Võ VĂN HOA
là một trong những cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục của huyện Hải Lăng, và
cũng là một nhà báo-nhà thơ nổi tiếng. Anh
đã đoạt nhiều giải thưởng cao về văn học và báo chí . Ngoài các tác phẩm
in chung với các tác giả khác, anh có riêng cho mình ba tập thơ, một tài sản
không nhỏ so với nhiều cây bút miền Trung khác.
Thơ của anh được
nhiều người hâm mộ tìm đọc, được các tạp chí trân trọng và được các nhà
phê bình đánh giá rất cao. Anh Mai văn Hoan viết: " Thơ Võ Văn Hoa nhẹ
nhàng đôn hậu như hoa Dã thảo-loại hoa mà anh yêu thích". Anh
Phùng Ngọc Diễn nhận xét: " Ở Võ Văn Hoa, tôi đã thấy anh trải dài kí
ức của vài chục năm lăn lộn với nghề, với người...". Anh
Trương Đức Minh Tứ, cho rằng thơ Võ Văn Hoa " không điệu đàng, đánh
bóng câu chữ; không triết lý rối rắm, đánh đố bạn đọc"; thơ anh "
cứ hồn nhiên tuôn chảy, lắng câu trong lòng bạn đọc với một chữ tình:
tình yêu gia đình, bạn hữu đồng nghiệp; tình yêu quê hương đất
nước...". Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu bình luận: " Thơ Võ Văn
Hoa có cảnh thực, tình thực; và đã có được câu thơ mang được vẻ đẹp,
chất men say của ý nghĩ, cảm xúc..."
Khi đọc thơ
Võ văn Hoa, hình như ai cũng tìm thấy bóng dáng mình , kỷ niệm của mình,
hình ảnh của bạn bè thân thương, làng quê trìu mến của mình trong thơ anh.
Một tập thơ
là một hạt kim cương đa diện, lấp lánh nhiều màu sắc, mỗi người chỉ
thấy được một góc cạnh, thường đã lọc qua lăng kính của tâm hồn mình, nên đôi
khi có những khám phá, thậm chí trái chiều, mà tác giả không ngờ
đến.
Trước mắt tôi,
thơ Võ văn Hoa dày đặc những chuyến đi-về, trước và sau xe anh là những
chiếc giỏ, không phải chở đầy hoa phượng, mà chất đầy bộn bề những cảm xúc,
những tấm lòng, để đêm về trên Tri âm các, anh trải ra trang giấy thành
thơ.
Anh Võ văn
Hoa thường xuyên có những chuyến đi vì nhiều mục đích khác nhau mà nghề nghiệp
đòi hỏi: đi học tập, tham quan; đi hội thảo, họp hành, giao lưu khắp mọi miền
tổ quốc. Nhưng có lẽ những chuyến đi quan trọng nhất của anh là những chuyến
đi về nguồn để tỏ lòng nhớ ơn chiến sĩ đã hy sinh cho tổ quốc, để tỏ lòng
ngưỡng mộ những vị anh hùng đã đưa đất nước vựơt qua bão giông.
" ...đi dọc Trường Sơn / Tìm
lại dấu son những ngày khói lửa / Đồng đội em ngả xuống nơi nao
?" ( Có một nơi nào)
Và anh cũng không quên về Hải Khê thăm quê của nữ Anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm.
"Hôm qua về thăm chị / Trời
hải Khê nắng vàng / Dấu chân ai trên cát / Gió biển lộng thổi tràn!" (Ở
một chân trời quê hương)
Dù dấu chân chị
từng in dấu trên bãi cát nầy đã bị sóng biển xóa nhòa từ lâu nhưng chiến công,
sự can đảm, tấm lòng yêu thương đồng đội đồng chí của chị đã ghi vào lịch sử và
được người dân Hải Khê nói riêng và dân Quảng Trị nói chung đời đời ngưỡng mộ.
Sau những chuyến
đi về nguồn, anh bắt đầu những chuyến đi thăm huyện nhà.
" Tôi đưa em về huyện trủng
Hải Lăng / Qua Hải Tân, Hải Hòa, qua Ô Lâu trong xanh...
Tôi sẽ đưa em về La vang, về trằm
Trà Lộc.../ Ăn cháo bột Diên Sanh / Về biển trời bao la Mỷ Thủy trong lành...
Tôi sẽ đưa em lên vùng đồi Hải Lâm,
Hải Lệ / Bạt ngàn rừng xanh.
Ngược dòng Thác Ma, qua Vực kè , Tân
Lý..."
Trên huyện nhà
Hải Lăng không có nơi nào mà anh chưa đến, một việc tưởng giản đơn nhưng ít ai
làm được. Bài thơ đã giới thiệu được hầu hết địa danh và phong cảnh hữu tình
của huyện nhà. Anh yêu mến và nhạy cảm với vẻ đẹp của thiên nhiên quê
mình, đặc biệt không khí trong lành, đời sống thanh bình, con người giàu nhân
nghĩa, tình cảm nồng nàn.
Tôi nhớ mang máng
trong một truyện ngắn nước ngoài, chủ nhân ngôi nhà sau khi đọc
bài quảng cáo rao bán ngôi nhà trong đó người môi giới đã mô tả căn nhà
có nhiều vẻ đẹp mà bấy lâu nay họ không nhận ra. Thế rồi sau khi cân nhắc, chủ
nhân ngôi nhà quyết định không bán nhà mình nữa và ở lại đó mãi mãi.
Người dân huyện
Hải Lăng có lẽ cũng như thế . Sau khi đọc thơ Võ Văn Hoa, họ sẽ không ngờ
quê mình đẹp thế và chắc chắn sẽ yêu quê mình nhiều hơn.
Qua dòng Ô Lâu,
anh không quên giai thoại chuyện tình Cây Đa Bến Cộ và bất chợt thốt lên
những vần thơ có giai điệu mượt mà nhất, duyên dáng nhất, mênh mang nhất.
" Dòng sông Ô Lâu - dòng sông
đi về đâu?/ Em đưa tôi chiều tà xế bóng/ Để lòng ai xao động!/ Để lòng ai bâng
khuâng!"
Nhà thơ Hoài
Quang Phương khi đọc thơ Võ Văn Hoa đã hình dung một bức tranh có "đôi
cánh thơ bay trong bầu trời thất tình với sự phản chiếu của dòng Ô Lâu cô đơn
trên nền trời vô định". Hình ảnh đó giúp ta cảm nhận được "
tình yêu của thi nhân ảo huyền, xót xa mà vẫn nuôi hy vọng". Chính
giai điệu có sẵn trong bài thơ đã lôi cuốn Phan Thạch Hùng chọn bài thơ
này để phổ nhạc.
Qua thơ anh,
chúng ta được gặp những người hết sức dễ thương.
Thường xuyên là những thầy cô giáo
giàu lòng mến trẻ công tác ở vùng xa, có người phải lội bùn đến lớp như một nông dân.
" Về Càng mới thấy càng khổ
nhọc / Lội bùn cô giáo đến trường xa / Yêu thương con trẻ đâu còn nhọc / Những
mầm, chồi, nụ biến thành
hoa" (Về Càng)
Mặc dù phải chịu
đựng khó khăn nhưng không phải không có những giờ dạy tốt.
" Giờ học hôm nay, học sinh
ngoan hơn / Đã lớn lên từ lời em giảng / Môn sinh vật tưởng chừng khô lắm / Qua
lòng em nghe hạt lêm
mầm" ( Bông hoa đỏ)
Ta gặp được
những người bạn nghèo nhưng vô cùng hiếu khách mừng rỡ tiếp đón anh.
"Lâu lắm anh mới về thăm Càng/
Trong mùa nước nổi vượt đò sang / Bạn đem chai rượu ra mừng đón / Mồi sẵn chung
quanh diệc với ngàn..." ( Về
Càng)
Bà con nông
dân cũng sẵn sàng thết đãi anh bằng những món dân dã.
" Người dân làng Rào / Chân
chất thật thà , bến quê neo đậu / Lươn, ốc , chuột đồng ... thơm mùi xào nấu /
Thết khách miền xa" (
Làng Rào)
Bà con ai cũng
mến anh, ngay cả chú bé chăn trâu, cứ thấy chú về là vui.
" Lâu chú mới về thăm làng /
Gặp cháu nghêu ngao gõ sừng / Tan học, chăn trâu giúp mẹ / Chú về vui đến
sau
lưng"
(Đứa bé chăn trâu đồng làng)
Nơi anh đến là
quê nhà, người anh gặp là bạn bè, đồng nghiệp, bà con, không ai xa lạ ,
do đó hạnh phúc của họ cũng chính là hạnh phúc của anh.
" Con đi trên hai bờ kênh êm /
Nắng dạt dào nở hoa sóng nước...
Nước đã về rồi - bao nỗi hân hoan...
Con muốn bơi giữa dòng đời đẹp thế!/
Báo tin vui - Ngày-nước-đến muôn làng"
( Nước đã về trên cánh đồng Triệu Hải, mẹ ơi!)
Vất vả của họ
cũng là vất vả của anh.
" Gánh cá chiều chạy từ biển
lên / Đòn gánh cong đời mẹ / Người phu già khuân miền dâu bể / Điếu thuốc lào
phả khói hoàng
hôn" (Chợ
hôm)
Đi và về đôi khi không
khác nhau là mấy, nhưng thường thường, đi có nghĩa là đến nơi mình chưa đến bao
giờ, còn về là trở lại nơi mình đã từng ở, do đó người ta thường nói về quê,
không ai nói đi quê.
Quê anh cách nhà
không xa lắm, nhưng vì bận công tác, anh không về thường xuyên.
Mỗi lần về đối
với anh là trở lại với những kỷ niệm của thời niên thiếu, những mối tình học
trò vụng dại.
"Bi chừ ta bỏ cuộc chơi / Ngàn
năm thương nhớ về nơi chốn này / Một thời ta đã mê say / Gió xuôi trảng cát cầm
tay ru tình" (Gió
về miền xuôi)
Nói đến trảng cát
người ta biết ngay là truông cát Cu Hoan, ngày xưa, bên kia rú chắn cát
là những cồn cát, nơi trẻ con thường leo lên chơi, người trước cầm tay người
sau, la ó cười vang, vui hết chỗ nói. Và một lần tình cờ anh được cầm tay một
người con gái nào đó, và chỉ thế thôi, mà vẫn để lại nỗi niềm thương nhớ
"ngàn năm".
Thế nhưng rồi
người bạn gái thời niên thiếu ấy chẳng biết theo chồng về đâu, chỉ có con bướm
vàng ngày nào vẫn nhởn nhơ bay lượn như cố tình trêu người.
"Về quê cải đã ra ngồng / Có
con bướm trắng lượn vồng khoai non / Nhỡ ai tính chuyện vuông tròn / Tháng
giêng hoa cải vẫn còn ra
hoa" ( Cải đã ra ngồng)
Đi-về nói trên
theo nghĩa thông thường, tức là phải chuyển dịch từ nơi này đến nơi khác. Tuy
nhiên, đôi khi người ta chỉ cần ngồi một chỗ mà cũng có thể đi về. Đó là về với
nội tâm để chiêm nghiệm cuộc đời.
" Nửa đêm dậy điểm trà /
Điếu đóm cùng lá hoa / Nhận ra mình lão thực / Trong những mùa xuân qua"
....
" Nhận ra đời muôn mặt / Dâu bể
cuộc tương phùng"
Nhận ra không
phải để chán chường, mà :" Ta thấy mình vui vậy / Cuộc đời dài có mấy /
‘ Tri túc' bốn mùa
xuân"
(Độc
thoại ở tri âm các)
Minh Tứ đã
viết: Võ Văn Hoa " không thích triết lý rối rắm" . Có lẽ anh
không mấy thích ngồi "độc thoại" , mà thích đối thoại, thích giao
tiếp , thích những chuyến đi về để gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện. Sống có
ý nghĩa là sống cùng, sống với, bởi vì sống thui thủi một mình thì chẳng ai
biết mình đang sống.
Đi-về với Võ văn
Hoa như một nghiệp dĩ, một định mệnh, một cách để làm thăng hoa cuộc sống. Đi
về với giỏ xe chất đầy những tứ thơ mới nảy thơm như những nụ hồng mới nhú
là những chuyến đi về nhẹ nhàng như mây; những chuyến đi về trong hạnh phúc
không phải chỉ cho mình mà cho biết bao người xung quanh.
Nếu vì một lý do
nào đó mà anh không thể đi được thì lòng anh nóng như lửa đốt, trăn trở như hổ
nhớ rừng.
" Cơn mưa đầu mùa xối xả ngoài
hiên / Có một người trong tim bão nổi / Tôi đi ngược phía chiều gió thổi / Cõi
lòng ơi! Sao dứt thuở đi
về!" (
Bão)
Đi-về, gặp gỡ ,
giao lưu, sẻ chia , với anh là cuộc sống, là thơ. Không đi về, không có thơ.
Thế nên đừng "dại" mà khuyên can anh, bởi chính vợ anh cũng không can
anh nổi.
" Vợ bảo một mai mây trôi bèo
dạt / Trong anh còn maĩ nẻo đi về!"
( Tản mạn đêm thị trấn)
Chúng ta chỉ mong
anh khỏe để làm tròn công tác, khỏe để đi-về, để chúng ta còn được mãi
đọc những vần thơ "đa mang cảm xúc trữ tình", " chắc
mộc, giản dị mà thấm thía" , "nhẹ nhàng đôn hậu như hoa Dã
thảo- loại hoa mà anh yêu thích" như các nhà thơ, nhà văn đồng hương của anh đã nhận xét.
Nguyễn Khắc Phước
ngkhacphuoc@gmail.com
No comments:
Post a Comment