(Anh Trần Duệ và những đứa trẻ làng SOS)
TIN YÊU VỀ NHỮNG CUỘC ĐỜI.
(Đọc chùm truyện ngắn của Trần Duệ trong tuyển tập
“Mây ngàn”)
Dường như làm thơ/viết văn/sáng tác nhạc cũng
là một cách “gửi hương cho gió”, “gửi gió cho mây ngàn bay”… Những Mây ngàn ấy, mây nào bay vào Đức
Hòa-Long An, mây nào xuôi ra Hồng Thái-Bắc Bình, Hành Đức-Nghĩa Hành, Quế
Sơn-Quảng Nam đến tận Gio Linh-Quảng Trị? Đường đi của mây cũng là đường về của
những phận đời tha hương trôi dạt mơ ước có dịp gặp gỡ bè bạn gần xa, gặp những
tri âm tri kỉ, gặp người hữu duyên…Bao giờ bản thân người viết cũng tin vào những
mối duyên giữa đời, nhất là những mối lương duyên. Có thế mới tự lí giải được
cho mình vì sao suốt từ thuở thiếu thời, những năm ở Huế trước 1975, đến những
năm 80 khó khăn, thiếu thốn và tận bây giờ, dù cho đôi khi xa xôi, đứt nối, giữa
bản thân và anh Trần Duệ, tác giả mở đầu của Tuyển tập Mây ngàn, luôn luôn có nhiều liên hệ gần gũi, gắn bó – cả
về đời sống hằng ngày lẫn trong văn chương. Thế nên, khi nhận Tuyển tập của sáu tác giả như một món
quà tinh thần từ anh, trong tôi đã nhen nhóm mong muốn được viết về những truyện
ngắn của anh như là gửi đi những cảm nhận của mình về một quãng đời với những
phận người khó quên.
Những
truyện ngắn anh tự chọn đều xoay quanh những không gian – thời gian, những con
người quen thuộc, thân thiết với mình bởi anh cũng là một người có nhiều nét
tương hợp với những nhân vật truyện ngắn của mình. Nhân vật của anh chủ yếu là
những con người lam lũ, bươn chải: “những công nhân rách rưới, ốm đau”(Một cuộc đời- MCĐ); những nông dân sống
quanh “xóm nhỏ nằm ven chân núi”(Chuyện
xóm núi- CXN); những người làm nghề rừng ở xóm “lâm tặc”(tên một truyện ngắn của anh: XLT). Hóa thân vào nhân
vật xưng tôi, khi là nhân vật công nhân “nhỏ nhất công trường” (MCĐ), khi là
“anh sinh viên học mãi mà không ra trường”(XLT), người kể chuyện có điều kiện kể
về những con người, những cuộc đời với cái nhìn bên trong, cái nhìn của người
trong cuộc. Cách kể mộc mạc, giản dị; nhịp điệu câu chuyện chậm rãi, rề rà;
ngôn ngữ truyện còn nhiều chi tiết dôi dư; cấu trúc tác phẩm ít sự biến hóa…vậy
thì do đâu mà chùm truyện ngắn của anh đọc lên, ngẫm suy vẫn thấy đậm đà hương
vị nhân văn, nhân bản?
Theo
người viết, những truyện ngắn của tác giả Trần Duệ trong Tuyển tập trước tiên chứa đựng cái nhìn, cách nhìn vừa nghiêm khắc,
toàn diện vừa độ lượng, bao dung về những con người, những cuộc đời. Anh không
kể về họ với thái độ bôi đen hay tô hồng mà anh muốn kể về họ với những mặt tối/sáng
của chính họ, như họ vốn có. Truyện ngắn MCĐ mở đầu, thắt nút câu chuyện thông
qua chi tiết “quấy rối tình dục” phụ nữ. Nạn nhân là chị Xuân, từng “sống bằng
nghề buôn hương bán phấn” trước ngày giải phóng. Diễn biến câu chuyện giúp ta
nhận thức nhiều điều về hình ảnh những người công nhân một thời: thành phần phức
tạp, xấu tốt lẫn lộn; sống theo dư luận, nặng về thành kiến cá nhân; có khi đùa
vui vô tâm trên nỗi đau của đồng loại; ban chỉ huy công trường có thời rất
thích quy chụp; bảo vệ công trường đôi khi thô bạo…Nhưng rồi lần theo mạch truyện,
hình ảnh cả tập thể công nhân nói chung, từng nhân vật chính của truyện kể (chị
Xuân, anh Tý) nói riêng cứ sáng dần lên. Những hiểu lầm, thành kiến cá nhân dần
được khắc phục. Con người tưởng chừng hư hỏng như chị Xuân thật ra vẫn giàu
lòng tự trọng, thấu hiểu quan tâm đến người khác, đặc biệt vẫn luôn hướng thiện.
Riêng nhân vật chịu khá nhiều oan khuất như anh Tý vẫn sống “một cuộc đời” đầy
nhẫn nhục, vị tha. Anh luôn quan tâm đến hiện tình đất nước, hoàn cảnh riêng từng
người để khi cần sẵn sàng chia sẻ, cưu mang …Một số nhân vật khác như vị thầy
trụ trì (CXN), cô Mơ, anh Khang, anh Hoàng, người đàn ông bị mù (XLT)…,dưới
ngòi bút của tác giả, dù đã từng phạm phải lỗi lầm, thậm chí đã vô tình hoặc cố
ý gây nên tội ác, bao giờ cũng có sự thức tỉnh, hướng thiện.
Miêu
tả, xây dựng các nhân vật của mình một cách hiện thực và nhân đạo; bộc lộ niềm
tin mạnh mẽ, sâu sắc của mình về bản chất lương thiện, vị tha, đồng thời sẵn
sàng minh oan, chiêu tuyết cho những éo le, oan khuất của họ, nhà văn Trần Duệ
phần nào đã thể hiện được cái tâm đáng quí của những ngòi bút chân chính xưa
nay. Không có ít nhiều năng lực văn chương thì cũng rất khó viết văn. Có điều
năng lực ấy nhất định phải bắt nguồn từ cái tâm của người viết bởi lẽ “chữ tâm
kia mới bằng ba chữ tài”(Nguyễn Du).
Chính
cái tâm của nhà văn sẽ gợi ý, dắt dẫn anh ta tìm đến với thế giới nhân vật của
mình, giúp anh ta thức nhận, đồng cảm với những mảnh đời bình thường, bất hạnh
chung quanh. Trái tim nhạy cảm cùng với cái đầu tỉnh táo, từng trải của tác giả
sẽ hướng anh ta nhận thức, phân biệt những điểm sáng tối trong tư tưởng/tình cảm
nhân vật, phản ánh, lí giải được những động cơ ẩn sâu trong những việc làm ngỡ
như khó hiểu của họ. Mỗi truyện ngắn của Trần Duệ ở đây đều neo lại trong tâm
tưởng người đọc ít nhất “một cuộc đời” giàu ý nghĩa. Có thể kể ra một số nhân vật
đáng nhớ như chị Xuân, anh Tý (MCĐ), vị thầy trụ trì (CXN). Riêng truyện ngắn
XLT rất khó xác định nhân vật chính do cách kể
gần như dàn trải, “nhảy cóc “ từ nhân vật này sang nhân vật kia. Tuy
nhiên, chúng tôi nghĩ rằng có thể đây cũng là một dụng ý nghệ thuật của người kể
chuyện: không có số phận con người nào là hoàn toàn tối tăm, vô nghĩa; chúng ta
hãy biết trân trọng những điểm sáng, những việc làm tốt đẹp, dù là nhỏ nhặt, ở
mỗi người quanh ta?
Những
điểm sáng, những việc làm trên, chúng tôi muốn nhìn nhận, cắt nghĩa chúng từ
góc độ văn hóa ứng xử của con người Việt Nam truyền thống. Đó là những ứng xử
giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và giữa con người
với tín ngưỡng.
Trong các truyện ngắn
của mình, Trần Duệ dường như có “thiên hướng” miêu tả, trần thuật nhiều số phận
bi kịch khác nhau: chị Xuân, anh Tý (MCĐ), những “kiếp người ngậm ngãi tìm trầm”,
ông thầy trụ trì (CXN), cha con cô Mơ, thằng Khang (XLT)…Mặc dù đã/đang rơi vào
hoàn cảnh bi thảm, những con người này vẫn luôn cư xử với đồng loại theo quan
niệm sống cổ truyền của cư dân Việt: Bầu
ơi, thương lấy bí cùng…Thương người như thể thương thân. Chị Xuân bênh vực,
minh oan cho anh Tý; anh Tý cưu mang hai mẹ con chị Xuân. Những người dân xóm núi
sống nương tựa lẫn nhau, “hầu như ai cũng đều sống bộc bạch với nhau”; người thầy
tu hành không chỉ để sám hối, chuộc lỗi mà còn góp phần giúp những con người
nghèo khổ, thất học kia trở thành Phật tử lòng lành. Cô Mơ dạy chữ cho thằng
Khang còn cha của cô thì sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn cứu Khang thoát vòng tù
tội… Thử đem những nghĩa cử ấy đặt vào vòng xoáy tàn bạo, lạnh lùng của cơ chế thị
trường hiện nay mới thấy chúng đáng quí, đáng trân trọng biết bao! Những nghĩa
cử ấy, thử ngẫm suy mà xem, có phải bắt nguồn từ văn hóa Việt, một nền văn hóa
gốc nông nghiệp, về mặt cộng đồng, con người ưa sống theo nguyên tắc “trọng
tình”?
Văn hóa của bất kì
dân tộc nào cũng được dựng xây, định hình qua trường kì lịch sử. Trải qua thời
gian, văn hóa sẽ lắng lại trong tâm thức con người những lớp trầm tích. Đó là hệ
thống hữu cơ những giá trị vật chất và tinh thần. Những giá trị này sẽ chìm vào
vô thức âm thầm chi phối mọi ứng xử của con người trong nhiều mối quan hệ khác
nhau. Nhìn nhận từ góc độ văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, chúng ta mới
hiểu vì sao ngòi bút Trần Duệ lại miêu tả không gian, con người xóm núi (XLT
cũng là xóm núi) theo cái nhìn, cách nhìn của những con người Kẻ Ruộng, con người
gốc nông nghiệp. Họ khai thác rừng song luôn mang mặc cảm của những con người
đã/đang “tước đoạt của trời cho”. Họ tìm trầm mà luôn lo sợ biến thành “người rừng”;
họ khai thác gỗ lậu song vẫn thường xuyên nghĩ đến lời nguyền: “Ăn của rừng,
rưng rưng nước mắt”. Vì vậy, họ chọn lối sống định cư biến “những cánh rừng” thành
“những ruộng lúa xanh tốt” (CXN); họ “chỉ
vào rừng những tháng mùa nắng, còn mùa mưa thì họ lên rẫy để trồng lúa, trồng bắp”.
Rồi họ dựng nhà lập xóm. Rồi họ xây đình mở chùa. Đình ở xóm núi chỉ là “một
ngôi nhà làm nơi thờ cúng, tạ ơn thần linh của núi rừng đã phù hộ cho những con
người nơi đây được trúng mùa”. Ngôi đình ấy về sau “mặc nhiên trở thành ngôi
chùa” và những cư dân xóm “ngày làm ruộng, đêm lên chùa đọc kinh”, “trở thành
phật tử hồi nào không hay, không biết”.
Vậy là vô hình trung
tác giả Trần Duệ đã miêu tả, trần thuật một không gian văn hóa mang tính biểu
tượng truyền thống của cộng đồng cư dân Việt cổ: không gian đình-chùa. Không
gian này vừa là trung tâm sinh hoạt, đêm đêm, “những người đàn ông tụ tập lại với
nhau” kể lể, tâm sự, vừa là trung tâm tín ngưỡng, đêm đêm, mọi người “lên chùa
đọc kinh”. Ngôi đình/chùa này là minh chứng cho sự dung hợp giữa tín ngưỡng
sùng bái tự nhiên của dân gian với niềm tin hướng về Phật giáo, một tôn giáo
luôn đồng hành cùng dân tộc Việt. Nó mang lối kiến trúc phổ biến của chùa Việt
Nam là “tiền Phật hậu thần”…
Cảm nhận những truyện
ngắn của nhà văn Trần Duệ từ góc độ văn hóa, chúng ta có cơ sở để lí giải về cốt
truyện, cấu trúc tác phẩm, về ngôn từ và chi tiết nghệ thuật. Những truyện ngắn
của anh trong tuyển tập đọng lại trong tôi những dư vị và ấn tượng về tình người,
tình đời. Đặc biệt, đọc đi đọc lại tác phẩm CXN, những suy cảm của tôi cứ miên
man theo hình ảnh vị thầy trụ trì, âm điệu chuông chùa đa dạng/biến đổi, tượng
Phật mặt ốm và buồn…Ngay cả câu trả lời “Sống thì cầu an, chết thì cầu siêu chứ
cầu gì cho nhiều” thoạt nghe có vẻ giản đơn, mộc mạc thật ra vẫn chứa đựng một
chiều sâu nhất định của văn hóa tâm linh dân tộc Việt.
Khánh
Hải,
tháng 5/2012
Phan Đình Dũng
2 comments:
Aw, this waѕ a vеrу good poѕt.
Fіnԁing thе time аnԁ actual effort to produce a rеally good aгticle… but ωhat can I
ѕаy… I proсrastinate a whole lot аnԁ don't seem to get nearly anything done.
my website: pikavippii
Mу familу mеmberѕ аll the tіme
say thаt I am waѕting my time here at net, but Ι know I am gettіng famіliarity еνeryday by reading thеs pleaѕant cοntent.
Check out my website :: trading platform
Post a Comment