Phải
đến năm thứ tư đại học, 22 tuổi, tôi mới đặt chân đến Quảng Trị. Đó là mùa đông
1990, khi mà thế kỷ 20 đã sắp sửa chấm dứt. Khi mà tôi đã đọc, đã nghe, đã hát,
đã viết về hai chữ Quảng Trị đến cả ngàn lần. Khi mà tôi đã thân thiết với nhiều
bạn bè Quảng Trị đến mức nhiều người cứ tưởng tôi là “dân Quảng Trị”. Dù cái miền
đất đó chỉ cách Huế có một giờ đạp xe, và tuồng như không có khoảng cách nào
trong lòng tôi.
Tôi
nhớ mãi buổi sáng mùa đông năm đó, mưa dầm dề, trời lạnh buốt. Tôi và Hùng đen (tên
khai sinh Phạm Xuân Hùng, bút danh Từ Dạ Thảo) lên chuyến tàu chợ Huế - Đồng Hới
lúc trời còn tối mờ mịt. (Xin cám ơn ngành đường sắt Việt Nam thời bao cấp, đã
giúp cho hàng vạn sinh viên nghèo, nếu tính lãi mà đòi nợ vé tàu thì chúng tôi
không trả nổi !). Không vé và không một miếng sắn khoai gì trong bụng, nhưng
hai thằng vẫn say sưa trò chuyện cho đến khi tàu dừng ga Đông Hà. Tôi bước xuống
sân ga và thấy một cảm xúc dâng trào: vậy là mình đã đặt chân lên đất Quảng Trị.
Tôi
đề nghị Hùng nên đi bộ, cứ lang thang như thế trên những con đường phố thị lấm
lem bùn đất đỏ, để ngắm nhìn cái thị xã ngã ba đường vẫn chưa hết vẻ xác xơ dù
chiến tranh đã lùi xa hơn 15 năm. Chúng tôi tiếp tục đón xe lên Tân Lâm. Chiếc
xe đò chật ních người lao động, chạy hun hút giữa bốn bề gò đồi đất đỏ, hoa quì
nở vàng rực hai bên đường. Và gió cứ thổi bạt ngàn từ ngọn đồi này qua đồi khác
đến tận chân trời. Cảnh tượng đó khiến con người tôi cứ rung lên một cách đầy
phấn khích. Sau đó, tôi đã trở lại và tiếp tục theo đường 9 lên Khe Sanh, Lao Bảo
và lại đón nhận những ngọn gió ào ạt hào phóng trên những ngọn đồi chập chùng
như vó ngựa nối nhau đến tận chân trời. Đường 9, có lẽ là không gian lãng mạn duy
nhất của Quảng Trị, tạo ra cho con người ta một cảm giác bay lên cùng trời đất.
Còn lại thì… buồn lắm.
Chúng
tôi bước xuống xe đò và một nỗi buồn vô hình ập đến. Có lẽ là nỗi buồn từ những
mái nhà tranh vắng lặng và cô đơn (ở đây đất rộng và nhà rất thưa !). Có lẽ là
nỗi buồn dậy lên từ đất đai vẫn còn đầy bom mìn rình rập. Có lẽ là từ những bụi
môn mọc lúp xúp dưới những vườn hồ tiêu rậm rạp (hồi đó giá hạt tiêu còn thấp lắm).
Cái nỗi buồn đeo đẳng đã theo tôi mãi đến sau này, trong những chuyến đi đến
Vĩnh Linh, Gio Linh hay Triệu Phong, Hải Lăng. Quê tôi cũng nghèo và buồn nhưng
ở đây còn nghèo và buồn hơn. Ngay lúc đó, cái lúc đặt chân lần đầu lên đất Quảng
Trị, tôi đã hiểu vì sao cho đến lúc này tôi mới đến nơi này, cái vùng đất có thể
nói là hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” của Huế tôi. Mặc dù lúc đó tôi đã
lãng du khắp những vùng đất xa xôi Đà Lạt, Nha Trang, Qui Nhơn, Buôn Ma Thuộc…
Tôi hiểu đó là cảm giác chạy trốn. Chạy trốn cái nghèo đói và buồn bã. Thú thật,
đó cũng là cảm giác khi tôi xách ba lô rời ngôi làng của mình lên đường nam tiến
ngay sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học. Nó như thể là bản năng, bản năng
chạy trốn. Xin lỗi Quảng Trị và bạn bè của tôi về sự từ chối này, nó cũng chỉ
là bản năng của một con thú chạy trốn khỏi hoang mạc khô cằn và thiếu thức ăn
mà thôi. Và hơn hết, xin cảm ơn vùng đất này đã dạy cho tôi biết rằng đừng bao
giờ chạy trốn trước nỗi khổ đau của người khác !
Ngay
trong chuyến đi đó, trong đầu tôi đã thì thào những câu thơ mà mãi đến hai mươi
năm sau (2010) tôi mới viết ra được:
“Tôi yêu Quảng Trị ngay từ lúc đó
Tôi ứa nước mắt khi chuyến tàu chợ đêm lầm
lũi chạy qua trảng cát dài Hải Lăng
Tôi nhớ không nguôi một sớm mai đường 9 nở đầy
hoa dã quì
Tôi quên sao được bữa rượu giang hồ dưới
chân cầu Đông Hà nửa đêm lạnh buốt”…
*
* *
Ngay
buổi chiều hôm đó, tôi và Hùng đen được mạ nấu cho một nồi canh môn với cá tràu
nêm ruốt và lá lốt, ngon tuyệt đỉnh. Đối với cái bụng lép kẹp suốt gần 24 giờ nếu
tính luôn cả đêm hôm trước, cộng thêm cái lạnh buốt và màn mưa rả rich bên
ngoài trời nhá nhem tối, thì cơm nguội cũng thành cao lương huống chi là nồi
canh môn nóng hổi với mùi lá lốt thơm ngào ngạt. Đó là một trong những bữa ăn
ngon nhất của đời tôi, mà sau này khi điểm danh lại, nó không phải là món cao
lương mỹ vị nào cả. Hai thằng ăn hết một nồi cơm và một nồi canh môn to đủ cho
một gia đình tám người. Nhưng có vẻ như vẫn còn thiếu một cái gì đó, vậy là ông
cụ liền mang ra một chai rượu cười tủm tỉm rất hiểu ý… Đêm đầu tiên với Quảng
Trị, tôi nằm nghe mưa rơi và nghĩ miên man đủ điều.
Sáng
hôm sau, Hùng đưa tôi đi thăm cầu Đầu Mầu, đồi Phu Lơ, những cái tên mà cứ nhắc
đến là nghe tiếng bom đạn gầm rú. Chúng tôi đi lên những ngọn đồi trồng bạt
ngàn tiêu của nông trường Tân Lâm. Tiêu ở đây chi chit trái. Mỗi trụ tiêu hình
tam giác xanh tươi, tạo hình như một cây tùng thường gọi tên là tùng bút. Cảnh
quan nơi này khiến tôi liên tưởng đến những khu trù mật trên Tây Nguyên, nó
khác hẳn với những làng quê Quảng Trị ở Hải Lăng, Triệu Phong, chang chang cồn
cát. Đất đỏ bazan này còn có thể trồng
cà phê, cao su hoặc những thứ cây công nghiệp khác. Sao đất màu mỡ và bạt ngàn thế
này mà lại nghèo đói ? Hai mươi năm sau trở lại Tân Lâm, cuộc sống vẫn không
thay đổi mấy, tôi thật sự không trả lời được câu hỏi năm nào đó. Chịu thôi,
không trả lời được…
*
* *
Sau
khi ăn hết hai nồi canh môn, một nồi cháo môn và một nồi cá mương kho dưa môn, chúng
tôi đón chiếc xe chở đá trên đường 9 về ga Đông Hà để trở lại cư xá đại học Tổng
hợp Huế, không quên vác theo một trái mít to làm quà cho lũ bạn. Chuyến tàu chợ
Đồng Hới – Huế chạy lầm lũi giữa bóng đêm. Tôi và Hùng ngồi trên bậc cửa cuối
cùng của toa chở hàng (để trốn vé). Im lặng giữa bốn bề bóng tối và tiếng tàu
chạy rì rầm giữa trảng cát Hải Lăng. Bên cạnh đường tàu là con đường quốc lộ nơi
một thời được gọi tên là “đại lộ kinh hoàng”. Thỉnh thoảng một ngôi nhà hiện ra
bên đường tàu với ánh đèn dầu leo lét và những bóng người dân quê. Một không
gian buồn da diết đến quặn lòng. Ngay lúc đó, tôi chợt hỏi, có phải đây là “địa
chỉ buồn” của vùng đất nước mấy trăm năm chiến tranh và chia cắt ? Và tôi tìm
thấy câu trả lời trong những câu chuyện tiếu lâm cùng tính cách hài hước, lúc
nào cũng hài hước, của những người bạn Quảng Trị.
Huế, ngày cuối đông 2012
Minh Tự
No comments:
Post a Comment