Thầy cô giáo trường tiểu học xã Triệu Sơn, Triệu Phong năm học 2011-2012
(Ảnh từ trang web của Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Triệu Phong)
(Ảnh từ trang web của Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Triệu Phong)
(Đặc biệt kính tặng nhà giáo Lê Thị Thiện, làng Thạch Hãn,vị hiệu trưởng đầu tiên)
Ở cuối đàng Đông làng tôi có cái nền cũ trên một diện tích của khu đất khá rộng nằm trước xóm, bên cạnh khe nước. Thuở nhỏ ít khi tôi được đi đến đó, bởi lẻ bên kia là cái đồn lính Pháp, người địa phương gọi là “Bốt Chợ Cạn”, nhà tôi ở tận cuối đàng Tây, chỉ nghe nguời lớn chỉ vào mảnh đất ấy nói là nền trường cũ.
Tôi không mường tượng được ngôi trường ngày xưa như thế nào, cũng không nghe ai nói về một kỷ niệm đã học ở đó, tôi chỉ đoán mò thuở trước chắc nơi ấy của các thầy đồ dạy học kiểu cụ tú Trần Tê Xương, đoán thôi à, vì trong gia đình từ ba tôi, các chú tôi đều là những người trong giới trí thức ở địa phương, có bằng cấp, trình độ vững vàng vào thời ấy , không nghe một ai nói về kỷ niệm mài đũng quần nơi cái trường làng đó cả, mà chỉ nghe khăn gói lên học trên Sải, vào trong Huế , trường Quốc Học, thi vào trường Hậu Bổ ….Nếu đúng vậy, thì tôi là người đầu tiên trong gia đình đến “khai tâm” nơi mái trường này, và tính chung cho cả vùng Chợ Cạn, lớp chúng tôi là lớp đầu tiên của trường tiểu học An Lưu, nói cho văn vẻ và trịnh là trưởng tràng.
Phải thành tâm mà xác nhận rằng sau ngày đất nước chia làm hai năm 1954, để tái phục hoạt lại mọi lĩnh vực bị thụt hậu bởi chiến tranh dai dẳng. Miền Nam rất chú trọng đến ngành giáo dục, nhằm mở mang dân trí, căn bản khởi đầu là những ngôi trường sơ cấp, từ một hoặc hai lớp, hằng năm cứ vậy mà tăng lên cho đến hết bậc tiểu học. Cấp quận dần dà mở lớp trung học đệ nhất cấp, cũng từng bước đi lên như thế. Trường An lưu được nằm trong chương trình này.
Lần đầu trong đời làm một cậu học trò cắp sách đến trương, là khi trường sơ cấp An Lưu khai giảng niên khóa đầu tiên. Lúc ấy tôi không có cái cảm giác của một “thằng” bé con lần đầu đi học như nhà văn Thanh Tịnh viết trong bài “Tôi đi học”, đã từng làm mê mẩn bao tâm hồn non trẻ, trong đó có cả tôi. Điều dễ hiểu là trong những năm tháng còn chiến tranh, lứa chúng tôi đã được học, học ở nhà do người trong gia đình dạy, đọc, viết, làm toán,học ở những lớp tạm dạy dưới lùm cây, trong các đình nghè, hay một mái lá che nào đó. Những lớp học đặc biệt này, tôi từng ghi lại bằng bài viềt : “Ngôi trường trong trí nhớ” . Cho nên trên đây tôi có dùng chữ khai tâm là cách nói “chữ nghĩa vu vơ” chứ cũng không chính xác, nhưng dù sao lúc đó mình mới là học trò đi học đúng nghĩa, có trường, có lớp, có bàn ghế, có chương trình giờ giấc rõ ràng, là vui lắm rồi .
Năm học đầu tiên, trên cái nền cũ hoang tàn ấy, chỉ cất lên một gian nhà giản dị đủ cho hai phòng học, dùng cho hai lớp, có lẽ để cho kịp mùa khai trường người ta xây cất rất thô sơ, mái tôn, tường trét đất, nhưng dụng cụ cho hai lớp học thì đầy đủ. Ngày khai giảng tôi được xếp vào lớp cao nhất là lớp Ba, do cô Lê Thị Thiện phụ trách, lớp Tư do cô Trần Thị Quế đảm nhận, chưa mở lớp Năm và lớp vỡ lòng (tiền thân của mẫu giáo sau này). Cô Thiện vừa là giáo viên lớp Ba, vừa là Hiệu Trưởng trường sơ cấp An Lưu. Đã có bác phu trường, lo quét dọn, đánh trống, đó cũng là lần đầu trong đời được nghe tiếng trống vào học và bãi lớp.
Học trò dạo ấy tuy cùng lớp nhưng tuổi tác chênh lệch, trình độ cũng không đồng đều, trong lớp ngoài tôi ra còn có anh Quý người làng Đồng Bào hay Văn Phong gì đó, và một vài người nữa …thuộc thành phần nhỏ tuổi, nhỏ xác, được xếp ngồi phía trước, gần bàn của cô giáo, thuở ấy tôi ít nói, có lẻ không quen giao tiếp với đám đông, nhưng học thì khá hơn những người cùng lớp, chỉ có tôi và Lê Quang Mô tranh nhau nhất nhì, Mô cũng lớn hơn tôi hai tuổi, người cao tuổi nhất là Trần Dược làng Phương Sơn, cao lòng ngòng, nghe nói đã có vợ. Còn Lê Quang Dược cùng làng An Lưu, tuy nhỏ con nhưng cũng lớn hơn tôi ba tuổi.
Bạn đồng môn cùng trang lứa vào cái thuở ban đầu ấy, hiện nay có anh Phan Lục, người xóm Phường Đạo Đầu đang cùng ở thung lũng Hoa Vàng - Cali - Hoa Kỳ, là gần tôi nhất, chúng tôi vẫn giữ liên lạc, thỉnh thoảng gặp nhau nhắc về ngày cũ chuyện xưa. Ở Nam Cali thì có Hoàng Ba làng An Phú.
Thuở ấy, thân cận nhất với tôi là Trần Lại, vừa cùng lớp, cùng xóm và là anh em chú bác trong nhà, hằng ngày đi về với nhau. Lại và tôi từng cặp kè trong những lần đi học trước đó, hay cùng lặn lội lên rú, ra nương, xuống ruộng cạn, qua đồng sâu để lấy củi, hái nấm, câu bắt cá, bẩy chim…hoặc trong các trò vui đùa kiểu trẻ con nhà quê như đá dế, đánh căng….cho nên rất thân thiện, tuy là vai em trong gia tộc, nhưng cũng lớn hơn tôi một tuổi. Người anh em cùng trang lứa này, đã để lại nơi tôi nhiều kỷ niệm thuở thiếu thời. Đặc biệt là lúc nhỏ chú ấy rất khoẻ mạnh, luôn ra tay “hảo hán” bảo vệ người yếu mỗi khi bị hiếp đáp.
Cô giáo Lê Thị Thiện của tôi có dáng người mảnh khảnh, hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, nhưng nghiêm khắc. Ở nơi cô toát ra một cái gì đó mà học trò rất nể trọng. Tôi nghiệm ra rằng : Nơi quê hương nghèo nàn triền miên thiên tai, dày đặc thảm họa chiến tranh…khắc khổ trong đời sống ….Nhưng cái nề nếp quân chủ phong kiến chưa mờ nhạt, nhờ vậy tư tưởng “Quân Sư Phụ” hay câu “Trọng thầy mới được làm thấy”; “Không thầy đố mầy làm nên” những điều giáo huấn hay ho bổ ích đó còn hằn sâu trong nếp sống dân dã làng thôn. Người lớn trọng vọng thầy cô, con cái cũng học nề như nhau. Tất cả là do căn bản từ nền tảng văn hóa xã hội và giáo dục gia đình. Học trò nhà quê vào thời đó gọi cô giáo bằng chị, không hiểu vì sao, có lẽ vì họ đã lớn tuổi và quen cách xưng hô khi đi học thời chiến tranh.
Một niên học trôi qua không thấy cô Thiện nổi giận với học trò nào, và cũng không hề nghe cô thổ lộ một chút riêng tư về mình,chỉ nghe nói cô ở trên tỉnh, tức là thị xã Quảng Trị, buổi sáng đi xe đạp về dạy, chiều tan trường đạp xe lên trên ấy. Những ngày mưa bão cô ở lại nhà trọ gần trường cùng cô giáo lớp tư, tức nhà thân mẫu Lê Quang Mô . Cô Trần Thị Quế, người làng An Tiêm, còn rất trẻ,vui vẻ và thân thiện với học trò, cô ở lại với trường An Lưu một thời gian khá dài. Do vậy, lớp trẻ sau này vùng Chơ Cạn, học trò cũ của cô khá đông. Khi đang viết bài bút ký này, tôi có liên lạc được một người quen cùng làng An Tiêm, mới hay cô hiện sống ở Huế cùng người con trai, nay đã ngoài tám mươi, còn khoẻ và minh mẩn.
Niên học chóng vánh trôi qua, nghỉ hè, lại là lần đầu tiên một cảm giác bồi hồi xa thầy xa bạn, một nỗi buồn miên man, cô Thiện từ giã chúng tôi bằng những lời chân tình, quyến luyến. Hè năm ấy, một tuần sau ngày nghỉ, chúng tôi tổ chức đi thăm cô, nhà cô ở trong làng Thạch Hãn, căn nhà gọn gàng vách ván, kiến trúc giản dị theo kiểu cổ trên khu vườn khá lớn, trồng nhiều loại cây ăn trái như mít, ổi…chung quanh gần bờ tre cũng có trồng thơm (dứa) như ở làng tôi vậy. Buổi trưa hôm đó, là lần đầu tiên và duy nhất chúng tôi được ăn cơm trưa tại nhà cô giáo Lê Thị Thiện, chúng tôi ngồi ăn trên “phản” gổ, nằm gian bên phải của bàn thờ….sở dỉ tôi cà kê như vậy, để thấy rằng cái gì đã thuộc về kỷ niệm tuổi thơ khó mà phai mờ, dù tính ra nay đã hơn năm mươi năm lăn lộn với cuộc đời nhiều khổ ải gai góc, đi đây đó hầu như hết mọi miền đất nước, rồi lưu lạc xa xôi nửa vòng trái đất, những hình ảnh ấy vẫn còn hằn in trong tâm khảm.
Qua kỳ nghỉ hè, tôi vào Huế để học những lớp kê tiếp cho đến khi lấy bằng trung học đệ nhất cấp mới trở về Quảng Trị học hai nằm đệ tam và đệ nhị tại trường Nguyễn Hoàng.Tuy nhiên trong suốt thời gian đó, những dịp lễ, ngày Tết, hè …tôi có mặt ở quê, ngôi trường sơ cấp mái tôn vách đất hai phòng thuở đầu đã tiến những bước vững chải, một dãy nhà khang trang, tường xây, mái lợp ngói xi măng, cửa cánh chớp, nền đúc sạch sẽ, sơn quét màu sắc hài hòa,đường đi vào được đắp lớn ra,xe có thể chạy thẳng vào sân trường, hai bên trồng dương liễu xanh ngát, cây cao tỏa bóng mát, quanh trường có rào dậu, Hai trụ cổng vào được xây lên, với tấm bảng trang trọng “Trường Tiểu Học An Lưu”. Trong sân trường những cây trứng cá, phượng vĩ đã sum suê, từ xa cho chí gần ngôi trường trông rất bề thế và mỹ thuật.
Dù đã đi học xa, tôi vẫn còn giữ trong lòng biết bao kỷ niệm những ngày đi học đầu đời, trên cái nền cũ hoang tàn, rồi từ căn nhà khiêm tốn, đã thay hình đổi dạng, phòng ốc khang trang bề thế ví như như một chàng trai nhà quê nay đã là anh thị thành văn minh khéo mã. Tuy vậy, hình ảnh mái trường trong năm đầu khai giảng vẫn là nét ấn tượng nhất trong tôi mỗi khi nghĩ về những năm tháng xa xưa như nhớ lại thời khó khăn tuổi thơ nơi làng quê khắc nghiệt có ngọn gió Lào nóng rát, nắng khô nứt nẻ ruộng đồng và mùa đông mưa gió dầm dề, lạnh buốt luồng heo may, tất cả là dấu hằn quê hương để lại trong tâm hồn người xa xứ, trong đó hình ảnh hai cô giáo của trường là cô Lê Thị Thiện và cô Trần Thị Quế vẫn như còn trẻ trung tự thuở nào.
Năm tháng dần dà trôi qua, mảnh đất của “An Lưu Học Hiệu” thuở xa xưa, đã là một ngôi trường tiểu học hoàn chỉnh, đủ lớp cho bấc tiểu học, nhân sự cũng thay đổi. Cô Thiện và Cô Quế được thuyên chuyển đi nơi khác theo yêu cầu và nhu cầu, không rõ Cô Quế thuyên chuyển về đâu, riêng Cô Lê Thị Thiện, tôi được biết là đổi về trường tiểu học Ngô Xá, nơi đó gần và thuận đường lên thị xã hơn An Lưu, sau này Cô về dạy trường Nữ Tiểu Học Quảng Trị trước khi đặc biệt phụ trách trường mẫu giáo kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, trước trường trung học Nguyễn Hoàng, gần rạp xi nê Đại Chúng, đúng vào thời gian tôi từ Huế trở về học Nguyễn Hoàng.
Các vị hiệu trưởng kế tiếp là Thầy Nguyễn Mẫn Cán, Thầy Trần Xuân Yên, …các cô, thầy giáo như cô Hoàng, cô Nghi, cô Lưu Thị Thanh Huệ, thầy Trần Thúc Mai, thầy Lê Khái, thầy Trần Tư Bổng ….và nhiều, nhiều…kế tiếp sau này, tôi không biết hết để ghi ra đây. Trường An Lưu hiển nhiên là một ngôi trường tiểu học lớn và đẹp nhất so với các trường thuộc vùng duyên hải Triệu Phong.
Được đến như vậy là nhờ sự quan tâm của những người chịu trách nhiện hành chánh ở địa phương,và mức độ nhận biết ích lợi, cần thiết trong việc học hành cho con em của giới phụ huynh học sinh. Điều quan trọng nhất là những người trực tiếp điều hành, ngành giáo dục, mà tiêu biểu là các thầy cô giáo, trong đó vạn sự khởi đầu nan là vị hiệu trưởng đầu tiên cô Lê Thị Thiện, và đồng nghiệp là cô Trần Thị Quế.
Trong vài năm tháng ngắn ngủi an bình nơi quê tôi, trẻ thơ cả một vùng Chợ Cạn thuộc xã Triệu Sơn, từ Phương Sơn, An Lưu, qua An Phú, Thượng Trạch, Linh Chiểu, Văn Phong, Đồng Bào …và kể cả xóm Phường của thôn Đạo Đầu thuộc xã Triệu Trung, đều tụ tập về dưới mái trường thân yêu này. Chắc rằng ai từng từ đó mà ra vẫn còn giữ lại trong tâm thức hình ảnh những ngày thơ, khi tâm hồn chan chứa mộng đời dù thô sơ mộc mạc, nào là lớp học, thầy cô, bạn hữu…ngọn gió nóng quen thuộc hằng ngày, bóng nắng gay gắt buổi trưa mùa hạ, tiếng dế rúc trong sương mai trên con đường quê từ xóm nhà đến trường hay ngược lại. Làm sao không có những phút giây hoài niệm một chặng đời dĩ vãng với bầu trời kỷ niệm tuổi thơ và quê hương một thuở thanh bình.
Với thế hệ ngang lứa với tôi, người còn không ít, người ra đi vĩnh viễn cũng đã nhiều, tôi chỉ học nơi ấy một năm lớp Ba với cô Lê Thị Thiện rồi đi học xa, các bạn khác cùng lớp còn tiếp những năm kế cho hết tiểu học, sau này khi trở về trường Nguyễn Hoàng, chúng tôi lại gặp nhau, tuy không còn cùng lớp, nhưng đi cùng đường, ngày ngày gặp gỡ, nhiều khi cùng kể lại nhau nghe, ôn về ngày tháng cũ rộn rã tiếng cười trên những nét mặt hớn hở hồn nhiên.
Có vài bài bút ký của tôi đã viết về đồng quê nghèo nàn cam khổ lúc tuổi đời còn non dại, về những ngôi trường đã đi qua trong quảng tuổi học trò, làng thôn, chợ búa, và cả căn nhà nội trú nương thân thời non trẻ để được học hành trên đất thần kinh…Và tôi đã có ý định sẽ viết về trường tiểu học An Lưu, tuy chỉ một năm học ngắn ngủi, nhưng đó là biểu tượng văn hóa quê hương cằn cỗi khô khan, nhưng những gia đình nông dân mộc mạc quê mùa chơn chất này đã sản sinh ra những mái đấu xanh rất hiếu học, chính nơi đó là nền móng để đào tạo nên rất nhiều người thành đạt, có người nay vẫn còn, và cũng có người đã ra thiên cổ.
Và hôm nay, tôi viết những dòng này để hoài niệm về những ngày tháng xa xưa, để tưởng nhớ công lao bao vị đã dày công dạy dỗ trui rèn những mầm non thế hệ …và cũng để làm quà tặng đến những đồng môn, bạn hữu các thế hệ sau tôi, đã có một thời đèn sách dưới mái trường An Lưu này. Cũng như đốt một nén nhang tưởng nhớ đến những cựu môn sinh của trường đã gục xuống trong cơn nguy khốn của quê hương dù họ đứng ở vị trí nào.
Sau cùng, như để giữ một lời tự hứa với chị Cao Thi Miễn, ái nữ của cô giáo Lê Thị Thiện. Nhân đọc bài “Mẹ Tôi” của chị trên đặc san Hương Quê Nhà Sài Gòn năm 2011. Bài viết giản dị, nhưng đã đưa tôi về tìm lại dấu xưa, gợi ra một nỗi nhớ miên man về khoảng không gian những ngày xưa nơi quê hương yêu dấu, mà nay xa cách ngàn trùng, lòng mãi bồi hồi luyến nhớ một thuở an bình, xóm thôn vang tiếng hát, ruộng đồng trĩu hạt lúa vàng, hoa lá thuận mùa mượt mà rực rỡ trẩy nụ đơm bông.
Xin gởi kèm một lời chúc thật lành bằng cả nỗi lòng chân thành nhớ ơn.
Trần Quốc Phiệt
No comments:
Post a Comment