Nếu
món cá tràu kho khô là đặc sản của vùng đất này thì món bánh đúc là đặc sản của
riêng quê tôi. Bởi vì nhiều nơi làm bánh đúc ngon, thậm chí nổi tiếng khắp nước
nhưng bánh đúc quê tôi là đặc sản của riêng mỗi người dân ở vùng này. Dù già hay
trẻ, dù đang ở trong làng hay xa quê hương vị bánh đúc ấy vẫn mãi không quên.
Dù
là loại bánh dân dã nhưng chỉ đến khi có giỗ chạy, cúng kỵ mới được ăn bánh
đúc. Mỗi lần trong nhà có việc, khi gà gáy canh ba bác gái trở dậy để nấu
nướng. Bếp thổi rơm đỏ hừng hực. Gạo chọn để làm bánh là loại gạo mới, vừa thơm
vừa dẻo, được đánh tơi, nấu nhuyễn. Phải thật khéo trông và giữ lửa, nước sao
cho không được khô mà không ướt nhảo nhoét. Phần cơm nhuyễn được trộn thêm đậu
phụng. Đôi khi bác còn thêm da heo hoặc tóp mỡ heo gia tăng thêm vị béo cho
bánh. Sau đó, đổ ra mâm hoặc cái mẹt có trải lá chuối. Bác dùng vá múc cơm có
thấm mỡ heo vừa chầy vừa nén cho cái bánh thật chặt săn nhưng vẫn dẽo dai. Tiếp
theo là một lớp mè rang được rải lên bề mặt. Các chị dùng dao nhỏ cắt bánh
thành những miếng nhỏ hình bình hành, sắp lên đĩa. Tôi lúc nào cũng muốn tự tay
mình bưng đĩa bánh đúc đặt lên mâm cúng.
Bánh
đúc phải ăn với nước lèo. Nước lèo quyết định độ ngon của bánh. Nước lèo phải
được chế biến thật khéo vừa ngọt ngọt, chua chua, béo béo. Tôi chỉ nhớ là các
chị thường giã nhỏ gan heo hay gan vịt với đậu phụng làm nước lèo.
Sau
này đi ăn bánh đúc nhiều nơi, thấy người ta xay gạo thành bột rồi đúc thành
bánh nên khi ăn không cảm giác cái lộm cộm của gạo, không thấy mùi gạo thơm
quyện mùi lá chuối, vị mặn béo ngầy ngậy của mỡ heo lẫn trong bánh. Với bánh
đúc quê tôi có những cảm nhận riêng. Bánh đúc như sự kết tinh của trời và đất, một
sản vật từ bùn đất quê hương, từ công lao vất vả của những cuộc đời gian khổ.
Bánh đúc cũng là thể hiện lòng thảo hiếu của con cháu với tổ tiên, là văn hoá,
là hồn quê, là văn minh nhỏ trong nền văn minh lúa nước.
Cáp Xuân Tú
capxuantu@gmail.com
No comments:
Post a Comment