêu thì tốn kém, mất giá. Có tít báo cười ra nước mắt “Giá thịt Lợn ở Hà Nội tăng nhanh hơn Vàng” thật quả đúng thế !


Chính phủ cũng đưa ra nước quyết sách để chống bão giá nhưng chưa dài hơi cũng chạy theo thị trường, rách đâu vá đó. Phải công nhận là hơn 20 năm đổi mới đất nước có nhiều thay đổi bộ mặt xã hội đổi sắc thay da nhất là xây dựng cơ sở vật chất. Nhưng bão giá, bão trời, lũ lụt hoành hành mấy năm nay nhìn chung thực chất cuộc sống nhân dân còn nhiều vất vả, vật lộn, chống chọi để sinh tồn. Đi một bước lùi một bước!


Người viết chỉ là kẻ thường dân mong rằng Nhà nước có giải pháp chiến lược lâu dài để chống giá cả leo thang, ổn định đồng tiền, ổn định xã hội và dân sinh.             

Trường Hải

No comments: