trong cuộc
thi sáng tác văn học
do
Hội
VHNT tỉnh
Bình Phước
tổ chức
lần
thứ
3 năm 2011.
Vĩnh và Sao Khuê ngồi đối diện nhau qua ánh lửa bập bùng. Gương mặt Sao Khuê biến dạng đi từng lúc theo điệu vũ của lửa. Sao Khuê ngồi bó gối nhìn vô định ra cánh rừng đen tối ngoài kia. Ánh mắt đó không còn trong veo không gợn chút đời như ngày anh mới gặp. Vĩnh ao ước thời gian ngừng lại ở khoảnh khắc này, không có lo lắng, không có mâu thuẫn, không có những ước mong đối lập nhau. Và không có sự chia xa phía trước. Mãi mãi anh ngồi nhìn cô như thế này. Sáu tháng trôi qua, mà mọi thứ xảy ra như của cả đời người. Cả hai đều quá mệt mỏi và sợ hãi với trò chơi sắp đặt của ông trời.
Trước
khi gặp Sao Khuê, trước khi đặt chân đến xứ sở này, Vĩnh còn chưa biết được mục
đích của đời mình là gì. Ra trường với bằng kỹ sư, cũng bôn ba một vài công ty
như những người đồng thời, nhưng Vĩnh không tìm thấy chỗ đứng của mình ở đâu
cả. Anh bước những bước đi mơ hồ trong đời, bồng bềnh không chạm đất. Rồi một
ngày Vĩnh làm chấn động tất thảy mọi người khi tuyên bố sẽ bỏ phố về rừng.
Nhưng không có gì để níu kéo Vĩnh ở lại, từ bỏ ý định “điên rồ” đó. Cha mẹ đã
mất, một mình anh làm đủ thứ nghề để tồn tại với đời tới giờ phút này. Họ hàng
anh ở quanh quanh đâu đó, nhưng sợi dây ràng buộc như bị chùng giãn, hết đát.
Người yêu rời xa vì quá chán nản cái gã hoang đường, những ý nghĩ lạ lùng trong
đầu anh mà cô không bao giờ nắm bắt được.
Ngày
cuối cùng nằm trong căn phòng trọ quạnh hiu, Vĩnh ngơ ngác buồn. Tại sao anh
sống ở nơi này hơn hai mươi năm, mà thấy vô cùng xa lạ? Một câu hỏi như từ vạn
cổ lại trỗi dậy: anh là ai, ký ức anh ở đâu? Không có! Hoàn toàn không có!
Tivi
đang phát sóng chuyên đề gì đó về vùng núi. Nơi anh đến cũng sẽ như thế này,
núi rừng và cây xanh, những mặt người xa lạ. Dù sao thì ở đâu với anh, mặt
người cũng xa lạ. Lời bình của đoạn phim hơi khiến anh giật mình, vì nó nhắc
đến một địa danh đúng với cái nơi anh sẽ đến. Trùng hợp ngẫu nhiên thật. Nhưng nó
cũng không gây sự chú ý bằng một ánh mắt! Ánh mắt lẩn khuất giữa núi rừng, và
nó không phải là nhân vật của đoạn phim, vì tiếng người đọc lời bình đều đều
vang lên, không hề nhắc đến ánh mắt vừa lướt qua khung hình, cứ như không ai
thấy cô, cứ như cô là sơn nữ lơ ngơ nào đó tình cờ lọt vào ống kính ngoài dự
kiến của đạo diễn, người quay phim, của tất tần tật những ai ở đó, trừ anh, một
khán giả truyền hình. Ánh mắt đó chỉ loáng qua, rồi tan lẫn vào những vòm
cây, mà sao ám ảnh Vĩnh kỳ lạ, như dòng điện giật làm rung chuyển cái tâm thức
đang ngủ yên của anh.
Vĩnh
lắc đầu tự nhạo mình. Tưởng như vô cảm cho chuyến đi này, mà anh lại suy nghĩ
quá nhiều, sinh hoang tưởng.
***
Lần
đầu tiên trong đời, Vĩnh thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa khi chạm những ánh nhìn
ngây thơ, khát khao cuộc sống nơi “thế giới của anh”. Với những đứa trẻ của núi
rừng này, anh đến từ một thế giới hào nhoáng, đáng mong ước. Kiến thức của anh
là những điều hoàn toàn mới mẻ và cuốn hút, giữ chân những cô cậu bé lam lũ
hàng giờ liền trong lớp học, tạm quên đi những trưa nắng cháy dang lưng trên
đồng, những chiều cắt ngang con suối lũ về nhà, những đêm mưa dầm phả hơi lạnh
buốt vào nhà qua khe vách hớ hênh.
Anh
sống say sưa như chưa bao giờ được sống. Bọn trẻ say sưa theo từng bài giảng của
anh, và truyền cảm hứng cho anh mạnh mẽ với những cặp mắt mở to, những cái
miệng há hốc ra nghe anh nói. Nói một cách lý thuyết thì anh tìm thấy ý nghĩa
cuộc sống của mình nơi đây, sau đằng đẵng hai mươi mấy năm trời tìm kiếm.
Nhưng
sao anh vẫn thấy thiếu vắng điều gì.
Rồi
điều đó đã đến. Ánh mắt ấy đã vụt hiện bên ngoài cửa lớp, rồi cũng nhanh chóng
biến mất sau khi chạm cái nhìn của anh. “Chắc mình có vấn đề gì đó về phân tâm
học thật!” Anh nhiều lần nghĩ như thế.
Nhưng
anh không thể không tin vào thị giác của mình khi bắt gặp thêm đôi lần ánh mắt
ấy len lén ghé qua ô cửa sổ. Ánh mắt thăm thẳm như chứa cả đại ngàn, không thể
lẫn vào đâu được. Anh ớn lạnh khi nhận ra đó chính là ánh mắt, nét mày anh đã
nhìn thoáng qua trong chương trình trên tivi dạo nọ.
Tiếng
gọi ngây thơ của học trò khiến anh trở về thực tại: “Thầy ơi! Thầy ơi! Thầy có
sao không!”
Anh
bắt đầu hành trình tìm kiếm đôi mắt đó vào những buổi không lên lớp, những giờ
nghỉ trưa. Tất nhiên anh phải giấu hành vi bất thường của mình. Đất và người
nơi này đang tin tưởng anh, không thể để niềm tin đó lay động.
Những
lối mòn trong rừng dần trở nên quen thuộc với anh, cũng như anh đã thuộc tên
từng món lá thuốc, từng cái hoa rừng, từng tiếng chim hót mà những người dân
bản địa đáng mến đã chỉ cho anh. Lâu dần, thú vui lang thang trong rừng đã trở
thành một thói quen, và anh cũng quên mất mục tiêu ban đầu là đi tìm ánh mắt
lạc loài nào đó.
Không
bao lâu mà Vĩnh dường như quên mất phố xá. Chốn rừng núi này anh cảm thấy được
yên ổn, kỳ lạ hơn, anh thấy thân quen như đã ở đó từ bao giờ.
Một
ngày nọ, cả buôn làng rúng động vì một cái tang ma không bình thường. Đó là đám
tang một bà cụ mà theo lời của già làng là đã mất tích từ lâu lắm, từ cái ngày
con ma rừng xuất hiện. Con “ma rừng” đó vốn là một đứa bé không cha. Mẹ nó là
người miền xuôi, bị “trời bắt tội” mà bụng mang dạ chửa lưu lạc tới buôn làng
rồi sinh ra nó. Sản phụ vừa sinh con xong thì cũng qua đời, theo luật tục của
dân làng, đứa bé phải được chôn theo mẹ để con ma rừng bị đuổi vào rừng sâu, không
ở lại phá phách dân làng. Kỳ lạ là trong lúc làm ma chay cho sản phụ xấu số,
đứa bé đó đã biến mất, cùng với một người phụ nữ không chồng con là bà H-mú.
Từ
đó biền biệt 17 năm trời không thấy H-mú quay trở về, ai cũng chắc mẩm bà đã bị
con ma rừng làm hại. Nào ngờ đâu nay bà đã quay lại với bản làng, trong hình
dạng một nắm xương tàn.
Vĩnh
ngồi yên như tượng khi nghe xong câu chuyện. Một câu chuyện quá bi thảm cho số
phận của những người trong cuộc, và cho cái luật tục khắc nghiệt của chốn rừng
sâu núi thẳm này.
Dân bản xôn xao trước sự xuất hiện đột ngột của H-mú:
- Thì ra lâu nay bà ấy vẫn còn sống ở trong rừng.
- Vì sao suốt bao nhiêu mùa rẫy rồi bà không quay về?
Già làng chép miệng:
- Hầy! Cọp chết quay đầu về núi!
Một người bỗng dưng buột miệng:
- Còn ma rừng thì sao?
- Chúng ta có nên tìm nó, đánh đuổi nó?
- Chắc gì nó còn sống chứ?
- Chắc phải cúng Yàng để xua đuổi hồn ma của nó!
Vĩnh như bừng tỉnh. Không dưng anh thấy lo lắng tột cùng cho
con ma rừng xa lạ nào đó.
Lễ tang cho H-mú diễn ra có phần lặng lẽ. Trong khi dân bản
đang lần lượt chờ đến phiên mình tắm nước cây ngải pha máu gà để cắt đứt sợi
dây kết nối với hồn ma H-mú, Vĩnh biến mất. Dân bản còn xôn xao hơn cả khi H-mú
xuất hiện:
- Thầy giáo biến mất rồi!
- Hay nó bị ma rừng bắt rồi? Nó chưa kịp rửa nước ngải…
- Tội nó! Cái bụng thầy giáo tốt mà!
Vĩnh không biết mình đi đâu. Anh cứ đi mãi trên con đường
mòn. Những ý nghĩ hỗn loạn trong đầu anh. Những con người anh từng yêu thương,
những con người vô cùng tử tế, với cái hủ tục ác nghiệt đang ở phía sau. Anh
hiểu gì về họ, khi đã cùng chung sống suốt một năm qua? Một đứa bé sơ sinh bị
ép đem chôn cùng mẹ… Anh rùng mình. Dù những câu chuyện như vậy anh vẫn đọc
được, nghe được, nhưng nó ở đâu đó trong những buôn làng xa xôi, giờ đây nó
diễn ra chính ở nơi anh đang sống. Sắp tới anh sẽ làm gì, nếu câu chuyện đó lặp
lại một lần nữa? Anh đứng nhìn một sinh linh bị chôn sống? Hay anh có đủ sức
ngăn cản đám đông? Lần đầu tiên anh tự chất vấn mình về chuyện đúng sai khi đặt
chân đến nơi đèo heo hút gió này.
Vĩnh cứ đi như thế, đêm tối xuống và trăng lên. Anh nhận ra
mình đã lạc đường, và đói khát đến lả người. Vĩnh hoang mang tột độ, cứ phía
trước mà dấn bước. Chợt anh trông thấy một làn sương mờ mỏng trước mặt, như một
bức màn chắn ngang anh và một thế giới khác. Như bị thôi miên, Vĩnh vẫn bước
tới, ấn mình vào màn sương đó. Mát rượi. Và ngay lập tức Vĩnh như lọt vào một
cảnh giới khác. Một khung cảnh rừng đêm đẹp tuyệt với đồi cây thưa, để ánh
trăng chiếu sáng mọi ngóc ngách. Một dòng suối êm đềm chảy ngang qua, với
đủ loài kỳ hoa dị thảo vẫn nở trong đêm một cách yên bình, như không biết đến
sự tồn tại của đời thực khắc nghiệt bên ngoài.
Vĩnh nhào tới dòng suối, uống lấy uống để. Nước ngọt và thơm
như pha mật. Vĩnh ngả người trên phiến đá và lập tức đối diện mặt trăng tròn
vạnh và bầu trời đêm trong vắt. Dòng suối trăng chảy trên người anh. Vĩnh rùng
mình vì mơ hồ nhận ra anh vừa tìm thấy mình, tìm thấy nơi chốn thân quen của
mình. Vì sao anh lại có cảm giác quá đỗi thân thuộc và dễ chịu như thế? Vĩnh
thiếp đi.
Tiếng chim hót trên cành và tiếng suối chảy róc rách đánh
thức Vĩnh dậy. Anh mở mắt và giật bắn cả mình khi thấy một cô sơn nữ đang đứng
nhìn chằm chằm vào anh. Anh như bị hút vào đôi mắt ấy! Chính đôi mắt ấy, đôi
mắt anh đã tìm kiếm một cách có chủ đích và vô định lâu nay.
Vĩnh choàng dậy, đưa mắt nhìn quanh. Cảnh vật xung quanh anh
đã chuyển từ đêm sang ngày, nhưng vẫn không đánh mất vẻ lung linh kỳ ảo của nó.
Vậy tất cả không phải là một giấc mơ. Nhưng mình đang ở đâu đây? – Vĩnh hoang
mang nghĩ. Cô gái này chắc không phải là nàng tiên, và thế giới anh đang
ngồi không phải là thế giới cổ tích.
***
Sáu tháng đã trôi qua kể từ lần gặp gỡ kỳ lạ đó của Vĩnh và
Sao Khuê.
Cô sơn nữ có cái tên của người miền xuôi là Sao Khuê, do bà
mẹ nuôi H-mú đặt theo lời căn dặn của người mẹ đã mất. Bà đã liều mình bế Sao
Khuê chạy trốn khỏi cuộc chôn sống, từ đó hai người biệt tích trong rừng, không
một lần dám quay lại. Mẹ H-mú tuy không sinh ra Sao Khuê nhưng Sao Khuê chỉ
biết có bà là mẹ, chỉ đến khi H-mú biết mệnh mình không qua khỏi, bà quyết định
ra đi và nói cho Sao Khuê biết về thân phận thật của mình. Tình thương đứa con
không máu mủ ruột rà không đủ lớn bằng một thứ tình thiêng liêng khác.
H-mú nhớ cái nương rẫy, nhớ buôn làng, nhớ nơi H-mú sinh ra.
Vào phút cuối của cuộc đời mình, sợi dây nối với mảnh đất của riêng mình nó mới
thắt chặt, mới bùng lên, thôi thúc mãnh liệt “cọp quay đầu về núi”. H-mú chưa
một lần dám đưa Sao Khuê trở lại buôn làng, vì cô chính là một con ma rừng ám
ảnh bao thế hệ dân bản chốn này.
Vĩnh chắp nối dữ kiện và đau xót khi đọc được đầu đuôi của
một câu chuyện dài 17 năm: đôi mắt ám ảnh giữa đại ngàn, đứa bé sơ sinh mất
tích cùng một phụ nữ, H-mú trở về để chết trong lòng dân bản…
Nhưng Vĩnh đã có một thời gian đẹp nhất của đời mình ở khu
rừng kỳ lạ, với người sơn nữ kỳ lạ mà cuộc đời mang đầy biến cố đó.
Sao Khuê như nàng Bạch Tuyết giữa núi rừng, bản năng và hồn
nhiên, như có một sức mạnh nội tại nào đó mà không thế lực nào xâm hại được.
Thú rừng thân thiện cô, gió núi ve vuốt cô, những bông hoa nở thơm làm đẹp lòng
cô. Không còn nghi ngờ gì nữa, Sao Khuê là vị thần nữ của nơi này, nơi cô thuộc
về.
Trong khu rừng đó với Sao Khuê, không có nghi kỵ, không có
tổn thương, không có những cuộc đua khốc liệt để dành vị trí, cũng không có hủ
tục man rợ nào đe dọa… Vĩnh bàng hoàng nhận ra đây chính là cuộc sống mà mình
tìm kiếm, một nơi thuộc về anh, anh thuộc về nó.
Sao Khuê đón nhận Vĩnh hồn nhiên như một đứa trẻ tìm thấy
bạn, tha thiết như con chim rừng tìm thấy bạn tình, đằm thắm như con trai con
gái yêu nhau.
Vĩnh quên hết những lạc loài quá khứ, quên hết những vết
thương xưa cũ, quên những con người đời thường anh gặp, quên cả quê hương bản
quán, vì dường như chính nơi này mới là quê hương bản quán của anh.
Nhưng có vẻ như tạo hóa đã sắp đặt sẵn, để người mơ ngủ luôn
thức dậy vào lúc giấc mơ đang đẹp.
Bên trong Vĩnh có một con người thứ hai đang phán xét. Những
con người chờ đợi anh, cuộc sống bên ngoài chờ đợi anh. Dù sao đi nữa, anh cũng
là con người của thế giới đầy bon chen ngoài kia. Anh không thể phủ nhận nguồn
gốc thực thể của mình. Vĩnh nhớ tiếng con người.
Như kết cuộc của một câu chuyện phải như vậy, Vĩnh muốn đưa
Sao Khuê trở về. Điều đó đồng nghĩa với việc kết thúc giấc mơ cổ tích, kết thúc
mọi thứ an nhiên và tự tại nơi này, để đón nhận một nơi trần trụi, gian nan,
bất trắc nhưng bình thường, theo soi chiếu của số đông. Nàng Bạch Tuyết cuối
cùng cũng phải về cung vua.
Nhưng nàng công chúa Sao Khuê đã ngủ quá lâu trong rừng. Mặt
khác nàng đang là một con ma rừng đáng sợ. Một con ma rừng sắc nước hương trời
khiến đàn ông trong bản thèm muốn lớn hơn cả sợ hãi, khiến phụ nữ căm ghét lớn
hơn cả sợ hãi.
Cho nên, dù hủ tục không còn, dù niềm tin ma rừng đã phai
phôi theo thời gian mà sự giao thoa văn hóa đã mài mòn, thì Sao Khuê vẫn là một
con ma rừng đáng sợ với sắc đẹp và sự sống bản năng quá mạnh trong cô.
Vĩnh và Sao Khuê trở thành tấm bia cho những thịnh nộ trần
tục mà không bao giờ Sao Khuê hiểu được.
Một lần nữa, già làng lại chép miệng: “Cọp quay đầu về núi”
khi Sao Khuê như con thú bị thương bỏ chạy tuốt vào rừng già, mãi mãi không bao
giờ dám quay lại thế giới loài người.
Sao Khuê, ngôi sao chỉ sáng và hùng cứ ở đại ngàn sâu thẳm.
***
Sao Khuê đẩy thêm củi vào bếp lửa đang bập bùng. Họ đã ngồi
như vậy gần suốt đêm. Đêm tàn cũng là lúc Vĩnh kiệt sức. Hai con người giằng xé
trong anh cũng thấm mệt, để yên cho anh ngủ một giấc sâu, có lẽ là cuối cùng.
***
Vĩnh thức dậy ngay trên bàn giáo viên trong căn lớp lụp xụp.
Học trò ngơ ngác nhìn anh. Anh cũng ngơ ngác không kém:
- Thầy đã ngủ sao?
- Dạ. Thầy ngủ lâu lắm rồi. Gọi Thầy không được…
***
Người thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết của buôn làng vùng cao,
một ngày nọ bỏ đi vào núi và không còn ai biết tung tích.
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say… (*)
Trương Huỳnh Như Trân
(Bình Phước)
Chú
thích: (*) Thơ Phạm Thiên Thư.
*****
Trương Huỳnh Như Trân là ái nữ của nhà văn Trương Đình Tuấn
- hội viên hội VHNT tỉnh Bình Phước
truonghuynhtth@gmail.com
Hình minh họa: Thiếu nữ Ê-Đê, ảnh của Đào Thọ
***
No comments:
Post a Comment